Đến chùa Đàm Chá dâng hương là hoạt động quan trọng hàng đầu mỗi năm phải có, thường diễn ra sau Trung thu, gọi là “thù nguyệt”, là để đáp tạ mặt trăng đã soi sáng Cửu Châu. Tuy rằng năm nay ông trời chơi một trò đùa không lớn không nhỏ, nhưng lễ tiết vẫn là không thể thiếu, không đắc tội nổi thì đành thỏa hiệp, còn ai có thể đối nghịch với ông trời sao?
Những chuyện không thoải mái kia tạm thời không luận đến, đám cung quyến vẫn rất nhiệt tình với chuyện được xuất cung. Chín cổng đều giới nghiêm, Cẩm Y Vệ dẹp đường, hai bên ngự đạo giăng đầy màn vàng. Chùa Đàm Chá nằm ở đầu mương đông nam, mất một lúc để đi từ Tử Cấm Thành đến, Hoàng Hậu và Thái Hậu có kiệu riêng, các lọng che phượng phiến, các kiểu lư hương, kim ngột, kim thóa hồ…Phô trương đến kinh người. Còn các nhóm cung phi thì sao, đều có vui sướng của chính mình. Mời hai đồng liêu chơi thân ngồi chung một chiếc xe bát bảo thúy cái châu anh, mang theo mấy cung nữ thái giám bên người, trà trộn trong nghi thức mênh mông cuồn cuộn, không bị nhiều câu thúc, tâm cảnh rất đỗi vui mừng.
Âm Lâu nằm trong hàng dị loại, nói đến cùng vẫn là vì kiêng kị nàng là góa phụ của Tiên Đế, tấn vị rồi cũng chẳng ai buồn qua lại với nàng. Cũng may có Đế Cơ, Đế Cơ kết đôi với nàng, mời nàng ngồi chung xe liễn kim phượng, kể cho nàng nghe lịch sử chùa Đàm Chá và những nơi thú vị.
Đế Cơ gõ ngón tay trên cửa sổ, nói: “Tục ngữ có câu ‘trước có Đàm Chá tự, sau có Bắc Kinh thành’. Nghe nói Tử Cấm Thành chính là phỏng theo chùa Đàm Chá mà xây nên. Hậu phi các đời bỏ rất nhiều tiền tu sửa, không biết đã bao nhiêu lần rồi, chỗ bạc tiêu tốn có thể xếp thành núi mới có được kết cấu như hôm nay.”
Hôm nay Đế Cơ búi tóc khiêu tâm(*), trên tóc cài một cái trâm quỳ hoa bằng đá quý, tóc búi lên cao cao, vạt tố sa màu đỏ, làm cho cần cổ càng thêm lả lướt dị thường. Gương mặt như hoa như ngọc, ngoài cửa sổ là chân núi trùng điệp liên miên, giống như con dấu chu sa đóng xuống bức họa biết lưu động, tươi đẹp mà cao quý. Âm Lâu nhìn nàng, không khỏi sinh ra rất nhiều cảm khái, tuổi trẻ thật tốt, chính mình cũng không lớn tuổi hơn nàng bao nhiêu, bây giờ nhìn nàng lại cảm thấy như cách một thế hệ, có một cảm giác tang thương tận mệnh.
“Tiền bố thí hôm nay đều là triều đình ra bạc, ta đã hỏi thăm qua, tổng cộng là 35 vạn lượng bạc trắng.” Nàng nhíu mày lắc đầu, “35 vạn lượng, đủ cho bách tính một tỉnh ăn nửa năm. Không phải là tu sửa chùa không tốt, nhưng tích đức làm việc thiện cũng phải nhìn thời. Mấy năm nay quốc khố liên tục thiếu hụt, lôi tiền ra làm cái này, còn không bằng dùng để mở rộng quân nhu. Chúng ta là hạng nữ lưu, không tiện vọng nghị chuyện triều chính, ta nghe nói thực ra Hán thần đã từng khuyên can, kết quả là động vào một trận giận dữ. Vị ca ca kia của ta không biết đương gia, cứ tiếp tục như vậy chỉ sợ không ổn. Mấy ngày hôm trước Thục phi còn khuyến khích xây một cái Lãm Tiên Lâu, nói xây càng cao thì sẽ càng gần Dao Trì, thứ luận điệu vớ vẩn này, vậy mà Hoàng Thượng lại thấy hứng thú! Gia nghiệp càng lụn bại lại càng tận hứng, bây giờ đến các Các lão cũng không biết góp lời thế nào.”
Âm Lâu không ngờ nàng lại có kiến giải về chính sự, ngồi dậy nói: “Từ sau ngày Âm Các tiến cung ta vẫn chưa gặp lại Hán thần, chuyện trên triều ta cũng không có chỗ hỏi thăm. Hắn đã ra mặt một lần khi Hoàng Thượng chi ngân sách tu sửa chùa Đàm Chá, bây giờ còn ngăn cản xây Lâu, chỉ sợ Hoàng Thượng sẽ không vừa ý.”
