NGÀY THỨ MƯỜI CHÍN
Buổi sáng tỉnh dậy, chiếc nhẫn ngọc vẫn đeo y nguyên trên ngón tay tôi, tôi nhẹ nhàng vuốt vuốt nó, vẫn giống hệt hôm qua, giống như đã mọc vào da thịt tôi không chút động đậy.
Bên ngoài cửa sổ vọng lại tiếng máy móc, tôi không động vào chiếc nhẫn nữa, bước tới bên cửa sổ phủ đầy dây leo thì chỉ nhìn thấy một bãi đổ nát, vài chiếc máy ủi đất đang thanh lí nốt những bức tường hoang phế, bụi và đất đá bay mù mịt khắp nơi, giống như một trận bom nổ, tôi vội vàng đóng cửa sổ lại.
Sau khi ăn sáng trong phòng xong xuôi, tôi tới cửa cầu thang, đột nhiên ngẩng đầu nhìn lên trên. Ô, tôi thực sự ngây người ra, sống trong quán trọ Hoang thôn ngày thứ ba rồi nhưng tôi từ trước tới nay vẫn chưa lên lầu ba. Đỉnh cầu thang xoắn ốc tối om om, phả ra hơi thở êm dịu, tôi tựa vào lan can một hồi lâu, rốt cuộc cũng chậm rãi bước lên.
Tôi đeo một chiếc khẩu trang to, bởi vì mỗi bước chân đều khiến bụi bay mù mịt. Tôi cẩn thận rón rén đi lên cầu thang tới cửa hành lang của lầu ba. Tôi mò mẫm mãi trên tường, khó khăn lắm mới bật được đèn, dưới ánh đèn vàng vọt một dãy hành lang tối sâu thẳng tắp phía trước, cảm giác hơi giống với đường đi dưới lòng đất.
Qua một hồi lâu bụi bặm mới lặng ngắt trở lại, tôi vô thức sờ lên chiếc nhẫn ngọc rồi xông về phía hàng lang. Tôi mở cánh cửa phòng đầu tiên, giống hệt như phòng trên lầu hai, bên trong trống huơ trống hoắc chẳng có gì cả, duy nhất khác ở chỗ Chi trinh đằng rậm rạp hơn lầu hai, những dây leo màu xanh từ cửa sổ bò vào trong phòng, vô số những cành lá lay động trên một bên tường kề cửa sổ, rễ của những thực vật này thậm chí đã đâm sâu vào trong tường, mặt tường và sàn nhà đều có rất nhiều những vết rạn, xem ra ngôi nhà này đang cận kề cái chết tới nơi rồi.
Những căn phòng khác trên lầu ba cũng na ná, tôi mở từng phòng từng phòng một, trong những căn phòng có đủ ánh sáng soi rọi, Chi trinh đằng thậm chí còn mọc cả trên sàn nhà. Tôi nghĩ không một lỗ hổng nào chúng không đâm rễ vào, nhất định cũng đã phủ kính sàn nhà các phòng dưới lầu. Nhưng ngôi nhà này bao năm nay không có người ở, bởi vậy bị những thực vật này xâm chiếm cũng là lẽ tự nhiên thôi.
Tôi mở cửa căn phòng cuối cùng trên lầu ba, cũng chẳng có bất cứ thứ gì. Đúng lúc tôi chuẩn bị bỏ đi thì lại phát hiện dưới chân có rất nhiều bột đá và ván gỗ vỡ. Tôi từ từ ngẩng đầu lên mới phát hiện trần nhà rơi xuống một miếng to, lộ ra một lỗ hổng rất lớn, bên trong còn có rất nhiều tia sáng xuyên thấu. Tôi hiếu kì đi dưới lỗ hổng đó, kiễng chân nhìn lên bên trên, phát hiện trên trần nhà còn có một không gian rộng, hình như là gác xép.
Phát hiện bất ngờ này lập tức khiến tôi tưởng tượng rất nhiều, tôi lao khỏi phòng, chạy xuống tầng trệt. Tôi còn nhớ cửa hậu trong hành lang hình như vẫn còn một chiếc cầu thang tre. Quả nhiên, tôi phát hiện ra chiếc cầu thang tre trong đống đồ đạc linh tinh.
Tôi xách chiếc cầu thang tre, thở phì phò trở lại căn phòng trên lầu ba. Tôi gỡ chiếc khẩu trang dày cộm ra, gác cầu thang dưới lỗ hổng trên trần nhà, sau đó cẩn thận rón rén leo lên trên.
Khi thò đầu ra khỏi trần nhà, tôi nhìn thấy mái nhà chênh chếch, chính giữa xà nhà còn có hai dãy cửa sổ. Rốt cuộc, tôi đã vất vả leo lên trên, quả nhiên là một căn gác xép, ít nhất cũng hơn ba mươi mét vuông.
