Tôi co ro trong phòng đợi đơn sơ, cảm thấy bốn bề lộng gió, hắt xì chảy mũi mấy lần, cuối cùng mất kiên nhẫn hỏi: “Tụi mình tới khách sạn chờ được không?”
“Tớ vẫn chưa đặt phòng, yên tâm, mùa ế khách nhiều phòng trống lắm.” Ngô Thừa Thừa làm vẻ đã tính toán cả rồi, “Tới lúc đó vừa đi dạo vừa so sánh, chọn chỗ tốt ở.”
“… Được rồi.” Ở phòng đợi vắng như chùa bà đanh, chắc cũng chẳng có ai thật. Nhưng tôi đã đợi đến mức mất kiên nhẫn, đứng dậy giậm chân, “Rốt cuộc là chờ ai nữa?”
“A, xe đến rồi kìa.”
Một chiếc xe buýt rẽ vào bãi đậu, theo quán tính lắc mấy cái rồi mới dừng hẳn. Cửa xe mở ra, chàng trai cúi đầu bước xuống.
—
“Từ Chi Dương!”
Ngô Thừa Thừa đi tới đón: “Trễ quá đấy, có biết bọn tớ đợi lâu lắm rồi không, chết cóng tới nơi rồi.”
“Bị kẹt xe ở đường cao tốc, phải đi đường vòng.” Dừng một lúc, cậu cười nói, “Cậu uốn tóc thế này, chú Ngô có nói gì không?”
“Núi cao hoàng đế xa, bố tớ không quản được tớ đâu.”
Từ Chi Dương gật đầu hùa theo, ánh mắt dừng lại ở tôi, hỏi: “Bị cảm à?”
Bất giác định trả lời, nhưng ép mình nghiêm mặt, nói: “Người đến rồi, giờ đã đi được chưa.”
Đang định quay gót thì khóe mắt chợt bắt được bóng người thấp thoáng trong xe, loạng choạng chạy xuống lao đến bên tường.
Một thoáng vụt qua, là bóng hình thân quen.
Ừm, là Lý Miễn, dưới cái nhìn chăm chú của cả bọn, cậu ta nôn thốc nôn tháo…
Một lúc sau, cậu mới lau miệng xoay lại. Mặt tái mét, hốc mắt hoen đỏ, nhưng vẫn vờ trấn tĩnh: “Đi đường vòng, xe lắc lư quá.”
Sau đó ném nửa túi khăn giấy cho Từ Chi Dương: “Trả cậu.”
“Cậu giữ đi.” Lại ném về.
Trong bến xe trống trơn, một thứ mùi khó hình dung phiêu tán theo gió. Tôi nhìn Ngô Thừa Thừa, cậu ấy lúng túng cười xòa: “Giờ đủ rồi đấy, chúng ta đi thôi.”
—
Ra khỏi bến xe buýt, có một chiếc xích lô tiến tới. Anh lái xe nhiệt tình bắt chuyện: “Các em may mắn đấy, kịp lễ hội hoa đăng, buổi tối rất đẹp, còn có thể thả đèn cầu nguyện.”
“Lễ hội hoa đăng?” Ngô Thừa Thừa dừng chân, “Sao em không nghe nói?”
“Mới bắt đầu hôm qua, em xem hôm nay làm gì có ai, do tới trễ đấy, vì mọi người vào nội khu cả rồi.”
Sau đó bắt đầu bật chế độ hướng dẫn du lịch. Khỏi phải nói, ông anh này dẫn chuyện rất cao tay. Đầu tiên là cứ khen dịp lễ hội hoa đăng hiếm có, sau đó nói cần phải mua vé vào cửa, cuối cùng lại bảo, thân là cư dân ở thị trấn, có thể dẫn chúng tôi ra vào miễn phí.
Nói tóm lại, nhìn anh ấy thật thà chất phác, giá vé cũng hợp lý, thế là chúng tôi cứ thế ngồi lên xích lô.
Không gian chật hẹp, ngồi đối diện nhau, đầu gối kề sát. Tôi cực kỳ khó chịu, một người mới tuyệt giao, một người mới gây gổ, nói tóm lại không biết nên phản ứng gì.
Thế là quay mặt đi nhìn ra ngoài, nhưng hứng gió lạnh lại chảy nước mũi, bỗng gục đầu một cái, lúc sắp đập vào thành cửa thì may có Lý Miễn đỡ trán.
Cậu vẫn còn khó chịu vì say xe. Thu tay về lấy nửa túi khăn giấy kia ra, im lặng đưa tôi.
Hai đứa điên như diễn kịch câm, khiến bầu không khí trở nên nặng nề. Ngô Thừa Thừa dứt khoát ngoái đầu hỏi: “Anh ơi, còn bao xa nữa anh?”
“Sắp rồi sắp rồi, anh đi vòng là tới.”
