Uy Túc Công Trần Văn Bích năm nay vừa tròn mười lăm, là trưởng nam của Văn Túc Vương Trần Đạo Tái, gọi Vũ Túc Vương bằng thúc phụ. Một nhà ba người bọn họ đều là hậu duệ của Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải, đương nhiên là mã nghệ lẫn binh pháp hay chiến thuật đều uy vũ hơn người.
Bên này luận về vai vế chỉ có Văn Hiến Hầu Trần Thánh Quang - nhi tử của Chiêu Văn Đại Vương là có thể so sánh với hai vị vương gia. Nhưng xét về tuổi tác thì Thánh Quang cũng chỉ ngang tuổi Văn Bích, cùng với Quốc Chẩn và Hiển Duệ Bá Trần Công Xước – đệ đệ ruột của Nguyên Phi, cả ba cũng chỉ là bậc hậu bối.
Nếu luận về chức vị, phong hiệu Đại Vương lớn hơn Vương, tiếp theo mới đến các chức Công, Hầu, Bá, Tử và cuối cùng là Nam. Quốc Chẩn mang chức Đại Vương, nhưng chỉ vì là hoàng tử Đại Việt mới được lệ ban cho chức vị hiển diệu ấy. Như vậy xét về tuổi tác lẫn thứ bậc, đội của Văn Túc Vương vẫn oai vệ hơn.
Có câu anh hùng thì không hỏi xuất thân, dẫu bọn họ có là ai đi nữa thì sân rồng lúc này chỉ có hai địch thủ và một kẻ chiến thắng. Một nhà ba người Văn Túc Vương đương nhiên muốn thắng để làm rạng danh Chiêu Minh Đại Vương, thế nhưng thúc phụ của bọn họ - Chiêu Văn Đại Vương cũng rất muốn phần thắng thuộc về đội của Thánh Quang nhi tử của mình.
Nhập nội hành khiển Trần Khắc Chung đương nhiên cũng muốn Công Xước làm nở mặt gia tộc, cứ thế mà vui vẻ nói cười với các đại thần xung quanh để sao nhãng sự hồi hộp.
Tưởng chừng bình thản nhưng lại lo lắng nhiều nhất có lẽ là Thái hậu, bà vốn đã dặn dò Quốc Chẩn không được tiến sâu vào vòng sau. Ai ngờ tuổi trẻ hiếu thắng, bây giờ đội của chàng đã đối đầu với Văn Túc Vương. Chỉ mong sao ba thiếu niên trẻ tuổi này đừng quá ngạo mạn!
Tiếng trống nổ lên, khắp sân rồng vang vọng tiếng hô hào cổ vũ. Huyền Dao và Đàm Hoa có chút hào hứng, trong dạ thầm mong Công Xước có thể giành lấy phần thắng. Độ chừng nửa nén nhang trôi qua, thế nhưng hai bên vẫn đối kháng kịch liệt. Lúc này khó có thể nhận ra ai đang đắc thế, bởi vì so sánh tài nghệ thì chỉ có thể dùng một câu “kẻ tám lạng người nửa cân” để miêu tả uy vũ hiện tại của hai đội.
Chợt nghe đâu đó thanh âm trong trẻo vang lên bên tai: “Cái người vận lam y đó là ai thế?”
Một thanh âm tinh nghịch khác đáp lời: “Huynh ấy là Uy Túc Công”
Thanh âm trong trẻo liền nhỏ nhẹ: “Muội nhìn xem, Uy Túc Công dường như đã đưa cầu đến nơi rồi”
Liền sau đó là tiếng đám đông hò reo: “Trúng rồi trúng rồi”
Cả thanh âm tinh nghịch và trong trẻo kia bấy giờ cũng hoà với đám đông mà cảm thán: “Giỏi thật!”
Nguyên Ninh đưa mắt nhìn lên, thì ra cuộc trò chuyện đó là của hai vị công chúa Thượng Trân và Huyền Trân. Nàng trong đầu ngời ngợi, chợt nhận ra thanh âm tinh nghịch có chút quen thuộc, thế mà chẳng nhớ rõ là mình đã nghe khi nào.
