[Phần 1] Tỏa Sáng Cho Chàng

Chương 22


trước sau

Edited by Bà Còm

Mặc dù Tiết Vân Đào từ quan giữ tang trong một năm nhưng vẫn được các đồng liêu cũ mời đến nha sở, ông không ra mặt dạy học, chỉ là ở phía sau phòng hỗ trợ. Tiết Vân Đào có học thức phong phú, làm việc ổn thỏa, sửa sang sách cổ tư liệu rất tường tận, văn tập biên soạn cũng thuần thục, được đủ mọi khen ngợi.

Tiết Thần ở trong phủ lên kế hoạch sửa đổi hình thức kinh doanh của các cửa hàng. Mỗi ngày Ninh thị đều phái người tới đưa nàng chút thức ăn do Đông phủ làm hoặc là hoa lụa trang sức, bởi vì Đông phủ và ngõ Yến tử chỉ cách nhau hai con phố. Khi Tiết Vân Đào và Lư thị vừa mới thành thân, Lư thị còn mỗi ngày lên xe ngựa đúng giờ Thìn chạy đến thỉnh an Ninh thị, sau này Ninh thị tự cảm thấy không kiên nhẫn bèn miễn cho ngõ Yến tử thỉnh an mỗi ngày. Nhưng hiện giờ Ninh thị lại mỗi ngày đưa đồ cho Tiết Thần, Tiết Thần làm sao có thể không đến nói lời cảm tạ chứ?

Nhìn hai hộp đồ ăn bên trong đều là điểm tâm do đầu bếp Đông phủ mới làm, Khâm Phượng thay Tiết Thần bày ra trên bàn. Tiết Thần chỉ lấy một cái bánh dẻo cắn một miếng nhỏ để nha hoàn Đông phủ sai tới về phục mệnh. Sai khi nha hoàn kia đi rồi, Tiết Thần liền thưởng cả bàn điểm tâm cho Khâm Phượng và Chẩm Uyên để các nàng tự phân phối cho nhau.

Khâm Phượng tuy rằng mỗi ngày đều có thể thu được đồ tiểu thư đưa nhưng cũng không thể hiểu được tâm tư của Lão phu nhân Đông phủ: Nếu nói Lão phu nhân quan tâm tiểu thư, chỉ là thời điểm phu nhân của các nàng qua đời cũng đâu thấy Lão phu nhân có bao nhiêu chú ý; còn nếu nói không quan tâm, thì mấy ngày nay cơ hồ ngày ngày đều sai người tới tặng đồ. Khâm Phượng vừa thu điểm tâm bỏ lại vào hộp đồ ăn vừa hỏi Tiết Thần: “Tiểu thư, ngài nói Lão phu nhân đây là có ý gì thế?”

Tiết Thần đứng trước cửa sổ sửa sang hai bồn thược dược, nghe Khâm Phượng hỏi như vậy liền thuận miệng đáp: “Có ý gì chứ? Mỗi ngày tặng đồ cho ngươi còn không tốt à.”

Khâm Phượng vội vàng xua tay giải thích: “Không phải không phải, nô tỳ chỉ cảm thấy kỳ quái thôi.”

Tiết Thần cong môi quay đầu lại nhìn nàng ta một cái, tâm tình tựa hồ không tồi nhưng không cùng Khâm Phượng nói gì. Tiết Thần chờ thu thập xong đồ ăn mới sai bọn họ: “Kêu người đóng xe ngựa sẵn, giúp ta chuẩn bị xiêm y, chờ lát nữa đi Đông phủ tạ ơn. Mang theo hai chậu minh lan diễm sắc hôm qua hoa viên đưa tới.”

Tiết Vân Đào thích phong lan, trong phủ có nhà ấm chuyên trồng lan. Tiết Thần cảm thấy dưỡng lan thật sự phiền toái nên không đụng tay, nhà ấm trồng hoa đưa tới thì nàng trưng ra, nếu không đưa thì nàng cũng chẳng để ý. Ninh thị là sư phụ của Tiết Vân Đào về thưởng lan, bởi vì chủ mẫu rất thích phong lan cho nên người trong Đông phủ cũng đều phải thích loại hoa này, mặc kệ là thật thích hay giả thích. Cho nên Tiết Thần tặng bất cứ đồ quý báu gì cũng đều bị cho là con buôn tục tằng, chỉ tùy tay lấy chậu lan đem đi thì mới có thể làm Ninh thị lau mắt mà nhìn.

