Edit by An Nhiên
Hắn sinh ra trong dòng dõi phú quý, ngoại hình khôi ngô, tư chất thông minh, học một hiểu mười, đi học lại càng nổi bật, cho tới bây giờ mọi thứ đều hài lòng đắc chí.
Năm đó mười sáu tuổi, hắn đi qua rừng phong chợt có cảm hứng, viết một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, ca ngợi cây phong vào mùa thu, lá đỏ tuyệt diễm cả vạn dặm trời sương, không chịu ẩn mình, chỉ độc hướng về thế gian. Bài thơ viết rất hăng hái khí phách, khiến người đọc bất luận là thiếu niên cùng lứa hay lão tiên sinh đều tán thưởng không ngớt.
Vừa đúng dịp đường huynh (anh họ) đến nhà làm khách, thời điểm bàn về văn thơ xem thử bài thơ mới này của hắn cũng liên tục tán thưởng. Hắn đang đắc ý, đường huynh lại có ý kiềm lại thái độ kiêu ngạo của hắn, cười nói: "Gần đây ta cũng đọc được một bài thơ vịnh cây phong, cũng viết rất cao minh, so với ngươi thì..."
Hắn vội hỏi thế nào.
Đường huynh cười nói: "Hình như nhỉnh hơn một chút. Trùng hợp là bài thơ kia cũng dùng thể thất ngôn tứ tuyệt, cũng cùng vần thơ với ngươi."
Lòng háo thắng của hắn phát tác, vội vàng hỏi đường huynh bài thơ đó như thế nào, thầm nghĩ từ trước tới giờ vịnh cây phong cũng không có mấy ý nào khác, phần lớn là gửi gắm tình cảm, đau buồn, có khác chăng là dùng từ ngữ tinh tế hơn, cũng chẳng có gì đặc biệt.
Đường huynh vung bút, viết ra."Ngươi xem đi!"
Hắn đọc thử, nhất thời không nói nên lời.
Hắn thừa nhận bài thơ rất hay, nhưng lòng vẫn không phục, bèn cầm hai bài đi thỉnh giáo phụ thân, hỏi bài nào hay hơn.
Nguyên đại nhân nhìn nói: "Ta thấy mỗi người mỗi vẻ. Ngươi đưa mẫu thân nhìn xem, thơ từ nàng giỏi hơn ta."
Vì vậy hắn lại đi tìm mẫu thân.
Nguyên phu nhân đọc hai bài, mỉm cười nói: "Ca ca ngươi nói không sai, đúng là hơn ngươi một bậc."
Mặc dù đã dự liệu trước nhưng hắn vẫn thất vọng. Hắn biết mẫu thân đánh giá luôn không sai, ngoài miệng lại hỏi: "Người này giỏi hơn con ở điểm nào?"
Nguyên phu nhân nói: "Thơ ngươi làm phóng khoáng, cũng không tệ. Bài thơ này... nhẹ nhàng điềm đạm, từ ngữ thanh mát, câu đối về hoa rụng cỏ khô là thái độ thương tiếc, ngưng sương cũng coi là một vòng đời lại thể hiện sự bền bỉ cứng cỏi mà không quá sắc bén; câu cuối lòng theo mây trắng vượt ngàn gian nhà bày tỏ tâm thái tự do thanh thản. Thơ ngươi sắc bén như bảo đao lợi kiếm, thơ hắn điềm tĩnh như núi sâu sông dài, cảnh giới tự nhiên có cao thấp."
Hắn nghẹn lời không nói được gì nữa.
Nguyên phu nhân lại mỉm cười: "Người viết bài thơ này chắc hẳn là một người ôn hòa nhã nhặn, rộng lượng kiên nhẫn."
Hắn cố ý nói: "Ít cảm xúc như vậy, con thấy rõ là người tỏ vẻ trải đời!"
Trở lại phòng, đắc ý ban đầu đã bị quét sạch, hắn hỏi đường huynh vẫn còn đang lén cười: "Bài thơ này là ai làm?"
Đường huynh nói: "Một vị tiên sinh ở trường Lan Huy, họ Diệp tên Diệp Nghi Bân, tự Tử Lâm."
Trường Lan Huy... Tâm hắn khẽ động, còn hai tháng nữa, bản thân hắn sẽ nhập học ở ngôi trường rất nổi danh ở Giang Nam kia.
Cuối cùng cũng nhìn thấy người nọ, nam tử chừng hai mươi tuổi, quả nhiên là người nhã nhặn, nói chuyện chưa từng cao giọng, luôn mang theo nụ cười ôn hòa, đối đãi đệ tử cũng vô cùng khoan dung. Thoạt nhìn dung mạo y không nổi bật, nhưng nhìn kỹ ngược lại cảm thấy vài phần thanh tú, cử chỉ rất văn nhã.
Nhìn giống một người quân tử.