Vậy là đội của Văn Túc Vương đã ghi được điểm đầu tiên, người xuất sắc giành điểm chính là Uy Túc Công Trần Văn Bích. Thái hậu thở ra một tia nhẹ nhõm, vừa nãy bà cũng đã tinh ý nhận ra một chuyện khiến bà hài lòng. Văn Bích thật ra có thể ghi điểm là do Quốc Chẩn có ý khiêm nhường, xem bộ chàng cũng biết cân nhắc nặng nhẹ.
Nửa nén nhang còn lại trôi qua trước sự đối kháng kịch tính của sáu con ngựa, tuy vậy lại không có điểm nào được ghi. Như thế phần thắng cuối cùng thuộc về đội của Văn Túc Vương, đây cũng là kết quả được lòng mọi người nhất.
Tiếp nối mã cầu chính là trò phao cầu (ném bóng). Trái với trận đấu kịch tính khi nãy, trò phao cầu này sinh ra là để tạo không khí vui vẻ cho mọi người. Người tham gia không phải là nam tử, mà chỉ là nữ nhân và nội thị.
Một đội cũng gồm có ba người, trong đó có nội thị, cung nữ và một vị hoàng nữ. Hoàng nữ này có thể là công chúa, quận chúa, thậm chí có thể là tần phi nếu muốn tham gia.
Đảo mắt nhìn, chỉ thấy ở đó ngoài đội của Thiên Trân, Huyền Trân và Thượng Trân, còn có đội của Thánh An Quận chúa. Một số phi tần cũng ham vui mà tham gia, ở đó có Đan Thanh, Như Lộ và một vài Ngự nữ khác muốn được Quan gia chú ý.
Vị nữ quan đứng tuổi ở đó dựa theo thể trạng các đội mà sắp xếp đối kháng, Huyền Trân đấu với Thượng Trân, Thiên Trân được xếp với Thánh An, còn Đan Thanh cũng được xếp với Như Lộ, các Ngự nữ còn lại ngẫu nhiên ghép cặp với nhau. Chỉ thấy trận đấu của các nàng Ngự nữ kia có phần tẻ nhạt, chủ yếu bọn họ nhân cơ hội này để được lọt vào mắt xanh của Quan gia. Cứ thế mà cố tình làm ra vẻ yểu điệu thục nữ, trông thật buồn cười.
So với trận đấu nham nhở của bọn họ, trận đấu của hai vị công chúa có phần thú vị hơn. Khác với nét đoan thục thường ngày, Thượng Trân công chúa trên sân rồng lúc này vô cùng háo thắng. Nhưng Huyền Trân công chúa cũng chẳng thua kém gì, nàng trước giờ tinh nghịch và nhanh nhẹn, so với Thượng Trân thì linh hoạt hơn nhiều. Cứ thế mà thuận lợi cướp được quả cầu bằng gấm có nhiều sợi tua về ném trúng về đích.
Kịch tính hơn nhiều là trận đấu của Trưởng công chúa Thiên Trân, nàng trước giờ không hề liễu yếu đào tơ, nhưng không ngờ Thánh An Quận chúa lại hơn mình một bậc. Nếu không chú ý, có lẽ thì suýt nữa đội của nàng đã bị thất thủ. Cũng may là có cận tỳ Mặc Đan dốc hết toàn lực, như thế mà đội của nàng mới cầm cự đến phút chót mà nhận lấy kết quả hoà nhau.
Phần thi đấu của Đan Thanh và Như Lộ lại có bất ngờ lớn. Đan Thanh trước giờ cương lãnh, còn Như Lộ thì khả ái ôn thuận, chẳng ngờ trên sân đấu bây giờ Như Lộ lại chiếm ưu thế. Nguyên Ninh đưa mắt chăm chú nhìn về phía Đan Thanh, chợt thấy thần sắc của nàng ta không được bình thường, sắc mặt dường như có chút trắng bệt.
Chỉ một lúc sau Đan Thanh đã không cầm cự được mà ngã quỵ xuống, hết thảy mọi người ở đó đều lo lắng. Thái y túc trực xung quanh liền nhanh chân chạy về phía nàng, hồi sau nét mặt ông ta niềm nở hẳn ra. Vị thái y đó quay về phía Thượng hoàng mà nói vang vọng, từ chỗ ông ta nói đến Chúng Tiên Đài mà vẫn nghe rõ rành mạch: “Chúc mừng Thượng hoàng, chúc mừng Quan gia! Vị chủ nhân này đã mang long mạch!”
