Thành Thiệu Hưng có ngàn năm lịch sử trầm tích, nơi này tất cả mọi thứ đều ưu nhã, tới ngay cả tiếng người nói chuyện, rao hàng, tiếng hò hét đều mang vẻ an nhàn, trấn tĩnh, dường như ngàn năm qua tiết tấu của nó chưa hề thay đổi.
Người dân sống ở đây hưởng thụ loại cuộc sống an nhàn này, có điều cũng cảm thấy có chút tẻ nhạt, luôn thấy thiếu điều mới mẻ.
Nhưng hôm nay bọn họ gặp được chuyện mới mẻ rồi, nói chính xác là .. Có người "mới mẻ" tới thành.
Khi người đó xuất hiện trong thành, liền thành tiêu điểm mọi người chú ý, vì dung mạo của ông ta đúng là khác hẳn mọi người. Dáng cao này, mắt xanh lam này, tóc vàng này , sống mũi cao, rất cao, hốc mắt sâu, đôi mắt sáng lấp lánh có thần, hình tượng này đúng là mọi người chưa thấy bao giờ.
Mọi người từ xa vây tới, đoán xem ông ta là thần thánh phương nào, có điều nhất định không phải là người trung thổ. Càng kỳ quái hơn người nước ngoài này lại nói tiếng quan thoại, lễ độ, hòa nhã, dễ gần. Thần thái của ông ta như khối nam châm thu hút mọi người:
- Chào mọi người, tôi tên là Sa Vật Lược, tới từ Tây Ban Nha của Âu La Ba ...
Người đó chính là Sa Vật Lược, theo nhật ký ông ta sau này thì, đêm đó ông ta ngủ trên thuyền, sáng sớm hỏi đường tới thành Thiệu Hưng.
Mặc dù tới Đại Minh một thời gian rồi, nhưng toàn hoạt động ở Thượng Hải, hơn nữa vì Thượng Hải mới xây dựng vài năm, nên theo ông ta nghĩ, nó không đại biểu cho Đại Minh, mở đầu chuyến đi Đại Minh của ông ta là lúc này. Vì thế không ngồi xe, cứ thế đi bộ tới Thiệu Hưng.
Trên đường đi Sa Vật Lược kinh ngạc phát hiện, hai bên đường không hề thấy mảnh đất nào chưa được khai canh, tất cả đều được phân chia chỉnh tề, trồng lúa nước xanh biêng biếc, thi thoảng thấy nông dân điều khiển trâu làm việc.
Ở Tây Ban Nha cũng dùng trâu canh tác, nhưng phương pháp thì khéo léo hơn nhiều...
Ông ta còn nhìn thấy từng bầy ngan, tới cả vạn con được người ta xua vào ruộng. Ông ta đứng ta xa hỏi, được trả lời là ngỗng ăn cỏ dại trong ruộng, cả thứ tôm cua cá gây hại... Đúng là nhất cử lưỡng tiện, Sa Vật Lược thầm khen.
Phía xa ngoài ruộng nước, là những vườn quả rừng dâu ngút ngàn, trong ruộng còn thấy hoa dại đủ màu sắc, tỏa hương thơm ngát, có cả chim chóc líu lo, khung cảnh đẹp đẽ thanh bình, làm Sa Vật Lược cảm thấy hết sức dễ chịu.
Khi ông ta rời khỏi phạm vi Giám Hồ, bước lên quan đạo bằng phẳng, liền thấy cảnh tượng khác hẳn, lữ khách nam bắc qua lại không ngớt, người đi bộ, người cưỡi ngựa, có cả kiệu nữa.
Trừ người ra không ít lừa, la ngựa qua lại, nhưng đông người như vậy mà không gây tắc ngẽn vì đường rất rộng, mười người xếp hàng cưỡi ngựa cũng đi qua được, hơn nữa mặt đường rải đá bằng phẳng dễ đi, hai bên đường là hàng cây cao vút, khiến người qua lại tránh được cái khổ của mặt trời thiêu đốt, còn có không ít hương dân bán hoa quả, trà lạnh, giải khát cho lữ khách.
