Thẩm Mặc không ngờ mình nổi tiếng như thế, ngượng ngùng không biết đáp ra sao.
Các khảo sinh xong rồi, có thể hoàn toàn thả lỏng, liền tới lúc các khảo quan bận rộn. Khảo quan phải duyệt bài bình phẩm toàn bộ bài thi của bốn trăm người trong hai ngày, nhiệm vụ nặng nề, hiển nhiên không phải một mình hoàng đế có thể làm nổi.
Thực tế trừ Thái tổ hoàng đế từng làm cái việc ngốc nghếch này, các hoàng đế đời sau đều giao cho người dưới làm. Mới ban đầu lập quốc giao cho những tế tửu, tu soạn quan viên chính thống lại không phải đại thần chấp pháp, sau này lại giao cho nội các. Còn về phần bản thân hoàng đế lại lười biếng chỉ đọc mười bài tiến cử cho các thứ hạng đầu, Gia Tĩnh đế của chúng ta càng quyết không phải ngoại lệ.
Lần này đại thần đọc bài thi Điện do nội các đại học sĩ Trương Trì đảm nhận, hai vị thượng thư lại lễ bộ làm phó, cùng học sĩ hàn lâm, tế tửu quốc tử giám ..v..v..v.. Tạo thành một thế trận siêu hoành tráng, nghỉ ngơi trong Trị Lư một đêm, sáng hôm sau tề tụ ở trong Tử Quang các, xếp hạng cho bốn trăm vị tuấn ngạn này ...
Trước khi đọc duyệt bài, theo thông lệ mọi người quỳ lạy Khổng Tử, tuyên thệ với trời cao, sau đó dựa theo quan cấp lớn nhỏ, ai nấy về bàn ngồi xuống.
Lúc này quan giám thị Lục Bỉnh đích thân mở rương bài thi, đem bài thi ra giao cho Triệu Trinh Cát, lại do Triệu Trinh Cát lần lượt chia bài thi có từng quan, chia hết lại làm vòng nữa, đến khi hết bài thi mới thôi.
Mỗi một khảo quan nhận bài xong mở ra đọc, xem xong bản nào liền giao cho người bên trái, đồng thời có người bên phải giao bài cho mình, thay phiên nhau xem như vậy, chín quan chấm bài đều xem bài thi của khảo sinh, đây gọi là "chuyển bàn" chỉ khi thi điện mới xuất hiện.
Đồng thời mỗi vị khảo quan viết họ lên bài thi mình đã đọc xong, không viết tên, trừ khi trung họ vị thì người thấp hơn đành ủy khuất viết tên. Đọc xong viết ưu khuyết, kèm dấu hiệu. Theo quy định, dấu hiệu cao thấp chia làm năm loại, kiểu như "0" , "," , "" ... Gì gì đó.
Đương nhiên mỗi một vị quan chấm bài có khẩu vị khác nhau, có đánh giá khác nhau cũng là chuyện thường, nhưng chênh lệch không thể quá lớn, vì nếu thế sẽ có giám thị đề nghị phái một vị đại thần khác duyệt lại bài, đề đề phòng khảo quan "mang thành kiến, có thủ đoạn gian dối", một khi tội danh thành lập sẽ bị trừng phạt.
Nhưng lịch sử đã nhiều lần chứng minh, bất kỳ một chế độ nào cũng tồn tại nệ nạn, bất kể có lập quy củ tỉ mỉ thế nào. Phương thức duyệt bài này cũng thế, do lo lắng bị xử phạt nên các khảo quan khi duyệt cùng một bài không dám đánh giá chênh quá một cấp với vị khảo quan trước đó.
Thế là rõ ràng ý kiến vị khảo quan đọc bài đầu tiên trở nên quan trọng rồi, nhất là khi đánh rớt bài thi gần như mang tính quyết định .. Ông ta mà phán tử bài nào thì bài đó tử chắc.