Thượng hoàng cao hứng, Quan gia cũng ngồi không yên, liền đứng dậy hấp tấp chạy xuống cầu thang mà hướng về phía Đan Thanh. Ở đó chỉ toàn là tiếng hò reo hoan hô của con dân Đại Việt, Thượng hoàng chậm rãi mà bước lên một bước, vuốt râu mà dõng dạc nói: “Hôm nay nhân lúc ngày lành tháng tốt, mà Đại Việt ta lại có tin vui, chi bằng chúng khanh gia tiếp tục ở lại dự dạ yến, hôm nay chúng ta không say không về!”
Xung quanh tiếp đó là tiếng hò reo tán dương, không khí sôi nổi rạng rỡ vô cùng. Nguyên Ninh cũng theo đó mà có một tia vui vẻ, nghe nói hậu cung lâu rồi không có tin vui, lần này đúng thật là chuyện hoan hỷ.
Dạ yến hôm đó đặc biệt náo nhiệt, Quan gia cao hứng, trên bàn tiệc liền đem hai chuyện vui nói với tất cả mọi người. Chuyện thứ nhất chính là đem Xuân Ninh Cung thưởng cho Thiên Trân công chúa, còn chuyện thứ hai là lấy hai mỹ từ "Thuần Nghi" ban cho Liễu Phu nhân. Chữ "Thuần" này ý khen nàng ta trong sáng mộc mạc, còn chữ "Nghi" lại nói nàng biết tuân thủ phép tắc, đối với các vị phi tần bên trên giữ trọn lễ nghĩa.
Đan Thanh lẩm bẩm cái phong hiệu vừa được ban kia, bất giác nhớ lại bản thân mình ngày trước. Đó là một ngày cuối thu nọ cách đây không lâu, Đan Thanh khi ấy còn là một tiểu cung nữ làm việc ở Thuỷ Vân Quán. Lúc đó nàng được lệnh hầu hạ các vị hoạ sư tại Lạc Thanh Trì, vào dịp bọn họ đàm đạo hoạ thi cùng với Quan gia.
Tên của nàng chữ "Đan" có nghĩa là màu đỏ, còn "Thanh" thì có nghĩa là màu lục, hai màu này xuất hiện thường xuyên và tượng trưng cho hội hoạ bấy giờ.
Đan Thanh vô cùng kính cẩn và thận trọng, suốt cả thời gian hầu hạ ở đó gần như chỉ dám cúi mặt làm việc. Đến lúc các hoạ sư cung tiễn Quan gia và lần lượt ra về, nàng mới ngẩng mặt mà dọn dẹp bút mực. Chợt thấy trước mắt có con chim hoàng anh đậu trên cành quế bên cửa sổ, dáng vẻ của nó thật giống như sắp sửa đập cánh bay đi. Đan Thanh theo đó mà không chậm một khắc vương tay bắt lấy con chim, đâu biết thật ra đó chỉ là một bức hoạ đồ.
Có nụ cười phát ra từ sau lưng, Đan Thanh xấu hổ quay người nhìn lại, bất giác trông thấy Quan gia đứng trước mặt nhìn mình. Thì ra con chim hoàng anh đó là do chính Quan gia vẽ. Dưới ánh nắng hoàng hôn huyền huyền ảo ảo, con chim kia uyển chuyển sinh động đến mức chân thật. Đan Thanh dẫu làm việc đã lâu tại Thuỷ Vân Quán, nhưng với sự ngây ngô thuần khiết của mình, nàng lại tưởng trong tranh ở đó là một con vật sống thật sự.
Sự mộc mạc này của Đan Thanh sau đó được thay bằng chức vị Ngự nữ. Cứ thế mà Liễu Ngự nữ ngày đó trải qua một năm hầu hạ Quan gia, được phong làm Phu nhân, và bây giờ lại có hai mỹ từ Thuần Nghi làm phong hiệu. Quan trọng là trong bụng nàng hiện tại còn mang long mạch của Trần tộc, là thứ mà khắp cả hậu cung này ngày đêm mơ đến.
