Ngồi đọc truyện, bỗng con An hỏi tôi:
- Mày biết vụ thằng Sơn A2 bị dân ở đâu đánh vì tưởng là trộm chưa? Mới hôm qua nhé!
Đúng là thông tấn xã của lớp có khác, cái gì cũng biết. Tôi vừa cười vừa kể lại chuyện hôm qua trong ngõ. Nghe xong, nó cau mày, lo lắng nhìn tôi, nói dồn dập:
- Sao mày dại thế? Nhỡ người ta đánh nó chết thì mày đi tù đấy. May mà nó không sao. Vậy chứ thằng Sính gãy hai cái răng là do mày đánh nốt à?
Tôi điềm nhiên gật đầu, con An cúi xuống, lí nhí:
- Mày làm thế chúng nó thù mày, chúng nó đánh đấy!
Chạm vào nọc sĩ diện, tôi đỏ gay mặt gằn giọng:
- Thế thì cứ để chúng nó đánh! Tao sợ à?
Con An thấy tôi to tiếng thì giật mình lùi lại, mắt ngơ ngác nhìn tôi. Lúc đó tôi mới thấy hối, vội xin lỗi nó rối rít, nhưng nó chẳng nói chẳng rằng, ngồi cứ im im, đăm chiêu suy nghĩ điều gì. Một lúc sau thì tự nhiên nó lại tươi tỉnh ra, nói chuyện như rang. Hôm đó con An ở lại nhà tôi ăn cơm, nó như con chích bông loi choi sắp bát đũa, giúp mẹ tôi lấy cái này cái kia, ngồi vào ăn thì hai cụ cứ liếc nhìn mình với nó rồi nháy nhau cười. Con An thì ngượng đỏ cả mặt, bao món ngon mà ăn tý tý như chuột, khác hẳn đứa ham ăn tôi thường thấy. Lúc về, nó cứ nặng nặc kêu tôi ở nhà cho an toàn, tôi vẫn mặc nhiên kè kè hộ tống con gấu ăn no về nhà, suốt quãng đường đi hai đứa đều im lặng, thi thoảng lại định nói gì nhưng thôi. Nhìn thấy nó lúc lắc người đi vào nhà an toàn, tôi mới thở phào nhẹ nhõm yêm tâm về. Định đi qua khúc đường tắt thì sực nhớ ra tình hình này là không ổn, đành đi đường lớn về, xa hơn mà an toàn. Qua cái ngõ gần nhà, thấp thoáng một bóng người tóc dài núp vào nhìn tôi, tôi mặc kệ coi như không biết gì, cứ phăm phăm đi tiếp, cái bóng thấy tôi tới gần thì lùi lại trốn sau cột điện. Bọn A2 lì thật, giờ này còn cử người theo dõi mình!
Sáng hôm sau, tôi ngồi nhà mãi cứ bức bối không chịu được, nóng ruột bồn chồn khó tả. Buổi trưa ăn chiếu lệ rồi lại lên phòng nằm, vẫn cái cảm giác đó, khó chịu vô cùng. Nằm ngủ cũng không yên, đọc sách thì chỉ chực quăng luôn cả quyển ra cửa sổ. Đến tối, di động tôi rung lên, là số máy bàn nhà thằng Hoàng, vừa áp tai vào nghe đã thấy giọng thằng Hoàng nói liến thoắng:
- Hưng à! Kế hoạch thay đổi, sáng mai ta đi chơ rồi Tất niên luôn tại nhà con An nhé, bố mẹ, anh trai nó đi vắng hết rồi, sang đấy toàn lớp mình cho tiện. Hơn nữa 28 Tết có 5 đứa phải về quê đột xuất, tổ chức sớm cho cả hội cùng vui.
Tôi ừ ừ rồi gác máy, thằng Hoàng còn dặn với theo hỏi có cần ai sang đón cho an toàn không, tôi từ chối luôn, làm gì mà như tiểu thư nhà dòng ra đường thế.
Vậy là mai sẽ quậy tưng bừng rồi đây, không biết mấy ông tướng bày trò gì cho buổi Tất niên nữa. Sáng sau, 6h tôi đã nghe tiếng hội ăn chơi gọi í éo dưới cổng, đánh răng rửa mặt vội vàng, thay quần áo mất tổng cộng 10, tôi phóng luôn xuống. Lố nhố một lũ mười mấy đứa, tôi hỏi:
- Có từng này thôi á?
- Thế mày muốn bao nhiêu nữa? Về quê gần hết rồi, có mấy đứa thì đang ở nhà gói bánh không đi được.
- Nhưng ta không thế trì hoãn cái sự sung sướng được. Đi thôi anh em êi!