Đi mãi, đi mãi, Sa Vật Lược thấy hơi khát nước, nhìn bên đường có dòng suối trong, liền học người ta, ngồi xuống lấy tay vốc lên nếm thử, vị ngọt trong mát, ông ta uống no nên, đợi ngẩng đầu lên mới phát hiện ra một số người đang tò mò vây quanh mình.
Sa Vật Lược không phải lần đầu thấy cảnh này, ông ta mỉm cười thân thiện với bọn họ, dùng tiếng quan thoại tự giới thiệu, dựa vào hai thứ vũ khí này công với tu dưỡng tốt của ông ta, hiểu lầm mau chóng giải trừ, mọi người cũng thân thiện với ông ta, còn đưa ông ta hoa quả ăn, khi ông ta trả tiền, họ nói:
- Tiền với không tiền gì, ông từ xa tới Đại Minh là khách, làm gì có chuyện lấy tiền của khách.
Sa Vật Lược thầm nghĩ :" Thì ra Khổng Tử ăn sâu vào lòng người như vậy, tới cả nông phu chất phác cũng biết đạo đãi khách 'hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc thuyết hồ'.
Nói chuyện với mọi người, Sa Vật Lược được biết, đường xá thế này ở phương nam đâu cũng thấy, ở phương bắc mặc dù không có cây xanh hai bên, nhưng rộng hơn nhiều.
Điều này làm ông ta cả kinh không nhỏ, ở Madrid , chẳng có đường bằng phẳng rộng rãi thế này, xét từ điểm ấy hai nước chênh lệch không ít...
Hơn nữa ông ta còn sinh ra hiếu kỳ với thương đội qua lại, hỏi ra mới biết, bọn họ không chỉ buôn bán giữa các tỉnh, còn bán ngay trong tỉnh, cũng thu được lợi nhuận cao.
Những thương nhân đó còn nói chuyện ôn hòa lịch sự, so với thương nhân phương tây hung dữ làm Sa Vật Lược bội phụ vô cùng.
Nghỉ ngơi khỏe rồi ông ta cáo biệt người qua đường nhiệt tình, buổi trưa tới được ngoài thành Thiệu Hưng, thấy tường thành cao hơn 15 trượng, rộng mà dày, cửa lớn trước mắt dùng tấm sắt chắc chắn bao bọc, trên tường thành còn có cắm chi chít gai chông, hiển nhiên để đề phòng giặc Oa.
Cũng chỉ có những phương tiện quân sự này cho thấy dấu vết kháng Oa ngày trước, theo ông ta biết, toàn bộ Chiết Giang đã ba năm rồi không có bóng dáng giặc Oa, Thiệu Hưng năm năm rồi chưa đốt phong hỏa đài, hòa bình lần nữa lại tới, người dân tận tình hưởng thụ cuộc sống bình an hạnh phúc.
Cầm thư giới thiệu của Thẩm Mặc, Sa Vật Lược thuận lợi qua được sự kiểm tra của lính gác cổng, đi vào trong thành Thiệu Hưng. Liền thấy cảnh tượng đường phố hết sức mỹ lệ, lại đầy hơi thở nhân văn, nhà cửa xây dựa vào sông, nước sông trong xanh, bên trên đủ loại cầu cong đẹp đẽ nối liền với đường bộ, gầm cầu phía dưới có thể cho thuyền lớn đi qua.
Đường phố có nhiều cửa hàng cửa hiệu, bày đủ các thứ thương phẩm kỳ lạ, thậm chí có rất nhiều thứ đồ xa xỉ không ngờ tới như hổ phách, tơ lụa, hương liệu.
Sa Vật Lược khi còn trẻ từng tới thành phố nước Venice, ông ta phải thừa nhận, nơi đó mặc dù là trung tâm thương nghiệp của Châu Âu, nhưng so kích cỡ, sạch sẽ, phồn hoa đều kém Thiệu Hưng một bậc, khỏi phải nói tới thành phố Châu Âu khác.
