Phố Nha Hương

Chương 16


trước sau

Tối đó, Trần Tắc thắp một ngọn đèn dầu ở tầng dưới. Thời gian bên trong tiệm bạch mộc hương lúc nào cũng lãng đãng chảy trôi như vậy. Trước khi dọn vào đây, Đình Phương luôn cảm thấy những ngọn đèn dầu ấy như một bức tranh, lặng thinh bất động. Đến khi ở lại đây rồi anh mới phát hiện ra, dầu bên trong đèn sẽ dần cháy hết, giả như dầu cạn, đèn cũng tắt theo. Còn Trần Tắc mỗi ngày đều sẽ châm thêm dầu vài lần, thi thoảng còn phải thay sợi bấc chỉ còn lại một mẩu.

Khi ấy, Đình Phương cầm lá đơn ly hôn trong tay, nói với hắn: “Anh xem, giờ tôi tự do rồi.”

Trần Tắc gật đầu, đốt một sợi bấc mới, đáp rằng: “Anh có thể ở bên người khác rồi.”

“Bên trong chiếc đèn cổ bằng sứ xanh đong nửa chén dầu, đầu sợi bấc dài màu trắng nhen nhóm một đốm lửa nhỏ. Đình Phương ngẩn người, anh thật sự chưa từng nghĩ đến chuyện này. Anh cho rằng bên ai cũng vậy, trừ phi sau này anh tái hôn với một người phụ nữ đã ly hôn và có con riêng, bằng không kết cục đều vậy cả…

“”Nhưng tôi không muốn nuôi con giúp người khác.”” Lời vừa nói ra, nụ cười trên môi cũng tắt. Nhìn xem, tận sâu trong thâm tâm, anh và Huệ Mẫn nào có khác gì nhau.”

Trần Tắc nói: “Anh đang giúp người khác nuôi con đấy thôi.”

Phùng Sinh đang tập bò trong cũi bỗng dưng khóc toáng lên. Đình Phương đến bên giường bế con bé dậy, ngửi thấy thối um hết cả. Quả nhiên Trần Tắc không hề để ý đến chuyện con bé đã ị đùn.

Đình Phương vừa rửa ráy thay tã cho con bé vừa nói:

“Phùng Sinh khác chứ. Phùng Sinh giống sao được. Chẳng phải anh từng nói con bé có duyên với tôi sao?”

Hơn nữa, đứa nhỏ là do vị thánh sống này nuôi nấng, anh chỉ giúp một tay thôi.

Trần Tắc nghe anh nói vậy, chỉ mỉm cười không đáp.

Đình Phương cũng chẳng việc gì phải bối rối. Phùng Sinh là ngoại lệ, Trần Tắc cũng thế.

Chuyện Đình Phương ở cùng với thầy bói trong tiệm chẳng mấy chốc đã bị người nhà phát hiện. Đình Hoa gọi điện hỏi có phải anh đang ở nhà thầy bói không, Đình Phương trả lời đúng vậy. Thầy bói cần thu nhận một đệ tử phụ giúp công việc, anh bèn xung phong tự mình đứng ra. Đình Hoa lại hỏi đến Huệ Mẫn, Đình Phương đáp anh và Huệ Mẫn đã ly hôn rồi.

Tiếp đó đến lượt bố gọi điện thoại cho anh, bảo anh về nhà. Đình Phương bèn lựa một dịp về nhà ăn cơm tối.

Trên bàn ăn, mẹ anh rơm rớm nước mắt. Đình Phương im lặng ăn cho xong bữa. Bố hỏi anh: “Con ly hôn lúc nào?”

“Một tuần trước.”

“Sao con không bàn bạc trước với ba mẹ gì hết?”

“Có bàn thì cũng chẳng thay đổi được gì đâu ạ.”

Mẹ anh gạt nước mắt, nói: “Con không thể chẳng nói chẳng rằng đã ly hôn vậy được. Con… Con làm vậy sau này biết tính thế nào đây hả?”

