Những tưởng sau nhiều lần được giảng dạy về đạo đức thánh nhân, về đức hạnh làm người, Hoàng tử Lý Long Cân sẽ biết cân nhắc, ít nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực thì không, chẳng có gì thay đổi hết. Tất cả những hảo ý mà Trần Tĩnh Kỳ đã nhắn nhủ kia, Lý Long Cân nó đều bỏ ở ngoài tai. Những gì nó thể hiện ra, vẫn y như cũ là sự kiêu căng, khắc nghiệt. Trần Tĩnh Kỳ thậm chí còn có cảm giác đứa trẻ này đã nảy sinh thành kiến với mình.
Cũng đành chịu. Hắn đã có ý tốt, người ta không tiếp nhận thì thôi. Dù sao thằng bé Lý Long Cân này cũng đâu phải chỗ thân bằng quyến thuộc gì với hắn. Triệu Phi Yến cũng vậy, suy cho cùng cũng chỉ là nước lã người dưng.
Lại nói, nơi này là Hạng quốc, hắn bận tâm làm gì? Chẳng qua hắn không muốn để cho người khác sinh tâm nghi kị. "Một người thầy tốt", hảo danh này đối với hắn cũng rất hữu ích đấy.
Trong khi đó, bên phía Triệu Phi Yến...
Đối với việc để Trần Tĩnh Kỳ vào cung giảng dạy, ngay từ đầu Triệu Phi Yến đã gắt gao phản đối, về sau thì lại càng cảm thấy khó ưa. Triệu Phi Yến nàng không vừa ý một chút nào cả. Nàng luôn có dự cảm bất an về việc này, chỉ muốn Trần Tĩnh Kỳ mau mau biến mất khỏi Hoàng cung. Nàng biết là mình cần phải làm một điều gì đó.
Và rồi, sau một khoảng thời gian im hơi lặng tiếng chờ đợi, cuối cùng nàng cũng có thể ra tay.
Hôm ấy, nàng đã gặp riêng Trần Thừa Ân - một trong ba người đảm trách việc giảng dạy cho các hoàng tử, công chúa - để bàn chuyện. Cũng chẳng rõ hai người đã trao đổi những gì, chỉ biết ngay buổi chiều hôm đó thì Trần Thừa Ân đã tự mình đi đến Càn Thanh cung xin gặp Hạng đế Lý Uyên, rồi sáng ngày hôm sau, Hạng đế liền ra khẩu dụ cho triệu kiến Trần Tĩnh Kỳ đến Ngự thư phòng gặp mặt.
...
- Tĩnh Kỳ tham kiến Hoàng thượng, Hoàng thượng vạn tuế vạn tuế vạn vạn tuế.
- Bình thân.
Hạng đế Lý Uyên thân khoác hoàng bào, nét mặt già nua hơn tuổi, khẽ ho một tiếng rồi nhìn Trần Tĩnh Kỳ, hỏi:
- Có biết tại sao ta lại cho gọi nhà ngươi không?
- Thưa Hoàng thượng, Tĩnh Kỳ không biết.
Trần Tĩnh Kỳ điềm tĩnh đáp. Hắn tự xét thấy trong thời gian vừa qua bản thân cũng không có làm chi nên tội, thành thử chẳng hề lo lắng. Ở trong mắt hắn, Lý Uyên vẫn là một vị minh quân, chắc chắn sẽ biết phân biệt thiện - ác, đúng - sai.
- Có người nói với ta là dạo gần đây, ở trong quá trình giảng dạy cho các hoàng tử, công chúa, Tĩnh Kỳ ngươi đã đề cập đến không ít những người ác, những việc ác. Có đúng như vậy?
Trần Tĩnh Kỳ gật đầu:
- Thưa Hoàng thượng, Tĩnh Kỳ quả có đề cập.
Hạng đế chưa vội phán định đúng - sai, mà nói:
- Theo ý kiến của các vị Đại học sĩ, bọn họ đều nhất quán rằng khi giảng dạy cho các hoàng tử, công chúa, chỉ nên nhắc đến người thiện, không nên bàn đến những kẻ ác để tránh cho các hoàng tử, công chúa nghe được sẽ làm theo. Mà nhà ngươi... đã làm trái rồi.
Trần Tĩnh Kỳ vẫn không nghĩ mình sai. Hắn rất bình tĩnh đối mặt với Hạng đế Lý Uyên:
- Thưa Hoàng thượng, quy định "chỉ nhắc người thiện, không bàn kẻ ác" kia, Tĩnh Kỳ thật sự là không hay, cho tới hôm nay nghe người nói ra mới rõ. Song là... Hoàng thượng, xin thứ cho Tĩnh Kỳ to gan trình bày quan điểm của mình.
- Nhà ngươi thử nói ta nghe.
Trần Tĩnh Kỳ nói ra:
- Hoàng thượng xem xét. Nếu các vị hoàng tử, công chúa chỉ nghe điều thiện, biết việc thiện, nhận thức e rằng sẽ bị hạn chế, khó có thể tự mình phân biệt được ranh giới thiện - ác, đúng - sai. Theo Tĩnh Kỳ nghĩ, thiện ác đều phải nêu lên để đối chiếu. Nếu là người hiền thì nghe điều thiện tất sẽ học tập, nghe điều ác tất phải tránh xa. Thiện, ác đều có thể làm gương được cả. Nếu các vị hoàng tử, công chúa không hiền thì đợi gì thấy kẻ ác rồi mới làm điều ác?