Xe xích lô chạy tới khu vực tường trắng ngói đen, trông có vẻ là vùng ven cổ trấn. Anh ta chậm tốc độ, thỉnh thoảng ngoái đầu nói chuyện: “Các em đã đặt phòng chưa?”
“Vẫn chưa.”
“Thế thì chết, lễ hội hoa đăng đông người lắm em ơi, giờ chắc chắn không còn chỗ đâu.”
Ngô Thừa Thừa phát giác sai lầm, vội hỏi: “Thế làm sao bây giờ? Liệu có ở chỗ khác được không?”
“Ừm… Họ hàng của anh còn nhà trống, ở ngay đằng trước, để anh hỏi giúp bọn em xem có được không.”
Lý Miễn nhắm mắt nghỉ ngơi, Từ Chi Dương nặng tâm sự, đầu tôi đặc quánh, không có dị nghị gì. Sau một hồi cám ơn, cứ thế đi vào nhà của người thân.
Mảnh sân hoang liêu, cỏ mọc um tùm, trong góc có mấy lu nước. Hai căn phòng kề nhau, trên cửa treo ổ khóa đã rỉ sét.
Mở cửa đi vào, một mùi mốc phả vào mặt. Một chiếc giường gỗ như chiếc kiệu, chăn mền thêu bông đỏ thẫm, ngoài ra chỉ có một chiếc TV nho nhỏ, không tín hiệu, mở lên chỉ có tạp âm xoẹt xoẹt.
Hồi trước có một bộ phim kinh dị tên là
Giày thêu hoa, ngay khoảnh khắc bước vào phòng, tôi lập tức nhớ đến nó.
Ngô Thừa Thừa nhắm mắt, nói đó gọi là nét đặc sắc, hơn nữa có còn hơn không, chí ít vẫn hơn không tìm được phòng. Lúc này chúng tôi vẫn chưa phát hiện là đã bị lừa.
Băng qua con ngõ âm u bé nhỏ kéo dài, đi vòng mười tám ngã rẽ mới đến trung tâm trấn cổ, dọc bờ sông du khách lác đác, đi tới lối vào nhìn quanh, vé miễn phí.
… Vẫn ôm tâm lý may mắn.
Đợi tới khi màn đêm buông, xung quanh đen kịt. Bốn đứa mò tường quay về, ngoài ánh sáng yếu ớt phát ra từ màn hình điện thoại, nào có bóng dáng của lễ hội hoa đăng?
Ngô Thừa Thừa thở hắt: “Mẹ nó! Bị lừa rồi!”
—
Vất vả quay về căn nhà âm u từ con ngõ âm u.
Gió thổi chấn song kêu kẽo kẹt. Tôi nằm trên giường mà cứ khó chịu, không tài nào ngủ nổi. Ngô Thừa Thừa nhúc nhích, thấp giọng hỏi: “Khương Lộc, ngủ chưa?”
“Chưa, không ngủ được.”
“Tớ cũng thế.”
Mấy giây yên lặng, cậu ấy khẽ mở miệng: “Lý Miễn bây giờ khác với hồi tớ gặp lúc cấp 3 quá.”
“Khác thế nào?”
“Ừm… Hồi đó rất dễ kích động, tớ với Từ Chi Dương cãi nhau một trận rất to với cậu ấy. Bây giờ có cảm giác điềm tĩnh hơn nhiều, nhưng
có vẻ không thích nói chuyện. Vì sao các cậu lại tuyệt giao, tính cậu ấy như bây giờ mà vẫn cãi nhau được à?”
“Vì sao tuyệt giao ư…” Tôi ngẩng mặt trợn mắt, lẩm bẩm: “Tớ cũng không biết.”
Trên nóc giường là hoa văn rắc rối, càng nhìn càng thất thần. Suy nghĩ xoay chuyển nghìn lần, bắt được một dòng từ rất lâu, chợt mở lời: “Thừa Thừa, hồi trước cậu viết thư cho tớ, cậu nói…”
“Tớ nói tớ thích Lý Miễn.”
Cậu ấy tự nhiên tiếp lời, như thể đã sớm biết tôi muốn hỏi gì. Sau đó lật người lại, bảo: “Hồi nhỏ không hiểu chuyện, không phải tớ còn từng thích Từ Chi Dương à, không tính.”
Bức thư ấy vẫn luôn canh cánh trong lòng tôi, nặng đến mức chìm xuống rất sâu, đến nỗi có thể giả như không tồn tại. Mà một câu nhẹ bâng của cậu ấy lúc này khiến đầu óc tôi trở nên trống rỗng, ngạc nhiên xoay lại, nhưng chỉ thấy mỗi bóng lưng.
Một lúc lâu sau tôi mới hỏi: “Đã ngủ chưa?”
Không nghe tiếng đáp.
