Hát đối và câu đối căn bản là khác xa nhau. Nếu như câu đối, thơ đối xuất phát từ tầng lớp trí thức, những bậc nho gia thì hát đối lại hoàn toàn trái ngược, được hình thành từ trong dân gian, nơi thôn dã ruộng đồng. Không như câu đối có tính chất cố định, tinh giản, hát đối đáp là sự liên tục, theo lối chuyện trò; thêm nữa, bởi do được hình thành từ trong dân gian nên hát đối rất là mộc mạc, chân phương, nhiều khi câu chữ bên trong còn khá tục.
Những người hát đối đáp, đại đa số đều là dân lao động, chân lấm tay bùn, hai sương một nắng. Kẻ trí thức, biết chữ nghĩa tuy là cũng có, song rất ít.
Như vậy, có thể chia lực lượng "nghệ nhân" trong hát đối đáp ra làm hai loại: Thứ nhất là nghệ nhân dân gian "thuần túy" (những người nông dân chân lấm tay bùn, hai sương một nắng, thường hát hò cho không khí lao động thêm vui tươi, phấn chấn, lấy văn nghệ để hỗ trợ lao động); còn thứ hai thì chính là nghệ nhân bán chuyên nghiệp (những người có tài ca hát, có tài ứng đối, ứng tác, thường là những người có học, ít nhiều am hiểu chữ nghĩa thánh hiền).
Tất thảy những điều ấy, Trần Tĩnh Kỳ từ lâu đã biết. Trong sổ sách của hắn có hẳn một chương ghi chép về loại hình thức hát đối đáp này, tự bản thân hắn cũng đã từng lân la học hỏi. Vốn là người thông minh nhanh nhạy, trong bụng lại tràn đầy chữ nghĩa kinh thi nên hắn tiếp thu rất nhanh, chả mấy chốc đã thạo. Có điều, Lê Ngọc Chân còn thạo hơn hắn. Muốn thắng được nàng mà nói... quả là không dễ.
"Cố gắng hết sức", Trần Tĩnh Kỳ phải như vậy thì mới có cơ may thắng được. Để chuẩn bị cho cuộc so tài trong lễ hội, mấy hôm nay hắn đã đi thỉnh giáo các bậc nghệ nhân hát đối đáp lão làng, nổi danh nhất quận Hà Nam. Chẳng những trong huyện An Khuê mà cả huyện Thanh Chương, huyện An Phước, huyện An Huy... ở lân cận.
Có lấy được Lê Ngọc Chân, nắm giữ được Lê Công Lượng hay không tất cả đều phụ thuộc vào lần so đấu này, Trần Tĩnh Kỳ hắn không thể không nghiêm túc.
...
Cuối cùng thì ngày so đấu cũng đến. Sau một loạt các nghi thức cúng kiến, các cuộc thi hiện đã bắt đầu được trưởng thôn cho tiến hành. Nào là thi nấu cơm, thi gánh nước, thi đấu vật... trước sau phải gần chục loại. Hát đối đáp dĩ nhiên cũng nằm trong số ấy.
Trong cuộc thi hát đối đáp này, tham gia gồm hai bên, bên nam và bên nữ, mỗi bên có năm thành viên. Trần Tĩnh Kỳ ở bên nam, Lê Ngọc Chân nằm bên nữ,
tiến hành so đấu.
Chẳng ngoài dự liệu, với vốn chữ nghĩa, sự cơ trí của mình, Lê Ngọc Chân và Trần Tĩnh Kỳ đã cùng nhau tiến vào vòng chung kết, là hai người duy nhất còn trụ lại.
Tiếp tục hát thêm một đỗi mà vẫn bất phân thắng bại, mắt thấy trời đã trưa, bà con tụ xem càng lúc càng đông, Lê Ngọc Chân mới khẽ nhíu chân mày, quyết định chẳng thèm kiêng nể chi nữa, hát luôn:
"Hai bên rừng núi rậm rì/ Ở giữa có khe nước chảy, chàng đi đường nào?"
Trần Tĩnh Kỳ vốn đang hăng hái, nghe xong không khỏi khựng người. Lê Ngọc Chân, nàng lại "chơi tục" rồi.
Xét bối cảnh, chiếu theo màn đối đáp từ lúc nãy cho đến bây giờ thì hình ảnh trong câu hát của Lê Ngọc Chân rõ ràng chính là đang ám chỉ "cái ấy" của người phụ nữ, mà người phụ nữ đó ở đây cụ thể chính là Lê Ngọc Chân nàng.
Sau một thoáng bị bất ngờ, Trần Tĩnh Kỳ nhanh chóng trấn định trở lại. Quả thật nếu là Lê Ngọc Chân, những hàm ý thô tục cũng chẳng có gì lạ. Còn nhớ lần đầu tiên hắn gặp nàng, trong màn đối đáp với hai thầy trò nhà sư Nan Ngộ - Minh Tâm kia, Lê Ngọc Chân nàng cũng đã đối rất xấc, rất hỗn.
"Hừm... Muốn chơi tục sao? Để ta chơi với nàng."
Trước khi bước vào cuộc thi này, Trần Tĩnh Kỳ đã thụ giáo qua mấy vị cao thủ lão làng, đã học thêm được kha khá "bài" thâm thúy, thành ra cũng không còn quá e ngại Lê Ngọc Chân.
Câu hát của Lê Ngọc Chân, ý tứ là thách đố hắn làm sao để đi qua "cái ấy" của nàng, như vậy, hắn buộc phải hát đáp và đáp cho được câu hỏi "làm sao qua?"
Hắn nghĩ một chút, mắt nhìn Lê Ngọc Chân, mỉm cười cất giọng:
"Hai tay ta nương hai cái cù lao/ Nước chảy mặc nước, ta chống sào ta qua."
Tương tự câu hỏi, câu trả lời này của Trần Tĩnh Kỳ cũng đầy ẩn ý nhưng lại không hề khó hiểu, bởi hình ảnh được nhắc đến rất gần gũi, dễ dàng liên tưởng. "Cù lao", "khe nước chảy", "cây sào", chúng ngụ ý về những bộ phận nào trên cơ thể thì những người đang đứng xem hầu như ai cũng đều hiểu được.
Thế là những tiếng cười thích chí vang lên, rồi thêm cả những tiếng vỗ tay tán thưởng...
- Hay!
- Ha ha...! Đáp hay! Đáp hay!