“Huệ Mẫn vì con bị vô sinh mà đã sảy thai tận sáu lần. Mỗi lần cô ấy nhập viện, ba mẹ chẳng ai vào chăm sóc cô ấy. Con tưởng rằng hai người không thích Huệ Mẫn.”

“Con cũng có kêu ba mẹ vào đâu! Chuyện đám bác sĩ tụi con, ba mẹ can thiệp được chắc?” Mẹ anh dần trở nên kích động: “Mẹ đã từng nói gì nó chưa? Nó ở nhà không nấu cơm cũng chẳng rửa bát, chẳng hề động tay vào làm cái gì, mẹ cũng đâu có nặng nhẹ gì với nó!”

“Đúng vậy.” Đình Phương nói: “Ai cũng đều nhẫn nhịn cả, từ giờ về sau không cần phải vậy nữa. Huệ Mẫn không tỏ ý bất mãn gì về ba mẹ hết, cô ấy chỉ không muốn phải tiếp tục ở bên một người đàn ông vô sinh chịu khổ nữa mà thôi.”

“Con khuyên nó đi chứ! Nó già đầu vậy rồi, ly hôn xong còn gả đi đâu được nữa? Ly hôn thì có gì hay ho?” Mẹ nói: “Con xem, đám đàn bà ly hôn được mấy đứa có cuộc sống tử tế đâu? Con mập đầu thôn năm ngoái nằng nặc đòi ly hôn, giờ lại chả quay về cầu xin chồng nó tái hôn đấy thôi. Đàn bà con gái còn ra thể thống gì nữa?”

Đình Phương ngắt lời mẹ: “Thầy Trần nói cô ấy sẽ có con trai, e rằng người có thể giúp cô ấy toại nguyện không phải là con.”

Lời này vừa dứt, cả bàn ăn chìm vào im lặng.

Đình Phương rời nhà, tiếp tục ngủ lại cửa tiệm bạch mộc hương. Trần Tắc trước giờ chưa từng bói sai, quẻ bói ấy còn là do mẹ đích thân đi xin, vậy nên không ai còn có thể chất vấn Đình Phương thêm nữa.

Mà cái vị thánh sống đó dạo này thích ôm “đệ tử” của hắn đi ngủ lắm. Đình Phương cân nhắc thấy nếu không làm ảnh hưởng gì đến giấc ngủ của anh, vậy thì ôm ấp cũng không thành vấn đề. Anh chỉ lo đến giữa hè rồi thì phải làm sao. Ngủ trong căn phòng không có điều hòa thế này, nhất định sẽ chết vì nóng. Chưa kể, sáng nào anh cũng cảm nhận được có thứ gì đó cồm cộm chọt vào lưng mình. Anh từng nhắc khéo Trần Tắc, thứ kia lúc nào cũng để vậy không tốt lắm đâu. Nhưng Trần Tắc lại dùng lý lẽ mà gã đàn ông nào cũng hiểu đi nói với anh rằng: “Chỉ cần không động vào, lát nữa nó sẽ xìu xuống ngay thôi ấy mà.”

Thầy Trần quả nhiên hiểu thấu hết tinh túy vạn vật. Đình Phương cảm thấy nhu cầu sinh lý của đàn ông đối với vị thánh sống này mà nói, về cơ bản là chẳng có nghĩa lý gì sất.

Đình Phương nói với Trần Tắc, trước khi vào đến giữa hè, hắn cần phải lắp điều hòa trong phòng này, bằng không Phùng Sinh chắc chắn sẽ đổ bệnh. Hơn nữa, cứ ôm nhau ngủ sẽ không chịu nổi đâu. Trần Tắc đồng ý ngay tắp lự.

