Trường học sáng sủa, cỏ xanh mơn mởn.
Lâm Triều Tịch mặc bộ đồng phục trường tiểu học Sao Đỏ đứng trước cổng chính trường tiểu học Thực nghiệm, dáo dác nhìn vào trong.
Ánh nắng rọi xuống, phía trong cổng là những gương mặt trẻ thơ non nớt hào hứng tươi vui.
Nam sinh mặc tây trang thắt cà vạt, nữ sinh mặc váy ngắn đi tất trắng.
Vào thời này các trường học đang dần bắt đầu tiến hành cải cách, nhưng cũng chỉ học sinh của những ngôi trường tốt nhất mới có bộ đồng phục thế này.
Nếu nói nỗi cô đơn khi nãy thuộc về Lâm Triều Tịch nhỏ, vậy thì nỗi xót xa lúc này chắc chắn thuộc về Lâm Triều Tịch lớn.
Khối kiến trúc tuyệt đẹp trước mắt đã từng là trường của cô, bây giờ thì cô chẳng thể vào được.
Bởi vì đây là trường tiểu học Thực nghiệm, trường tiểu học tốt nhất thành phố, còn trường tiểu học Sao Đỏ gần trại trẻ Sao Đỏ ở ngay đầu phố bên kia còn chẳng lên nổi bảng xếp hạng.
Khi trước cô oán than mình với Bùi Chi từ nhỏ chỉ toàn cùng trường không cùng lớp, cuộc đời không chút giao thoa.
Bây giờ thì hay rồi, ngay cả giả thiết cùng trường cũng mất tiêu, đây mới thực sự là không chút giao thoa.
Thế giới phô mai tàn khốc thật.
Bị hiện thực vả cho một cái quá đau, cô nản chí đến nỗi đập đầu vào lan can inox, phát ra tiếng vang lớn.
Chú bảo vệ của tiểu học Thực nghiệm cách ngay đó không xa thấy mà khiếp vía, phất tay bảo cô mau chóng rời đi.
Cô cúi đầu nhìn bộ đồng phục màu đỏ đã phai sang màu hồng và đôi giày thể thao xám xịt của mình, yên lặng quay lưng.
Rõ ràng chỉ là khoảng cách từ đầu đường đến cuối ngõ, bảy tám trăm mét mà thôi, vậy mà hai trường đã khác nhau một trời một vực.
Trường tiểu học Sao Đỏ không phải trường trọng điểm của thành phố, cũng chẳng phải trường trọng điểm của khu, chỉ là một ngôi trường làng bình thường bao phủ một khu vực rất lớn.
Học sinh rất đông, lớp học kín chỗ, nhìn cái gì cũng thấy cũ kĩ rách nát.
Cô cũng đứng như thế trước cổng trường Sao Đỏ một lúc, còn trông thấy học sinh lớp trên moi tiền học sinh lớp dưới.
Cô không chút do dự quay đầu rời đi, tiếp tục hành trình tìm bố.
Cô là sinh viên đại học, chuyện trốn học đối với cô bình thường như cân đường hộp sữa, không hề có chút mặc cảm tội lỗi.
…
Ngõ Chuyên Chư rất gần cả hai ngôi trường, đi mất năm phút.
Khi xưa, vì để cô vào được trường Thực nghiệm mà Lão Lâm tốn mấy chục triệu tiền phí chọn trường(*), còn vét sạch tiền tiết kiệm để thuê một căn nhà nhỏ chẳng mấy tiện nghi gần đó, chỉ để cô được ngủ nhiều thêm chốc lát mỗi ngày.
(*) Gần giống bên mình phải chạy tiền nếu muốn học trường trái tuyến.
Mà năm đó thuê nhà, Lão Lâm vừa liếc mắt đã chọn luôn ngõ Chuyên Chư.
Chuyên Chư là một vị thích khách cổ đại, chính là vị Chuyên Chư trong câu chuyện “Bụng cá giấu kiếm”.
Lão Lâm là dân Toán học, kiến thức Văn học chẳng được là bao.
Lúc ấy người môi giới thuê nhà kể lại câu chuyện “Chuyên Chư”, thổi phồng rằng con ngõ này lịch sử lâu đời, Lão Lâm trầm tư nói “thì ra gần đây có sông, thế mà ban nãy tôi không thấy”.
Người môi giới mất vài giây mới phản ứng lại, mặt xanh mét, cả chủ nhà cũng nổi giận theo, suýt thì không cho bố con cô thuê nữa.
Chú giải
Đi men theo con ngõ, đâu đâu cũng là tường vôi trắng lợp ngói giống nhau như đúc.
Bước chân chậm dần, Lâm Triều Tịch lại ngẩn người.
