Thời tiết dần chuyển ấm, sức khỏe của Vương Tranh đã hồi phục rất tốt, sau khi làm thủ tục xuất viện liền về nhà tịnh dưỡng.
Về phía trường học cũng đã xin nghỉ phép dài hạn, xem ra chế độ lao động ở Đại học vẫn là có nhân tính nhất. Có rất nhiều đồng nghiệp, hoặc vì lễ nghĩa, hoặc vì lòng quan tâm chân thành, đều tới thăm hỏi Vương Tranh; những cô cậu học trò, đặc biệt là các nghiên cứu sinh từng được cậu hướng dẫn luận án, đều nhiệt tình đến thăm nom. Vương Tranh bề ngoài thanh tú, tính tình ôn hòa, kiến thức chuyên môn vững vàng, mỗi lời thốt ra đều khiến người khác tin tưởng và an tâm, vậy nên các nhóm nghiên cứu sinh vẫn thường chọn cậu làm giáo viên hướng dẫn, hoặc giả không có chuyện đó thì cũng thích gần gũi với cậu.
Từ Văn Diệu tan sở trở về, từ xa đã nghe thấy tiếng cười nói trong nhà Vương Tranh rồi. Vừa bước vào cửa đã nhìn thấy Vương Tranh ngồi trên chiếc ghế mây ngoài ban công, mặc áo sơ mi màu lam nhạt, bên ngoài khoác áo len cổ chữ V màu trắng, phía dưới là quần dài màu xám, trên chân đắp chiếc chăn mỏng sọc vuông, tay lại cầm ly đồ uống nóng đang bốc hơi ngùn ngụt. Hơi nóng phả lên từ chiếc cốc hun á cậu ưng ửng đỏ, đôi mắt đen thẫm với con ngươi trong sáng khiến người ta cảm thấy như đang bắt gặp bầu trời quang đãng vào một ngày tháng Năm, mặt mày vẫn còn chút yếu nhược do bệnh, nụ cười treo bên khóe môi mỏng mảnh và bảng lảng tựa sương mù.
Từ Văn Diệu biết rõ, bên trong vẻ ngoài suy nhược đó là một trái tim kiên cường và mạnh mẽ, lúc vào phòng mổ và sau khi rời khỏi đó, đều chuẩn xác nắm lấy tay anh, đầy tha thiết và dịu dàng. Nói ra cũng thật lạ, hai người quen biết không lâu, chỉ vài lần thật lòng tâm tình cùng giãi bày, nhưng Vương Tranh đều vào những lúc yếu đuối và mỏi mệt nhất đã nắm lấy tay anh rất chính xác, dù rằng khi đó hai mắt cậu vẫn nhắm nghiền, ý thức còn chưa tỉnh táo, lại có thể cảm nhận được rõ ràng nội tâm đang hoảng loạn của anh. Im lặng và khẽ khàng nắm lấy tay anh trao cho anh sức mạnh.
Rốt cuộc bắt đầu từ khi nào mà hai người có mối liên kết kỳ lạ đó? Chỉ cần anh nắm tay cậu liền có thể cảm nhận được sức mạnh từ cậu, hoặc chỉ là nghĩ tới chuyện mất cậu thôi đã khiến anh sợ hãi không cách nào kìm chế được. Người đàn ông đó đã quan trọng với anh đến thế sao? Có lẽ đã vượt qua cả những phạm trù từ ngữ diễn tả tình cảm thông thường mất rồi.
Hay nói một cách khác chính xác hơn, Vương Tranh quan trọng hay chăng không phải vấn đề chính, mà vấn đề chính là Vương Tranh đã trở thành điều quan trọng không thể thiếu được của anh. Tựa như kẻ đơn độc bấy lâu trên băng nguyên giá lạnh lại đột nhiên có một ngày nghe thấy tiếng còi tàu hú dài trong nhà ga bỏ phế từ nhiều năm trước, khiến người bao đời tuyệt vọng lại nung nấu xúc động được bước lên chuyến tàu về lại thế gian.
Anh chỉ cần có dũng khí để tiến lên thêm một bước, đem người kia ôm chặt vào lòng là được.
