Bảy
Sau tết Trung thu cũng là lúc thời vụ bận rộn nhất của nhà nông cũng chấm dứt, nha môn huyện cũng nhàn việc hơn, cuối cùng có thể làm nốt công tác sổ sách kết toán hồ sơ.
Nhưng mà Nhan Cẩn Dung lại cứ sao sao ấy, không thấy vui vẻ gì, nhất là sau khi nhận được thư nhà rồi thì đến cơm cũng chả thấy ngon.
Mặc dù không hỏi cặn kẽ nhưng Đường Cần Thư cũng loáng thoáng hiểu. Hai người họ vì sao lại phải trốn biệt tới vùng quê nghèo này chịu khổ kia chứ, đơn giản là ở kinh thành ai cũng có một mối hôn nhân chết tiệt đang chờ.
Giờ có thể náu mình ở huyện Đào Nguyên mà chống lại lệnh cha, là vì Văn Chiêu đế đã từng nói không đồng ý việc "Dùng hiếu mà bất trung, lấy việc nhà hại việc nước". Thế nên các quan lại đang trong nhiệm kỳ không được phép tự rời vị trí mà về quê. Lệnh của cha mẹ phải xếp sau mệnh lệnh của đấng quân vương. Mấy loại lý do như cha mẹ ốm đau phải về chăm sóc, Văn Chiêu đế còn khuya mới cho phép.
Muốn về nhà làm con ngoan hiền hiếu thảo, đương nhiên có thể, phải tự động mà từ chức thôi. Không từ quan thì đừng mong có thể xin nghỉ một tháng trở lên. "Lấy việc nhà hại việc nước", xong rồi đừng mong tiếp tục làm quan lại nữa nhé.
Trừ phi cha mẹ chết phải bỏ mũ quan về chịu tang, nhưng Văn Chiêu đế thường xuyên chơi trò "thông cảm tình hình" mà cho phép bề tôi vừa chịu tang vừa làm việc. Nếu ai không được "thông cảm tình hình" ấy, thì đơn giản là vì kẻ đó đối với Văn Chiêu đế không đáng quan tâm không được coi trọng, nói cách khác, kệ mi muốn làm gì thì làm.
Thoáng nghe thì thấy thật sự là lạnh lùng vô nhân tính, nhưng cũng nhờ sự vô nhân tính ấy của Văn Chiêu đế, đôi huynh đệ, à nhầm, huynh muội này mới có thể kéo dài hôn sự như thế.
Dầu gì, nhân vật chính vắng mặt, muốn trói người ta đi bắt thành thân e là cũng hơi khó. Chưa kể giờ họ không phải dân thường, càng không thể tùy ý xử lý theo nếp nhà. Thứ duy nhất cha mẹ có thể làm chỉ đơn giản là cắt đứt viện trợ kinh tế hoặc là viết thư tới mắng chửi mà thôi.
Ai mà không hy vọng được cha mẹ yêu mến nuông chiều, ai lại hy vọng nhân được tấm thư nhà nặng tựa ngàn vàng, bên trong lại tràn đầy câu chữ mắng mình bất hiếu.
Thế nên trước nay ông Đường gửi thư tới, Đường Cần Thư vẫn không bao giờ mở ra xem, đốt luôn cho nhẹ đầu. Đọc nó chỉ khiến mình thêm bực bội ấm ức chứ chả được cái nợ gì... Bấy nay đã bao giờ ông ấy hỏi han cô một câu nào đâu. Lúc cô bị lũ lụt núi lở vây khốn trên núi không biết sống hay chết, anh trai cô hốt hoảng suýt nữa từ chức bỏ làm quan mà chạy tới tìm người, chị dâu cô còn chưa nói gì, chỉ có cha cô là đánh cho anh trai cô một trận thừa sống thiếu chết không xuống được giường.
"Cha ta vẫn muốn bán ta cho Vinh Hoa quận chúa." Cuối cùng Nhan Cẩn Dung vẫn rầu rĩ kể thật cho Đường Cần Thư, giọng cực kỳ đau đớn.
Mấy chuyện này thật tình cô không biết nên an ủi ra sao. Cần Thư mở miệng... rồi lại không nói câu gì, chỉ vỗ nhẹ bả vai Nhan Cẩn Dung một cái.
Trên thực tế, khẩu vị của cô và Nhan Cẩn Dung cực kỳ khác nhau. Trước giờ cô thích ăn thanh đạm, cơ mà Nhan Cẩn Dung lại là kẻ không có thịt thì cơm không ngon. Kết quả thỏa hiệp chính là trên bàn ăn rất thường gặp món cá, đủ cách nấu như hấp, chiên, om, rán. Thi thoảng có thịt lợn, nhưng gà vịt thì không bao giờ.
Nói thẳng ra thì là vì cô không biết gϊếŧ và làm lông gà, lại còn cực kỳ ghét ăn da gà nữa.Nên giờ tuy muốn Nhan Cẩn Dung vui vẻ hơn một chút, cô vẫn không nghĩ mình nên thỏa hiệp nhiều hơn. Thế nên cuối cùng cô mua hai cái chân giò lợn.
Đây là một món ăn cô học được hồi ở huyện Sơn Câu, thật ra là dùng thủ lợn (đầu lợn) để nấu. Cơ mà cách nấu đó được cô lôi ra áp dụng cho chân giò, vì khi đó thím mà cô thuê đến dọn dẹp nhà cửa giúp mình sinh xong chưa có sữa, nên ngày