Sau khi nhận lời làm quà Trung Thu cho con An, tôi bắt đầu mò mẫm trên mạng cách làm đèn lồng. Nhưng tìm mãi cũng chỉ thấy có cái hướng dẫn làm đèn con thỏ như kiểu đèn ông sao. Đành cố vậy, rồi chế thêm mấy cái đẹp đẹp vào, chắc nó không để ý đâu. Bù thêm hộp bánh nướng vào, nó thấy đồ ăn là quên ngay cái đèn chắp vá ấy mà.
Chạy lông bông khắp nơi mua vật liệu, về nhà ngồi chẻ lạt, căng giấy, dán choe choét mãi mới được cái đèn lồng tàm tạm. Nhưng mà nhìn cái lồng đèn hình con thỏ hơi to thì phải, thây kệ, càng to chắc là càng đẹp, đốt lên cho sáng. Để cái đèn lồng đó, tôi hí hửng đi chơi, cả buổi chiều ngồi điện tử, hò hét File in the hole ầm ĩ. Hôm nay thắng to, được những 250k, mấy thằng đi ăn ốc bét nhè, rồi rồng rắn đi nem chua rán, sữa chua nếp cẩm,… Mãi 7h tốimới về nhà , ăn căng một bụng quà vặt rồi mà tôi vẫn còn ních thêm 2 bát cơm được. Có khi mình bị lây bệnh tham ăn của Búp Bông rồi. Giờ này ở nhà nó chắc vẫn chưa ăn cơm, cơ mà kiểu gì nó chẳng ngồi sẵn ở bàn ăn, cầm bát kêu í ới, giục mẹ nó nấu cơm nhanh nhanh.
Lên phòng học ngồi một lúc, thấy bài vở quanh đi quẩn lại cũng chẳng có gì, tôi mới xuống đường đi dạo một chút cho đỡ chán, ở nhà mài mông cạnh máy tính mãi cũng chẳng hay ho gì. Lang thang ngoài đường, đi thật chậm để ngắm nhìn Hà Nội về đêm. Có lẽ do lớn lên từ bé ở đây nên tôi trở nên quen thuộc với những xô bồ, ồn ã của Hà Nội. Bây giờ, Hà Nội trông khác so với ban ngày nhiều. Giờ là lúc những người rãnh rỗi có thể đi chơi với gia đình, người yêu, hoặc những đứa vô công rồi nghề như tôi có thể có một việc gì đó thú vị để làm, ví dụ như xem người đi đường chẳng hạn. Người đi ngược, kẻ đi xuôi, chen lấn nhau trong tiếng còi xe ầm ĩ, tiếng càu nhàu tránh đường, tiếng chửi tục bực bội lúc chờ đèn đỏ. Những lúc trời se se lạnh thế này, các quán hàng đồ nướng được mùa, mở nhan nhan. Từ góc phố, đầu đường, chân cột điện, cồng chùa,… người ta đem đủ thứ ra nướng. Nào là lòng, dồi nướng, cá nướng, mực nướng, nầm nướng, hải sản nướng, ngô nướng, khoai nướng, lại còn cả mía nướng nữa. Cái gì cũng đem ra nướng được thì phải. Tôi đạp xe chầm chậm, đi qua và hít hà đủ thứ mùi hỗn tạp đó, hòa lẫn với tiếng cụng ly, tiếng xèo xèo của thịt mỡ cháy., tiếng nói chuyện xầm xì. Đi qua Hồ Gươm, tháp rùa đã lên đèn, lung linh giữa mặt hồ. Trên cầu Thê Húc thì lấp lánh ánh điện, quanh bờ hồ tấp nập những người đi tản bộ, những quán cóc bày lèo tèo vài món trên mẹt. Cạnh gốc sấu già, vẫn có một ông cụ ngồi khắc bút, hôm nay cụ về muộn hơn mọi ngày thì phải, còn cụ già vẽ tranh chân dung thì bây giờ mới bắt đầu dọn đồ nghề ra. Tôi đi lòng vòng thêm lúc nữa rồi về, giá mà có ai đó ngồi sau thì tôi còn có thể đi lâu hơn nữa cơ, nhưng mà hôm nay, tôi chỉ đi có một mình.
Dạo qua Hàng Mã một chút, đúng là sắp Trung thu có khác, đông kinh khủng. Đi ra thấy đứa nào cũng đèn lồng, mặt nạ, tai thỏ, vương miện trên đầu, mà người lớn đi còn đông hơn cả trẻ con. Thật đúng là:
Trung thu là Tết thiếu nhi
Mà sao người lớn lại đi chơi nhiều?
Chơi nhiều thì lại làm liều,
Liều xong rồi lại có nhiều thiếu nhi
Ngắm nghía thêm chút rồi tôi lượn luôn, tý nữa mà tắc đường chắc ngủ vỉa hè luôn mất. Về nhà cũng đã gần 9h tối, may mà bố mẹ không nói gì. Rúc lên phòng đánh một giấc thẳng cẳng tới tận sáng hôm sau. Cả ngày hôm sau, tôi lại ngồi search công thức làm bánh nướng, loay hoay đến đêm mới xong, buồn ngủ díp cả mặt, mới ngả lưng ra giường đã khò khò luôn rồi. Sáng hôm sau, đang ngủ thì nghe mẹ gọi:
- Hưng ơi! Có điện thoại này.
Tôi nằm trong chăn, hỏi vọng ra:
- Ai đấy ạ?
Mẹ tôi đáp:
- Xuống mà nghe, thằng Hoàng nó chờ kìa.
- Vâng ạ!
Vừa đáp, tôi vừa bật mình khỏi chăn, ngái ngủ bước xuống tầng 2, áp máy lên tai, giọng lè nhè:
- Con chó, gọi gì sớm thế?
- Thằng này láo nhỉ! Thế có muốn nghe tin vui không nào?
- Tin gì thì ẳng nhanh cái nào, lề mề quá.
- Láo toét!