Chuyện giản đơn thế đó, nhưng nào ai biết để đến được đây, anh đã phải chờ đợi hằng trăm năm dài.
Tiếng chào tạm biệt của các sinh viên khiến Từ Văn Diệu hồi tỉnh từ trong suy nghĩ, anh mỉm cười mang dép lê bước vào nhà, làm như thể chỉ vừa mới trở về, gật đầu chào hỏi từng sinh viên một. Anh ngăn Vương Tranh đang định đứng dậy tiễn khách, tự mình đưa bọn nhóc ra cửa, lại còn chu đáo giúp mọi người gọi xe. Đến khi tất cả sinh viên đều đi hết, Từ Văn Diệu mới xoay người, nhìn Vương Tranh nằm xuống ghế, duỗi thẳng chân, rồi mỉm cười tinh nghịch nói: “ Uii, cuối cùng thế giới cũng an tĩnh trở lại, bọn nhỏ cứ ríu ra ríu rít cả buổi chiều, em mệt chết đi được!
“ Mệt à?” Từ Văn Diệu đi tới ngồi xuống chiếc ghế đẩu đặt gần đấy. “ Thế sao em không bảo tụi nhỏ về?”
“ Đâu được, bây giờ bọn trẻ nhạy cảm lắm, nếu em đuổi chúng về thì thể nào cũng sẽ nghĩ em thích người này ghét người nọ.” Vương Tranh mỉm cười đáp. “ Giữa bọn nhỏ luôn có cạnh tranh ngầm, cái nhìn của em với chúng là rất quan trọng.
“ Nhưng em vẫn còn chưa khỏe.” Từ Văn Diệu kéo chân Vương Tranh để lên đầu gối mình, nhẹ nhàng xoa bóp cho cậu. “ Chân lạnh thế này rồi, đôi dép bông anh mua cho em sao không mang?”
Trời bắt đầu ấm rồi, mang dép đó chẳng thoải mái chút nào hết. Vương Tranh khẽ nhắm mắt lại. “ Mẹ em đi chợ về ngay đấy, anh bỏ chân em ra nào, kẻo mẹ thấy lại mắng cho.”
Từ Văn Diệu vờ như không nghe thấy, chỉ chuyên tâm mát xa chân cho cậu. “ Sao bác gái lại đi chợ, không phải cứ giao viêc cho dì Trâu là được?”
Vương Tranh hé mắt nhìn anh, ngượng ngùng nói: “ Mẹ lo dì Trâu nấu ăn không ngon, lại còn nghi dì ấy xén tiền chợ. Em sợ hai người sẽ cãi nhau nên hai ngày rồi không kêu dì ấy tới. Với lại, cũng nên để mẹ làm chút việc gì đó, ở đây không quen biết ai, mẹ ở không cũng buồn.”
Từ Văn Diệu gật gù. “ Bác gái quả thật lợi hại nha! Trực giác của bác rất đúng, nhưng làm gì có người giúp việc nào lại không tranh thủ xén tiền chợ, miễn là đừng quá quắt là được. Nếu mẹ em đã không thích thì cứ phát tiền lương tháng này rồi cho dì Trâu thôi việc.”
Vương Tranh nhỏ giọng hỏi: “ Anh không cười mẹ em hả?”
Câu hỏi dè chừng vì quan tâm tới cảm nhận của anh từ Vương Tranh khiến anh rất vui, nên bèn lắc đầu đáp: “ Sao lại cười?”
“ Thật chứ?” Vương Tranh không mấy tin tưởng.
“ Anh sẽ không chê cười gì bác gái đâu, em cứ yên tâm.” Từ Văn Diệu vỗ vỗ bắp chân cậu. “ Có thể do thói quen sống, anh và bác gái không có cách nhìn giống nhau, nhưng điều đó không quan trọng lắm, những chuyện cỏn con đấy anh không những hiểu mà còn tôn trọng bác nữa. Vì đối với bác gái ai cũng có thể làm chuyện xấu với em, không muốn em bị gì thiệt thòi nên mới thay em suy tính như thế. Anh cảm thấy rất...” Anh nghĩ ngợi một lúc, lại nói “ ... đáng yêu!”
