Lê Ngọc Chân đối với ruộng đồng thật đúng không gì là không biết, không gì là không thạo. Chăn trâu cắt cỏ, cày ruộng gieo lúa, mò cua bắt ốc... việc nào nàng cũng giỏi. Chỉ mới đi một lát, chừng khi quay gót trở về thì trong chiếc giỏ của nàng đã có thêm bảy tám con ếch, con nào con nấy đều to bằng cả bàn tay.
Trần Tĩnh Kỳ thì không được giỏi giang như vậy. Lượng nước mà hắn đã tát vào trong ruộng, nó chưa đáng bao nhiêu hết; trái lại, chính bản thân hắn lúc này mới thực đang cần nước. Hắn rất khát. Trên người hắn mồ hôi mồ kê sớm đã nhễ nhại rồi.
- Ông quan lớn, sao vậy? Không phải nói cái việc tát nước này chẳng khó, thế nào bây giờ ông lại đứng thở dốc rồi?
Trần Tĩnh Kỳ vịn vào trụ đỡ ba chân dùng để giữ chiếc gàu bên cạnh, nuốt xuống một ngụm nước bọt, nói:
- Ta đứng tát cả buổi, chẳng ngơi tay, đương nhiên phải mệt... Ta cũng đâu phải con trâu.
- Khì...
Câu nói làm Lê Ngọc Chân phì cười.
- Mà, Ngọc Chân... cái gàu của nàng, so với người ta thì lớn hơn không ít a!
- À, phải. Cái gàu này ta làm cho ta dùng mà. Gàu lớn thì khi tát nước sẽ mau hơn.
Đem chiếc giỏ đang đeo cởi ra, Lê Ngọc Chân lội xuống bùn, miệng bảo:
- Thôi được rồi, ông lên bờ đi, để ta tát cho.
Trần Tĩnh Kỳ thực sự đã thấm mệt, chả hơi đâu đi để ý sĩ diện, nghe vậy liền nhường chỗ cho nàng ngay.
Ngồi trên bờ, hắn dõi mắt nhìn xem thiếu nữ đưa gàu tới lui tát nước, trong lòng không khỏi cảm khái.
Cô gái này đúng là có thể chất quá tốt. Văn chương thì là thần lực trời sinh, thô tục một chút thì chính là mạnh khoẻ như trâu, mà phải mấy con cộng lại cơ.
- Ngọc Chân.
- Gì?
- Lúc nào cũng đều chỉ có mình nàng tát nước như vầy sao?
- Không. Hồi trước còn có cha ta nữa, nhưng mà ta thấy cha ta cũng lớn tuổi rồi, nên khuyên cha ở nhà. À, còn đám Ngọc Nha nữa. Ta và bọn họ hay đi tát nước chung lắm, chỉ là bây giờ bọn họ đều lấy chồng hết rồi.
- Vậy còn trai tráng trong thôn? Nàng xinh đẹp, đảm đang như vậy, ta không tin là không có ai tình nguyện tát giúp.
Lê Ngọc Chân tạm ngưng chiếc gàu, lấy tay gạt mồ hôi trên trán, đáp:
- Thì cũng có. Nhưng mà ta từ chối.
- Tại sao?
- Thì...
Lê Ngọc Chân tính nói bỗng thôi. Nàng chép môi, nhìn sang hướng khác:
- Chuyện của ta, ta sao phải nói cho ông biết.
Dứt lời nàng
lại nắm lấy cán gàu, tiếp tục đưa nước từ mương vào trong ruộng.
...
Đêm đó Trần Tĩnh Kỳ còn tát nước giúp thêm mấy bận nữa. Tuy mệt nhưng hắn cảm thấy rất vui. Nhất là khi có một cô thôn nữ khả ái bên cạnh chuyện trò.
Đối với biểu hiện của hắn, Lê Ngọc Chân cũng khá vừa ý. Thú thật, so với Trần Tĩnh Kỳ thì bản thân nàng càng vui vẻ hơn. Còn sao lại vui, cái đấy chỉ mỗi mình nàng rõ.
Cũng chẳng biết có phải cảm thấy công việc tát nước đã giúp mình và Lê Ngọc Chân thêm gần nhau hay không mà những ngày sau, hễ có dịp là Trần Tĩnh Kỳ lại theo chân nàng ra ngoài đồng, phụ nàng tát nước. Càng ngày hắn càng thạo, hiệu quả đạt được càng lúc càng cao. Chính bởi vậy mà đêm nay Lê Ngọc Chân mới chủ động lên tiếng gọi hắn theo cùng.
Số là nhà lão Chương - một hộ trong thôn - có đứa con trai lớn bị bệnh, không thể đi tát nước, mà ruộng thì đã khô, vì vậy, lão Chương này mới chạy qua nhà Lê Ngọc Chân, nhờ nàng tát hộ, hứa sẽ trả công.
Lê Ngọc Chân đã gật đầu. Chả phải vì chỗ thù lao được hứa trả kia, trong nhà nàng đâu có thiếu thóc, đồng ý chỉ đơn giản bởi muốn giúp, cái nghĩa cái tình giữa hàng xóm láng giềng với nhau. Còn về chuyện chủ động gọi Trần Tĩnh Kỳ đi theo, kỳ thực cũng là do tình thế bắt buộc.
Khác với mấy thửa ruộng nhà nàng, ruộng nhà lão Chương là ruộng gò, thế đất cao, vốn không thể dùng gàu sòng để tát được; muốn lấy nước vào ruộng, nhất định phải sử dụng gàu dai. Mà loại gàu dai này thì yêu cầu phải có hai người cùng tát.
Trong nhà ba người, cha nàng tuổi tác đã cao, đâu thể để ông làm. Trần Tĩnh Kỳ, đấy mới là sự lựa chọn thoả đáng nhất. Còn về tại sao Lê Ngọc Chân nàng lại không đi nhờ các thanh niên trai tráng trong thôn, cái đấy thì phải hỏi chính bản thân nàng.