NGÀY THỨ HAI
Quả nhiên, đến đêm ngày thứ hai, hòm thư điện tử của tội nhận được thư trả lời của đối phương.
“Chào anh: Tôi đã nói anh có thể không trả lời thư. Nhưng dù sao thì anh cũng đã thừa nhận miệng giếng đó tồn tại, vậy tại sao trong tiểu thuyết lại sót mất nó? Còn về việc tại sao tôi lại biết về miệng giếng đó, xin lỗi, tôi không thể trả lời anh câu hỏi này. Thẳng thắn mà nói, sau khi xem xong truyện ngắn “Hoang thôn” của anh, tôi có một cảm giác, nếu như anh không cố ý giấu giếm điều gì đó, thì anh căn bản vẫn chưa tới Hoang thôn. Bởi vì những chỗ sai sót trong truyện ngắn này của anh quá nhiều, đợi tới khi nào tôi nhớ ra, tôi sẽ chỉ ra cho anh thấy từng chỗ một. Nếu như tôi vẫn chưa nghĩ ra, thì coi như anh gặp may. Nói cho tôi biết, anh có phải thật sự đến Hoang thôn rồi không?”
Cuối thư không hề có tung tích, nhìn những câu chữ hùng hổ hăm dọa trong email, tôi thực sự không thể tưởng tượng ra nổi hình dạng của đối phương.
Sau những giây phút do dự, tôi đã trả lời thư.
“Xin chào:
Bạn là ai? Tôi cảm thấy sự trao đổi của chúng ta hiện nay giống hệt như trẻ con đang chơi trốn tìm trong một căn phòng lớn, cả hai người đều tin rằng đối phương không thể đoán được chỗ ở của mình, còn bản thân mình lại có thể đoán chính xác nơi ẩn náu của đối phương ở đâu. Nói lại lần nữa, "Hoang thôn" chỉ là một truyện ngắn hơn hai vạn chữ mà thôi. Truyện là gì? Tôi cảm thấy truyện là mộng, tất cả các truyện đều là lời nói trong mơ của các nhà văn. Và bất luận là mộng đẹp hay ác mộng, bất luận giấc mộng đó xem ra có chân thực đến mức nào thì giữa mơ và cuộc sống hiện thực của chúng ta cũng có khoảng cách, thế nên chúng ta mới thích nằm mơ, mới thích tiểu thuyết. Được rồi, bất luận bạn có tin hay không, thực tế là tôi đã tới Hoang thôn. Nhưng Hoang thôn trong truyện với Hoang thôn trong hiện thực là hai thế giới hoàn toàn khác nhau, nếu không thì cũng không gọi đấy là truyện rồi. Cuối cùng, tôi có một đề nghị nho nhỏ, bạn có thể lưu lại tung tích của mình không?”
Sau khi thư trả lời được gửi đi, tôi tiện tay tắt máy tính, ngồi suy tư rất lâu trên ghế.
Kể từ khi truyện ngắn "Hoang thôn" được đăng trên tạp chí “Chồi non,” đầu óc tôi luôn hỗn loạn. Kì lạ, tại sao đến giờ vẫn mãi chưa nhớ ra được, mấy tháng trước lúc tôi quyết định viết truyện ngắn này, tôi đã nghĩ gì. Kí ức trong phút chốc vỡ vụn, làm thế nào cũng không thể ghép lại được. Tôi dốc hết sức lực lục lại kí ức cho tới khi nhớ lại buổi chiều đông giá rét đó.
Đúng vậy, tôi còn nhớ hôm đó nghe nói là sắp có tuyết rơi, ngẩng mặt nhìn lên trời, chờ đợi những bông tuyết tung bay. Xung quanh toàn là tiếng người cười nói ồn ào, lại còn phảng phất một mùi xưa cũ hư hại không biết là từ mấy trăm năm trước. Đúng rồi, hôm đó tôi đã đến chợ sách cũ, đứng giữa lối đi trong chợ, hai bên toàn là những sạp thu mua sách cũ.
Kể với các bạn nhé, tôi từ trước đến nay rất thích sưu tập sách, đặc biệt là những bộ sách cổ, không thể nói là sưu tập để đầu tư, mà đơn thuần chỉ là yêu thích cổ vật mà thôi, nói một cách hay ho thì được coi là “cứu vớt di sản văn hóa.”
Tuyết vẫn chưa buồn rơi, tôi cúi đầu đi sang bên cạnh, dừng lại trước một sạp chuyên bán sách cổ phiên bản gốc. Trong một chồng sách cổ dày cộp, có một quyển sách cũ tên là “Cổ gương u hồn kí.” Tên cuốn sách độc đáo đó lập tức thu hút tôi lật từng chương của nó ra.
Tác giả lấy bút danh là “Hoang thôn cuồng khách.” Được xuất bản từ đời Càn Long năm 43 tại nhà sách Cô Sơn Hàng Châu. Những trang trong sách vẫn còn có mấy dấu sưu tập, trừ trang sách bị ố vàng ra, không có bất cứ vết tích rách nát hay bị mối một nào, bìa và đáy sách cũng khá hoàn chỉnh. Đời Càn Long năm 43 tới nay cũng đã hơn hai trăm năm vậy mà quyển sách này có thể bảo tồn như thế này quả thật rất ổn.
Chủ sạp ra giá rất đắt, ông ta coi quyển sách này đúng là cổ vật rồi, thực tế cứ cho là bán đấu giá đi chăng nữa thì cũng chỉ đáng mấy trăm tệ mà thôi. Nhưng quyển sách này quả thực rất ổn, không chỉ bảo tồn hoàn chỉnh, quan trọng hơn là chữ nghĩa bên trong, tôi vừa dở được vài trang là đã có một cảm giác rất đặc biệt.
Đang trong lúc do dự vì quyển sách này, một hạt ươn ướt bỗng nhiên rơi vào lòng bàn tay tôi rồi từ từ tan thành nước.
Là bông tuyết! Tôi kinh ngạc ngẩng đầu lên, quả nhiên tuyết đang rơi trong không trung. Tôi không thể kìm nén được sự kích động trong lòng, nhân cơ hội bỗng chốc vui mừng sảng khoái tôi liền rút tiền ra trả cho chủ sạp rồi phấn khởi đem quyển “Cổ gương u hồn kí” vốn không chủ định mua mang về nhà.
Khi về đến nhà thì tuyết đã ngừng rơi. Tuy vẫn còn xót tiền nhưng ít ra tôi cũng là chủ nhân mới của quyển sách cổ này. Tôi rất nhẫn nại đợi đến buổi tối, trong phòng chỉ mở một chiếc đèn vàng nhỏ giống như cổ nhân trước đây thường đốt nến. Và rồi, tôi cung kính mở quyển “Cổ gương u hồn kí” ra.
Hóa ra đây là quyển sách thể loại nhật kí, phân thành mấy chục truyện ngắn, không phân biệt được là tiểu thuyết hay sản văn, trong đó hầu hết ghi chép lại những giai thoại khắp vùng Chiết Giang, cảm giác phong cách có chút giống “Duyệt vị thảo đường bút kí” của Kỉ Hiểu Lam.
Trang đầu tiên trên sách ghi là “Cổ gương u hồn kí,” nói về một người con gái triều Minh sau khi chết oan, oan hồn ở lại trong gương cổ không siêu thoát, người đời sau soi gương có thể nhìn thấy khuôn mặt lòe loẹt của cô gái năm nào.
Câu chuyện này khiến tôi hít phải một hơi buốt