Sau khi phẫu thuật, A Liên hồi phục rất nhanh, nhưng sắc mặt lại trông cực kỳ tệ. Ngay hôm sau, A Ba đã biến mất, để A Nhữ mẹ gã vào chăm sóc thay. A Nhữ kéo tay Đình Phương, vừa khóc vừa cảm ơn anh vì đã cứu mạng con dâu bà. Thế nhưng cả nàng dâu lẫn mẹ chồng đều chẳng đả động gì tới A Ba.

Buổi chiều, ba người chị của A Ba tới thăm A Liên, sau đó cãi nhau với A Nhữ ngay trong phòng bệnh.

Đại khái là A Ba suốt ngày chỉ lo bài bạc, bỏ bê nhà cửa. Vợ ở nhà thì chỉ toàn lo chăm con rồi có bầu hết lần này tới lần khác. Hễ xảy ra chuyện, hay thậm chí ngay cả chi tiêu sinh hoạt cũng toàn là mẹ bỏ tiền ra, nợ bài bạc ngập đầu thì tìm đến chỗ các chị, góp tiền trả thay. Bọn họ nào có dư dả gì, phía nhà chồng cũng đều trách móc. Từ nay trở đi, bọn họ sẽ không chi thêm một cắc bạc nào nữa, gã còn tiếp tục đánh bạc rồi bị người ta chặt ngón tay hay chém chết, bọn họ cũng mặc xác gã.

Nguyên nhân là bởi hôm qua bọn đòi nợ kéo đến tìm các cô, nói lần này gã nợ sòng bạc hơn một trăm vạn (gần 4 tỷ VND), nếu còn không chịu trả sẽ lấy mạng gã đắp vào khoản nợ đó.

Ấy vậy mà A Nhữ lại gào khóc, mắng các chị không biết thương em, nuôi các cô bao nhiêu năm đúng là uổng công. Em trai là đàn ông duy nhất trong nhà, lẽ nào các cô định giương mắt nhìn nó chết thật sao?

Các y tá hóng chuyện nhiệt tình, nhưng y tá trưởng tinh ý hơn bèn đi kiểm tra sổ sách, phát hiện A Liên chỉ mới đóng cọc một nghìn tệ. Bà báo chuyện này cho Đình Phương, Đình Phương bảo rằng: “Cô ấy có bảo hiểm xã hội, chắc sẽ không quỵt tiền viện phí đâu. Họ đều là người thật thà cả.”

Quỵt viện phí thì đúng là không, nhưng ngày thứ ba sau khi phẫu thuật, A Nhữ đã đến tìm Đình Phương xin làm thủ tục xuất viện. A Liên vẫn còn chưa đi vững, sáng sớm vào nhà vệ sinh còn ngất xỉu, vậy mà đến chiều đã phải xuất viện.

Đình Phương không nói gì, chỉ để A Liên ký tên vào giấy tự ý xuất viện.

A Liên được đẩy xuống lầu bằng xe lăn, không có xe nhà đến đón. Đình Phương tiễn cô và A Nhữ ra cổng, giúp họ bắt taxi còn đưa thêm ít tiền. Lúc xe chạy đi, Đình Phương nhìn thấy A Liên đang khóc.

Hôm sau Đình Hoa gọi điện đến, hỏi thăm tình hình của A Liên, còn nói với Đình Phương rằng A Ba đã bỏ trốn, không rõ tung tích. Giờ đám chủ nợ kéo qua nhà gã và nhà các chị của gã để đòi nợ. A Nhữ cùng đường bí lối, phải tìm đến nhà họ hàng bạn bè vay tiền, nhưng chẳng ai thèm đếm xỉa gì đến bà ấy. Tối hôm qua đến nhà Đình Phương, ba mẹ anh cho bà ấy mượn một nghìn tệ, coi như làm phước.

Kể xong, Đình Hoa nói: “Anh à, A Nhữ đã chịu khổ đủ bề: Luồn lách trốn kế hoạch hóa gia đình, bị bắt đi phá thai mấy lần, chẳng dễ gì mới có được một mụn con trai, nhưng rồi lại thành ra một thằng ăn tàn phá hại thế này. Số bà ấy đúng khổ.”