Hạng đế nghe xong
lâm vào trầm mặc.
Một đỗi sau, trên môi hắn bỗng nở một nụ cười, rồi ôn tồn cất giọng:
- Ta lại nghe nói nhà ngươi giảng dạy, vẫn thường xuyên nhắc đi nhắc lại về cái gọi là đức hạnh của người quân tử, mong muốn các con ta chiếu theo đó mà tu thân, dưỡng tánh, có phải như vậy không?
- Thưa Hoàng thượng, quả thật như vậy.
- Thế nhà ngươi hãy nói cho ta biết: Quân vương đức hạnh so với quân vương vô đức thì khác nhau thế nào?
Trần Tĩnh Kỳ cân nhắc qua một chút, rồi kính cẩn đáp:
- Thưa Hoàng thượng, ví như trong việc dùng người: Hễ phàm là bậc minh quân đức độ thì đều sẽ không dựa vào tình riêng, chiếu theo quan hệ huyết thống để giao phó trọng trách, mà chỉ nghĩ người ấy theo tấm lòng của mình, giữ chức vụ cho mình, làm việc cho mình, chịu nhọc cho mình, coi là người hiền nên dùng. Quân vương vô đức thì ngược lại...
Kế đó lại nói:
- Vua hiền thì tôi cũng hiền. Nếu vua không hiền thì những kẻ làm việc cho vua cũng không hiền. Đó chính là đồng thanh tương ứng, đồng khí tương sầu, cùng loại thì hợp nhau.
...
Trần Tĩnh Kỳ và Hạng đế Lý Uyên còn nói với nhau thêm nhiều điều nữa, nội dung không chỉ ở việc giảng dạy cho các hoàng tử, công chúa mà còn bao gồm nhiều thứ khác. Câu hỏi thì luôn là từ phía Hạng đế đưa ra; phần mình, Trần Tĩnh Kỳ đã trả lời rất trôi chảy, luận điểm nêu ra rất rõ ràng, rành mạch, có phân tích, dẫn chứng hẳn hoi.
Kết quả: Trần Tĩnh Kỳ đã bình an vô sự. Hạng đế chẳng những không trách phạt gì mà còn ban thêm cho hắn đặc quyền. Theo đó, Lý Uyên cho phép Trần Tĩnh Kỳ tự do giảng dạy, thấy tốt thì làm, không cần phải tuân theo khuôn khổ giống như hai vị Đại học sĩ Nguyễn Chánh và Trần Thừa Ân.
Khỏi phải nói, Hoàng phi Triệu Phi Yến đương nhiên là đã vô cùng bất mãn. Cùng với Trần Thừa Ân - kẻ cùng phe với mình, Triệu Phi Yến nàng lại tiếp tục theo dõi hòng tìm ra yếu điểm, chỗ sai sót của Trần Tĩnh Kỳ để mà công kích.
Nàng đã rắp tâm phải triệt hạ hắn.
Có điều, Trần Tĩnh Kỳ há lại e sợ? Triệu Phi Yến muốn đối phó hắn, dễ lắm chắc? Trong từng đường đi nước bước hắn đều tính toán rất kỹ. Hắn tin, kẻ cười cuối cùng nhất định sẽ là mình.
...
Triệu Cơ có âm mưu, Triệu Phi Yến có kế hoạch, Trần Tĩnh Kỳ cũng có tính toan, Hạng đế Lý Uyên cũng vậy, chả ai là người đơn giản cả. Nhưng dẫu trong đầu suy nghĩ sâu xa cỡ nào thì ở ngoài mặt, bọn họ vẫn biểu hiện hết sức bình thường, hành vi rất đỗi tự nhiên. Trừ Triệu Phi Yến đôi lúc hơi mất kiềm chế ra thì ba cái tên còn lại, phải nói đều là bậc thầy diễn xuất.
Ai là người đáng sợ nhất ư?
Thiết nghĩ chính là Trần Tĩnh Kỳ. Nên nhớ, tuổi của hắn so với Hạng đế Lý Uyên và Hoàng hậu Triệu Cơ thì nhỏ hơn rất nhiều. Ở trong tư tưởng của hắn, quy tắc chưa bao giờ là thứ để tuân theo. Đừng thấy hắn thường ngày đứng lớp giảng dạy đạo lý thánh nhân, am hiểu tận tường, diễn giải sinh động rõ ràng mà nghĩ hắn thấm nhuần đức hạnh. Nếu cần thiết, hắn sẵn sàng vượt qua ranh giới đạo đức đấy. Thiện - ác, đúng - sai, đối với hắn không hề cố định. Giống như Viên Hi từng nhận xét: Chẳng thể dùng tiêu chuẩn của thế giới này để đánh giá Trần Tĩnh Kỳ. Hắn là một kẻ ở bên ngoài khuôn khổ.