Ý thức được điều này Sa Vật Lược có hơi buồn, nhưng càng thêm quyết tâm lập nên sự nghiệp ở vùng đất phương đông giàu có này.
Ông ta hoàn toàn chìm đắm trong khung cảnh rực rỡ của thành thị Giang Nam, cho tới tận khi xung quanh vây kín người mới tỉnh lại, chào hỏi mọi người, giới thiệu gốc gác thân phận, mọi người không tỏ ra cảnh giác với ông ta nữa.
Trong thành nhiều người rảnh rỗi, người nói chuyện với ông ta nhiều hơn, giao tiếp một hồi, hai bên liền trở nên quen thuộc, Sa Vật Lược mang đầy một bụng nghi vấn trút hết cả ra, ví dụ như ông ta thấy trong thành rất nhiều tấm đá lớn dựng khắp nơi, không biết để làm gì. Mọi người cười giải thích, đó là tấm bia triều đình dùng biểu dương hiếu tử hiền phụ, trung hiếu tiết nghĩa ...
- Ồ thì ra là để tuyên dương cái thiện.
Sa Vật Lược gật đầu:
- Đúng là nên dựng nhiều một chút.
Thế là lại làm mọi người cười ồ lên vui vẻ.
Hai bên nói chuyện một lúc thì tới giờ cơm, đám đông lần lượt tản đi. Đại đa số giải quyết cơm nước bên ngoài, về nhà rất ít, vì trong thành có rất nhiều quán cơm, trên bờ có, dưới sông cũng có, đều rất sạch sẽ, thức ăn ngon miệng, vả lại với thu nhập của cư dân đương địa thì giá cả cũng phải chăng.
Mấy người nói chuyện với Sa Vật Lược nhiệt tình mời cơm ông ta, tiếp tục câu chuyện, nhất là nghe nói ông ta từ hơn chín vạn dặm tới, càng sinh hứng thú với phong tình xứ lạ.
Sa Vật Lược nói thực đã ăn rồi, những người kia liền kéo ông ta tới quán trà, gọi nhiều thứ bánh ngon miệng.
Sa Vật Lược đành ở lại nói chuyện với bọn họ, kể câu chuyện phong tục tập quán ở Châu Âu, chuyến hành trình nguy hiểm, cả cảnh sắc độc đáo ở Châu Phi, Ấn Độ, Nam Dương.
Ông ta là truyền giáo sĩ, mồm miệng tất nhiên là rất khéo, lại đích thân trải nghiệm, kể ra làm người ta nghe mê mệt, bên cạnh ngày càng có nhiều người vây tới không chịu tản đi.
Nhưng có một vĩ thân sĩ nổi tiếng đương địa ngăn cản cuộc tụ hội này, lý do là "Sa tiên sinh mệt rồi", đồng thời mời ông ta tới nhà ở, Sa Vật Lược không có chuyện vờ vịt từ chối như người phương đông, tỏ ra hết sức vinh hạnh nhận lời.
Trong nhà vị quan lớn triều đình nghỉ hưu đó, lần đầu tiên ông ta chứng kiến mỹ cảnh đình viện Giang Nam, cảm giác như đi trong tranh.
Quý tộc phương tây đều dùng đá để xây thành bảo, tài phú có nhiều đến đâu, quyền thế có lớn đến đâu, chẳng qua cũng chỉ ở thành bảo to hơn kiên cố hơn để thể hiện tôn quý của mình, so với quan viên nghỉ hưu triều Minh, thật không đáng nói.
Sa Vật Lược ở lại đó mấy ngày, mỗi ngày đều có quý nhân trong thành Thiệu Hưng tới bái phỏng, ông ta kinh ngạc phát hiện ra, bọn họ rất có phong độ và giáo dục, khi trả lời câu hỏi của ông ta thì rất nghiêm túc, lại còn tặng cho những món quà quý trọng, đúng là so với đám thương nhân trên biển làm người ta càng cảm phục hơn.