Đình Phương đáp: “Khổ hay không là do bản thân lựa chọn. Tự bà ấy muốn sinh con trai, cũng là một tay bà ấy nuôi dạy thành ra như bây giờ. Chẳng phải ngay cả A Liên cũng phải sinh con trai cho bằng được đấy thôi?”

Đình Hoa nói: “Kể cả em có sinh hai đứa con gái, cũng sẽ không sinh thêm con trai cho anh ta nữa đâu. Mắc mớ gì phải đem mạng mình ra liều chứ? Thiệt thòi chết đi được.”

Tuy Đình Hoa nói thế, nhưng số cô may mắn, đầu lòng đã sinh được con trai.

Buổi chiều Đình Phương trực bàn khám bệnh. Người phụ nữ bốn mươi tuổi vẫn còn sinh con phải cắt bỏ tử cung lần trước đến khám, nói bụng mình rất đau. Đình Phương thấy sắc mặt bà ấy bất thường, liền chỉ ra chỗ quầy tư vấn đo thân nhiệt, phát hiện đã sốt tới bốn mươi độ, đồng thời xuất hiện triệu chứng ấn đau và phản ứng dội rất rõ ở vùng bụng dưới bên phải.

“Gần đây cô có quan hệ tình dục không?”

“Có, mới hôm qua.” Bệnh nhân bỗng khóc nấc lên: “Bác sĩ, tại sao cắt bỏ tử cung rồi thì không còn cảm giác gì nữa? Chỉ toàn thấy đau. Tôi không muốn quan hệ một chút nào nhưng vẫn phải phục vụ anh ta. Rốt cuộc bị sao vậy?”

“Có khả năng cô bị viêm vùng chậu cấp tính, nhập viện trước đã rồi hẵng tính.”

(Bệnh viêm vùng chậu (PID – Pelvic Inflammatory Disease): Là một bệnh lý nhiễm trùng ở cơ quan sinh sản của phụ nữ, gây ra bởi các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs).)

“Bác sĩ, anh bảo sau này tôi phải làm sao đây? Chồng tôi không thể nào ngưng đòi hỏi, tôi… tôi thực sự không chịu đựng được nữa!”

“Chuyện đó để sau hãy bàn, sẽ có cách cả thôi. Cô cứ nhập viện trước đã.”

Đình Phương chuyển bệnh nhân sang khoa Điều trị Nội trú. Bệnh viện có quy định, khi bác sĩ nam khám phụ khoa và tuyến vú, bắt buộc phải có một đồng nghiệp nữ đi cùng mới được phép tiến hành khám tổng quát. Nữ bác sĩ trực chung ca bên cạnh hỏi nhỏ Đình Phương: “Trưởng khoa Ngô, cắt bỏ tử cung rồi, đời sống tình dục sẽ khổ sở như vậy sao?”

“Phải, đa số đều sẽ mất cảm giác. Cấu trúc sinh lý cũng sẽ bị thay đổi, dễ bị nhiễm trùng ngả âm đ*o dẫn đến tái phát viêm vùng chậu.”

“Trời ơi! Sản phụ lần trước phải cắt bỏ tử cung do xuất huyết sau sinh đó chỉ mới hai mươi ba tuổi. Cuộc đời sau này của cô ấy sẽ sao đây!”

Đình Phương cũng không biết trả lời thế nào. Vẫn luôn là vấn đề ấy, có những lúc chúng ta không được quyền lựa chọn. Không cắt bỏ đi thì mất mạng.

Người mà bác sĩ trực ca nói tới chính là con dâu của lão tự xưng là Ủy viên Hội nghị Hiệp thương Chính trị. Đình Phương đưa cô đến bệnh viện số 3 trực thuộc Đại học Y khoa Quảng Châu, kết quả vẫn phải cắt bỏ tử cung. Tay bố chồng đó kiến nghị lên tận Sở Y tế, đòi kiện bệnh viện cho bằng được.