Sau khi "chuyển bàn" hoàn thành, tức là mỗi bài đều vẽ chín dấu hiệu, sẽ do quan thủ tịch chấm bài tổng hạch, xếp thứ hạn, hai vị quan thứ tịch cũng có thể tham gia ý kiến. Bài liệt vào nhất nhị giáp nhất định phải có tám "o" trở lên, còn lại thì cho vào tam giáp, sau đó trong mỗi một giáp lần lượt so sánh theo dấu hiệu thứ bậc giảm dần để xếp hạng.
Lần này quan thủ tịch là Trương Trì, nhưng đối với Thẩm Mặc mà nói đó chẳng phải là tin lành, vì hai vị thứ tịch đã đọc bài của y rồi. Cho dù Trương Trì có đánh giá "o" , hai người này có lý do để hạ xuống ",", cho dù sáu người còn lại cho "o" thì tối đa y chỉ có bảy "o" ... Hơn nữa bọn họ cũng làm thế thật, cho nên sau khi chấm bài xong Thẩm Mặc bị xếp vào tam giáp, tức là nhóm đồng tiến sĩ.
Mà bởi vì chỉ có mười hai bài đầu tiên trình lên cho hoàng đế ngự lãm, cho nên cơ hội trở mình của y là không có.
Thong thả như thế, cuối cùng tối ngày mười bảy tháng ba, bốn trăm bài thi đã được định thứ hạng. Nhưng chưa thể viết bảng, vì còn trình lên thánh thượng ngụ lãm, do thánh thượng khâm điển tam đinh, tức là Trạng Nguyên, Thám Hoa và Bảng Nhãn.
Xoa cái hông nhức mỏi, Trương các lão mệt mỏi nói:
- Thái bảo, hai vị bộ đường, chúng ta đi diện thánh thôi, bệ hạ đang đợi.
Ba người gật đầu, mang mười hai bài thi theo Trương đại học sĩ, đi qua hành lang treo đèn lồng đỏ, đến thẳng cung Thánh Thọ.
Trong cung Thánh Thọ đèn sáng như ban ngày, Gia Tĩnh đế quả nhiên chưa ngủ, còn đợi bài thi đưa tới.
Khi Trần Hồng bẩm báo mấy vị đại nhân tới rồi, Gia Tĩnh ngồi
thẳng dậy, nói:
- Lấy một chậu nước lạnh tới đây, trẫm cần phải tỉnh táo.
Trần Hồng vội đi lấy nước lạnh vào chậu đồng, cho khăn tay vào thấm ướt, dâng lên cho hoàng đế. Nhưng Gia Tĩnh không nhận, chỉ chậu nước nói:
- Đưa chậu lại đây.
Trần Hồng cười nói:
- Chủ nhân, buổi tối nước lạnh lắm, nô tài sợ...
- Sợ cái gì?
Gia Tĩnh bật cười:
- Huyền công của trẫm có thành tựu rồi, nóng lạnh bất xâm, còn sợ chút nước.
Ông ta đúng là không biết nóng lạnh là gì thật, một năm bốn mùa bất kể nóng lạnh, đều mặc đạo bào, chưa bao giờ tăng hay giảm, bớt không ít việc cho cục y phục.
Chiếu theo cách nói của hoàng đế đó là thành quả nhiều năm tu luyện đả tọa của mình. Thực tế ư, đó là vì quanh năm dùng " Đông nóng hè lạnh" đan của Đào Trọng Văn đặc chế. Điều này quần thần bên cạnh ai cũng biết, nhưng không ai dám vạch trần, ngược lại còn hùa theo, làm hoàng đế rất hả hê.
Cho nên Trần Hồng nói "sợ chủ nhân bị lạnh", không phải là muốn can ngăn, mà là để Gia Tĩnh đế có cơ hội khoe khoang, để hoàng đế dễ chịu! Đó cơ bản là chiêu "đạp tuyết vô ngân" cảnh giới tối cao của nịnh bợ. Cho nên có thể chen vào ti lễ giám, hầu hạ bên cạnh hoàng đế, đều là các cao nhân thân mang tuyệt kỹ, không ai là hạng vớ vẩn hết.