Ánh nắng xuyên qua cửa sổ chiếu vào, do bị những dây leo chằng chịt che lấp nên căn gác xép chỉ chiếu vào vài tia ánh sáng thưa thớt. Lúc còn nhỏ trong ngôi nhà cổ của gia đình tôi cũng có kiểu cửa sổ này. Tôi nhoài ra ngoài cửa sổ, nhìn xuống bãi công trường phía dưới, dưới cửa sổ là từng hàng gạch ngói màu đen, bên trên cũng phủ kín những dây leo màu xanh, tôi nghĩ Chi trinh đằng chắc cũng đã phủ kín cả mái nhà. May mà những cửa sổ ở đây đều đóng chặt, trên cửa kính toàn là những lá cây Chi trinh đằng, nhìn những tia nắng xuyên qua kẽ lá, cảm giác giống như trong rừng rậm tối đen.
Rời khỏi cửa sổ, tôi tỉ mỉ nhìn khắp một vòng căn gác, rõ ràng ở đây đã đóng cửa rất nhiều năm rồi, cảm giác giống như mộ cổ vừa được mở ra. Trong một góc gác xép, tôi phát hiện một tủ quần áo kiểu dáng cổ. Tuy phủ một lớp bụi dày, nhưng có thể nhìn ra chiếc tủ này được làm bằng loại gỗ thượng hạng, vào thời đó cũng được coi là đồ nội thất cao cấp.
Tôi nhẹ nhàng mở cửa tủ ra, một mùi ẩm mốc đậm đặc xộc lên mũi. Tôi quay đầu đi đợi chừng vài phút, mùi này mới dần dần nhạt đi.
Sau đó, tôi dụi mắt nhìn vào trong tủ, hóa ra trong tủ quần áo treo lủng lẳng mấy xác chết khô.
Tôi lập tức ngã ra sau, mồ hôi lạnh toát đầm đìa trên trán, suýt nữa là hét toáng lên. Tôi lại nhìn chiếc nhẫn ngọc trên tay, vệt đỏ đun càng lúc càng bắt mắt.
Nhưng khi tôi đứng dậy mới phát hiện ra trong tủ không hề có người chết, chỉ có quần áo treo kín trong tủ mà thôi. Tạ ơn trời đất, tôi thở một hơi dài, hóa ra ban nãy tôi nhìn nhầm. Những chiếc quần áo cũ đó treo trong tủ quần áo, nhìn thoáng qua dưới ánh sáng mờ ảo giống hệt những xác chết đang treo lơ lửng.
Trong tủ có cả quần áo nam và quần áo nữ, ple màu đen và màu trắng, bên dưới còn liền cả quần tây, sườn xám màu đỏ và màu xanh, vài chiếc áo khoác bằng da màu đen, một tủ quần áo gia đình hơn năm mươi năm trước bỗng hiện lên trước mắt tôi. Tôi giơ tay sờ vào quần áo, tất cả đều đã giòn tan, mùi ẩm mốc lại xộc lên, có chiếc áo vest còn bị mối đục cả một lỗ to dưới vạt áo.
Tôi vội vàng bịt mũi lùi lại một bước, đóng ngay cửa tủ lại. Đó là những quần áo mà gia đình Âu Dương đã từng mặc sao? Nghĩ tới đây tôi đột nhiên có chút buồn nôn liền chạy ngay tới góc khác trên gác xép.
Lúc này, tôi mới phát hiện trên sàn nhà chỗ này cũng có một cánh cửa tối, chỉ là dưới đáy trống trơn mà thôi, trước kia ở đây chắc là có một cầu thang vịn. Nhưng dù như vậy thì đem cả chiếc tủ quần áo to thế này lên đây cũng chẳng dễ dàng gì.
Góc này trên gác còn có một bàn trang điểm, nhưng tấm gương trên bàn đã vỡ vụn từ lâu, chỉ còn sót lại một khoang gỗ hình bầu dục, lộ ra ván gỗ đã ngả vàng. Tôi nghĩ tới nữ chủ nhân của quán trọ Hoang thôn thời đó chắc là ngồi chải tóc trang điểm trước tấm gương này.
Sau đó, tôi kéo ngăn kéo đầu tiên dưới bàn trang điểm ra mới phát hiện bên trong chất đống rất nhiều ảnh cũ. Ngửi thấy mùi ẩm mốc của những bức ảnh này, mắt tôi sáng ra, lập tức lấy hết chúng lên mặt bàn.