Kiện thì cứ việc kiện, Đình Phương tự thấy anh không làm gì sai. Lãnh đạo Sở Y tế đến tìm anh nói chuyện, hy vọng anh xin lỗi gia đình bệnh nhân, giải thích rõ ràng với họ, để mọi chuyện được êm thấm. Ngô Đình Phương nói với viện trưởng: “Vậy cứ cách chức tôi đi. Tôi không làm ở khoa Sản bệnh lý nữa, chuyển sang khoa Sản tổng quát.” Cùng lắm thì nhảy việc. Biết bao nhiêu bệnh viện tư nhân ngoài kia còn đang thiếu bác sĩ khoa sản.

Viện trưởng một phen sứt đầu mẻ trán. Bệnh viện không thể thiếu Ngô Đình Phương, trong khi lãnh đạo Sở Y tế thì lại gây sức ép. Lão Ủy viên kia tuy là dùng tiền mua ghế, nhưng ở Đông
Hương lão vẫn là một tay có máu mặt. Viện trưởng chỉ còn cách tự mình đến tận nơi nhận sai xin lỗi. Lão ta còn lớn lối dọa tuyệt đối sẽ không bỏ qua cho Ngô Đình Phương, sẽ không để anh được sống yên ổn ở Đông Hương. Cả viện trưởng lẫn lãnh đạo Sở Y tế không biết đã phải xuống nước nói bao nhiêu lời ngon tiếng ngọt, lão mới chịu cho qua, chỉ yêu cầu phải đền bù thiệt hại.

Đình Phương làm việc trong chán chường, thấy Liễu Hy Ngôn trực ở phòng khám cũng đã được một, hai tuần, xử lý việc nào ra việc đấy, bèn xin viện trưởng cho anh được nghỉ phép. Anh bảo ly hôn xong tâm trạng không tốt, cần được nghỉ ngơi. Nếu có cấp cứu, Liễu Hy Ngôn có thể đảm nhận được.

Viện trưởng chấp thuận. Dù sao ngày phép Quốc tế Lao động, Đình Phương vẫn chưa được nghỉ ngày nào.

Trần Tắc đã dán thông báo trước cửa tiệm bạch mộc hương, ghi rõ từ nay về sau sẽ không xem “số” và “đường con cái” nữa. Những dịch vụ khác thì vẫn như cũ, bao gồm bán trầm hương, hướng dẫn nghi lễ hoạt động tâm linh truyền thống, xem bói vận hạn, giới thiệu chuyên gia đổi mệnh, vân vân.

Tối đó, ăn cơm xong, Đình Phương và Trần Tắc bế theo Phùng Sinh đi dạo một vòng quanh bờ sông, tiện thể bàn xem ngày mai sẽ đi đâu. Trần Tắc không muốn đến núi Lâu Phù, hắn nói trước giờ chưa từng thấy biển, muốn ra biển chơi. Gió hè ấm áp thổi qua, những ngọn đèn đường tròn vạnh tỏa ánh sáng vàng nhạt ven sông. Phùng Sinh dạo gần đây đã bắt đầu để ý đến những thứ như thế, con bé nhìn thấy sẽ tỏ vẻ vô cùng thích thú.

Khi về tới phố Nha Hương, hai người nhìn thấy Liễu Hy Ngôn đang đứng trước cửa tiệm bạch mộc hương. Đình Phương khựng lại, còn tưởng Liễu Hy Ngôn tới tìm mình, nhưng mà “Liễu Hy Ngôn” đó chỉ nhẹ gật đầu với hai người bọn họ rồi đưa thứ gì đó cho Trần Tắc. Lúc này Đình Phương mới nhận ra, người này hẳn là anh trai sinh đôi của Liễu Hy Ngôn, Liễu Hy Thanh. Liễu Hy Thanh nói với Trần Tắc: “Đồ anh cần đây.” Dứt lời liền quay lưng đi mất.