Dù là những đại nhân vật ở Thượng Hải cũng đủ làm Sa Vật Lược tự ti rồi, vì ở Tây Ban Nha, đám quý tộc tượng trung cho ngu dốt và ngang ngược, không thể có được sự tốn kính từ tận đáy lòng của số đông.
Nhưng Sa Vật Lược không thỏa mãn với việc ngồi nhà đợi khách tới, ông ta phải đi nhiều, phải chủ động xuất kích mới là phong phạm của truyền giáo sĩ.
Vì thế qua vài ngày ông ta từ chối lời mời ở lại nhiệt tình của chủ nhà, chuyển ra một lữ quán nhỏ cũng rất đẹp ...
Sau khi chuyển đi, ông ta càng chuyên tâm đi sâu quan sát người Đại Minh, có kinh nghiệm truyền giáo ở quốc gia trước kia, ông ta biết, nghiên cứu tìm hiểu người dân một quốc gia, là chuẩn bị thiết yếu trước khi hoạt động truyền giáo ..
Đương nhiên ông ta còn mang hứng thú nồng hậu với tất cả mọi thứ ở nơi này.
Ông ta phát hiện người Đại Minh cực kỳ coi trong quan hệ huyết thống, trưởng bối trong tộc có quyền lực không thể kháng cự với vãn bối tộc nhân, bọn họ tổ chức bái tế mộ tổ tiên vào một ngày cố định trong năm. Nghe nói làm thế đề hòa hợp các chi họ xa, làm quan hệ thân tộc không trở nên xa lạ.
Ngoài ra, trưởng bối trong tộc còn yêu cầu tộc nhân phục tùng "luân lý cương thường", ví như con cái hiếu kính song thân, huynh đệ tỷ muội tương trợ hoạn nạn. Nếu không làm được điều đó đều bị trưởng bối xử phạt nghiêm khắc, đồng thời làm dư luận xã hội phỉ nhổ.
Loại quan hệ họ tộc kỳ quái đó không cần pháp luật quy định rõ ràng, nhưng được tất cả mọi người tuân thủ nghiêm ngặt, vì thế hình thành hình thái xã hội đặc thù , tất cả mọi người đều kết lại với nhau trong họ tộc của mình, nên quan hệ thân mật, tất nhiên giúp đỡ lẫn nhau.
Cho dù có quan hệ không tốt với tộc nhân, khi thực sự gặp phải vấn đề, cũng có quyền cầu khẩn trưởng bối trong họ giúp đỡ, thường thường được giải quyết.
Sa Vật Lược cho rằng đó là nguyên nhân tại sao từ khi nhập cảnh tới nay, chưa từng thấy một người nghèo khó tới mức ăn xin trên đường.
Đối với người Châu Âu mà nói, đây quả thực là đều khó tin, đối với ông ta mà nói là tin tức cực xấu.
Vì truyền giáo sĩ muốn khai phá cục diện mới ở nơi xa lạ, thường thường ra tay từ người không đủ cơm ăn, thông qua bố thí thực phẩm, chữa trị bệnh tật, dễ dàng thu hút được tín đồ đầu tiên, từ đó phát triển lớn mạnh.
Sa Vật Lược vừa ngạc nhiên lại thấy buồn phiền là, với mức độ sinh hoạt, điều kiện vệ sinh trong thành, đủ làm bệnh truyền nhiễm thường thấy bị tuyệt tích, hơn nữa còn nhiều y sinh có ý thuộc cao minh, chữa trị miễn phí hoặc với gia thấp, ông ta chẳng thể so được.
Khi ông ta hỏi vì sao không thấy người ăn xin, được trả lời trong thành có khu vực quy hoạch phòng ốc riêng cho người già, người nghèo, tàn tận không thể mưu sinh sống tại đó, hơn nữa quan phủ và đại hộ định kỳ cung cấp gạo, để bọn họ không tới mức chết đói...
Vả lại Đại Minh có nền thủ công nghiệp hưng thịnh, trong thành luôn thiếu thốn người lao động, cho nên cơ hội việc làm rất nhiều, người nghèo chẳng cần ăn mày cũng có được cái ăn.