Một lũ học sinh rồng rắn kéo nhau đi chợ, tôi nhìn bọn con trai đi chợ mà buồn cười, người ta bảo giá thế nào cũng mua, không biết mặc cả, cuối cùng phải để hội con gái làm mới xong. Nhìn xung quanh thì không thấy cặp đôi Hoàng-Minh đâu nữa, không biết hai thằng gay này nó kéo nhau đi đâu rồi? Dáo dác tìm mới thấy hai ông con giời đang chỉ chỉ trỏ trỏ chỗ ông bán kẹo kéo, hai thằng ngố tàu còn không biết đấy là cái gì, tôi len lén lại gần nghe, nghe xong cười lăn lộn, Minh thông thái thì quả quyết đấy là cao su, còn thằng Hoàng thì nói đấy là bã kẹo cao su. Tôi đứng bên cạnh, thản nhiên mua "bã kẹo", đưa lên miêng ăn chóp chép, hai thằng ngệch mặt ra nhìn tôi, hỏi cái này ăn được à. Bác bán hàng với mấy bà cô xung quanh cười ầm lên, lúc đó bác mới lôi trong túi ra cái bảng ghi: "Kẹo kéo, kẹo vừng, kẹo bột", nói:
- Quên không đặt cái này ra. Tý nữa thì con trẻ nó tưởng mình cho nó ăn đế dép.
Hai ông tướng cũng mua ăn thử, tấm tắc khen ngon, cắm rễ luôn tại đó ăn đủ các thứ kẹo, bánh. Tội nghiệp hai thằng, chỉ có học với điện tử nên mụ cả đầu. Nhưng hình như thiếu thiếu một đứa, còn con An thì phải. Rõ ràng vừa thấy nó bám theo lũ con gái, đi đằng sau ăn bim bim cơ mà thoáng cái đã không thấy đâu. Linh cảm thiên tài dẫn tôi đến chỗ hàng quán quà vặt, nhưng nhìn mãi không thấy con bé nào trông bụ bẫm, ngồi nhúc nhích ăn quà cả. Nhưng rốt cục thì tối cùng thấy cái bóng nhỏ nhỏ quen thuộc, rón rén vòng ra đằng sau, bịt mặt nó đùa:
- Bắt quả tang đi ăn mảnh nhé!
Tay tôi bị giằng ra, ơ lạ quá nhỉ, mọi khi có thế đâu. Lúc đó, "con An" mới từ từ quay lại, tôi suýt ngã ngửa ra vì sợ, ôi cá sấu, cá sấu mặc quần áo y hệt con An. Sau lưng tôi có tiếng cười khánh khách, quay lưng lại thấy con An đang đứng cười, nhân cơ hội tôi lỉnh luôn, kéo con An đi chỗ khác, bỏ mặc con cá sấu còn chưa biết chuyện gì xảy ra. Nó vỗ vai tôi, cười sặc sụa:
- Nỗi hơn kim cổ trời khôn hỏi/ Cái án phong lưu khách tự mang.
Tôi chống chế yếu ớt:
- Dùng thơ sai be bét. Câu đó áp dụng lúc này bằng niềm tin à?
Nó vẫn cười khúc khích, nói:
- Phong lưu! Phong lưu! Nhưng mỗi tội mắt mũi hơi kém, về đo lại kính đi nhé!
Mãi cho đến lúc đi chợ về, đút cho nó cả túi khoai rán, nó mới ngoan ngoãn ngồi sau xe tôi ăn, không chọc phá nữa. Đúng là không có cái rủi nào giống cái rủi nào.
Về đến nhà con An, cả lũ bu vào nấu nướng. Thấy tôi xắn tay vào nấu cùng, con An mừng ra mặt, chực sẵn bên cạnh, chợt nó cố kiễng lên, vịn vai tôi xuống thỏ thẻ:
- Bạn Hưng tốt bụng đẹp trai ơi! Cho tao thử trước một miếng nhé!
Mấy đứa khác thấy tôi vào làm thì định gạt ra, có đứa thì than trời :
- Ông ham vui vào bếp. Bữa nay không biết nó ình ăn cái gì. Vĩnh biệt phụ mẫu, con bất hiếu trúng phải thuốc độc! Há Há Há!
Thấy con An sành ăn ngồi năn nỉ tôi thế, chúng nó nghi hoặc, bảo nhau này nọ. Tôi thì ưu tiên chiến trước cho con háu ăn kia cái đùi gà, có cái ăn mới làm cho nó ngồi im không bày trò trêu tôi được. Trông thấy cái đùi gà vàng rộm tôi làm cho con An, mấy đứa con gái khác ré lên xin miếng, thằng Minh cũng giả giọng eo éo vào xin miếng, xin miếng. Con An gạt hết đi, trèo lên bậc thang ngồi ăn ngon lành. Ăn hết nó lại thò đầu qua ô con tiện, nhòm xuống nhìn tôi cười hì hì ra ý đòi ăn nữa. Tôi cười, xua xua đôi đũa, nó tiu nghỉu chui đầu vào, ngồi xụ mặt ra trên cầu thang.
Bỗng đâu mấy thằng Hoàng, Sơn, Quý bê về một thùng Heineken. Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Bia đâu ra vậy?
Thằng Sơn hồ hởi:
- Bố tao làm ở cty được cấp dưới tặng nhiều quá. Tao khuân sang đây luôn. Hôm nay hảo hán không say không về!