Đình Phương tò mò nhìn Trần Tắc mang món đồ nọ soi dưới ánh đèn đường, nhận ra đó là một miếng bạch ngọc xỏ bằng dây đỏ. Đình Phương nghĩ thầm: Không phải chứ? Có khi nào anh đã làm hỏng chuyện tốt gì đó của thánh sống rồi không?

Liễu Hy Thanh và Trần Tắc thân nhau vậy à?

Đình Phương nào kịp nghĩ ngợi gì nhiều, đành theo chân Trần Tắc đi vào trong tiệm.

Đi dạo nửa chừng, vì quá dễ chịu, Phùng Sinh đã lăn quay ra ngủ mất. Dù sao con bé cũng đã tắm rồi, Đình Phương lên tầng hai đặt con bé vào góc giường trong cùng. Trần Tắc nán lại dưới lầu một lát rồi cũng lên theo.

Đình Phương thật sự rất muốn biết duyên cớ đằng sau miếng ngọc kia, nhưng lại có hơi quan ngại rằng thánh sống sẽ đưa ra một câu trả lời kinh thiên động địa nào đó, nên đành im như thóc, vờ như chưa từng có chuyện gì xảy ra.

Trần Tắc không cầm theo miếng ngọc. Hắn chỉ đi tắm, như thể chẳng có chuyện gì cả. Sau khi Trần Tắc xong xuôi, Đình Phương mới ôm theo một bụng thắc mắc vào tắm rửa.

Đình Phương rời nhà tắm, tay bận cài cúc áo ngủ mùa hè. Anh cảm thấy thời tiết mùa này đúng là nóng khủng khiếp. Cứ tiếp tục như vậy, đến áo ngủ kiểu này cũng chẳng xài nổi nữa. Nếu như không có điều hòa, vậy chỉ có nước ngủ khỏa thân.

Lúc Đình Phương lên đến lầu hai, Trần Tắc đang thắp đèn. Hắn ngồi nơi đầu giường, tay mân mê miếng mặt dây chuyền bạch ngọc.

Đình Phương cuối cùng cũng không nén được tò mò, hỏi: “Tín vật định tình à?”

Trần Tắc mỉm cười nhìn miếng ngọc trong tay, sau đó đeo nó lên cổ Đình Phương.

Đợi khi hắn đeo xong, Đình Phương mới phản ứng lại được chuyện vừa diễn ra. Bốn chữ “tín vật định tình” vang vọng đầy gượng gạo giữa không gian. Đình Phương đột nhiên cảm thấy nét mặt của Trần Tắc thật là vi diệu làm sao.

“Anh biết là được rồi.”

Trần Tắc chẳng có vẻ gì là định giải thích, hắn thậm chí còn gỡ luôn chiếc cúc đầu tiên trên áo ngủ của Đình Phương, ngắm nghía mảnh ngọc đang yên vị trên cổ anh.

“Anh giải thích chút đi có được không?” Đình Phương cố gắng bình tĩnh cài lại cúc áo, nhưng cảm thấy khó cài ghê gớm.

“Tôi không xem chuẩn được cho anh nên đã nhờ Liễu Hy Thanh xem giúp. Lúc trước cậu ta bảo không sao, nhưng gần đây lại nói anh quả thực đang gặp chút rắc rối. Miếng bạch ngọc này hiệu quả cũng ổn lắm đấy.” Trần Tắc rời mắt, có vẻ hơi tiếc nuối.

“Mua hết bao nhiêu tiền?”

“Một vạn.”

…Ngô Đình Phương nói: “Anh không thấy giá đó hơi đắt quá rồi hả? Khéo khi đụng trúng tay gian thương nào rồi?”

“Không đâu.” Trần Tắc mỉm cười nhìn anh: “Nếu có thể bảo vệ anh bình an vài năm, kể ra cũng rất đáng mà phải không?”