Qua điều tra sơ bộ, ông ta tin chắc, phương thức quen dùng của mình ở Ấn Độ, Nam Dương, Nhật Bản là không hiệu quả nữa.
Nhận ra điều này, ông thấy có chút phiền não, liền quyết định lên phố đi giải khuây. Lần này là dạo chơi, ông ta không phân biệt phương hướng, đi tới đâu hay tới đó, bất tri bất giác tới thành đông, đập vào mắt là đường phố càng đẹp đẽ hơn, cửa hàng hai bên đường trang trí so với nơi khác hoa lệ hơn, cũng thấy nhiều người hơn.
Sa Vật Lược thấy nơi này tiếng người huyên náo vô cùng, dòng người kề vai thích cánh, mặt ai nấy đều hưng phấn, hỏi ra mới biết, thì ra hôm nay ngày "miếu hội", vì thế ông ta theo dòng người đi vào, quả nhiên thấy người biểu diễn rong thường ngày không thấy, còn thấy cả diễn kịch, nhào lộn, thuyết thư, ảo thuật, mãi võ ..
Làm ông ta nhìn không rời mắt, chỉ hận cha mẹ sinh ra thiếu hai đôi mắt nữa, để ông ta nhìn bốn phương tám hướng.
Đi theo dòng người Sa Vật Lược tới trước một tòa miếu lộng lẫy huy hoàng, ngẩng đầu lên thấy bên trên viết "miếu Thành Hoàng", ông ta thong thả đi vào, chỉ thấy khói hương vấn vít, tiếng mõ vang vang, tượng thờ uy mãnh, cùng nam
nữ già trẻ thành kính quỳ bái, ông ta nhận ra, đây là tín ngưỡng của người Đại Minh rồi.
Sa Vật Lược hết sức thích câu "biết mình biết người, bách chiến bách thắng", cho nên ông ta mở to mắt nhìn tất cả, muốn ghi chép kỹ càng mọi thứ, để về phân tích, nghĩ đối sách.
Nhưng đột nhiên có người phát hiện ra ông ta là người ngoại quốc, liền phát ra tiếng hô kinh hãi.
Mọi người sau kinh ngạc ngắn ngủi, phát hiện ra ông ta đang đứng bên tượng thần, ngửa mặt quan sát, trong mắt tín đồ, đó là hành động cực kỳ bất kính, sao có thể đứng trước mặt Thành Hoàng gia gia được? Đây là điều không thể chấp nhận, liền có người hét lên:
- Tên man di kia, mau quỳ xuống khấu đầu xin lỗi Thành Hoàng gia gia.
Lời này phát ra, lập tức được đám đông phụ họa.
Sa Vật Lược không ngờ, mình lại làm đám đông phẫn nộ, lúc này muốn đi là không được rồi, nhưng quỳ trước thần của dị giáo thì ông ta vạn lần không thể chấp nhận.
Nếu không làm sao có thể xưng là tín đồ thành kính nhất của chúa đi truyền bá phúc âm?
Cho nên ông ta nhất quyết không quỳ, thế là hai bên giằng co với nhau.
Liên quan tới vấn đề tín ngưỡng, người dân thường ngày ôn hòa dễ gần tức thì trở nên hung dữ, nhất định muốn Sa Vật Lược phải quỳ xuống. Còn Sa Vật Lược thường ngày khôn khéo thông minh, trở nên cứng đầu, bất kể người ta uy hiếp thế nào cũng tuyệt đối không quỳ.
Thấy mùi thuốc súng ngày càng đậm, Sa Vật Lược sắp bị đám đông tấn công, thì trong đám hương khách có giọng nói vang lên:
- Xin các vị bình tĩnh.
Mọi người nhìn theo giọng nói, thấy một vị trưởng giả tầm năm sáu chục tuổi, không ít người nhận ra ông ta, đều hành lễ:
- Chào Thẩm lão gia.
Thì ra là gia chủ đệ nhất gia tộc Thiệu hưng , tộc bá của Thẩm lục thủ.