Đúng vậy, tất cả tưởng chừng như một giấc mơ, thật thật giả giả không khác gì bức hoạ đồ hoàng anh chi điểu năm đó nàng đưa tay bắt lấy. Đan Thanh đưa tay nhẹ nhàng xoa bụng, bước xuống ghế mà hành lễ đa tạ ân điển này của Quan gia, chợt nghe bên tai là tiếng của Thái hậu: "Không cần hành lễ, mau ngồi lại xuống ghế đi. Bây giờ con đã mang hoàng tôn của ai gia, nhất định phải bảo dưỡng cơ thể cho chu toàn"
Thái hậu nói xong câu đó liền gọi một tiếng "Tịnh Văn". Tịnh Văn cô cô nghe theo mà kính cẩn nói: "Thái hậu nương nương xin hãy dặn dò ạ"
Thái hậu vui vẻ nói: "Ngày mai ngươi hãy đến Ngự thiện phòng chọn ra một số trù sư tinh nghệ. Nữ nhân mang thai khẩu vị thay đổi thất thường, hãy dặn dò bọn họ làm ra những món vừa ngon vừa bổ cho Thuần Nghi Phu nhân có hiểu không?"
Tịnh Văn cô cô cúi đầu mà vâng dạ, trong đại điện bấy giờ ai cũng nghe thấy điều đó, phút chốc trong lòng bọn họ chợt sinh ra một chút ghen tị. Thế nhưng chẳng ai dám phát ra một chút tiểu tâm ấy, ngược lại đều đồng loạt phô cái bộ mặt hoan lạc tươi vui che lấp đi.
Chỉ thấy trong tiếng cười reo vui vẻ, bất chợt ở đâu đó có năm móng tay bấu chặt vào da thịt, trong lòng người ấy tràn đầy lửa giận, nhưng vẻ mặt vẫn phải cố tỏ ra bình hoà. Thỉ ra trong chốn cung cấm này, niềm vui của người khác đôi khi lại là vết cắt trong lòng mình!
Có điều không phải ai cũng có thể dễ dàng để lộ tâm tư, như thế mới thật là khó bề phòng bị, như thế mới là chốn cung cấm thâm sâu!
***
Kể từ lúc Đan Thanh có thai, nàng đã được các vị ma ma trong cung chăm sóc chu đáo. Đám vật nuôi ở Trúc Hoa Viện cũng đã được dời đi chỗ khác. Mọi sự tính toán chu toàn, cốt là để cho Đan Thanh nghỉ ngơi một cách an hảo. Đan Thanh về chuyện này đúng là có chút hối tiếc, tuy nhiên nàng đã bắt đầu cảm nhận được đứa trẻ trong bụng, tình thương dành cho nó so với những con vật kia lớn lao hơn nhiều.
Quan gia đặc biệt xem trọng cái thai này của nàng, ngay cả Thượng hoàng và Thái hậu cũng thế, cứ cách dăm ba bữa là đến thăm hỏi.
Huyền Dao là hậu cung chi chủ, đương nhiên vì chuyện này mà tốn nhiều tâm sức tính toán chu toàn. Nàng từ sớm đã miễn lễ thỉnh an cho Đan Thanh, lại nghe nói nàng ta kể từ lúc mang thai thì sinh ra chứng khó ngủ, lúc nào cũng cảm thấy trong người nóng bức, cho nên liền đích thân dặn dò các ma ma, trù sư và thái y, cố gắng tìm ra những phương cách điều trị cho mẫu tử hai người bọn họ khoẻ mạnh an hảo.
Bởi vì Đan Thanh nóng bức trong người, cho nên hậu cung gần đây xuất hiện lời đồn đại khá đáng tin. Trong cung bàn tán, nói rằng Đan Thanh có thể đang mang một vị hoàng tử. Bọn họ suy đoán rằng dương khí của đứa trẻ hoá vượng, cho nên âm khí của mẫu thân mới bị áp đảo, rốt cuộc sinh ra chứng nóng nhiệt.
Quan gia nghe thế thì vô cùng vui mừng, theo đó mà thêm phần quan tâm đặc biệt đến nàng. Đan Thanh trước giờ an phận, tuy nhiên từ lúc mang thai nhận nhiều đặc ân, cho nên cũng sinh ra chút thích thú mà ngạo mạn.
