Thiên triều Chiêu Hòa năm thứ tám, tháng ba, vừa hết tiết xuân phân, ánh nắng ấm áp rọi khắp nơi, cỏ hoa thơm ngát vương hương sắc lên tà váy, theo ta đến miếu Nguyệt lão.
Ta quỳ xuống đệm hương bồ, nhận nén nhang Hạnh nhi đưa cho, thành kính cầu khấn Nguyệt lão.
Mẹ ta nói, phu quân tương lai của ta phải là một thiếu niên đăng khoa môn đăng hậu đối. Ta bảo bà nhìn còn chưa xa, phu quân tương lai của ta đâu chỉ là thiếu niên như gió xuân, Liễu Khinh Vũ ta phải gả cho nam tử tốt nhất trong thiên hạ, ví như… hoàng đế. Huống hồ cha đã từng nói, nhà chúng ta có phượng thân,[1] lời của cha chưa bao giờ sai. Nếu năm nay ta trúng tuyển tú nữ, trở thành phi tử, tất sẽ đội ơn quê nhà, đến lễ tạ thần linh.
Ra khỏi miếu Nguyệt lão, ta đi đến cầu Hỉ Thước. Cầu cong lại hẹp, ta nhấc tà váy cẩn thận từng bước, trong chớp mắt, một công tử áo trắng bước vội tới, như một trận gió xuân lướt qua người ta, khiến cho tà áo lay động, khăn nhỏ trong tay áo ta bị rớt xuống.
Chàng hơi sững lại, dừng bước đến bên nhặt chiếc khăn lụa của ta, khẽ cúi người cười nói: “Khăn của tiểu thư.”
Vừa nhìn chàng, lòng ta bỗng chốc ấm áp như đóa hoa ngày xuân, trong tích tắc đã đơm hoa kết nhụy… Đúng là công tử như ngọc!
Ta quay mặt đi, giả bộ giận hờn, Hạnh nhi rất hiểu ý ta, bước lên chất vấn: “Ngươi là tên ngông cuồng nào! Dám quấy nhiễu tiểu thư nhà ta.”
Nam tử kia cười nhẹ trả lời: “Tiểu sinh tên là Lý Hy, tự Tử An, không biết tiểu thư nhà nào, tiểu sinh nguyện đến cửa nhận lỗi.”
Tử An, ta thích tên này, ánh mắt không khỏi hiện lên ý cười, nhưng gương mặt vẫn giả bộ tức giận.
“Cổng Liễu phủ của Liễu thái thú là nơi ngươi có thể vào được chắc!”
“Hóa ra là Liễu phủ ở Vĩnh Châu, vậy vị này hẳn là ngũ tiểu thư.” Chàng ôm quyền thi lễ, ta thấy vậy mới cúi người đáp lễ. Bốn vị tỷ tỷ Cung, Thương, Giác, Chủy[2] trên ta đều đã xuất giá, đến miếu Nguyệt lão cầu phúc tất nhiên là ngũ tiểu thư.
Ta bất đắc dĩ mở miệng nói: “Khăn rơi xuống đất đã nhiễm bụi…”
Tất nhiên chàng hiểu được ý ta, tiếp lời: “Ngày khác tiểu sinh sẽ tự mình đến nhà tạ tội, trả cho tiểu thư một chiếc khăn mới của Giang Nam phường.”
“Vậy làm phiền công tử rồi.” Ta lại thi lễ, toại nguyện cùng Hạnh nhi lên xe ngựa.
Tiếng bánh xe lộc cộc vang lên, ta nhìn cảnh xuân ngợp nắng ngoài cửa sổ, ánh mắt dịu dàng.
“Tiểu thư cười gì vậy?” Hạnh nhi ở bên hỏi.
Gió xuân ấm áp lay động vài sợi tóc buông xuống trán, ta nheo mắt nói: “Chàng mặc gấm Lăng Hương giá trị đắt đỏ, ngôn từ hành xử lại kính cẩn như người thường áo vải, chàng chỉ liếc qua ta một cái, sau đó một mực nhận lỗi chứ không ngắm dung nhan ta. Hạnh nhi, ngươi nói xem chàng có đến tìm ta không? Nếu không gả được cho hoàng đế, có một vị hôn phu như vậy chính là điều ta mong muốn.”
…
Chàng chưa tới tìm ta, xe ngựa tuyển tú đã đưa ta và thị nữ Hạnh nhi vào cung.
