Phượng hoàng lửa tròng mắt đỏ như màu máu, đôi cánh mỹ miều mạnh mẽ cử động từng nhịp bay, lao vun vút về phía Trác Thiếu Kình.
Trong phút chốc, y cảm giác được sức nóng của ngọn lửa thiêng ngàn năm đang phả vào mặt mình. Nóng đến bỏng rát! Đứng bên cạnh Trầm Thư Kính, Hỷ Tình đột nhiên cảm thấy Trầm Thư Kính có chút bất thường, vội vàng vươn tay khẽ kéo ống tay áo nàng.
Trầm Thư Kính bị gọi tỉnh, thu lại ánh mắt, ngã người tựa vào ghế, bỗng nhiên muốn cười. Lúc này nàng mới phát hiện người nam nhân này vì giang sơn, vì thiên hạ lại có thể hy sinh cùng kiên nhẫn đến vậy.
Tuổi còn nhỏ, quyền lực trong tay chưa đủ lớn thì giả ngây giả dại, luôn tỏ vẻ bản thân là loại người yếu đuối ngu ngốc không có duyên với đế vị để tránh ánh mắt người khác, sau lưng lại âm thầm trau dồi thực lực cùng quyền thế trong tay.
Thế nên năm đó Trác Thiếu Kình một thân bức phá, cuồng loạn giết chết hầu hết các vị huynh trưởng của mình mới khiến hoàng đế trở tay không kịp.
Cuối cùng khiến ông vì tức giận nên đã kích thích độc mãn tính mà Trác Thiếu Kình âm thầm hạ từ lâu, chết không nhắm mắt. Lúc đó hơn một nửa quyền thần triều đình đều ủng hộ y, số còn lại thì duy trì thế trung lập, còn những người chống đối đều đã mai táng dưới mũi kiếm của y.
Trác Thiếu Kình cứ thế ung dung ngồi lên long ỷ, một bước thành vua. Trầm Thư Kính siết chặt chung rượu trong tay, hoạ tiết tỉ mỉ bên ngoài vì bị bóp chặt mà cắt một vệt trong lòng bàn tay nàng, máu chậm rãi thấm dần ra. Trác Thiếu Kình, kiếp trước ngươi thành công như vậy chính là do không ai phát hiện ra bộ mặt thật sau lớp nguỵ trang tài tình của ngươi, lại vì ngươi có một thanh đao luôn sẵn sàng vì ngươi mà bán mạng như ta.
Nhưng đời này, ta không những không giúp ngươi mà còn tự tay chậm rãi vạch trần bộ mặt giả dối của ngươi cùng thế lực khổng lồ sau lưng ngươi, nhất định ta sẽ khiến ngươi chết không được tử tế, trả thù cho hài tử bé nhỏ của ta! Bên kia Trác Thiếu Kình thoát khỏi áp lực vô hình, men rượu trong người đã sớm bốc hơi hết.
Y cau mày nhìn Trầm Thư Kính, nhẹ giọng hỏi nhất đẳng thị vệ bên người: "Biện Trúc, ánh mắt lúc nãy của Trầm Thư Kính, ngươi có cảm thấy sát khí không?". Biện Trúc ngẩng đầu nhìn thoáng qua thân ảnh Trầm Thư Kính lại cúi đầu nhìn Trác Thiếu Kình, ngẫm nghĩ rồi lắc đầu: "Vương gia, nô tài không cảm nhận được sát khí, có lẽ là người đã quá đa nghi.
Trầm Thư Kính là tiểu thư kim chi ngọc diệp, làm sao lại có thể có sát khí được". "Chắc là do bản vương đã say rồi", Trác Thiếu Kình nâng tay xoa xoa mi tâm, không hề đặt ánh mắt kinh hãi lúc nãy của Trầm Thư Kính vào trong lòng. Trầm Ánh Nguyệt khó khăn lắm mới được trông thấy Tịnh vương của nàng ta, nhưng mới chỉ một lúc đã bị Trầm Thư Kính cố ý dùng thân thể ngăn mất.
Nàng ta tức giận giữ chặt tay vịn ghế, thanh âm vang lên trái lại đầy yếu đuối vô năng: "Tam tỷ, Nguyệt nhi cảm thấy vị vương gia vận lục bào thêu mãng xà kia quả thật ngọc thụ lâm phong, không biết tỷ có thấy như thế không nha?". Muốn dò xét Trầm Thư Kính nàng sao? Trầm Ánh Nguyệt muốn Trác Thiếu Kình đến điên rồi hay sao lại dám công khai hỏi nàng vấn đề này? Nhận khăn tay từ Hỷ Tình lau vệt máu trong lòng bàn tay, khoé môi Trầm Thư Kính nâng lên, nhẹ nhàng nói: "Vị vương gia vận lục bào? Là Tịnh vương Trác Thiếu Kình phải không? Mắt của Tứ muội muội quả thật tinh tường, Tịnh vương thật sự rất...". Vốn muốn đợi Trầm Thư Kính nói tiếp, nhưng đợi nửa ngày vẫn không nghe, nên Trầm Ánh Nguyệt đành phải mở miệng: "Rất như thế nào vậy Tam tỷ? Tam tỷ thích Tịnh vương không?". "Hàm hồ! Tứ muội muội, chúng ta là tiểu thư quý tộc, quy củ của tiểu thư Dung di nương không dạy muội sao? Trầm gia tiểu thư sao có thể nghị luận nam tử một cách công khai như thế? Tứ muội, muội muốn phụ thân phạt muội hay sao?", Trầm Thư Kính quay đầu, tức giận nhìn Trầm Ánh Nguyệt. "Nào có, nào có.