Phút chốc cũng đã được một tháng kể từ Tết Đoan Dương, thời tiết dạo này càng ngày càng nóng. Đàm Hoa nhìn chiếc ghế trống chỗ Đan Thanh vẫn hay ngồi, có chút buồn bực mà buông lời chán ghét: “Mang thai thôi mà, nhất định phải làm ra
vẻ khổ sở như thế sao?”
Thiên Tuyết cười cợt: “Thục Phi chưa từng mang thai, làm sao có thể biết được cảm giác của nó như thế nào cơ chứ?”
Đàm Hoa nghe thế thì vô cùng tức giận, nhưng cũng cố gắng bình tĩnh đắc ý nói: “Cô thì sao? Cô thì biết nhiều hơn bổn cung chắc?”
Thiên Tuyết cong chân mày mà tiếp lời: “Người ta nói nữ nhân mang thai trong ba tháng đầu tiên sẽ đặc biệt chịu nhiều khổ sở, hơn nữa ba tháng này phải cực kỳ cẩn thận. Không chỉ Thuần Nghi phải tự mình cố gắng an dưỡng, mà bậc Phi vị chúng ta cũng phải quan tâm đặc biệt đến nàng ấy. Tuyệt không phải ngồi đó nói những lời không biết nặng nhẹ như cô!”
Đàm Hoa cười khinh mạn: “Cô cũng đã nói rồi đó, ba tháng đầu không ai nói trước được chuyện gì. Bây giờ Thuần Nghi cũng chỉ có mang được hơn hai tháng, nếu có bất trắc gì thì cũng là điều đã lường trước, có liên can gì đến chúng ta cơ chứ?”
Huyền Dao nghe thế mà chau mày: “Đang yên đang lành, Thục Phi sao lại nói những lời không hay như thế? Chuyện này không được nhắc nữa!”
Đàm Hoa bị khiển trách, cũng chỉ đành ngượng ngập vân vê búi tóc. Ở điện Thiên Đăng sau đó chẳng còn chuyện gì để tán gẫu, đám phi tần ở đó cũng lần lượt cáo lui. Tâm trạng mỗi người mỗi khác, nhưng chung quy chẳng mấy vui vẻ gì.
Đàm Hoa quay trở về cung mà mồ hôi lấm tấm đầy trán, liền nhanh chóng giục Hạ Trúc: “Quạt quạt cái gì? Còn không mau đem thứ gì tươi mát lên cho bổn cung giải nhiệt?”
Hạ Trúc cười trừ mà nhẹ giọng nói: “Nô tỳ đã gọi Hạ Tử đi lấy chén nước mơ ngũ vị rồi ạ, lát nữa cô ta sẽ mang lên đây ngay!”
Đàm Hoa chau mày thở ra một hơi chán ghét nói: “Nước mơ? Thường ngày bổn cung vẫn dùng trái cây mùa hè giải nhiệt, sao hôm nay chỉ có nước mơ?”
Hạ Trúc ấp úng: “Dạ thưa nương nương, trái cây tươi hôm qua đã hết, phải đợi trưa nay người ở Ngự thiện phòng đem đến thì mới có ạ!”
Đàm Hoa tức giận đến đỉnh điểm, đưa tay với lấy chiếc quạt trong tay Hạ Trúc mà ném vào búi tóc nàng ta: “Hồ đồ! Trong Hội Xuân Cung cũng có chuyện thiếu thốn ư?”
Hạ Trúc quỳ xuống mà hốt hoảng nói: “Dạ thưa là do hôm qua chủ nhân cao hứng mời mấy vị Ngự nữ đến đây trò chuyện, cho nên trái cây lúc đó đã được mang ra…”
Đàm Hoa đập vào thành ghế quát: “Im miệng! Ngày trước cũng đều làm thế, chẳng phải vẫn vô sự hay sao?”
Hạ Trúc cúi đầu nói: “Là do dạo này Ngự thiện phòng cắt giảm trái cây của các cung, bọn họ nói Thuần Nghi Phu nhân ở Trúc Hoa Viện cần nhiều trái cây để giải nhiệt, cho nên tất cả những loại trái cây tươi ngon đều được đem đến đó ạ!”