—
Bật sáng màn hình điện thoại, 10 giờ 40 phút.
Thực ra vẫn chưa muộn, nhưng trong ngôi nhà yên tĩnh này thì không khác gì nửa đêm.
Tiếng thở đều đều vang bên tai, Ngô Thừa Thừa đã ngủ rồi. Tôi rón rén đi vào nhà vệ sinh, phát hiện mình đã đến kỳ, chẳng trách cả ngày cứ bứt rứt khó chịu.
Lần này khó xử rồi, tìm hoài tìm mãi cũng không tìm thấy băng vệ sinh đâu. Chần chừ trước cửa mấy lần, cứ nghĩ tới con ngõ đen nhánh kia là lại thấy sợ.
Nhẹ nhàng mở chốt, lại đóng vào. Tiếp tục mở ra, rồi đóng nữa. Đấu tranh tư tưởng chừng mấy bận, bỗng nghe tiếng cửa mở từ phòng bên.
Sau đó không có âm thanh nào khác.
Tôi hé mở, thấy có người đứng trước cửa châm thuốc. Ho một tiếng, Lý Miễn ngoái đầu.
“Cậu định ra ngoài à?” Cậu dập thuốc.
“… Mua đồ.”
“Mua gì? Tớ đi cùng.”
“À thì…” Tôi vòng vo, “Tự tớ đi được.”
Khép cửa lại, mượn ánh sáng từ phòng bên, lấy hết can đảm đi tới sân nhỏ. Ló người liếc nhanh vào con ngõ tối om om, nuốt nước bọt, cơ thể bất giác lùi về sau.
Cảm thấy cứ đứng trơ ra đó thì ánh mắt cũng không thích ứng được với màn đêm, mà sợ hãi thì cứ tăng nhanh.
Tôi siết chặt tay quay trở vào, coi như không xảy ra chuyện gì.
“Không đi à?” Cậu vẫn còn ngồi nơi đó.
“Ừ.”
Lạch cạch tiếng mở cửa, thấy Từ Chi Dương cũng đi ra, đạp nhẹ một phát vào khoeo chân Lý Miễn, giọng đều đều: “Cậu đi với cậu ấy đi.”
Cậu ấy suýt ngã nhào, ngoái đầu nhìn, vẻ mặt khó hiểu.
Tôi cũng sửng sốt, ba người nhìn nhau trong chốc lát, Từ Chi Dương nói: “Tớ đi ngủ trước, không tắt đèn, để đèn cho các cậu.”
—
Thời bấy giờ điện thoại chưa có chức năng đèn pin, phải mượn ánh sáng màn hình soi dưới chân.
Lặng lẽ không tiếng động càng khuếch đại nỗi sợ hãi. Tôi bất giác đi sát Lý Miễn, nghe tiếng vải chạm nhau mới yên tâm.
“Sợ à?”
“Ừ.” Tôi đáp, sợ hãi khiến con người thành thật hơn.
“Nói chuyện gì đó đi.”
“… Sao cậu lại đến đây?”
“Ngô Thừa Thừa bảo tụ tập, cũng lâu rồi cả bọn không liên lạc.” Cậu trầm ngâm, “Đâu thể tuyệt giao với mọi người thật được, nào có nhiều 20 năm để quen biết người khác như thế.”
“Ừ.” Hóa ra cậu ấy cũng luyến tiếc.
“Khương Lộc, nếu lúc ấy cậu không đưa tớ tờ giấy đó thì tớ đã chẳng ở đây.” Giọng cậu rất khẽ nhưng rất chắc chắn, “Tớ sẽ không thi đại học, cũng không đến Bắc Kinh, tớ không biết mình phải làm gì, có thể sẽ sửa xe ở ven đường.”
Tôi chợt nhớ đến một điều, ngước nhìn cậu, lời đến bên môi lại không biết phải nói thế nào.
“Chú có một chiếc xe, là bố dượng tớ. Tớ phá mấy lần, phá xong vẫn phải mang đi sửa, nhìn một hồi khắc biết.” Cậu tự giễu, “Tớ mới nghĩ, bằng không sau này tìm một thành thị nhỏ xa xôi, mở một tiệm sửa xe cho xong.”
“… Hóa ra đó là cậu à.”
Cậu nhìn tôi gật đầu. Muốn nói gì đó, nhưng lại thôi.
Không nhớ đã quẹo mấy lần, chỉ biết đi thẳng về phía trước, tới mỗi ngã ba là lại lựa chọn rất nhanh, tin chắc đó là đúng.
Nhưng có vài việc đâu dễ dàng lựa chọn.
Với những người quan trọng của chúng ta, tiến một bước có thể nắm chắc không, lùi một bước liệu có còn lối thoát?
Đã có người tìm được câu trả lời, mà có người vẫn do dự lựa chọn.