Tại phương diện này Lư thị không khéo đưa đẩy như Tiết Thần, cũng xác thật không có ánh mắt phẩm vị bằng Tiết Thần.

Đời trước Tiết Thần làm phu nhân Trường Ninh Hầu, được học tận mắt cách sống của thế gia đương nhiên phải giỏi hơn Lư thị xuất thân thương gia nhiều. Khi Lư thị gả đến Tiết phủ cũng không được Ninh thị dạy dỗ cùng phu quân chỉ điểm, đối với những chuyện tình đời chỉ có thể tự mình mò mẫm, nhưng mãi đến khi bà chết cũng không mò ra người Tiết gia chân chính yêu thích thứ gì, người Tiết gia thích thanh nhã, chỉ xét theo thân phận của Lư thị mà nói thì rất khó có sự liên hệ với chữ "nhã".

Theo Tiết Thần nhận xét, Tiết gia tự hào là gia đình có học: Tổ phụ Tiết Kha là chưởng viện học sĩ của Hàn Lâm Viện, chức quan tứ phẩm, bản thân Tiết Kha cũng xuất thân Tiến sĩ; Tiết Vân Đào thì từ nhỏ tài danh đã lan xa, sau khi đậu Tiến sĩ, dù không là Tam khôi nhưng việc làm thì lại có thể so với Tam khôi.

Chỉ cần chờ sau một năm mãn tang Lư thị, Tiết Vân Đào tự nhiên sẽ có quý nhân tiến cử nhận chức Bí thư Thừa tự, từ đấy đường quan vận hanh thông.

Tiết Thần lại tiếp tục tu bổ bồn thược dược, cắt tỉa một ít nhánh cay nhỏ không cần thiết rồi mới rửa tay đi vào trang điểm. Tiết Vân Đào chỉ có một năm hiếu kỳ, nhưng Tiết Thần lại phải giữ ba năm: Trong ba năm hiếu kỳ nàng không thể mặc bất kỳ trang phục diễm lệ nào; trong vòng một năm đầu nàng ra cửa phải buộc một mảnh vải bố trắng to bằng bàn tay ở vạt áo trước, một năm sau mới bỏ đi.

Tiết Thần mặc một bộ váy dài chấm gót bằng lụa trắng ngà với hoa văn lá trúc, kết hợp với áo cánh màu lam nhạt không chút hoa văn nào, bên hông treo một túi gấm Hằng nga, dải lụa thắt quanh eo kết thành cái nơ con bướm trước bụng, túi gấm rũ xuống trên làn váy hai tấc, đong đưa theo nhịp bước chân thật sinh động khiến cho bộ váy trắng có thêm một tia sức sống. Mái tóc đen nhánh theo quy lệ hiếu kỳ phải xõa rối tung, nhưng Tiết Thần là nữ hài nhi mà để vậy ra cửa không khỏi bất nhã, bèn chọn cách vấn tóc thành búi nghiêng qua một bên, lấy một cây trâm bạch ngọc hoặc trâm trân châu để cố định, trên mặt không thoa phấn vẫn có thể thấy được vẻ thanh lệ tuyệt luân.

Tiết Thần đoan trang tú mỹ, nhịp chân vững vàng, bước đi như gió. Khâm Phượng và Chẩm Uyên mỗi người cẩn thận ôm một chậu minh lan với đóa hoa hai màu diễm lệ. Mọi người ngồi lên xe ngựa, hướng Đông phủ chạy đến.

Trong Thanh trúc uyển của Đông phủ cũng có mặt Tiết thị, thấy Tiết Thần đi tới liền ra đón nắm tay nàng đi vào, bên trong còn có Đại phu nhân Triệu thị. Tiết Thần hành lễ với Ninh thị, Triệu thị và Tiết thị xong liền nhìn đến Tiết Tú và Hàn Ngọc cũng ở một bên. Hàn Ngọc ngồi đối diện cho nàng một nụ cười tươi rói, còn lén vẫy vẫy tay. Tiết Thần nén cười nhìn Hàn Ngọc, ngoài ra còn có hai nữ hài nhi có chút quen mặt, hẳn cũng là nữ nhi của Tây phủ. Tiết Thần cố gắng suy nghĩ nửa ngày mới nhớ ra, một cô nương mặc áo ngắn màu hồng phấn thêu hoa quế hợp với váy dài màu đỏ bạc hẳn là Tiết Nhu, thứ muội của Tiết Tú; một cô nương khác mặc bộ váy thêu hoa thạch lựu hồng thì Tiết Thần nhận không ra, nhìn dáng vẻ hẳn không phải đại phòng, đang nghĩ ngợi thì Tiết thị giới thiệu: “Đây là Nhu tỷ nhi của Tây phủ, là muội muội của Tú tỷ nhi, cùng tuổi với con; còn người kia là Liên tỷ nhi nhà Nhị bá phụ của con, cùng tuổi với Tú tỷ nhi, con nên kêu là tỷ
tỷ.”

