NGÀY THỨ MƯỜI
Mười…
Đây là một con số đặc biệt, tôi cảm thấy nó giống một cánh cổng hơn, trước “mười” tôi từ từ đi đi lại lại trước cổng lớn, có thể chờ đợi cũng có thể quay đầu. Nhưng chỉ cần chúng ta bước vào phía trong cánh cổng đó, con số “mười” này sẽ biến thành một sợi dây thừng thòng vào cổ chúng ta rồi dắt chúng ta lao điên cuồng về phía trước, bất luận phía trước là thiên đường hay địa ngục.
Hôm nay, ngày thứ mười của câu chuyện này.
Tròn mười ngày trước, bốn sinh viên đó đột nhiên ghé thăm nhà tôi, kể cho tôi nghe về kế hoạch thám hiểm to gan của họ. Trong cùng một buổi tối, tôi lại nhận được một email thần bí, email này đến từ một cô gái tên là “Nhiếp Tiểu Sảnh.” Kể từ đó, bọn họ đã kéo tôi vào trong vòng xoáy, từng bước từng bước dẫn tôi tới trước cánh cổng khủng khiếp đó.
Tôi có nên tiến vào bên trong không?
Vấn đề này quấn lấy tôi cả ngày, khiến tâm trạng tôi hoang mang buồn phiền. Đến sẩm tối, tôi thực sự không thể ngồi yên được nữa, căn phòng dường như vẫn đang dừng lại vào buổi sáng hôm đó, vẫn còn đó tiếng chuông điện thoại và sự khủng hoảng lạc cả giọng của Hàn Tiểu Phong đến từ Hoang thôn. Sau đó, tôi vội vã ra khỏi nhà, đi tới đường Thiểm Tây Nam.
Tôi đi tìm một người.
Tôi dừng bước trước quán trà đường Thiểm Tây Nam, đứng cách con đường xe chảy cuồn cuộn, tôi nhìn thấy quán kem, ánh đèn cầu vồng chiếu rọi ánh sáng màu đỏ vào cửa hàng, vài cô gái không sợ béo đang ăn kem. Cô gái mặc bộ đồng phục màu cam đang bận rộn làm kem trong quầy bán hàng, cột tóc đuôi ngựa phía sau tung tăng theo nhịp.
Cô ấy chính là “Nhiếp Tiểu Sảnh bán kem.”
Tối nay quán kem này đông khách lạ thường, mãi lâu sau trước quầy kem mới có chỗ trống, cô ấy cuối cùng đã có cơ hội ngẩng đầu lên. Tôi vẫn đứng bên đường, giống như đang nhìn ngắm hình ảnh đường phố về đêm, im lặng nhìn vào đôi mắt cô ta, cứ như vậy khoảng một phút qua đi, cho tới khi cô ta nhìn thấy tôi.
Tôi vốn không quen đối mắt với người khác, nhất là lại đối mắt với người cách hẳn một con đường xe cộ nườm nượp như mắc cửi. Rất nhiều chiếc xe nhấn còi lướt qua tôi và cô ta, nhưng kì lạ ở chỗ, ánh đèn cầu vòng góc phố vẫn cứ chiếu rọi vào mặt cô ấy, và ánh mắt cô ta rõ ràng đang chỉ dừng lại trước ánh mắt tôi.
Đèn xanh bật sáng.
Tôi ung dung đi qua đường, đến trước quầy kem. Cô lặng lẽ nhìn tôi, không hề có biểu hiện ngạc nhiên, cạnh quầy kem chẳng còn ai, tôi cố ý tạo vẻ hững hờ nói: “Lấy cho tôi một chiếc kem dâu tây.”
Cô ta lạnh lùng nhìn tôi một cái, sau đó im lặng quay đi rồi đưa kem dâu tây vào tay tôi.
“Cảm ơn.”
Tôi đứng trước quầy kem cắn một miếng nói: “Ưm, lâu lắm rồi chưa ăn thứ gì vị dâu tây.”
Rốt cuộc, cô ta cũng mở miệng nói chuyện: “Anh thích ăn kem?”
“Không, rất ít ăn.” Tôi vừa nói chuyện, vừa liếm kem: “Nhưng, hôm nay ngoại lệ.”
Cô ta vẫn biểu hiện như trước, bình tĩnh nhìn tôi ăn từng chút kem một, đột nhiên nói: “Xin lỗi, anh vẫn chưa trả tiền.”
“Ngại quá.” Tôi vội vàng móc tiền ra đưa cho cô ta, có chút bối rối nói: “Khi nào cô hết giờ làm, tôi muốn nói chuyện với cô.”
“Thế thì có thể anh phải đợi rất lâu vì tôi phải đợi người tiếp ca tới.”
Tôi trả lời có vẻ bất cần: “Đợi bao lâu cũng được.”
Sau đó, tôi né sang bên cạnh quầy bán kem, dùng khóe mắt liếc nhìn cô ta đang ở trong cửa hàng.