Quả nhiên sau khi khoe khoang thành quả tu luyện xong, Gia Tĩnh sảng khoái vô cùng, rửa mặt rùng mình một cái, tức thì tinh thần hơn trăm lần, nói:
- Tuyên!
~~
- Chúng thần cung thỉnh thánh an.
Không phải là triều đường, không cần phải dùng đại lễ, bốn vị đại nhân khấu đầu xong, Gia Tĩnh đế cho bình thân:
- Đứng lên đi, ba ngày qua các khanh đã vất vả rồi.
Tạ ơn đứng dậy, Trương Trì nói:
- Khởi tấu, hạ ...
Gia Tĩnh đưa tay lên:
- Trần Hồng, mang ghế cho các đại nhân, rồi nấu cháo Hi Trân Hắc Mễ lên, cho bốn vị đại nhân mỗi người một bát, còn cả rau Nghiêm các lão đưa tới tặng cũng mang lên .
Trần Hồng tuân lời rời đi, các vị đại thần tất nhiên là tạ ơn mãi, sau khi ăn xong cháo rau thơm ngon, Gia Tĩnh đế xúc miệng, nói với Lục Bỉnh:
- Văn Minh, lần này thi Điện, khanh theo cả quá trình, có cảm xúc thế nào?
Lục Bỉnh đã ăn xong từ lâu, đứng dậy, mặt hồng hào, đáp:
- Vi thần chúc mừng hoàng thượng, lần thi Điện này đúng là điềm lành rất lớn.
Gia Tĩnh mặc dù thích điềm lành, nhưng phải là rõ ràng xác thực, coi ông ta là trẻ lên ba mà lừa là không xong, liền cười nói:
- Nói bậy, thi cử thì liên quan gì tới điểm lành.
- Cuộc thi này nghìn năm khó gặp! Điềm lành tên "khuê bích ngưng huy."
Lục Bỉnh hưng phấn nói:
- Vi thần mặc dù xuất thân khoa võ, nhưng cũng biết từ Tùy Đường tới nay chưa có một sĩ tử nào trúng liền Lục Nguyên! Nhưng trong đương triều thánh quan, đức so Tam Hàng, sĩ tử Lục Nguyên ngàn năm có một đã giáng lâm Đại Minh ta.
Nói rồi khấu đầu với hoàng đế:
- Chỉ có Văn Khôi tinh quân giáng trần mới có thành tựu này, chỉ có thánh quân thời thịnh mới được tinh quân giáng lâm phò tá.
Lục Bỉnh nói như thế, Gia Tĩnh liền nhớ tới lần khảo thí này đúng là có tên gia hỏa đã "trúng liền Ngũ Nguyên", cũng hưng phấn muốn nhảy lên, nhưng ông ta là đấng cửu ngũ chí tôn, lúc nào cung phải giữ chừng mực, liền cười nói:
- Trạng Nguyên còn chưa chọn đã om xòm "lục thủ, lục thủ", không sợ điềm lành sợ chạy mất sao?
Lục Bỉnh toét miệng cười:
- Chọn ai là do bệ hạ quyết định, điềm lành này còn chạy đi đâu được nữa.
Quân thần hai người bọn họ đang nói cười vui vẻ, hai vị bộ đường đại nhân mặt như đít nồi. Nhất là Lý Mặc, ông ta không ngờ học sinh của mình đối đầu với mình, trong lòng rống lên :" Vì sao, vì sao? Rốt cuộc là vì sao?"
Tạm chưa nói tới Lý thượng thư đầu đầy dáu hỏi, Gia Tĩnh đế hưng phấn đọc bài thi, muốn tìm "điềm lành" củ ông ta, nhưng đọc hết cả mười hai bài thi cũng không tìm ra bài của Thẩm Mặc, liền xầm mặt xuống:
- Chuyện này là sao?