Sau khi Tiết thị giới thiệu, Tiết Thần liền tiến lên chào hỏi các nàng. Tiết Tú tự mình đứng dậy dắt tay Tiết Thần đưa nàng ngồi vào chỗ bên cạnh mình, Hàn Ngọc thật thức thời lui xuống một vị trí.

Ninh thị thấy Tiết Thần đưa tới hai chậu minh lan rất là thích, bèn khen ngợi: “Cũng đúng là phụ thân của con mới có thể dưỡng ra được minh lan đẹp như vậy. Sau khi Đại lang dọn tới ngõ Yến tử ta muốn kêu về giúp ta dưỡng hoa, nhưng Đại lang cứ luôn làm bộ làm tịch, luôn đưa đẩy nói không rảnh. Bây giờ tốt rồi, có Thần tỷ nhi ở đây, sau này phụ thân của con ở nhà ấm dưỡng được  hoa gì đẹp con cứ mang một chậu đến đây, ta đỡ phải tự mình dưỡng.”

Tiết Thần đứng lên, cúi đầu xuống, cười không lộ răng đáp: “Tổ mẫu đúng là oan uổng cho phụ thân rồi. Phụ thân dưỡng hoa lan này vốn dĩ muốn hiếu kính tổ mẫu, luôn nhắc tổ mẫu yêu lan nên bỏ vào không ít tâm huyết. Con chỉ là "Mượn hoa hiến Phật" không dám kể công đâu.”

Ninh thị chỉ có mỗi một Tiết Vân Đào là nhi tử, đôi khi khen nhi tử của bà thì bà càng nghe xuôi tai hơn so với bất cứ lời hay nào, càng đừng nói khen nhi tử hiếu thuận lại từ trong miệng tôn nữ ruột thịt nói ra, nghe vô tai càng chân thật hơn, lập tức liền khiến Ninh thị thích đến nỗi nở nụ cười thật tươi.

Tây phủ Đại phu nhân Triệu thị nhìn thoáng qua Tiết Thần tiến thối có độ, nhìn nàng từ trên xuốn dưới đánh giá một phen, ánh mắt khẽ máy rồi sau đó liền phụ họa theo: “Rốt cuộc là Tứ tiểu thúc biết cách dạy nữ nhi, nhìn Thần tỷ nhi được dạy dỗ thông minh như vậy, có thể làm thẩm thẩm cười thoải mái đến thế.”

Tiết Thần chỉ cười không nói, không thoa phấn không trang điểm dung nhan tự nhiên, khóe miệng luôn giữ nụ cười nhẹ nhàng, hai bên má có hai lúm đồng tiền nhàn nhạt, thật là một vẻ đẹp thuần khiết. Triệu thị nhìn Tiết Thần vẫn còn hạ ánh mắt xuống thấy nàng thay đổi quá mức.

Tiết Tú dùng khăn che miệng nói: “Nhìn kìa, chỉ cần Thần tỷ nhi có mặt là Lão phu nhân cười, thái thái cũng cười, tựa như mấy người chúng ta lúc nãy không ai biết nói chuyện vậy.”

Tiết Tú người đẹp giọng ngọt, một màn tự hờn tự oán từ miệng nàng ta nói ra lại thập phần dễ nghe. Ninh thị cùng Triệu thị nhìn nhau một cái, không tự chủ được lắc đầu bật cười, Tiết thị cũng mở miệng mắng yêu: “Muốn ta nói nha, đám tiểu nha đầu này mới là khó lường, hiện giờ ngay cả chúng ta đều dám trêu ghẹo.”

Triệu thị phụ họa theo: “Còn không phải đều do muội chiều hư sao.”

Tiết thị cười kêu oan: “Ai da, vậy đổi thành lỗi của muội rồi.”

Trong phòng một trận hoan thanh tiếu ngữ.