Nhưng người tiếp ca lại tới rất sớm, cô ta đang ở trong quầy tỏ ra chán nản. Hai phút sau, cô ấy đã thay trang phục đi ra.
Vẫn là bộ quần áo đen bó, đèn cầu vồng soi rọi lên từng đường nét trên cơ thể cô. Cô cúi đầu đến bên cạnh tôi: “Hay là vẫn sang bên đối diện nhé?”
“Ừm, được thôi.”
Chúng tôi đi qua đường, bước vào quán trà nhỏ.
Sau khi ngồi xuống, cô ấy tỏ ra vẻ bình thường nói: “Trong truyện anh, anh viết chính là chỗ này sao?”
“Cái gì?”
“Trong truyện ‘Hoang thôn,’ sau lần đầu tiên anh và Tiểu Chi gặp nhau, anh đã đưa cô ta tới một quán trà nhỏ gần ga tàu điện ngầm và đề nghị cô ấy đưa mình tới Hoang thôn.”
“Đúng, tuy là những nội dung này đều là hư cấu, nhưng quán trà nhỏ này lại là thật, thực tế là tôi thường xuyên tới đây, nhưng từ trước tới nay không hề chú ý tới cô ở đối diện.” Nói xong, tôi nhìn sang bên kia đường.
Cửa hàng kem bên đấy hiện giờ người đang xếp hàng dài trước quầy.
“Tôi tháng trước mới đến làm thuê ở đấy.”
“Xem ra chắc là cô vẫn đang đi học? Trường nào vậy?”
Cô ta úp mở: “Thôi đi. Nhưng tôi sẽ không nói cho anh biết tôi học trường nào đâu.”
“Cô rốt cuộc là ai?”
“Cái này có quan trọng không?” Cô ta lảng tránh ánh mắt tôi.
“Được rồi, mặc cô không chịu nói, vậy thì tôi sẽ thay bằng một câu hỏi khác, cô thực sự biết chuyện ở Hoang thôn? Hay đó đều chỉ là hoang tưởng của cô?”
“Đương nhiên không phải.” Biểu hiện của cô ta chuyển hướng nghiêm túc lạ thường. “Tôi thề, mỗi câu nói liên quan tới Hoang thôn của tôi đều là sự thật. Hoang thôn, không phải ai cũng đùa cợt được.”
Câu cuối cùng của cô ấy khiến tôi cũng phải thừa nhận, tôi lập tức cũng trở nên nghiêm túc: “Thế thì mong cô hãy nói về miệng giếng ở Hoang thôn, rốt cuộc đấy là hoang tưởng của cô sau khi đọc truyện hay là nghe đồn phong phanh thế?”
"Anh thật sự nhìn thấy miệng giếng đó rồi?”
"Đương nhiên nhìn thấy rồi, chính tại sân đằng sau của ngôi nhà cổ Tiến Sĩ Đệ. Nhưng tôi cảm thấy miệng giếng đó có một mùi rất đặc biệt, tôi không dám viết vào trong truyện.”
“Mùi đặc biệt?”
“Đúng thế, khi tôi đối diện với miệng giếng này, tôi lập túc cảm thấy rất buồn nôn, ngoài việc ngửi thấy mùi đặc biệt đó, hình như tôi còn nghe thấy một âm thanh rất kì quái.”
Tôi đột nhiên nhớ ra gì đó, lập tức câm nín, những câu này sao lại có thể nói trước mặt cô ta nhỉ?
Cô ta nhìn xoáy vào mắt tôi, có vẻ như là đang chờ đợi tôi nói tiếp, nhưng tôi không tiếp lời. Sau giây phút bế tắc, cô ta rốt cuộc chậm rãi nói: “Tôi biết đấy là mùi đặc biệt gì rồi, mùi người chết.”
Tức khắc, lời của cô ta như băng giá đâm vào lòng tôi, khiến tim tôi bất giác loạn nhịp, đập thình thịch liên hồi. Tôi lắc đầu nói: “Cô lại cố ý hù dọa tôi đấy à?”
Cô ta lắc đầu, lạnh lùng lạ thường: “Bây giờ để tôi nói với anh bí mật của miệng giếng đó.”
“Bí mật giếng cổ?”
Nhiếp Tiểu Sảnh gật đầu nhấp môi một ngụm trà, rủ rỉ rù rì kể: ‘Vào cuối thời nhà Thanh, tuy Hoang thôn vốn là vùng đất cằn cỗi, nhưng gia tộc Âu Dương lại buôn lậu bằng đường biển và trở thành gia tộc giàu có nhất Hoang thôn. Gia tộc Âu Dương sống cuộc sống xa hoa quý tộc trong ngôi nhà cổ Tiến Sĩ Đệ, ba dãy nhà trước sau đều trang hoàng cao sang quý phái, tại vùng Hoang thôn này thì đây chẳng khác gì một cung điện. Sân sau của ngôi nhà cổ Tiến Sĩ Đệ trước đây là một vườn hoa nhỏ, bên trong trồng toàn những cây cối và hoa cỏ quý hiếm, trên mặt đất là những con đường nhỏ rải bằng đá trứng ngỗng, giữa những lùm hoa cỏ lá có những hòn đá gia sơn Thái Hồ, hàng năm vào những lúc giá lạnh nhất, cây hoa mai trong vườn lại lặng lẽ bung nở.”