Không phải là cô mù đường, nhưng cô không giỏi việc nhớ cửa nhà.
Khi mới chuyển đến cô đã từng có trải nghiệm gõ cửa nhầm nhà hai lần, phải để hàng xóm dắt về.
Lão Lâm đành nghĩ cách, dùng sơn đỏ viết công thức Toán lên tường làm biển báo cho cô.
Từ số 1 đến số 229 ngõ Chuyên Chư, Lâm Triều Tịch không nhìn thấy có cánh cửa nào viết công thức Toán, tâm tình rất khó tả.
Có lẽ là cảm thấy mất mát vì không thể tìm được Lão Lâm ở nơi này, có lẽ là cảm thấy may mắn vì ở thế giới phô mai không có một Lâm Triều Tịch khác.
Lại đi thêm một vòng nữa, điểm lại từng ngôi nhà trong kí ức, cuối cùng cô cũng tìm được ngôi nhà nhỏ từng sống cùng Lão Lâm.
Cánh cửa vẫn gần giống như trong trí nhớ, là cánh cửa sắt trắng đóng đinh đồng.
Nhà bên cạnh nuôi hai con chó Chihuahua bé tí mà dữ dằn, vẫn đang sủa ầm ĩ.
Theo tiếng chó sủa, cô lui một bước, ngẩng đầu, tiếp tục quan sát căn nhà, so sánh lại với dáng vẻ trong trí nhớ.
Màu sắc hoa văn giấy dán kính cửa sổ? Không nhớ rõ.
Kiểu loại khóa cửa? Không nhớ rõ.
Hình dáng rêu phong trên tường? Sao mà nhớ được!
Cuối cùng, cô ngồi nhìn giàn nho leo trên bờ tường thật lâu.
Lá xanh mướt, đung đưa theo gió, ừm, hình như cái này gần giống.
Nhưng chỉ nhìn mỗi bên ngoài thì không thể kết luận được gì.
Lâm Triều Tịch tinh mắt phát hiện ra trên giấy cửa sổ có một lỗ rách.
Cô bê mấy viên gạch đến, ngó quanh ngó quất như ăn trộm, giẫm lên đống gạch bấu vào bậu cửa, đứng chới với dòm qua cái lỗ.
Phòng tối mịt, bày biện đơn giản.
Một giường một bàn, một cái tủ quần áo rất cũ, ngoài ra thì chẳng còn gì.
Nói cách khác, bên trong không có người.
Tuy trước kia Lão Lâm sống ở phòng này nhưng bên trong chất đầy sách vở lẫn truyện tranh cô không dùng đến, rất giống đống đồng nát.
Bây giờ nhìn căn phòng sạch sẽ ngăn nắp, cô bỗng cảm thấy cực kì không quen.
Nhưng suy nghĩ theo một góc độ khác, nơi này có vẻ không có dấu vết sinh sống của cô bé nào hết.
Cho dù Lão Lâm vẫn sống ở đây thì cũng không nuôi cô con gái nào khác!
Lâm Triều Tịch ép lòng tự an ủi mình.
…
Từ khi mặt trời chói chang trên cao cho đến khi ngả dần về tây.
Lâm Triều Tịch vẫn luôn đứng canh trước cửa ngôi nhà nhỏ, ngay cả chủ nhà cũng chẳng thấy bóng dáng chứ đừng nói đến bố.
Trong thời gian chờ đợi đằng đẵng, Lâm Triều Tịch cũng dần tỉnh táo trở lại.
Nếu không thể đợi được Lão Lâm ở đây, phải chăng khả năng lớn nhất là Lão Lâm đã xuất ngoại du học?
Thực ra cũng không tồi, cô nghĩ.
Đây là cuộc sống mà Lão Lâm vốn nên có được.
Mà có khi cốt truyện tương lai sẽ còn biến cô thành con nhà giàu nhận tổ quy tông chưa biết chừng?
Cô tự trấn an, trời sắp tối hẳn, cô biết đã đến lúc phải quay về rồi.
Lúc sắp đến cổng trại trẻ, Lâm Triều Tịch đã cảm nhận được bầu không khí như thể bão sắp ập đến.
Đó chẳng phải vì cô có năng lực đặc biệt gì, mà là khi cô đã kéo lê bước chân nặng nề đi đến đầu ngõ, đứa bé trai ngồi xổm cạnh cột đèn đường bỗng rống lên một tiếng kinh thiên động địa: “Lâm Triều Tịch! Quay, về, rồi!”
Lâm Triều Tịch bị dọa hú vía, quay đầu toan bỏ chạy.
Đứa bé nhanh tay nhanh mắt, chạy đến ôm chặt chân cô, vừa ôm vừa gọi: “Anh Tịch sắp chạy rồi, mọi người mau đến