Đàm Hoa nghiến răng nói: “Thì ra là thế! Bổn cung quên mất, ả ta bây giờ đang mang long thai cơ mà, có còn xem bổn cung ra gì đâu! Hừ, “Thuần Nghi”? Ả ta xứng sao? Cũng chỉ là một cung tỳ hầu hạ bút mực ở Thuỷ Vân Quán ngày trước!”
Đàm Hoa nói đến đó thì Hạ Tử đã mang chén nước mơ lên, nàng ta thấy Hạ Trúc đầu tóc rối bời vì bị quạt ném, có chút sợ hãi mà từ từ tiến lại gần Đàm Hoa.
Đàm Hoa tức giận, trông thấy điệu bộ của nàng ta như thế mà phẫn nộ đến đỉnh điểm, thuận tay mà hất chén nước mơ vỡ tan tành dưới nền đất: “Cũng là lũ nô tỳ các ngươi vô dụng, chẳng biết dùng uy danh của bổn cung mà sai khiến đám người ở Ngự thiện phòng đó sao? Kể từ lúc mất đi Hạ Thuỷ, bổn cung thật sự không có ngày nào là vừa ý! Mau gọi Hạ Phu nhân đến đây!”
Hạ Trúc và Hạ Tử theo đó mà bối rối rời đi, Đàm Hoa tức giận quát: “Hai người các ngươi đều bỏ đi thì ai dọn dẹp mớ hỗn độn này?”
Hạ Trúc vì thế mà đành ở lại dọn dẹp mảnh vỡ, Đàm Hoa liếc nhìn nàng ta mà chán ghét nói: “Ngu xuẩn!”
***
Kể từ sau chuyện ầm ĩ tại điện Thiên Đăng kia, Yên Ngôn cũng thấy không cần phải diễn kịch trước đám người bọn họ. Vốn dĩ muốn dựng vở kịch này để bọn họ không cảm thấy hai nàng kết bè kết phái. Ai ngờ khi người ta có ý ghét một người, thì dù người ấy có làm gì vẫn là cái gai trong mắt bọn họ. Nếu đã vậy thì chi bằng cùng nhau vượt qua khó khăn, dẫu bị vùi dập thì cũng là cành hoa chung bụi có thể che chở lẫn nhau.
Có điều nếu bây giờ hai nàng trở nên thân thiết, chẳng khác nào làm cho đám người bọn họ biết mình tính kế. Doanh Nhi biết chuyện, theo đó mà dụng tâm suy nghĩ, rốt cuộc ra được một cách có thể xem là vẹn toàn.
Yên Ngôn cùng với Nguyên Ninh theo cách này của nàng ta, có thể gặp mặt nhau mà không để đám người kia mảy may nghi ngờ.
Vào ngay buổi trưa đầu thu hôm đó, Yên Ngôn được Quan gia gọi đến Sùng Uyên Điện mà thưởng trà đề thi. Sùng Uyên Điện được dựng giữa Phượng Liên Hồ, cái tên “Sùng Uyên” có nghĩa là tiếng nước róc rách uốn khúc quanh co. Yên Ngôn bước lên chiếc cầu nối từ bờ bên đây đến giữa đại điện, đi được vài bước liền nghe thanh âm nước chảy qua bốn thuỷ lộ thoát nước.
Bốn thuỷ lộ này chính là hình dáng bốn chiếc lông đuôi của Phượng Liên Hồ, được lát đá màu sắc tinh xảo, hai bên bờ cũng được trồng mấy khóm hoa tươi tắn.
Lúc Quan gia cùng với Yên Ngôn thưởng trà xong cũng là lúc chiều tà. Yên Ngôn ở đó cung tiễn Quan gia hồi cung, bản thân nán lại một chút rồi mới ra về. Đến đoạn chỉ còn vài bước nữa là đến bờ, tưởng như vô tình mà thật ra cố ý, nàng trượt chân ngã xuống hồ nước. Đợi đến lúc mấy gã thị vệ canh gác Sùng Uyên Điện gấp gáp chạy đến, thì đã thấy Yên Ngôn được đem lên bờ, ngồi bên cạnh nàng không ai khác chính là Nguyên Ninh.