Hơn chục phút sau đó, tôi cố gắng nín thở, lặng lẽ xem những bức ảnh này. Lần theo những hình ảnh đen trắng mấy chục năm trước đây, những người đã từng sống trong ngôi nhà này dường như lại hiện lên sinh động như đang sống.
Bức ảnh đầu tiên là một thiếu nữ, người cô gái dựa vào cửa sổ, hình như đang ngóng trông về phía bầu trời bên ngoài. Cô ấy mặc một chiếc áo len, mái tóc gợn xoăn xõa hai bên mang tai, khuôn mặt thanh thoát và xinh xắn cộng thêm sự mờ ảo của ảnh đen trắng, dường như đây chính là mĩ nhân Thượng Hải nổi tiếng những năm bốn mươi.
Nhưng càng khiến tôi say đắm chính là đôi mắt của cô ấy, ánh mắt mới dịu dàng làm sao, đó là ánh mắt phảng phất chút u buồn đang hướng về bầu trời u ám mịt mùng ngoài cửa sổ. Nhìn dáng cô ấy tựa vào cửa trong bức ảnh, cảm giác giống như một con rùa nhỏ bị nhốt giữ, khát vọng bầu trời tự do ngoài cửa sổ. Tôi vẫn nhớ khuôn mặt của cô ấy trong bức ảnh của gia đình Âu Dương.
Bức ảnh thứ hai là ảnh cưới của một đôi vợ chồng trẻ, cô dâu là thiếu nữ ban nãy, còn chú rể cũng đã từng nhìn thấy trong bức ảnh gia đình Âu Dương. Nhìn vào bức ảnh này, trông họ thật đẹp đôi, chú rể mặc một bộ ple, đứng thẳng người. Cô dâu mặc một chiếc váy cưới trắng tinh khôi, chiếc váy kéo dài trên đất, một tay cô được chú rể nâng lên, miệng cô mỉm cười, đó là do hạnh phúc của một cô dâu hay là sự lưu luyến thời khắc đẹp nhất của chính mình? Phải chăng tôi cũng không thể hỏi cô ấy được.
Bức ảnh thứ ba là cô gái này đang cúi đầu đọc sách, dương như đang chìm đắm suy tư gì đó. Bối cảnh của bức ảnh là chiếc bàn trang điểm này, trên chiếc gương hình bầu dục phía sau có thể nhìn thấy bóng dáng cô ấy. Nhưng kì lạ ở chỗ, trong gương hình như còn có chiếu một người khác, nhưng ánh sáng trong ảnh không đủ, tôi không nhìn rõ người đó, nhưng có thể xác định góc độ mà người đó đang đứng tuyệt đối không phải là người chụp ảnh.
Phía dưới còn có mười mấy bức ảnh khác, tất cả đều là những cảnh sinh hoạt thường nhật trong ngôi nhà này, nhân vật xuất hiện cũng chỉ có đôi vợ chồng trẻ đó. Chỉ có bức ảnh cuối cùng, là bức ảnh cả gia đình Âu Dương chụp tại quán trọ Hoang thôn, và nó giống hệt với bức ảnh mà Hàn Tiểu Phong lấy về từ Hoang thôn, chắc là được rửa ra từ cùng một tấm phim. Chỉ kì lạ ở chỗ, họ không hề có một bức ảnh nào chụp ngoài trời, tất cả đều là chụp trong phòng. Vẻ mặt của họ đa số đều rất trầm mặc, cực hiếm thấy bức ảnh nào có mặt cười, còn người vợ trẻ đó còn nhiều hơn nữa những ánh mắt u buồn.
Sau khi xem hết toàn bộ số ảnh, tôi cất chúng vào lại trong ngăn kéo. Sau đó, tôi mở ngăn kéo thứ hai ra thì phát hiện bên trong có hai quyển sách cũ. Tôi lấy hai quyển sách này ra xem, trước tiên là để ý cái tên: Trương Ái Linh.
Hóa ra là sách của Trương Ái Linh, một cuốn “Truyền kì,” còn một cuốn là “Lưu ngôn,” xuất bản lần lượt vào năm 1944 và 1945. “Truyền kì” là tiểu thuyết nhiều tập của Trương Ái Linh. Không ngờ rằng trong quán trọ Hoang thôn đã từng có một “mê sách,” tôi nghĩ rằng hai cuốn sách này là của người vợ trẻ mua trước khi lấy chồng. Tôi tiện tay lật cuốn “Truyền kì” ra, lại là mùi ẩm mốc xông lên mũi. Đột nhiên, tôi lật tới một tấm đánh dấu trang, thực ra là một tấm thiếp nhỏ, bên trên có mấy chữ viết bằng bút mực: “Cuộc sống là một chiếc áo choàng lộng lẫy, bên trên bò đầy rận.”