Tiết Nhu ở một bên ngắm nghía Tiết Thần một hồi lâu, rốt cuộc khi đề tài của Tiết Thần cùng Tiết Tú và Hàn Ngọc nói xong thì mới xen vào, chỉ vào xiêm y của Tiết Thần nói: “Trang phục của Thần tỷ tỷ thật tố nhã, chiếc váy dài này thật thích hợp, nhìn giống như đóa lan hồ điệp tỏa hương, thật là đẹp mắt.”

Tiết Thần cười ngọt ngào với Tiết Nhu nói: “Chỗ nào giống lan hồ điệp chứ? Căn bản là trên người ta có hong hương thảo từ hoa lan tinh luyện ra, ngửi được mùi hoa lan nên Nhu tỷ nhi mới cảm thấy giống hoa lan thôi.”

Tiết Nhu thấy Tiết Thần nguyện ý đáp chuyện với mình thì rất cao hứng, nói chuyện càng thêm ân cần. Tiết Thần biết nàng ta là thứ xuất, trong câu chuyện không quên bao gồm luôn cả Tiết Tú, đưa Tiết Tú lên cao vời vợi, lại cũng không lạnh đạm với Tiết Nhu và Tiết Liên, bọn tỷ muội vừa nói vừa cười, không khí thập phần hòa thuận.

Triệu thị ngồi một bên cùng Ninh thị và Tiết thị nói chuyện, ánh mắt lại thường xuyên dừng trên người Tiết Thần. Nhân khi câu chuyện vừa nói xong, Triệu thị nghiêng người qua thầm thì với Tiết thị: “Ta thấy Thần tỷ nhi khác quá.”

Tiết thị cũng quay đầu lại nhìn thoáng qua Tiết Thần dịu dàng hào phóng đang ở giữa đám tỷ muội ứng đối thành thạo, sau đó cũng ghé sát vào Triệu thị, đáp trả một câu ba phải: “Hài tử đấy à, lớn lên rất nhanh. Sau khi lớn rồi đương nhiên không giống lúc còn nhỏ.”

Triệu thị hạ mắt nghĩ nghĩ, sau đó lại cảm thán một câu: “Ai da, còn ngoại thất kia của Đại gia... xử trí như thế nào?”

Tiết thị hơi bĩu môi, nhàn nhạt nói: “Còn có thể xử trí thế nào nữa, bất quá là nạp làm thiếp thôi, thêm một đôi đũa trong nhà. Thần tỷ nhi hiện giờ chỉ có một mình, thêm thứ đệ thứ muội vào cửa thì coi như cũng náo nhiệt hơn một ít, cho con bé giải buồn cũng tốt.”

Nghe đến đây thì sao Triệu thị còn không hiểu ý tứ của Ninh thị và Tiết thị, chuyện Từ Tố Nga làm thiếp sợ là "ván đã đóng thuyền", ngay cả tôn tử Ninh thị chờ mong nhất thì hiện giờ vào phủ cũng chỉ để bồi vị Đại tiểu thư này giải buồn. Triệu thị chậm rãi ngồi thẳng thân mình, trầm tư như đang suy nghĩ điều gì, sau đó lại đem ánh mắt dừng lại ở đám tỷ muội đang bu quanh Tiết Thần cùng nhau đánh túi lưới.

Trong lòng tựa hồ đã đưa ra quyết định.

Đời trước khi Tiết Thần còn nhỏ bị kế mẫu cùng đích muội chèn ép, cuộc sống trôi qua như bầu trời đen kịt; sau khi xuất giá thì gặp phu quân tầm thường vô tài lại xa hoa dâm dật, một mình nàng phải lao tâm lao lực vực dậy đại gia nghiệp; những trò chơi của nữ hài tử dường như nàng chỉ chơi vài lần trước năm mười một tuổi. Hiện giờ sống lại một đời, Tiết Thần không nghĩ tới mình vẫn có thể bổ khuyết cho điểm thiếu sót này, nhất thời tựa như một thiếu nữ mười một tuổi thật sự, đối với trò thắt túi lưới này chơi vui vẻ vô cùng.

Bởi vì nàng có hiếu trong người, trong vòng một năm đầu không thể cùng các cô nương ra cửa du ngoạn, không khỏi làm các cô nương có chút mất hứng. Sau khi hẹn ước thật chắc chắn chờ đến sinh nhật của Tiết Thần sẽ mời mọi người tới ngõ Yến tử chơi, các cô nương lúc này mới tạm vừa lòng.

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện