Nữ nhân không tiện ngồi vào bàn rượu, những tên quan viên kia nịnh nọt, sắp xếp cho nàng hẳn một gian phòng riêng, rượu và đồ ăn cũng giống y hệt bọn họ, mời phu nhân cứ tự mình thưởng thức.
Cuối cùng Âm Lâu cũng được bình yên, giống như Đồng Vân đã nói, mọi khoản chi đều được ghi tên người họ Tiêu nào đó, giống như hồi còn ở thái lăng muốn ăn thì ăn muốn uống thì uống, dù sao cũng đã có hắn chống lưng, nàng chỉ lo căng bụng là được. Non nửa cuộc đời Âm Lâu đều cô độc một mình, hiện giờ có thêm hắn, trong lòng nàng quả thực kiên định hơn rất nhiều. Hai chủ tớ đóng cửa ăn uống thỏa thích, thịt rượu no say, khi đêm xuống thì được đưa về trạch viện bên Tây Hồ.
Trạch viện kia có cái tên rất dễ nghe, gọi là Lộc Minh Kiêm Gia, được xây theo kiến trúc đình viện Giang Nam điển hình. Nơi đây linh khí dồi dào, kiễng chân lên là có thể nhìn về phía xa, Phật tháp chùa chiền thấp thoáng giữa núi non sông nước, mọi thứ đều quen thuộc mà thân thiết, kênh đào, Tây Hồ, còn có cả núi Ngô. Nơi đây cách nhà cũng không xa nữa, tính toán hành trình, nếu như ngồi kiệu chừng ba khắc là tới ngự phố Nam Tống.
Lần xã giao này của Tiêu Đạc không như những lần trước, nửa đêm rồi vẫn chưa thấy về. Âm Lâu đứng dưới hiên nói thầm: “Hắn không uống hoa tửu(*), chẳng lẽ là ra ngoài đánh mã điếu(**) cả đêm sao?”
(*) Hoa tửu: Rượu hoa. Ý nói đi kỹ viện chơi.
(**) Mã điếu: một hình thức cờ bạc bằng bài giấy phổ biến thời nhà Minh, Thanh.
Đồng Vân đang sắp xếp đồ đạc cho nàng, chép miệng nói: “Ai nói thái giám không thể uống hoa tửu? Chủ tử thử đến ngõ Bát Đại(*) mà xem một lần đi, nơi nơi đều là nội thị cải trang lén ra ngoài. Không gọi cô nương thì gọi tiểu quan, em nói cho mà nghe, càng là thứ bản thân khiếm khuyết thì lại càng hiếm lạ! Trước kia em nghe người ta nói Ngự Mã Giám có một vị giám quan cứ dăm ba bữa lại tới Câu Lan Viện, tiểu quan của cả một kỹ viện đều bị hắn biến thành đồ chơi. Sau này không ai dám nhận mối của hắn, sợ bị hắn chơi đến chết. Còn về chơi như thế nào, để em cho chủ tử mở mang tầm mắt…” Nói đoạn Đồng Vân tháo dải lụa tết bên hông ra, hướng tay lên trên búng vào, như thể đang búng dây đàn tỳ bà, vừa búng vừa cười, “Chủ tử nhìn đi, đây không phải là đòi mạng người ta sao!”
(*) ngõ Bát Đại (Bát Đại Hồ Đồng): Tám ngõ nhỏ ở Bắc Kinh tụ tập xóm làng chơi, kỹ viện.
Âm Lâu hiểu ra, cười không thể át, “Cái này đúng là vô đạo đức, bảo sao hắn bỏ tiền cũng không ai thèm. Đem cái cần câu cơm của người ta búng hỏng rồi, người ta không hận hắn mới là lạ!”
“Không chỉ có thế đâu.” Đồng Vân hăng hái tiếp lời, ngó quanh trái phải, đè thấp giọng nói: “Trong túi hắn còn giấu cả một cái chày cán bột, chủ tử nghĩ hắn tốn một đêm mấy chục lượng bạc chỉ để hoạt động ngón tay thôi sao? Sai rồi, đến mông người ta hắn cũng không buông tha…” Thực sự là tai tiếng nói không nên lời, đoạn sau không thể nói ra được nữa, để nàng tự tưởng tượng vậy.
Âm Lâu nghe xong thì sợ hãi: “Thái giám chà đạp người đến vậy, Lý mỹ nhân cũng chính là khổ sở như thế sao!” Nàng có một cảm giác thỏ chết cáo thương, đột nhiên lại thấy hoảng sợ, ngoài mặt thì Tiêu Đạc rất tốt, nhưng sau lưng sẽ là thế nào? Thái giám dù ít dù nhiều vẫn luôn có chút quái gở, cộng thêm cả thân phận của hắn, hẳn là giết người cũng chẳng sợ lộ ra!
Đồng Vân chính là kiểu người chỉ sợ thiên hạ chưa đủ loạn, còn ở bên quạt gió thêm củi: “Chuyện về thái giám có kể ba ngày ba đêm cũng chưa xong. Người xưa đã nói ăn cái gì bổ cái đó, có thái giám muốn hồi xuân, bò tiên ngựa tiên bọn họ căn bản không thèm để vào mắt. Chủ tử biết không, bọn họ ăn người tiên! Những nơi như Đông Xưởng kia, còn cả Hình Bộ, Đô Sát Viện, phạm nhân mười bảy mười tám tuổi bị phán xét xong thì lôi ra cổng chợ chém đầu, chém xong người nhà cũng không được đến nhặt xác, bọn thái giám sớm đã thu xếp xong. Những thứ dùng được đều bị xẻo đi, rửa sạch sẽ, sau đó hầm cùng đông trùng hạ thảo, nghe nói đại bổ.”