Bọn con gái thì e ngại, sợ uống bia vào nóng lên lại làm loạn. Mấy thằng vội xoa dịu tình thần bằng cách nói "bia này nhẹ lắm, uống hơi say say thôi, chẳng sao đâu", các chị em tin sái cổ. Nấu nướng đến trưa thì xong, cả lũ quây quần quanh hai mâm, bật bia, Coca, Fanta, cụng ly hào hứng. Con An ngồi bên cạnh, nó chọn gắp bát cá nấu dưa của tôi trước, ăn xong nhắm tịt mắt, xuýt xoa khen ngon, mấy đứa khác cũng gắp thử, đứa nào ăn xong cũng khen ngon, mỗi hai ông ngố Minh- Hoàng ăn no kẹo ngoài chợ, giờ về ăn cái gì cũng thấy nhàn nhạt. Tôi làm đĩa mồi thịt tẩm bột chiên giòn với đĩa nem sống trộn thính. Cánh con trai gắp nhiệt liệt hai món này, rồi có mồi thì có rượu, đứa này mời đứa kia, cười ầm ĩ, hệt như bữa đại tiệc của hảo hán Lương Sơn. Thằng Quý đưa miếng sườn lên ngoạm một miếng, nốc hớp bia, đọc sang sảng:
- Chí nam nhi phải say bằng ngự tửu
Tôi ứng khẩu đọc nối tiếp:
- Kiếp anh hào nào thoát ải mĩ nhân.
Xong cả hội cười ồ lên, rồi lại dzô dzô, chúc tụng xong chẳng rõ mình chúc cái gì. Thằng Hoàng lảo đảo bước ra lấy cây đàn ghi-ta, thể hiện bài Triệu Đóa Hồng, mắt đượm tình cảm nhìn con Yến. Em Tiểu Yến Tử nhà ta ngượng ngùng, đỏ mặt cúi đầu e thẹn, bọn con gái rỉ tai nhau rúc rích cười, cành con trai thì lắc lư người theo nhịp. Con An thì thầm với tôi:
- Tẩm ngẩm tầm ngầm mà ghê thật! Phát này lớp có đôi mới rồi.
Tôi gật gù, ghé sang hỏi lại:
- Nhưng ý con Yến ra làm sao?
- Nó cảm thằng Hoàng lâu rồi. Toàn giả vờ học dốt lý để sang hỏi bài thằng Hoàng còn gì nữa.
- Ơ thế nó giả vờ à?
- Lại còn thật nữa. Học sinh giỏi Lý giải ba cấp quận đấy, một chín một mười với thằng Hoàng. Nhưng nàng giả yếu để chàng che chở.
Tôi mỉm cười, nhắc:
- Ừ thế An có cần Hưng ngố che chở không nào?
Nó đỏ mặt, ngồi dịch ra xa một tý, tôi cười khùng khục, ngồi uống, phá mồi như vẽm. Xong tôi cũng lấy sáo ra, chao đảo đứng lên, kêu:
- Hôm nay cán sự Lý có màn trình diễn tuyệt vời thì cán sự Văn cũng có màn trình diễn góp vui. Sau đây là bài "Tình Nhi Nữ".
Cả lũ hò hét, vỗ tay ào ào. Tôi thổi liền một hơi bài Tình Nhi Nữ mới tập có một tuần. Nghe xong, chúng nó gõ bát đũa inh ỏi, thằng Hoàng cười cười chọc:
- Thổi sáo thế có biết chơi đàn giống anh không?
- Đàn gì mà anh chẳng biết chơi. Nhưng anh chơi giỏi nhất chỉ có một loại đàn…
Xong tôi tủm tỉm cười, ỉm đi, chúng nó thì giục "Nói đi!" "Úp úp mở mở"
Con An sấn vào cạnh tôi, mắt chớp chớp hỏi:
- Đàn gì ế ?
Tôi cười phá lên, bẹo má nó, bảo:
- Đàn…đàn bà!
Bọn con trai ôm nhau cười rũ rượi, cánh con gái thì la ó phản đối, con An chu mỏ, nhìn tôi ghê sợ, ngồi tránh ra xa như bệnh dịch. Tôi cười khoái trá, uống lấy uống để, gắp nem liên tục. Con An thấy tôi uống lắm thì ngăn lại, ngăn không được nó cũng bắt chước uống theo. Nhưng uống được có 1 lon thì đỏ hồng cả mặt, mắt ngơ ngác nhìn quanh. Tôi gõ đầu nó, đùa:
- Uống kém còn cố uống! Chết chưa con?
Rồi thì thằng này mời thằng kia, tôi uống phải đến 5-6 lon là ít, nhưng quái lạ là sao mới chỉ có hơi chếch choáng chứ chưa thấy say. Hình như Heineken này là hàng giả thì phải. Từ từ từng thằng bị tôi đánh gục lúc nào không biết, cứ đổ dần đổ dần, tôi chỉ chúng nó cười hềnh hệch, ôi ban cán sự đều tê tựu ở đây đàn đúm cả,