Xe liễn đã đến chân núi, gió núi từng trận quét qua con đường lát đá cổ xưa, Đế Cơ quay mặt đi nhìn cảnh trí bên ngoài, phiền muộn nói: “Ta biết tình tình Hoàng Thượng, hắn sao mà chịu nghe người khác khuyên đâu? Cứ tự mình quyết định rồi âm thầm làm, khi xong việc mọi thứ có ra sao hắn cũng mặc kệ, dù sao cũng đã có thuộc hạ lo liệu thay. Khi trước còn là Vương cũng thế, bây giờ làm Hoàng Đế, tật xấu này vẫn chẳng sửa nổi.”
Chuyến đi chơi vui vẻ, lại bị chuyện chính sự làm cho không cười lên nổi. Đế quốc khổng lồ như vậy, có hư thối cũng là bắt đầu từ tim. Ca vũ thăng bình(*), vận số sắp tận, từ thời kỳ Nguyên Trinh Hoàng Đế trở đi đã chính là tình cảnh bi thảm này. Nhưng mà thời gian mòn mỏi trôi qua, con người dần dần chết lặng, buộc phải tự mình thích ứng, cho rằng Đại Nghiệp vốn dĩ đã là như vậy.
(*) Ý nói cảnh thái bình giả tạo.
Điều Âm Lâu lo lắng không phải là hôm nay Hoàng Đế tiêu bao nhiêu bạc, nàng chỉ lo lắng Tiêu Đạc, hắn khuyên can quá nhiều, nếu là minh quân thì còn đỡ, nhưng lại gặp phải loại người không biết phân biệt tốt xấu như Mộ Dung Cao Củng, chẳng may làm hắn ta tức giận, không biết sẽ lại bị giở trò ngáng chân gì.
Đi tới phía trước xem, dòng người mênh mông không nhìn thấy hồi kết. Hôm nay dâng hương là Tiêu Đạc hầu hạ, Hoàng Thái Hậu rất tin tưởng hắn, luôn nói hắn làm việc có chừng mực, những chuyện Hoàng Đế không thể để mắt, giao cho hắn làm không sai đi đâu được. Nhưng thật ra đây cũng là cơ hội tốt, ra khỏi cung, kiếm một chỗ không có ai nói chuyện với nhau vài câu. Trong lòng nàng vẫn luôn bồn chồn, nàng biết hắn hiểu nhất là xem xét thời thế, nhưng vẫn không nhịn được muốn khuyên hắn phải bo bo giữ mình. Thật chẳng khác gì bà vợ già, nửa là lo lắng nửa là ngọt ngào, nhớ lại tình cảnh ở Hàm Thanh Trai đêm đó, trên mặt lại đỏ bừng như ớt chín.
Đám hậu phi trong cung phượng giá quang lâm, chùa Đàm Chá đã sớm phong tỏa ngọn núi, người không liên quan sẽ không được đến dâng hương. Đến trước cửa núi từng người xuống xe, Đồng Vân cất tấm đạp chân đi, nàng xoay người ngắm nhìn khắp nơi, ngói xám tường đỏ thấp thoáng giữa rừng thanh tùng thúy bách, bố cục đại điện vậy mà thực sự trông khá giống Tử Cấm Thành.
Mọi người đều trang nghiêm đứng một bên, chờ Thái Hậu và Hoàng Hậu đi trước. Tiêu Đạc là người hầu hạ bên cạnh, một thân phi y đai ngọc dẫn đường. Tia nắng chiếu lên hoa văn tơ vàng trên tay áo và đầu gối, cả người hắn như được mây gấm bao quanh. Một nam nhân mặc đồ đỏ, không hề mang vẻ tục khí, ngược lại còn càng thêm yêu mị khác hẳn bình thường, quả nhiên là sinh ra để được yêu thương mà!
Hắn đi qua trước mặt nàng, mi mắt cũng chẳng nhấc lên, vẫn là cẩn thận thong dong. Âm Lâu cũng rất thản nhiên, đỡ Đế Cơ bước lên bậc thang, chơi bời ngủ nghỉ trong cung lâu rồi, bây giờ trèo mấy chục bậc thang cũng mệt đến thở hồng hộc.
Phần quan trọng nhất chính là đi thắp hương thăm viếng cùng Thái Hậu và Hoàng Hậu. Một hàng Phật gia trước mặt đều đã dâng hương xong, chậm rãi tiến về điện Quan Âm ở nơi cao nhất. Vị Phật được cúng bái nhiều nhất trong cung chính là Quan Âm. Ngẩng đầu nhìn lên trên, Quan Âm ở đây không giống với Quan Âm trong tưởng tượng cho lắm, thân dát vàng ba đầu sáu tay, liếc mắt nhìn qua không thể phân biệt rõ nam nữ. Các phi tần và đám tùy tùng đứng đầy đại điện, đốt hương chắp tay, tiểu sa di bên cạnh nhận lấy đem cắm vào lư hương, kế tiếp chính là một vòng vứt tiền bố thí.