Trần Tắc trước giờ không nhận thay đổi số mệnh. Hắn nói làm vậy là trái ý trời, hoàn toàn vô nghĩa. Ngô Đình Phương hỏi: “Vậy anh có thể nói cho tôi biết tại sao lại không bói chuẩn cho tôi được chưa?”

Trần Tắc đáp: “Những người có quan hệ mật thiết với tôi, tôi đều không bói chuẩn được, bao gồm chính bản thân tôi.”

“Quan hệ gần gũi tới mức nào?” Nhận ra dường như trong lời nói của Trần Tắc hãy còn nhiều ẩn ý, miệng lưỡi Ngô Đình Phương dần khô khốc.

Sao Trần Tắc có thể điềm tĩnh đến vậy chứ?

“Gần gũi như tôi với Phùng Sinh vậy.”

Ngô Đình Phương cảm thấy bản thân còn đứng vững được đúng là kỳ tích. Có vẻ đại sư cho rằng lời mình nói thỏa đáng ra phết, nhưng người trần mắt thịt thì phải bó tay trước lập luận của hắn.

“Từ khi nào anh biết mình không bói chuẩn được cho tôi?”

“Từ lần đầu tiên tôi định bói cho anh.”

“Đó là khi nào?”

Trần Tắc kéo giữ bàn tay phải từ nãy tới giờ vẫn đang cố gắng cài lại cúc áo nhưng mãi chẳng được của Đình Phương, sau đó cởi luôn chiếc cúc thứ hai trên áo anh ra: “Nếu thấy nóng thì cứ việc cởi ra.”

Ngô Đình Phương cảm thấy đại sư đây không hề ngờ nghệch như anh tưởng chút nào hết.

“Lần đầu tiên anh định bói cho tôi là khi nào?”

“Khi mẹ anh đem bát tự của anh đến, tôi phát hiện ra mình bói không chuẩn.”

“Ba năm trước?”

“Lúc anh kết hôn.”

“Anh biết tôi từ lâu rồi?”

Trần Tắc tủm tỉm: “Còn lâu hơn anh nghĩ đấy.”

“Nhóc đạo sĩ trên núi Lâu Phù là anh đúng không?”

“Phải.”

Ngô Đình Phương suy ngẫm tới lui, liên kết mọi chuyện lại với nhau. Anh nói: “Tôi khó lòng mà chấp nhận được.”

Trần Tắc cầm lấy cây bút, thuận tay viết một hàng chữ lên tờ giấy đỏ: Số 7, ngõ 15, khu Nha Hương Tây, thôn Nha, thị trấn Trung Thủy, Đông Hương.

Viết xong, hắn ngẩng đầu lên: “Là mình nói cho tôi biết.”

Ngô Đình Phương không dám hỏi tại sao Trần Tắc lại đến, hắn đã ở đây hai mươi năm rồi. Trần Tắc đứng dậy, cởi chiếc cúc áo thứ ba của Đình Phương. Toàn thân anh chợt run lên.

Bàn tay thô ráp đầy những vết chai vuốt ve khuôn mặt Đình Phương. Trần Tắc không đeo kính, đôi mắt hắn đẹp vô cùng.

“Tôi rất khó chấp nhận.” Đình Phương ngăn Trần Tắc lại.

Hắn bỏ tay ra, chỉ nói: “Vậy đi ngủ thôi.”

Ngô Đình Phương thế mà lại mất ngủ.

Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến nay, đây là lần đầu tiên anh mất ngủ. Cánh tay gác ngang eo thậm chí còn nóng hơn mọi khi, còn người đang nằm sau lưng anh thì hệt như lò lửa, như thể hắn chạm vào chỗ nào thì chỗ đấy liền tăng hẳn mười độ. Cảm giác ấy khiến anh không tài nào chợp mắt nổi.