Vương Tranh bật cười. “ Anh nói đúng, mẹ lúc nào cũng xem em là con nít không tự lo ình được, còn những người xung quanh đều là thú dữ. Nếu mẹ mà không giám sát chặt chẽ thì em liền bị ăn thịt. Nhớ hồi đó mới vào đại học, mẹ đứng trước mặt mấy bạn cùng phòng với em mà bảo em phải cẩn thận tiền bạc, coi chừng bị trộm và càng không được cho ai mượn tiền. May mà các bạn đều không để bụng, nếu không chẳng biết đắc tội họ nhiều thế nào.”
Từ Văn Diệu thấy trong mắt cậu toàn niềm vui, nên cũng thấy vui vẻ lây. “ Thế chẳng phải em mất mặt lắm sao?”
“ Đương nhiên là em xấu hổ gần chết... sau đó thì không cho mẹ theo em tới trường nữa.” Vương Tranh cười khúc khích, chốc sau lại chậm rãi nói: “ Nhưng khi đó còn nhỏ, chỉ lo mình bị mất mặt mà không hề biết năm ngàn tệ mẹ đưa cho em là tiền mẹ để dành suốt cả năm.” Cậu không cười nữa, cúi đầu nói tiếp: “ Mẹ mang hết toàn bộ số tiền để dành được cho em, sau đó lại hà tằn hà tiện không dám ăn không dám mặc, đi mua bắp cải cũng chọn nơi bán rẻ nhất, giày đi mấy năm trời vá lên vá xuống vẫn tiếp tục mang. Hồi nhỏ, nhà ai cũng mua tủ lạnh lớn để trữ thức ăn nhưng nhà em lại không mua, mẹ gạt em, bảo rằng đồ ăn bỏ vào tủ lạnh sẽ khiến em bị đau bụng... Thật ra một cái tủ lạnh tới những mấy ngàn, tương đương với chi tiêu sinh hoạt gia đình cả năm, nên mẹ mới tiếc không mua.”
Từ Văn Diệu bỏ chân cậu ra, im lặng lắng nghe.
“ Văn Diệu...” Vương Tranh buồn bã nói. “ Từ nhỏ, em đã muốn bỏ nhà đi, vì không khí gia đình lúc nào cũng nặng nề, cha mẹ em ít khi nói chuyện với nhau, và cũng không biết cách giáo dục con cái như thế nào. Cả nhà chưa từng cùng ra ngoài ăn cơm, hay đi du lịch, hoặc là cùng nhau đến nhà ai đó chơi. Nhà cũng chẳng khi nào tổ chức sinh nhật, hay có ngày kỷ niệm gì. Mỗi ngày đi học về em luôn bị mẹ quở trách, bị cha la rầy. Quả thật em đã lớn lên rất khổ cực...”
“ Nhưng hôm nay, khi nhớ lại thời thơ ấu, em mới biết mình đã may mắn cỡ nào. Mẹ lúc nào cũng lo sợ em bị người khác bắt nạt hay khi dễ. Mẹ nấu ăn không ngon, làm việc không nhẫn nại, việc nhà cũng chẳng khéo... nhưng luôn làm bánh ngọt cho em ăn, mỗi lần tới Tết em đều có quần áo mới do mẹ may...” Rồi vội vàng bổ sung thêm. “ Tuy rằng kiểu dáng quê mùa, những khi ra đường em đều bị bạn bè chế nhạo.”
Từ Văn Diệu gật gật đầu, vuốt ve chân cậu, mỉm cười thấu hiểu.
“ Em nói nhiều quá ha...” Vương Tranh giật mình, ái ngại nói. “ Ngượng quá!”
“ Ừ, em nghỉ một chút, uống nước này.” Từ Văn Diệu đưa tách trà cho cậu, dịu dàng nói, “ Uống từ từ thôi.”
Vương Tranh đón lấy chiếc tách, đưa lên môi uống một ngụm.
“ Thưa thầy, bây giờ thầy để tôi đưa ra kết luận nhé, thầy không phiền chứ?” Từ Văn Diệu trêu.
Vương Tranh nhướn mắt, mỉm cười không đáp.