Sau mấy tháng đường, cuối cùng ta đã vào hoàng thành, quyết tâm nung nấu trong lòng, Liễu Khinh Vũ ta nhất định phải chinh phục tòa thành trì này! Từ xưa nam nhân tranh giành thiên hạ trên lưng ngựa, nữ nhân ở hậu cung chinh phục nam nhân có thiên hạ.
Nhưng ta phát hiện ra đây chỉ là suy nghĩ chủ quan của mình. Trong các tú
nữ cùng đợt, ta không có lợi thế dung mạo tuyệt sắc, cũng không có hậu thuẫn là gia thế hiển hách, thậm chí, khi nhìn thấy Đổng Lệ phi quốc sắc thiên hương, Lương tiệp dư văn thái xuất sắc, Văn mỹ nhân thanh nhã như lan, ta cảm thấy hoàn toàn không có phần thắng.
Mặc dù không thể làm phi tần, ta vẫn muốn gặp hoàng đế một lần. Ngày ấy trên điện Kim Loan, ta chỉ có thể thoáng thấy bóng hoàng đế rời đi từ xa, trừ bộ quần áo màu vàng ra thì cái gì cũng không rõ.
Ta thân thiện giúp các cung nữ làm tạp vụ, chẳng qua vì muốn diện kiến mặt rồng của hoàng đế khi người đi trong cung.
Nhưng ta không ngờ, ở vườn hoa trước điện, ta không gặp hoàng đế mà lại gặp Lý Hy. Chàng mặc triều phục đội mũ quan, cùng với các đại nhân khác bước ra khỏi điện.
Chàng đúng là quan ở kinh thành! Đáng lẽ ta phải dự đoán được, dung mạo và khí chất như vậy sao có thể ở quận nhỏ Vĩnh Châu chứ.
Trong đầu ta đột nhiên nảy ra ý tưởng kỳ lạ, gả hoàng đế, chi bằng gả cho chàng…
Tim ta đập như hươu chạy, nhấc váy đuổi theo bước chàng, ở phía sau hô lên một tiếng: “Tên trộm khăn!”
Chàng giống như lần trước, vội vàng dừng bước, quay đầu nhìn ta, vẻ nghi hoặc, kinh ngạc, vui mừng lần lượt xuất hiện trên khuôn mặt, nếu như ta không hiểu nhầm.
“Sao nàng lại ở đây… nàng là tú nữ?”
Ta vẫn mặc xiêm y tú nữ, rõ ràng không cần trả lời, ta hỏi lại chàng: “Chẳng lẽ Lý công tử sợ vào cửa Liễu phủ của Liễu thái thú thật sao!”
Chàng vỗ trán hối hận nói: “Tử An hồ đồ rồi.” Suy nghĩ một chút, lại nói: “Tiểu thư cũng là tú nữ, Tử An không nên nói chuyện với tiểu thư quá lâu, tránh làm tổn hại tới danh dự của tiểu thư.”
Chàng đang bảo vệ ta sao… Ta ngẩng đầu, lần đầu tiên cười với chàng nói: “Chỉ lúc này thôi, lát sau đã không phải nữa rồi! Tử An, ta tên là Liễu Khinh Vũ, người Vĩnh Châu, nếu ta không được chọn, chàng cùng ta về Vĩnh Châu được không?”
Ta đã nói công khai như vậy rồi, An Lang, chàng nhất định phải hiểu lòng ta đó!
Chàng cười khẽ, đáp ta một tiếng: “Được.”
Nửa tháng sau kết quả được công bố, ta quả nhiên không được chọn. Đồng thời, ta còn nhận được ý chỉ của thái hậu: “Liễu thị Vĩnh Châu, dung mạo xuất chúng tính tình tao nhã, hứa hôn với Lý Hy con của Trấn Quốc công, phụng chỉ thành hôn.”
Chàng là con của Trấn Quốc công Lý Nhân Cường tiếng tăm lẫy lừng từ triều trước, được ban cho họ “Lý” của thiên tử. Vì phụ thân sự nghiệp hơn người, chàng không thể không học văn từ nhỏ, đồng thời có dung mạo ngọc thụ lâm phong mà được xưng “Kinh thành Tiểu Lý”.
Hóa ra là chàng.
Hóa ra là chàng!
Nhưng vì sao chàng lại đồng ý cưới ta? Nhờ truyền thuyết gặp nhau trên cầu Hỉ Thước ư? Chúng ta, là mối nhân duyên trời ban tặng sao?