Thẩm lão gia giải vây cho Sa Vật Lược:
- Người phương tây người ta khác với chúng ta, bọn họ cả đời chỉ tin một vị thần, nếu quỳ trước thần của chúng ta, thì vì thần ông ta tin sẽ nổi giận. Nghiêm khắc với mình, rộng rãi với người, chúng ta không nên làm khó ông ấy nữa.
Thẩm lão gia ở Thiệu Hưng là nhân vật nhất ngôn cửu đỉnh, lão nhân gia đã lên tiếng, có ai dám không nghe? Vì thế đám đông kích động dần dịu xuống, mấy người trẻ tuổi nóng tính buông Sa Vật Lược ra.
Thẩm lão gia nháy mắt với Sa Vật Lược, dẫn ông ta mau chóng rời đi.
Ra ngoài rồi, Sa Vật Lược nhìn ngôi chùa lòng vẫn chưa hết sợ, lúc này mới cung kính cám ơn Thẩm lão gia tương trợ.
Thẩm lão gia cười khà khà:
- Chúng ta không phải là người ngoài , không cần đa lễ.
Thấy Sa Vật Lược không hiểu, ông giải thích:
- Ta là đại bá của Thẩm Mặc, phụ thân của Thẩm Kinh, mấy ngày trước Chuyết Ngôn tới thăm ta, nói với ta về ông, ta mới biết có vị hòa thượng Tây tới Thiệu Hưng, xem ra chính là ông rồi.
Sa Vật Lược hiểu ra, tạ ơn lần nữa.
Thẩm lão gia bảo ông ta không cần đa lễ:
- Gặp nhau là có duyên phận, mời Sa tiên sinh lên xe ngồi.
- Cung kính không bằng tuân lệnh.
Thấy ông ta nói tiếng Hán tốt như thế, Thẩm lão gia cười lớn thích thù.
Lên xe rồi, Thẩm lão gia hỏi:
- Sao ông lại tới miếu Thành Hoàng?
- Tôi chỉ nhất thời tò mò muốn vào thăm quan thôi.
Sa Vật Lược thành khẩn nói:
- Hiện giờ tôi rất hối hận vì hành động đường đột của mình, do không hiểu tâm lý người ngoại giáo, nên lỗ mãng khiến họ hiểu lầm, nếu không có lão tiên sinh, thật không biết phải làm sao. Nên tôi quyết định, trước khi làm quý quốc hiểu lập trường của mình, tuyệt không vào tham quan chùa miếu Đại Minh nữa.
Thẩm lão gia cười cho qua, quan tâm hỏi:
- Đến Thiệu Hưng vài ngày rồi, ông có thấy thoải mái không? Có quen không?
- Thoải mái lắm.
Sa Vật Lược gật đầu liên tục:
- Người dân nơi này thân thiện mà nhiệt tình, rất nhiều người mời tôi ăn cơm, lại còn tặng rất nhiều quà, làm tôi ngại hết sức.
- Người từ xa đến là khách mà, ông từ nơi xa xôi như vậy tới đây, chúng tôi phải chiêu đãi tốt chứ? Ấn tượng của ông về Đại Minh ta ra sao?
- Ấn tượng rất tốt, mọi phương diện đều hơn Châu Âu nhiều, nhưng ...
Sa Vật Lược ngập ngừng.
- Ông cứ nói thoải mái, người Đại Minh chúng tôi đều vui vẻ nhận góp ý phê bình.
Sa Lược Vật tỏ vẻ không tán đồng:
- Tôi phát hiện ra người quý quốc không coi thành thực là một đức tính tốt...
- Xin được chỉ giáo.
Thẩm lão gia hơi cau mày.
- Lúc tôi ở nhà vị La đại nhân kia, người tới bái phỏng không ngớt, làm tôi tiếp không xuể, không có thời gian ra ngoài. La đại nhân thấy tôi khổ não, liền nói với người hầu là bảo khách tới thăm rằng tôi đã ra ngoài. Nhưng tôi chưa ra ngoài, sao có thể nói dối gạt người?