Mặt Âm Lâu trắng bệch: “Em biết chọn lúc mà kể một chút được không? Ta sắp nôn hết cơm ra rồi!”
“Đừng mà!” Đồng Vân cười nói, “Em chỉ bịa chuyện thôi, chủ tử đừng tin. Được rồi em im miệng đây, đồ đạc đều chuẩn bị xong rồi, chúng ta đi thôi!”
Ngoài cửa lớn sớm đã có kiệu chờ, người của Đồng Xưởng cũng đã đổi sang thường phục đứng gác một bên. Âm Lâu vứt hết những thứ lung lung rối loạn ra khỏi đầu, sửa sang lại váy mã diện(*), đong đưa đi ra ngoài.
Nhị đương đầu tên Dung Kỳ, một cái tên rất văn nhã, nhưng diện mạo thì không. Hắn là người từng vào sinh ra tử, vết sẹo trên mặt chính là bằng chứng cho kiếp đời chinh chiến của hắn. Diện mạo này chỉ cần đứng im thôi cũng thể trừ tà, khi bình thường xụ mặt nhìn rất hung dữ, lúc xu nịnh trông cũng rất buồn cười. Nụ cười như thể gặp phải tai họa, từng nếp thịt nhăn nheo như đụn mây chồng chất lên nhau, một lớp lại lớp, khiến người ta thất điên bát đảo.
Hắn cong eo, ân cần vén mành mời nàng lên kiệu, “Đốc chủ đã sớm dặn dò, chúng tiểu nhân chỉ đưa nương nương đến đầu ngõ, sợ quá phô trương, khiến hàng xóm chú ý thì không hay.” Nói xong lại đưa cho nàng một cái còi bằng ống trúc, “Nếu nương nương có gặp chuyện cũng đừng kinh sợ, chúng tiểu nhân phụng mệnh bảo vệ nương nương chu toàn, sẽ không đi đâu xa. Nương nương muốn gọi người thì thổi cái này, tiếng còi vang lên, dù có là núi đao biển lửa chúng tiểu nhân cũng xuất hiện trong chớp mắt.”
Bên trong Đông Xưởng dường như chẳng có gì gọi là bí mật, cả nhóm Đương đầu đều biết biết thân phận của nàng, lại thêm còn được Hoàng Đế cho phép Nam hạ, cho nên xưng hô cũng không cần quá kiêng dè. Âm Lâu nói cảm ơn, mới ngồi vào kiệu thì thấy Tào Xuân Áng ôm phất trần chạy tới, vừa gọi to bảo mọi người dừng bước, vừa quay đầu lại thúc giục tiểu nhị bưng theo cái hộp đằng sau chạy nhanh lên.
Nó chạy đến nơi thì tươi cười vái chào nàng, “Đốc chủ bận bịu công việc, hôm nay hẹn gặp người ngoại bang thương lượng đặt hàng ở phường thêu, không thể tới đi cùng nương nương, cho nên sai nô tỳ đến xem. Nương nương không thể về nhà tay không, lễ lộc là không thể thiếu, nếu không người ta sẽ nói chúng thần không chu toàn.”
Đồng Vân nghe xong thì líu lưỡi, quả nhiên là xuất thân thái giám, còn quản cả tặng lễ hồi môn, thật là quá mức để bụng. Nếu không có ý tứ gì, vậy thì sao cứ quản hết chuyện từ lớn đến nhỏ? Nàng tiến lên nhận lấy cái hộp, nhỏ giọng hỏi Tào Xuân Áng, “Lần này Đốc chủ thương lượng mất bao lâu?”
Tào Xuân Áng chẳng lớn hơn ai, nhưng điệu bộ lại rất đầy đủ, ngẩng đầu nói: “Chuyện này ta không trả lời được, còn phải xem người ngoại bang kia có hào phóng hay không. Nếu gặp người thoải mái, chỉ nửa ngày liền hạ bút ký khế ước; chẳng may gặp phải người tính toán chi li thì phải mất dăm ba bữa chưa biết chừng.” Nó quay lại cười nói với Âm Lâu, “Đốc chủ nói nương nương cứ về bái kiến lão Thái phó trước, Đốc chủ xong việc sẽ tới ngay.”
Âm Lâu gật đầu, buông mành kiệu xuống. Bốn phiên tử nâng kiệu lên vai, người luyện võ bước đi nhanh, chẳng mấy chốc đã đến ngự phố Nam Tống. Bọn họ tìm một nơi vắng vẻ hạ kiệu, Âm Lâu xuống kiệu, Dung Kỳ dặn dò nàng vài câu rồi dẫn người rời đi.
Lại một lần nữa được bước đi trên con đường xưa, cổng chợ quen thuộc, con hẻm quen thuộc, tất cả đều là những nơi nàng thương nhớ đêm ngày. Con phố lát đá thân thương, mỗi một bước đi là một hồi ức. Âm Lâu kích động kéo Đồng Vân lên bậc thang, chỉ vào con đường nhỏ quanh co mà nói: “Đường lát đá xanh ở Giang Nam không giống ở Bắc Kinh, ở Giang Nam uyển chuyển tinh tế hơn một chút. Ta thích nhất là ngày mưa, nước mưa như phủ gương lên đá, có thể hắt ngược lại bóng người.” Đi vài bước nữa là đến một tòa lầu, nàng lại khua chân múa tay một hồi, trạch viện cách đó không xa có đôi sư tử đá trước cổng chính là nhà nàng.
Dường như nàng chẳng còn