Yên Ngôn theo đó mà có thể danh chính ngôn thuận gặp mặt người cứu mạng mình, đám người Đàm Hoa lúc này cũng vì chuyện cái thai của Đan Thanh mà lo nghĩ, trong phút chốc cũng không quan tâm mấy đến chuyện của hai nàng. Vào một buổi sáng nọ sau khi thỉnh an Huyền Dao, Doanh Nhi có ý mời Nguyên Ninh và Yên Ngôn đến Đông Phong Các của mình trò chuyện. Tứ Quý Viện là chốn đông người, trò chuyện ở đây cũng không bị nghi ngờ là mưu toan tính kế. Đương lúc các nàng đang bông đùa một vài câu chuyện phiếm, Doanh Nhi chợt nhắc đến cung nữ Thái Nhạn, nói đến một chuyện mà có lẽ không ai ngờ đến. Yên Ngôn nghe xong, chau mày mà ngạc nhiên nói: “Tự vẫn trong Đình Ngọ Thất?”
Doanh Nhi gật đầu: “Chuyện này ta là do chính tai Thuý Lan nghe được từ đám người ở Hoa phòng”
Nguyên Ninh thắc mắc: “Bị đày đến biên ải tuy có chút khổ cực, nhưng cũng chưa đến nỗi cùng đường mà nghĩ đến chuyện tự vẫn”
Yên Ngôn gật đầu: “Xem bộ cái chết này của cô ta đằng sau còn có ẩn khúc. Hèn gì hôm đó cô ta ở điện Thiên Đăng đã có ý kết liễu mạng sống của mình, quyết tâm lấy cái chết để vu oan cho muội. Xem chừng là Thái Nhạn này từ đầu đã bị Thục Phi uy hiếp chuyện gì đó!”
Nguyên Ninh cười lạnh: “Vì đạt mục đích của mình không từ một thủ đoạn khống chế người khác, Thục Phi đúng là nham hiểm”
Doanh Nhi mỉm cười: “Cũng phải xem lại những kẻ bị cô ta lợi dụng thế nào. Viên Thuận thì tham lam chiếm đoạt của riêng ở ngân cục, còn Thái Nhạn này, xem bộ cũng chẳng tốt lành gì”:v *tiểu thọ tử*
Nói đoạn nàng ta lắc đầu nói: “Trong hậu cung này, người lợi hại nhất không chỉ là người có quyền lực hay ân sủng nhiều nhất, mà đôi khi lại là người nắm được bí mật của người khác nhiều nhất”
Yên Ngôn mỉm cười: “Người mang được long thai cho Quan gia thì sao?”
Doanh Nhi cong môi cười: “Bàng giải muốn to lớn hơn thì phải lột xác, có điều thời gian lột xác này của nó cũng thật nguy hiểm! Nàng ta bây giờ mang long thai, tình thế thật sự so với con bàng giải kia không khác là bao” (bàng giải là con cua)
Yên Ngôn gật đầu nói: “Thuần Nghi Phu nhân bình thường khoẻ mạnh, đến lúc mang thai lại gặp nhiều khổ sở như thế! Nghe nói chứng nóng trong người này làm nàng ta chán ăn mất ngủ suốt cả nửa tháng nay rồi”
Doanh Nhi vân vê chiếc khăn tay, chau mày mà từ từ nói: “Mọi người nghĩ xem liệu có ai tính kế gì trong chuyện này chăng?”
Yên Ngôn đưa ngón trỏ lên miệng, thấp giọng mà từ từ nói: “Chuyện này không được nói bừa”
Doanh Nhi liền nhẹ giọng tiếp lời: “Ta không hề nói bừa, chuyện này đúng là có chút manh mối để phỏng đoán.”
Nguyên Ninh đưa tay lên trước ngực mà quay đầu nhìn nàng ta nói: “Ngự nữ xin hãy nói rõ”
Doanh Nhi phòng bị xung quanh mà nhỏ giọng: “Tối hôm qua ta có dịp đi ngang Trúc Hoa Viện, đúng lúc Hồng Ngọc cùng với một tiểu cung nữ mang điểm tâm buổi tối và trái cây từ Ngự thiện phòng quay về. Ta liếc mắt nhìn qua, chợt thấy trong giỏ trái cây kia ngoài lê tử, dữu tử, quất tử và tây qua, còn có một ít long nhãn và lệ chi ẩn bên dưới”
Yên Ngôn chau mày nói: “Long nhãn và lệ chi chẳng phải tính nhiệt hay sao? Thai phụ không nên ăn những loại trái cây này!”