“ Tôi rất ngưỡng mộ thầy.” Từ Văn Diệu khẳng định. “ Thật đấy!
“ Nhưng sao...”
“ Anh còn nhớ rõ những chuyện hồi nhỏ.” Từ Văn Diệu từ tốn kể lại. “ Trường học bắt buộc mặc đồng phục, còn anh thì luôn nghịch ngợm. Hôm đó, anh dẫn theo Quý Vân Bằng, chính là người em gặp trong bệnh viện đó, bọn anh từ nhỏ đã lớn lên bên nhau. Anh và cậu ấy trèo tường trốn đi chơi, nhưng không may là anh làm rách cái quần... ngay giữa mông.”
“ Bữa đó càng xui khi mà bà vú xin nghỉ phép, không ai giúp anh vá quần lại, vì vậy anh đã nhờ tới mẹ. Mẹ anh là quản lý hậu cần của quân đội, bà hứa sẽ khâu lại cho anh, nhưng sau đó bận việc nên quên mất. Hôm sau đi học thì anh mới hay là mẹ đã quên vá lại quần cho anh.”
“ Thế anh đã làm gì?”
“ Còn làm gì nữa? Tùy cơ ứng biến thôi.” Từ Văn Diệu cười đầy bất đắc dĩ. “ Anh lấy kẹp giấy xâu chỗ rách lại, suốt ngày hôm đó anh khổ gần chết, không dám chạy chẳng dám nhảy, ngồi xuống bị kẹp giấy đâm vào mông cũng không dám la.”
Vương Tranh cười ha ha. “ Nó đâm vào mông anh thật à?”
“ Này, em hãy hỏi câu nào vào đề một chút đi!” Từ Văn Diệu trừng mắt cảnh cáo. “ Trọng tâm câu chuyện ở đây là mẹ anh mới là người vụng về.”
“ Vì vậy mà anh ngưỡng mộ em?”
“ Phải, vô cùng ngưỡng mộ luôn!”
“ Vậy anh tới nịnh mẹ em đi.” Vương Tranh khoái chí cười to. “ Em sẽ nói mẹ chăm sóc luôn cả anh, để anh được cảm nhận không khí ấm áp của gia đình.”
Từ Văn Diệu nhăn mặt. “ Được thôi, miễn là đừng để bác gái nấu ăn, còn những chuyện khác thì anh sẽ chiều theo bác hết...”
“ Bộ khó ăn tới nỗi vậy hả?” Vương Tranh nhướn mắt. “ Em ăn mấy chục năm rồi đó!”
“ Thế em mời dì Trâu về làm lại đi, anh sẽ trả lương gấp đôi…”
Hai người đang câu đùa câu giỡn thì cửa đột ngột bị mở ra, tiếng bà Vương vọng vào sang sảng: “ Leo lầu cao như vậy mệt chết thân già tôi!”
Bà vừa lê dép vào nhà vừa càu nhàu, tới khi thấy Từ Văn Diệu và Vương Tranh ngồi sát rạt nhau như vậy mới mặt mày cau có, miễn cưỡng nói: “ Tiểu, Tiểu Từ tới rồi à, bữa nay tan ca sớm nhỉ.”
“ Chào bác!” Từ Văn Diệu vội đứng dậy, đi tới xách giúp một túi lỉnh kỉnh trong tay bà Vương. “ Buổi chiều cũng không còn việc gì nữa nên cháu về sớm một chút.”
“ Học trò của Tiểu Tranh đâu hết rồi?”
“ Lúc cháu đến thì họ đã về hết rồi ạ.”
Bà Vương liền mặt mày sa sầm, lúc trắng lúc đỏ, như thể tức giận điều gì nhưng vẫn cố kìm nén, giọng điệu cứng nhắc mà nói: “ Vương Tranh, lại đây một chút!”
Vương Tranh vội đứng dậy, chậm rãi đi tới trước mặt mẹ, sau đó bị bà kéo qua một bên, nghiến răng hỏi: “ Học trò của con không thấy con và anh ta... cái kia chứ?”
“ Cái kia là cái gì ạ?”
“ Thì cái kia