Tâm hắn ngầm mang khiêu khích, cố ý bày mặt lạnh, lạnh nhạt với người nọ, thỉnh thoảng mở miệng cũng là lời vô lễ, để xem người nọ ôn hòa nhã nhặn, rộng lượng kiên nhẫn thế nào.
Người nọ có chút nghi hoặc, giống như không biết bản thân đắc tội hắn ở đâu. Nhưng vẫn luôn ôn hòa đối đãi, mỉm cười đáp lời hắn không hề so đo. Thường thường còn chủ động hỏi han nói chuyện, thời điểm bị làm mất mặt cũng chỉ bất đắc dĩ cười cười, chưa từng đối chọi gay gắt, lại càng không mở miệng quở trách.
Hắn thầm nghĩ tính khí đúng thật là tốt, nếu là người khác thì đã sớm khó chịu, lạnh mặt phê bình.
Ai ngờ dường như ngược lại suy nghĩ của hắn, hắn mới nghĩ vậy không lâu, người nọ chợt bắt đầu trở nên lạnh nhạt —— thấy hắn liền lập tức không nói nữa, thời điểm gặp phải cũng chú ý tránh đi, càng không còn chủ động bắt chuyện với hắn, hoàn toàn không thân thiết tự nhiên như với các đệ tử khác.
Có một lần ở Tàng Thư Các, hắn đứng trước giá sách đang đọc sách dở, người nọ đi vào, bản thân cố ý không chào hỏi, người nọ cũng im lặng không lên tiếng, đứng xa xa ở chỗ khác. Hắn đọc sách xong muốn đi về, trước lúc ra cửa quay đầu lại nhìn một cái, thấy người nọ đi đúng đến chỗ vừa rồi mình đứng, bắt đầu lấy sách.
Hóa ra người nọ muốn chờ hắn đi rồi mới chịu đến! Hắn còn ở thì không chịu!
Hắn không khỏi để ý trong lòng. Ghét mình đến mức này ư? Bao nhiêu khoan dung dễ gần ban đầu đều chỉ là giả?
Quả nhiên... rõ ràng là kẻ lòng dạ nhỏ mọn, còn muốn giả vờ quân tử rộng lượng cái gì, giả chưa được mấy ngày đã mất kiên nhẫn... Lật tẩy được điều này, đáng lẽ hắn phải có cảm giác thắng lợi mới đúng, thế nhưng không hiểu sao chỉ thấy nghẹn trong ngực.
Thái độ của hắn đối với người nọ càng thêm ngạo mạn, mở miệng lại càng luôn châm chọc. Người nọ tuy có lúc lúng túng xấu hổ, nhưng vẫn không so đo, mở miệng đáp lại đều là lời đẹp ý tốt. Chỉ là vẫn cách xa hắn như trước, càng không chủ động nói chuyện với hắn nếu không cần thiết.
Hắn nhịn không được oán người nọ, nếu như lúc trước chịu đối xử tốt, vì sao lại thay đổi? Nếu đã thay đổi, vì sao còn khoan dung với hắn? Đồng thời nhịn không được ảo não: bản thân đang êm đẹp vì sao muốn đi dò xét người ta? Cuối cùng lại tự chuốc phiền não.
Hắn bắt đầu không tự chủ được quan sát người nọ, muốn hiểu rõ người nọ rốt cuộc là người như thế nào, chẳng những thời thời khắc khắc chú ý lời nói cử chỉ của người nọ mà còn cố ý hỏi thăm những người có giao hảo với y. Bình thường gặp thì hờ hững, nhưng lòng vẫn luôn nghĩ đến, cũng không thể nói là ghét hay thích, tóm lại, để ý không lý do.
Học tài của người nọ quả thực rất giỏi, dù là hắn cũng không tìm ra khuyết điểm. Hắn không thể không thừa nhận, trong số những học giả uyên thâm đức cao vọng trọng trong trường, người nọ không hề thua kém, đủ làm thầy của hắn; về phần bài thơ kia hay hơn hắn cũng rất đúng.
Thời điểm ở nhà nói chuyện với phụ mẫu về các tiên sinh dạy học trong trường, lúc nào hắn cũng nhắc tới người nọ nhiều nhất, tuy rằng ngữ khí bình thản cũng không ca ngợi, lại vô thức toát ra cảm giác tán thưởng. Người nọ viết văn viết thơ gì hắn cũng muốn tìm đọc kỹ; nếu không xuất bản thành tập, hắn cũng tự mình chép lại lưu giữ.
Giữa cảm giác vừa oán hận vừa ngưỡng mộ, vừa ngờ vực vừa trông mong, dáng vẻ người nọ lại càng không xua đi được. *Thân bất do kỷ, hắn lưu tâm mỗi một câu người nọ nói, bước chân chung quy luôn đi tới nơi người nọ thường đi. Hắn biểu hiện vô lễ trước mặt người nọ, lại vừa hy vọng người nọ có thể lại gần mình, trong