Muội chỉ là nhất thời nhanh miệng, Tam tỷ tỷ đừng nói lại với phụ thân a", Trầm Ánh Nguyệt nắm càng thêm chặt tay vịn ghế, trên mặt gấp gáp như muốn khóc. Đúng thật là vẫn còn rất non nớt.
Trầm Thư Kính giả vờ thở dài, vươn tay vỗ vỗ lên tay của Trầm Ánh Nguyệt, giọng nói khuyên nhủ: "Muội còn nhỏ, hôn sự phải để phụ mẫu lo
lắng, đừng quá phận". "Vâng, Tam tỷ", Trầm Ánh Nguyệt cúi đầu đáp.
Bữa tiệc ngày hôm đó kết thúc bằng việc tặng quà của chúng tôn tử tôn nữ cho Tô Lão thái thái.
Nổi bật nhất chính là bộ bình phong thêu hai mặt bức tranh chúc thọ "Tùng Hạc Diên Niên" của Trầm Thư Kính, nhận được không ít lời khen ngợi thán phục của mọi người.
Thanh danh Trầm Thư Kính từ đó cũng như diều gặp gió, phất lên nhanh chóng... Hôm nay là một ngày như mọi ngày, Trầm Thư Kính từ sớm đã mang theo Hỷ Tình đến Mẫu Đơn viện của Tô Tịch nói chuyện với bà. Tô Tịch vừa mới thức dậy, xiêm y chưa chỉnh tề, nên Trầm Thư Kính liền vào thẳng phòng ngủ của bà.
Trông thấy nữ nhi một thân váy dài màu hồng nhạt trong trẻo mà uỷ mị, Tô Tịch ngồi trước gương đồng cười cười vươn tay về phía nàng vờ mắng: "Kính nhi, con thật là không có lễ nghi mà.
Sao lại tự ý vào tẩm phòng của mẫu thân như vậy, chẳng biết lớn nhỏ". Trầm Thư Kính thay Tôn mẹ nhận lấy lược gỗ, ở sau lưng Tô Tịch dịu dàng chải mái tóc dài như suối của bà, tinh nghịch cười đáp lại: "Nữ nhi chính là nhớ người, dù gì con biết phụ thân cũng không có ở trong viện của mẫu thân, nên con mới tự ý đi vào.
Lần sau con sẽ ngồi ở tiền viện đợi". Nghe đến Trầm Tường, khoé môi Tô Tịch dường như cứng lại.
Đúng là đã hai tháng rồi ông chẳng hề bước chân vào Mẫu Đơn viện của bà.
Tuy là chủ mẫu nhưng so với các vị di nương khác, tình yêu mà bà nhận được từ Trầm Tường là ít đến không thể ngờ được.
Theo quy chế của Trầm gia, mỗi đầu tháng Trầm Tường phải bắt buộc nghỉ ở viện Tô Tịch, những ngày còn lại thì tuỳ ý.
Nhưng kể từ khi nữ nhi ngã xuống nước, bà bắt An thị chép kinh Phật cho Kính nhi, Trầm Tường liền chỉ suốt ngày đi Bạch Mai viện của bà ta. Trầm Thư Kính trông thấy thần sắc ảm đạm của mẫu thân qua gương đồng trước mặt, đáy lòng nhịn không được thở dài một cái. Nàng biết, thật ra phụ thân chưa bao giờ yêu mẫu thân nàng dù chỉ một lần.
Ông cưới bà chính là vì Tô gia sau lưng, vì tài năng và danh tiếng Tứ Đại mỹ nhân năm đó của bà chứ chưa hề vì tình ái.
Đối với Trầm Tường, tất cả nữ nhân đều là công cụ quyền lực của ông, dù là thê tử hay là nữ nhi, đều chỉ có một mục đích chính là giúp ông mang về quyền thế.
Ở đời trước, Tô gia bị nàng hại dần dần lụn bại, ông liền ngấm ngầm cho phép người trong phủ động thủ với mẫu thân, hại bà chết không nhắm mắt.
Bởi với Trầm Tường, Tô gia một khi sụp đổ thì quân cờ Trầm Tô thị Trầm quốc công phu nhân Tô Tịch này liền không hữu dụng nữa.
Mà quân cờ vô dụng, chính là phải dọn dẹp để đón chờ một quân cờ mới có ích thế vào. Nhưng mẫu thân đáng thương của nàng lại vô cùng yêu ông.
Xuất giá tòng phu, dù chưa gặp trước đó nhưng Tô Tịch ngay khoảnh khắc Trầm Tường mở hỷ khăn trên đầu mình ra, bà chính là nhận định người nam nhân này là mặt trời của cả đời mình. Thật ra Tô Tịch không biết, mặt trời Trầm Tường không những sưởi ấm bà mà còn có thể đốt bà đến cháy rụi thân thể, tan nát tâm can. Vì tránh việc kiếp trước sẽ tái diễn, kiếp này Trầm Thư Kính muốn mẫu thân mình nhất định phải cắt đứt mọi tình cảm với Trầm Tường, bởi nàng biết khi không có chữ "tình", mọi chuyện cần làm đều dễ dàng vô cùng. Trầm Thư Kính đưa lược gỗ trong tay cho Tôn Vu- đại nha hoàn của Tô Tịch, tiến lên phía trước nắm lấy tay Tô Tịch, mở lời: "Mẫu thân..." Nhưng nàng vừa mới cất tiếng, một thanh âm khác đã vội vã cắt ngang: "Phu nhân, nô tài là Trầm Nhất.
Quốc công gia mời người đến Bạch Mai viện có việc cần nói".