Trình tự xong rồi, mọi người có thể tản mát dần, đi dạo ngắm nghía các nơi. Không biết làm sao, hôm nay Vinh An Hoàng Hậu lại xin nghỉ không đi cùng, nhưng mà việc siêu độ Tiên Đế đã được hồi bẩm lên Thái Hậu, Âm Lâu muốn trốn cũng không thể. Cũng may vị Triệu lão nương nương kia không ở đây, không có ai nhìn nàng chằm chằm chết cũng không bỏ. Mọi người trở lại Tỳ Lư Các cúng tế Tiên Đế xong rồi lại từng người rời đi. Bởi vì thân phận nàng đặc thù, những người tụng kinh và làm Phật sự trong đại điện đều là hòa thượng, một mình nàng là nữ quyến không tiện ở đây, cho nên Văn Thù Điện đã được dành riêng ra cho nàng tĩnh tâm thương tiếc.
Đế Cơ đưa nàng đi vào, nhìn nàng quỳ gối lễ bái trên đệm hương bồ. Một tiểu sa di đem mõ và tràng hạt tới để trước mặt nàng, nàng cầm lấy kiền chùy, nhắm mắt lại gõ lên cốc cốc. Đế Cơ thở dài, hỏi tiểu sa di kia, “Sẽ phải quỳ bao lâu?”
Tiểu sa di bái một bái, nói: “Toàn bằng tâm ý, không quy định.”
Càng như vậy mới càng khó làm, toàn bằng tâm ý, nếu chỉ quỳ một hai ngọn trà chứng tỏ tâm ý quá nhẹ, có chủ mới đã quên chủ cũ; còn nếu quỳ một hai canh giờ, vậy thì cả hành trình đến chùa Đàm Chá của nàng đều chỉ có thể quẩn quanh trong Văn Thù Điện, đừng mong được đi đâu hết.
Đế Cơ cũng chẳng còn cách nào, quỳ cùng nàng một nén nhang, đầu gối thực sự chịu không nổi nữa, cuối cùng đành đầu hàng. Đế Cơ ai ủi vỗ vai nàng, thấp giọng nói: “Cô cứ ở đây, ta ra ngoài hái cho cô một ít quả trong chùa, ăn vào tiêu tai giải nạn.” Nói xong thì thè lưỡi, chạy ra khỏi Văn Thù Điện.
Phong cảnh bên ngoài rất đẹp, trời tháng tám, đúng lúc hoa quả được mùa. Nàng đứng dưới mái hiên híp mắt hít sâu một hơi, trong không khí xen lẫn mùi nhang khói, có chút trầm đục, lại khiến người ta tịnh tâm. Đi theo hàng lang về hướng Đông, nàng nhớ năm ngoái đến chùa Đàm Chá dâng hương đã thấy ở đó có một cây táo, tính toán thời điểm, hẳn bây giờ đã là lúc hoa trái xum xuê! Nàng cởi túi tiền trên eo xuống, đổ hết vàng bạc tiền hào vào tay cung nữ, tự mình xách túi đi thằng về phía tháp xá lợi.
Quả nhiên là không nhớ lầm, cây táo kia rất lớn, táo trĩu trịt đầu cành, có thể là hòa thượng không ăn hoa quả, táo đã chín đỏ mà vẫn chẳng có ai hái. Nàng vui vẻ cười rộ lên, trái cây trong cung đều là tiến cống từ các nơi, lúc nào cũng bày sẵn lên mâm ngọc, không có cơ hội cho nàng tự động thủ. Dù sao cũng chỉ là cô nương mười mấy tuổi, thấy xung quanh không có người thì vui sướng lắm, khom lưng chạy đến tàng cây, tầm với lại không đủ, còn chưa kịp chạm vào quả đã bị một đoạn gai trên thân cây cắt qua.
Nàng bị đau hít một hơi, chăm chú nhìn lại, cái gai đó dài đến nửa tấc, chỉ đành tự trách mình không cẩn thận, chưa hái được quả đã bị thương rồi. Đang lúc ảo não, bỗng nhiên lại có một bóng người bước ra từ sau tháp xá lợi, thử thăm dò đưa tay qua, rồi nhẹ nhàng cầm lấy cổ tay nàng.
Đó là một đôi tay trắng trẻo hữu lực, Đế Cơ chỉ nghĩ đó là cung tì mà thôi, nhưng sau khi chạm vào liền cảm thấy kì lạ. Nàng