“Hoa mai?” Theo lời tường thuật nhẹ nhàng của cô ta, trước mắt tôi dường như đang dần hiện lên cảnh tượng của sân sau ngôi nhà cổ Tiến Sĩ Đệ.
“Anh đã nhìn thấy hoa mai nở chưa?”
“Thấy rồi. Tôi nhìn thấy trong sân đằng sau ngôi nhà cổ, đấy vốn dĩ không phải là vườn hoa nhỏ mà cô miêu tả mà chỉ là một cái sân hoang dại thê lương. Miệng giếng cổ nằm chính giữa sân, bên cạnh giếng là một cây hoa mai, vẫn còn một vài cánh hoa rơi rụng trên miệng giếng. Có lẽ là do trùng hợp, tôi đến Hoang thôn đúng vào lúc trời lạnh nhất, cây hoa mai đó dường như đợi tôi đến. Cảm giác đó thật kì lạ, trong sân nhỏ hoang vắng của ngôi nhà cổ, chỉ có một miệng giếng và một cây hoa mai, giống như cảnh tượng của một thời khắc khác.”
“Một thời khắc khác?” Cô ta ngẫm nghĩ rồi gật đầu: “Ví von này của anh rất hay, vậy thì hãy nói về Hoang thôn của một thời khắc khác nhé. Đầu năm Dân quốc, ông lớn của gia đình Âu Dương đã ngoài bốn mươi tuổi, nhưng mãi vẫn chưa có người thừa kế. Lúc đó gia đình Âu Dương vốn đơn truyền, một đời chỉ có duy nhất một người con trai, ông lớn cũng không có anh em trai, gia tộc lâu đời này đứng trước nguy cơ đứt đoạn hương khói. Tuy nhiên, việc buôn bán của gia đình Âu Dương buôn may bán đắt, nghiễm nhiên là vua một vùng Hoang thôn, nhưng ông lớn Âu Dương không sao vui vẻ nổi, kết hôn đã bao năm nhưng bà vợ mãi vẫn chưa mang bầu, ngày ngày đầm đìa nước mắt. Để kế tục huyết mạch cho gia tộc Âu Dương, bà vợ cuối cùng đã nghĩ ra một cách: thế vợ.”
“Tôi nhớ ra rồi, tôi đã xem cuốn tiểu thuyết “Vì người mẹ nô lệ” của Nhu Thạch.” Phút chốc, những câu chữ trong sách hiện lên trước mắt tôi, tôi chau mày nhớ lại cuốn tiểu thuyết bi thảm. Những năm Dân quốc, vùng nông thôn phía đông Chiết Giang có một thiếu phụ bất hạnh, chồng bà cờ bạc rượu chè, con trai Xuân Bảo bị bệnh lâu ngày không khỏi, người chồng đã vì một trăm đồng tiền tây đem vợ ột lão học giả khát con trai “thuê.” Thiếu phụ sinh hạ cho lão học giả một thằng con trai, đặt tên là Thu Bảo, lão học giả cũng rất thích thiếu phụ này, nhưng vợ cả của lão học giả không cho phép giữ cô ta lại. Thiếu phụ chỉ có thể cô độc trở về với người chồng khiếp nhược, ôm lấy con trai Xuân Bảo đau ốm vật vờ sống qua những đêm dài…
Nhưng tôi vẫn lắc lắc đầu: “Nhưng cái này có liên qua gì tới Hoang thôn?”
Cô ta lạnh lùng thốt ra hai chữ: “Vợ thế.”
“Cô nói cái gì?”
“Truyện ‘Vì người mẹ nô lệ’ nói về phong tục ‘thế vợ,’ theo một giá nhất định đem vợ cho người khác thuê, sau khi hết hạn thuê sẽ trả lại vợ cho người chồng trước đây. Nhu Thạch là người vùng ven biển đông bộ Chiết Giang, lúc đó ‘thế vợ’ là tập tục thịnh hành tại vùng ven biển Chiết Giang.”
“Hoang thôn cũng là ven biển Chiết Giang, tôi đã hiểu ý cô rồi, năm đó Hoang thôn cũng thịnh hành phong tục ‘thế vợ’ quái ác này sao?”
Cô ta gật đầu: “Đúng, năm đó ông lớn Âu Dương và bà cả vì để tiếp nối hương khói của gia tộc bèn chọn ra một đôi vợ chồng nông