Dòng chữ này mềm mại thanh tú, nhìn cái là biết ngay do con gái viết, bên dưới còn có một hàng tái bút: “Nhược Vân – Ghi ngày mùng 1 tháng 4 năm Dân quốc 37.”
Bây giờ rốt cuộc đã biết rồi, cô ấy tên là Nhược Vân.
Còn về câu “Cuộc sống là một chiếc áo choàng lộng lẫy, bên trên bò đầy rận,” chính là câu mà Trương Ái Linh đã từng nói, nhất định là Nhược Vân rất có cảm xúc với câu nói này nên ghi nó lại trên tấm đánh dấu trang.
Và tấm đánh dấu trang này vừa vặn kẹp vào trang cuối cùng của truyện ngắn “Kim tỏa kí.”
Tại sao phải kẹp trong “Kim tỏa kí” chứ? Tôi nhẹ nhàng đỡ trang sách ngẫm nghĩ hồi lâu, có lẽ Nhược Vân đang lo lắng cho số phận của mình không biết có lại trở thành một Tào Thất Xảo? Giống như trong “Kim tỏa kí” viết, thiếu nữ thanh xuân Tào Thất Xảo được gả ột gia đình giàu có nhưng giống như con rùa nhỏ bị nhốt trong lồng, kể từ đó về sau số trời định đoạt cô ta phải lãng phí cả một đời trong đó.
Thôi vậy, tâm tư của phụ nữ không thể đoán biết được, đừng nói là Nhược Vân của hơn năm mươi năm trước. Tôi thở dài, đặt hai cuốn sách trở lại ngăn kéo.
Dưới đáy bàn trang điểm còn có một ngăn kéo nhỏ, tôi mở ra xem thì phát hiện bên trong là một số đồ mĩ phẩm, có son môi, phấn lót, nước hoa và còn một số thứ tôi không biết là thứ gì. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy hình dạng son môi của hơn năm mươi năm trước, chẳng qua là bên trong đã khô từ lâu rồi. Nhưng chỉ cần tưởng tượng tới thứ này đã từng quệt trên môi của Nhược Vân, trong lòng tôi lại có cảm giác rất đặc biệt, là hoài cổ hay là thương cảm?
Cuối cùng, tôi vẫn cứ đóng ngăn kéo lại, sau khi đảo mắt một vòng quanh căn gác, tôi bước xuống cầu thang đi xuống dưới.
Trở lại căn phòng trên lầu ba, tôi vẫn để thang tre dưới sàn nhà, sau đó vội vàng đi xuống cầu thang.
Bữa trưa vẫn là thức ăn của lò vi sóng, ăn xong tôi nằm trên chiếc giường xếp dở mấy quyển sách mà mình mang theo. Thời tiết sau buổi trưa oi bức lạ thường, trong phòng không một chút gió, tôi chỉ cảm thấy mí mắt nặng trĩu, khắp cơ thể không còn chút sức lực nào.
Nhìn chiếc nhẫn ngọc trên ngón tay mình giống như mọc thêm một cục u, tim tôi bất giác đập thình thịch. Không biết nó sẽ ở trên tay tôi bao lâu nữa? Lẽ nào đeo lên một cái là vĩnh viễn không tháo ra được sao? Nghĩ tới đây tôi nhắm mắt lại, run rẩy nằm trên giường, chẳng mấy chốc đã ngủ thiếp đi.
Sáu giờ chiều tôi mới mơ màng tỉnh dậy, tùy ý làm chút bữa tối giải quyết cơn đói, sau đó ngồi thẫn thờ trong phòng. Cho tới ngày hôm nay, cả ba tầng lầu của quán trọ Hoang thôn tôi đều đã xem qua, tôi không biết mình còn có thể khám phá thêm điều gì ở đây. Có lẽ suy đoán ban đầu của tôi đã hoàn toàn sai, ngôi nhà cổ này không có bất cứ quan hệ gì tới bí mật Hoang thôn? Nhưng tôi không có lí do gì lại phải thêm một thứ phiền toái trên ngón tay.
Đang suy nghĩ mông lung, đột nhiên nghe thấy dưới lầu có tiếng động nhẹ vang lên, xuyên qua ván sàn của cả tòa nhà vang vọng. Bỗng chốc, tim tôi lại đập thình thịch, chỉ nghe thấy tiếng “cộc… cộc… cộc” dưới lầu vọng lên. Tôi cẩn thận rón rén bước ra ngoài, xuyên qua hành lang đang bị bóng tối bao trùm, dừng lại trước cửa cầu thang nhìn xuống dưới.
Có một bóng đen đang theo cầu thang xoắn ốc đi lên.
Tôi lập tức nín thở, đợi tới khi tiếng bước chân