- Ra là thế.
Thẩm lão gia không nhịn được cười:
- Ông chỉ việc ra ngoài thế là thành không phải lừa người nữa.
- La đại nhân cũng nói thế, nhưng khi ấy rõ ràng tôi ở trong nhà, sao có thể tính là ra ngoài.
- Con người ông sao cừng đầu thế?
Thẩm lão gia hết cách:
- Có hiểu "biến báo" là gì không?
- Cái đó thì tôi không hiểu lắm, ở phương Tây chúng tôi, đúng là đúng, sai là sai, chúng tôi bình thường không nói dối.
Sa Vật Lược bổ xung:
- Cũng có thể nói là không biết biến báo.
- Ha ha ha, Sa tiên sinh không hiểu biến báo này, ta thừa nhận đó là một đức tính tốt, nhưng trung thổ chúng tôi có một câu nói gọi là "đi tới vùng nào, hát tiếng vùng đó", ông tới đây để tạo dựng sự nghiệp, thì phải nhập gia tùy tục, học biến báo đi.
Thẩm lão gia vui vẻ khuyên:
- Ông từ xa xôi vạn dặm tới đây, lại nói tiếng Hán tốt như thế, chắc là có hoài bão lớn. Nhưng thứ cho ta nói thẳng, trong lịch sử mấy nghìn năm của Hoa Hạ, người khác loài không thể có được thành công, bọn họ mặc dù tài hoa xuất chúng, ý chí cao xa, nhưng thường thường thống khổ vì không được người khác hiểu cho, thanh danh sau khi chết thường lớn hơn thành công lúc còn sống.
Thấy Sa Vật Lược ngồi ngây ra tại chỗ, Thẩm lão gia thầm nhủ "chẳng lẽ người nước ngoài mặt mỏng, không thể nói họ sai?" Thế là cười xin lỗi:
- Chúng ta mới quen, nói những lời này có chút mạo muội rồi, ông đừng để trong lòng.
- Không không.
Sa Vật Lược lúc này mới tỉnh lại, vội lắc đầu:
- Tôi phải chân thành cảm tạ ngài mới đúng, kỳ thực trước giờ tôi không tìm ra nguyên nhân khó truyền giáo ở phương đông, giờ ngài nói thế tôi tựa hồ ngộ ra rồi.
Ông ta thở dài:
- Ngài nói đúng, không biết biến báo đôi khi không làm được việc.
- Kỳ thực người bên phía chúng tôi cũng biết thành thực là tốt, nhưng thành thói quen rồi, người ta luôn có lý do bao biện cho lời nói dối của mình.
Thẩm lão gia trở nên nghiêm nghị:
- Nếu như thông qua việc truyền giáo của ông, có thể khiến nhiều người không còn nói dối nữa, việc truyền giáo của ông trở nên có ý nghĩa. Vì mục đích cao quý đối khi làm những chuyện không cao quý, đó là một phần trí tuệ phương đông.
Ngập ngừng một hồi, Sa Vật Lược mới lấy dũng khí hỏi:
- Vậy ngài nghĩ chính phủ có cho chúng tôi truyền giáo ở Đại Minh không?
Ông ta nghe Thẩm Kinh nói về người cha chìm nổi quan trường nhiều năm, cho nên đem điều không rõ trong lòng ra, muốn được câu trả lời của ông.
Thẩm lão gia nghĩ một lúc nói:
- Đại Minh ta không có quốc giáo, nói cách khác, chỉ cần không phải là tà giáo gạt tiền, mưu đồ làm loạn, thì không cần triều đình cho phép, cũng có thể truyền bá tín ngưỡng.
- Thế sao?
Ở Ấn Độ, Nhật Bản vì được truyền giáo ông ta phải chạy vạy chính quyền, bị làm khó mọi bề, không ngờ đến Đại Minh lại không cần xin phép, không khỏi mừng rỡ:
- Như thế bớt được rất nhiều phiền phức.
- Không không, ta lại cho rằng trái ngược hoàn toàn.
Thẩm lão gia lắc đầu:
- Chưa xin phép cũng tức là không được triều đình thừa nhận và bảo vệ, luôn ở thế yếu và không an toàn. Nếu như không làm tốt quan hệ với quan viên địa phương, hoặc bị ngự sử nhìn không vừa mắt, sẽ bị đàn hặc, mà hoàng đế và các trọng thần không có chút ấn tượng nào, lúc đó lấy ai nói đỡ cho ông? Hoàng thượng sẽ hạ sắc lệnh, tòa quốc cấm chỉ truyền giáo. Tới mức đó rồi thì muốn vãn hồi là khó khăn vô cùng.
Nghe lời Thẩm lão gia, Sa Vật Lược cuống lên:
- Vậy thì phải làm sao đây? Đại Minh có nhiều quan địa phương như thế, lại còn cả ngự sử, sao không đắc tội với một ai cho được.
- Đừng lo.
Thẩm lão gia mỉm cười:
- Ta thấy có hai con đường để đi.
- Mong ngài chỉ giáo.
Sa Vật Lược kích động nói.
- Cách thứ nhất, trực tiếp nhất, tìm cách gặp được hoàng đế, có được sự chấp thuận của hoàng đế là không bị cản trở nữa. Có điều hoàng đế ta mê tín đạo giáo, tin vào phương sĩ, đồng nghề là oan gia, đám đạo sĩ, phương sĩ đó sẽ không cho ông toại nguyện đâu.
Điều này Sa Vật Lược có cảm nhận sâu sức, trước tới giờ, đối tượng đấu tranh của ông ta cũng là Ấn Độ giáo, Bà La Môn, Phật giáo. Hơn nữa ông ta có được một kinh nghiệm, giáo phái được chính phủ ủng hộ là không thể chiến thắng, cho nên ông ta nhụt chí:
- Điều này khó lắm, ngài nói cách thứ hai đi.
- Cách thứ hai chậm hơn, nước chúng tôi có một thế lực phi chính quyền, gọi là Phong Bình, ông có biết cái này không?
- Phong Bình à?
Sa Vật Lược hơi ngần ngừ:
- Có phải là dư luận không?
- Đúng thế, ông quả nhiên rất am hiểu tiếng Hán, chính là thứ đó, chính quyền không quyết định được, nó nắm trong tay các sĩ đại phu, chỉ cần những người này thừa nhận, nói tốt cho các ông, là các ông có phong bình tốt. Khi phong bình cao, bất kể là quan viên thân sĩ hay bách tính bình dân đều tôn trọng các ông, khi đó thậm chí hoàng đế cũng không thể dễ dàng chối bỏ các ông, chuyện truyền giáo sẽ rất thuận lợi.
- Thật sao? Vậy thì tốt quá rồi.
Sa Vật Lược vui mừng nói:
- Vậy mong ngài cho tôi một cái Phong Bình tốt, tôi chấp nhận bỏ bất kỳ giá nào.
- Ta đâu có bản lĩnh đó ...
Thẩm lão gia xấu hổ nói:
- Ta chỉ là một trong số sĩ đại phu, ông phải được số đông thừa nhận mới được.
- Vậy phải làm sao?
- Điều này phải xem bản lĩnh của ông, nhưng với kinh nghiệm của ta thì thấy rằng, muốn được người khác đánh giá tốt, thường phải được người ta thừa nhận trước đã.
Sa Vật Lược lẩm bẩm:
- Thế sao? Vậy phải làm thế nào?
- Chuyện này thì ta không giúp được ông rồi, phải tự suy nghĩ làm sao mới hòa nhập được, rồi làm sao mới được các sĩ đại phu tôn kính.
Sa Vật Lược gật gù:
- Tôi biết rồi.
Nhìn Sa Vật Lược rơi vào trầm tư, Thẩm lão gia thầm nghĩ :" Chuyết Ngôn, ta đã hoàn thành nhiệm vụ cháu giao cho rồi, có điều cháu tốn công với vị hòa thượng tây này như thế để làm gì?"