Doanh Nhi gật gù: “Chúng ta biết một chút dược lý, nhưng mà xem bộ Thuần Nghi Phu nhân không biết chuyện này!”
Nguyên Ninh hít vào một hơi không bằng lòng nói: “Nàng ta không biết, không lý nào bọn nô tỳ bên cạnh cũng không biết. Lại thêm đám ma ma và thái y chăm sóc nàng ta nhiều như vậy, rốt cuộc bọn họ không can ngăn một câu nào hay sao?”
Yên Ngôn liền ngợi ra: “Chuyện này nhất định là do đám cận tỳ bên cạnh nàng ta ngu xuẩn. Còn đám thái y và ma ma kia, xem bộ đã bị người ta dùng tiền che mắt!”
Nguyên Ninh liền nói: “Bọn họ có lá gan đó sao?”
Doanh Nhi nhanh tróng trả lời: “Bọn họ đúng là có lá gan này. Long nhãn và lệ chi tuy có tính nhiệt, tuy nhiên lại có một số công dụng nhất định. Long nhãn ích thận bổ huyết, còn lệ chi bổ gan trừ huyết nhiệt. Bọn họ hoàn toàn có thể mượn cớ cho Thuần Nghi Phu nhân dùng ở liều lượng ít, chỉ tiếc là nàng ta có lẽ lại dùng quá nhiều!”
Yên Ngôn gật đầu nói: “Đám ma ma và thái y đó không ở lại Trúc Hoa Viện vào buổi tối, mà nàng lại trông thấy giỏ trái cây kia được mang đến vào thời điểm này. Xem bộ là có người cố tình sắp đặt, để vẹn bề chối cãi trách nhiệm!”
Nguyên Ninh thắc mắc hỏi: “Vấn đề là nếu dùng lâu như thế, về lâu về dài liệu có tác hại gì chăng?”
Doanh Nhi thấp giọng: “Nhẹ thì bức bối, nặng thì sảy thai!”
Nguyên Ninh nghe đến đó thì hốt hoảng, chợt thấy Yên Ngôn chau mày: “Có thể che mắt bọn ma ma và thái y này, mọi người nghĩ kẻ đứng sau là ai?”
Doanh Nhi từ từ nói: “Ai cũng biết đám ma ma và thái y này là do Nguyên Phi nương nương đứng ra sắp xếp”
Nguyên Ninh nghi hoặc: “Nguyên Phi nương nương?”
Yên Ngôn từ từ nói: “Ta thấy nương nương không giống loại người này, vả lại nếu mọi chuyện lộ ra chẳng phải nương nương là kẻ bị nghi ngờ đầu tiên hay sao?”
Doanh Nhi liên tục gật đầu: “Đúng vậy, trong hậu cung này đúng là ai ai cũng nể phục Nguyên Phi nương nương, nhưng nói về kính sợ, thì chỉ có một người!”
Nguyên Ninh liền nói: “Thục Phi!”
Yên Ngôn không kiềm được kiên nhẫn: “Cô ta cũng thật là mang gan trời rồi! Liên tục gây ra mấy chuyện ồn ào trong hậu cung, bây giờ còn làm ra kế độc này! Cô ta không sợ bị quả báo sao?”
Nguyên Ninh giương mi tâm lên nói: “Chúng ta phải vạch trần thâm kế của cô ta mới được! Có điều…”
Doanh Nhi gật đầu: “Có điều bây giờ chúng ta hoàn toàn không hề có chứng cứ. Đám ma ma và thái y kia có thể chối bỏ trách nhiệm, nói rằng mình từ sớm đã nhắc nhỡ Thuần Nghi Phu nhân dùng ít hai loại trái cây này!”
Yên Ngôn thở dài: “Suy cho cùng cũng là Thuần Nghi không có một chút am hiểu gì về dược lý!”
Nguyên Ninh giương mi tâm nói: “Nếu vậy thì muội sẽ đến đó nói cho nàng ta biết!”