Phải cần đến bao lâu, để hai con người từ chưa từng quen biết trở nên tâm đầu ý hợp?

Anh và Huệ Mẫn từ xa lạ đến xác lập quan hệ mất mười lăm ngày. Sau đó mất thêm nửa năm hẹn hò, cuối cùng đi đến hôn nhân.

Mục đích làm quen giữa đàn ông và đàn bà vô cùng rõ ràng, chẳng cần phải nói cũng biết tỏng. Để rồi sau đó chỉ toàn nói ra những lời e dè cẩn trọng, chẳng thể hiểu thấu được đối phương.

Nhưng Trần Tắc xem chừng chẳng hề có mục đích gì cả.

Bởi tính chất công việc, Đình Phương có rất nhiều người quen, từ bạn học cũ cho tới họ hàng, để có thể nhờ vả giúp đỡ. Nhưng anh tuyệt nhiên không có bạn bè. Muốn kết bạn cần phải có thời gian, mà anh thì không có.

Người cứ ngỡ là người bạn duy nhất mà anh có, lại không có ý định trở thành bạn bè với anh.

Liệu là điều đáng buồn hay đáng mừng đây?

Anh còn cho rằng, hẳn là Trần Tắc đang đùa thôi. Phải chăng vì đã hiểu được trò đùa của anh lúc thuê nhà, cho nên mới muốn vác bản mặt nghiêm túc đó ra đùa tiếp với anh?

Nhưng hắn đã viết lại địa chỉ nhà Đình Phương không thiếu một chữ. Dễ sợ nhất là, địa chỉ đó bị sai. Thôn bọn họ đang ở không phải thôn Nha, mà là thôn Nha Hương. Lỗi sai này là lỗi của Ngô Đình Phương năm đó, học sinh lớp ba tiểu học Ngô Đình Phương đã viết thiếu.

Nếu nhóc đạo sĩ mít ướt kia quả thật là hắn, trái lại Ngô Đình Phương rất muốn biết chuyện gì đã xảy ra suốt những năm qua, khiến cho nhóc đạo sĩ ngây thơ hiền lành năm nào trở thành một Trần Tắc như hiện tại… Cơ mà ngẫm kỹ lại thì, xét về bản chất, cái sự ngáo ngơ về mặt thường thức đó dường như vẫn chẳng thay đổi tẹo nào.

Đình Phương thật sự không ngủ nổi.

Lần đầu hẹn hò, lúc thi đại học, lúc Huệ Mẫn đồng ý lấy anh, lúc anh biết sức sống t*ng trùng của mình dưới năm phần trăm, lúc phải chịu cảnh người nhà bệnh nhân mắng nhiếc, lần đầu tiên Huệ Mẫn mang thai bị chết lưu, lúc phải hầu tòa, lúc trực ban gặp phải bệnh nhân cấp cứu nguy kịch nằm trên giường bệnh,… anh đều chưa một lần mất ngủ. Anh cố gắng tự nhủ với bản thân, chỉ cần có thể ngủ, đợi khi mở mắt tỉnh dậy sẽ là một ngày mới.

Vậy mà, vào một ngày năm ba mươi bảy tuổi, nằm sau lưng là người đàn ông đã ký hợp đồng thuê nhà hai mươi năm với anh, bảo anh không được dọn khỏi chiếc giường này. Cuối cùng anh cũng đã hiểu ra, đây hoàn toàn không phải chuyện đùa mà là kết quả của hai mươi năm chờ đợi, anh đã mất ngủ cả đêm.

Đến khi trời hửng sáng, Đình Phương giật mình nhận ra mình đã nằm hoang mang suốt cả đêm: Thánh sống sao lại có tình cảm phàm tục được? Duyên phận của thánh sống chính là anh? Thánh sống cũng có ham muốn ư? Lại quên mất phải hoang mang một điều: Thánh sống là đàn ông.

Truyện convert hay : Mạnh Nhất Thăng Cấp Hệ Thống

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện