Năm
Quả nhiên cô đoán không sai, Huyện lệnh đại nhân đang vò đầu bứt tóc lo vụ thu hoạch mùa thu giờ hớn hở nhảy cẫng lên, rồi vạch hẳn một vùng cho Nhan chủ bộ "biết điều" kia dẫn người đi tuần tra giám sát thu hoạch. Có người chia sẻ công việc thì sẽ hoàn thành sớm thôi.
Có lẽ khi Phượng đế còn tại vị, đi giám sát kiểm tra vụ thu hoạch chỉ là ra điều ra vẻ một chút, tiện thể gom ít "biếu chác" luôn, chả là địa chủ với quan viên hay "chiếu cố" lẫn nhau mà. Nhưng từ thời Dực đế trở đi đã bắt đầu siết chặt hơn một chút. Còn tới thời Văn Chiêu đế hiện nay ấy à... đừng có hòng nhé.
Đại Yến là một tiệm buôn lớn, Văn Chiêu đế là chủ tiệm buôn họ Mộ Dung. Người dưới quyền bà mà dám làm bậy làm bạ ấy à, thiếu gì người hăm he chực chờ thay thế. Làm việc không chu đáo đã là tội rồi, nói gì còn thêm lòng muông dạ thú mà tham nhũng kia chứ?
Anh muốn đi Nam Dương ư, hay là muốn đi Tây Vực để an cư lạc nghiệp nào? Địa điểm để lưu đày nhiều vô số, Văn Chiêu đế rất từ bi, cho mọi người chọn chỗ mà đi.
Văn Chiêu đế là một kẻ yêu tiền hơn cả mạng sống, chính bà ấy cũng tự nhận như thế. Còn mặt mũi thể diện ấy ư, cái gì thế chưa từng nghe qua? Không thể ăn được không thể mặc được, càng không thể khiến quốc khố giàu lên. Vị nữ đế đời thứ ba này đã sớm tuyên bố rồi, thụy hiệu sau khi chết của mình, bà ấy đã suy xét quyết định xong xuôi. Nên là sống chết cũng kệ thôi, dám chơi xấu với bà, chẳng thà dùng thời gian đó mà cố gắng làm tốt việc trong tay.
Mà bà ta cũng đủ vốn liếng để làm như thế. Những nỗ lực suốt ba đời nữ đế này đã giúp bà nắm chắc hệ thống quan lại trong tay, Ngự sử đài nguyên bản chỉ có nghe hơi nồi chõ đã có thể dâng tấu can ngăn, giờ quy mô mở rộng gấp mấy lần, lại còn phải có chứng cớ mới được phép dâng tấu buộc tội... Muốn tìm chứng cớ ư? Yên tâm, Tước nhi vệ lẫn ám vệ giờ đều đã có biên chế chính thức, chỉ cần một câu là có ngay.
À nhưng các vị Ngự sử đừng vội mừng, chỉ cần một câu là có, nhưng đừng nghĩ đến chuyện sai phái họ làm nọ làm kia, bởi hai đội ngũ đó trực tiếp dưới quyền Hoàng đế. Các Ngự sử đại nhân cũng đừng nghĩ chỉ cần bám chắc kinh thành mà ăn sung mặc sướng, giờ hàng năm có nửa năm họ phải ra ngoài tuần tra công tác, nếu tuần tra xong mà không có báo cáo gì tử tế, thì thôi tạm biệt, bị đá khỏi Ngự sử đài ngay thôi.
Mà đáng ghét nhất là, đám tể tướng của Văn Chiêu đế hầu như đều xuất thân từ Ngự sử đài.Văn Chiêu đế lúc nào cũng bị các loại sĩ đại phu ôm ngực đau đớn mắng to "Ngang ngược", nên đương nhiên không khí trên triều đình sẽ không nhẹ nhàng thoải mái. Thí dụ như đám âm mưu làm phản để hòng khôi phục cổ chế do đàn ông làm hoàng đế lâu lâu lại xảy ra. Tiếc thay, với một vị hoàng đế đã an ổn ngai vị, lực khống chế lẫn mạng lưới tình báo đều cực kỳ xuất sắc, mưu phản chính là việc khó hoàn thành nhất.
Theo lệ thường, mưu phản là phải tru di cửu tộc. Cơ mà bà chủ tiệm họ Mộ Dung kia làm sao chịu hủy hoại tài nguyên lớn nhất của mình là sức lao động kia chứ.
Bà ta cực kỳ "từ bi", không chém đầu bất kỳ ai cả, chỉ có điều toàn bộ những kẻ dính líu đến mưu phản sẽ đều bị lưu đày đến những địa phương xa xôi nghèo khó còn chờ khai hoang hoặc là cần người giáo hóa văn minh. Trai tráng ư, đi khai hoang nhé, rảnh rỗi ít việc thì đi sửa đường hay xây thành quách. Đàn bà ư, vui lòng đến các phường dệt may thêu thùa chuyên dùng để may y phục cho quân đội nào. Còn đám chủ mưu có thể nghĩ ra thực hành mưu đồ tạo phản ư, loanh quanh không thoát được thân phận quý tộc thế gia có chữ có nghĩa hiểu biết tri thức, miền biên cương xa xôi đang cần lắm những người như các ngươi tới khai hóa văn minh. Ngoan nào, tới đó mở vài lớp dạy chữ vỡ lòng cho dân đi thôi.
Làm cho tốt thì may ra các người được khai ân, con cháu đời sau còn có cơ hội thi cử làm quan. Làm không tốt ư, ráng mà chịu ở lại cả đời lẫn đời sau ở chốn xa xôi viễn thứ chân trời góc bể đó nhé, dần dần sẽ lưu lạc thành thứ dân thành mọi rợ hoang dã thôi.
Muốn chạy trốn khỏi nơi lưu đày ư? Được thôi. Đi lưu đày như thế được gọi là "ở lại có người giám sát". Hàng năm sẽ có quan lại tới thanh tra dân số. Nếu bảo ai ai ai đã chết, không sao, nhưng một khi đã chết sẽ không có hộ khẩu, nhỡ may mà bị tóm được thì cả đời sẽ dính thân phận nô ɭệ công cộng, việc duy nhất được phép làm là phu làm đường, không có tự do, ai cũng có thể đánh chết mà không bị phạt.
Vấn đề chính là dưới sự cai trị của Văn Chiêu đế, cái gọi là hộ khẩu hộ tịch được quản lý cực kỳ nghiêm cẩn, nếu là dân không có hộ khẩu hộ tịch, muốn làm gì cũng khó dù là việc lặt vặt. Chỉ cần có hộ tịch hộ khẩu thì làm gì cũng được. Cho dù nghèo tới phải đi ăn mày xin cơm, quan phủ vẫn sẽ đảm bảo anh có cơm ăn, người có sức lực có thể đi sửa đê đào mương làm đường, người già cả yếu ớt có thể quét đường hay chạy chân lặt vặt, luôn có đường kiếm sống. Còn không có hộ tịch hộ khẩu ư, xin lỗi đi, trên đời này không có chuyện không tồn tại hộ khẩu hộ tịch nhé, nữ hoàng nuôi bao nhiêu tư lại là thế, hòng sửa sang ghi chép lại hệ thống hồ sơ hộ tịch to lớn như thế, đảm bảo không để sót được ai. Không giải thích được lai lịch hộ tịch của bản thân ư, xin lỗi mời anh vào làm nô ɭệ công cộng, ăn cơm nhà quan nhé, số lượng đường sá lớn nhỏ cần người sửa sang làm việc còn nhiều lắm.
Văn Chiêu đế có thể làm như thế, nhờ có sức khống chế hệ thống quan lại địa phương được tích lũy từ ba đời nữ đế. Mà sức khống chế đó, cơ bản dựa trên sự kiện cơ sở nhất của một huyện, khiến cho toàn bộ huyện thành trên dưới căng thẳng xử lý. Ấy chính là đi tuần tra thu hoạch mùa thu.
Thật sự là phải đi đến từng thôn từng xóm, xem tận nơi, nhìn tận mắt, nghe tận tai lý trưởng thôn trưởng báo cáo, kiểm tra nhân số hộ khẩu cả thôn để dự đoán sản lượng thuế có thể thu vào nộp lên trên, để khi thu thuế thật, nhập vào kho không được chênh lệch quá lớn, hay là có bao nhiêu loại sản lượng phải thu, vân vân và vân vân... Đây quả thực là công việc cực khổ như muốn lột da người ta.
Những việc này đương nhiên Đường Cần Thư biết rõ ràng. Không đùa chứ lần đó cô cũng là vì đi tuần tra vụ thu hoạch đó mới gặp phải lũ lụt lở núi, rồi mới bị chặn lại trên núi suốt nửa năm ròng. Có điều huyện Đào Nguyên này địa hình bằng phẳng ít núi non, Nhan chủ bộ chắc là sẽ không thảm đến thế đâu nhỉ.
Cô ở lại trong huyện cũng đâu có rảnh rỗi chứ. Huyện lệnh và chủ bộ đi tuần tra thu hoạch, mang theo gần nửa đám tư lại thư biện trong nha môn. Đám người ở lại trông nhà thì càng thêm bận bịu.