Lúc Trần Tĩnh Kỳ đi đến nơi thì thấy cổng Túy Vân thi quán đã đóng. Hắn từ tốn đưa tay gõ cửa ba cái.
Chẳng phải đợi lâu, cửa lớn mở ra. Xuất hiện trước mặt Trần Tĩnh Kỳ là một lão nhân tuổi độ ngũ tuần, râu dài, mái tóc hoa râm, đôi mắt có chút thâm quầng, hẳn do thiếu ngủ.
Lão nhân tên gọi Lưu Phúc, là một trong những người quản lý của Túy Vân thi quán. Hắn quan sát Trần Tĩnh Kỳ một chút, cau mày hỏi:
- Chàng trai trẻ, ngươi gõ cửa là vì chuyện gì?
Trần Tĩnh Kỳ điềm đạm đáp:
- Thưa tiên sinh, ta muốn trở thành một hội viên của Túy Vân thi quán.
Lưu Phúc đưa tay chỉ trời, nói:
- Trời muộn, đã quá giờ tiếp đón khách nhân. Nếu ngươi muốn gia nhập thi quán thì sáng mai hãy quay lại.
Advertisement / Quảng cáo
(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});
- Tiên sinh, chậm đã!
Trần Tĩnh Kỳ phân trần, nói mình là khách phương xa tới, chưa rõ quy định của thi quán nên mới đến trễ, hi vọng Lưu Phúc châm chước cho.
Lưu Phúc thấy hắn rất thành tâm, ăn nói cũng lễ phép nên rốt cuộc gật đầu:
- Thôi được, ta sẽ cho ngươi một cơ hội.
- Đa tạ tiên sinh!
- Hmm... Bây giờ cũng muộn rồi, ta không bày vẽ làm gì. Ta trực tiếp ra ba câu đối, nếu ngươi đối được thì ta sẽ cho vào.
- Xin tiên sinh ra đề.
- Được. Ngươi nghe cho kỹ.
Lưu Phúc đứng bên trong vuốt nhẹ chòm râu, cất giọng:
- Chúc dao hồng ảnh huy kim ốc.
(Chập chờn ánh đuốc chiếu nhà vàng)
Trần Tĩnh Kỳ không chút chần chừ, đáp luôn:
- Tụ đới cần hương phức động phòng.
(Thoang thoảng hương cần nơi hợp cẩn)
Lưu Phúc âm thầm gật đầu. Văn chương của thanh niên trước mặt thật sự không tệ.
Hắn ra câu thứ hai:
- Tụ nhã quế hương phiêu nguyệt đính.
(Áo đưa hương quế lên thăm nguyệt)
- Bút phiên hoa khí thượng vân đầu.
(Bút dẫn khí hoa đến đỉnh mây)
Trần Tĩnh Kỳ lập tức ứng khẩu.
Lần này thì Lưu Phúc phải động dung. Liên tiếp đối liền hai câu, ý tứ cực kỳ tương xứng, đây không thể nào chỉ là trùng hợp, may mắn được.
"Người này dáng vẻ thong dong, ứng đối như mây trôi nước chảy, chẳng có lấy nửa điểm ngập ngừng, rõ ràng một bụng kinh thi. Trong số tất cả những kẻ ta từng khảo nghiệm, không có mấy người được như hắn."
Advertisement / Quảng cáo
(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});
Lưu Phúc thầm đánh giá. Hắn ngẫm lại những lời đối đáp của Trần Tĩnh Kỳ với mình, nhận định đây nếu không phải kẻ có thân phận thì cũng là người khí tiết thanh cao.
Nghĩ một chút, Lưu Phúc mỉm cười:
- Khả năng ứng đối của ngươi đúng là rất không tệ. Vậy ngươi thử đối câu này cho ta xem.
- Tiên sinh cứ ra đề.
Trần Tĩnh Kỳ tràn ngập tự tin.
Lưu Phúc cao giọng đọc:
- Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan.
(Tới cửa ải trễ, cửa quan đóng, mời khách qua đường cứ qua)
Thần sắc Trần Tĩnh Kỳ vốn đang tươi tắn, nghe xong vế đối thì lập tức tắt lịm. Hắn... rất ngạc nhiên. Vế đối mà đối phương vừa ra chẳng phải tầm thường.
"Không ngờ chỉ một người phụ trách mở cửa của Túy Vân thi quán mà cũng có học thức uyên thâm như vậy..."
- Hmm...
Lưu Phúc ngó thấy người thanh niên trước mặt biến sắc, ánh mắt đầy kinh ngạc thì tỏ vẻ đắc ý.
Kỳ thực vế đối mà hắn vừa ra, nguyên bản cũng không phải của hắn. Nó là do quán chủ Viên Hi viết xuống. Theo thông lệ, cứ bảy ngày một lần quán chủ Viên Hi sẽ đưa ra một vế đối, treo ở Túy Vân Lâu để cho các hội viên của Túy Vân thi quán trổ tài đối đáp, người đối hay nhất sẽ được gặp riêng quán chủ Viên Hi, cùng nàng đàm luận. Vế đối vừa rồi chính là vừa được quán chủ Viên Hi hạ bút hôm nay.
Bản thân mình, Lưu Phúc đã suy nghĩ suốt từ sáng giờ mà vẫn không thể tìm ra được câu từ tương xứng, trong lòng có chút buồn bực. Lúc này thấy Trần Tĩnh Kỳ dáng vẻ thong dong, ứng đối như mây trôi nước chảy nên hắn mới thử nêu ra, xem xem Trần Tĩnh Kỳ có đối
đáp được hay không.
Trong lòng hắn cũng không có ôm hi vọng gì lắm, mục đích cốt chỉ để đả kích ngạo khí của Trần Tĩnh Kỳ, giải toả chút buồn bực mà thôi.
Vế đối kia, trừ bỏ Lưu Phúc hắn ra thì các vị văn nhân tài tử khác cũng đều đã xem, nhưng cả buổi rồi vẫn chưa ai đối được.
"Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan."
Chỉ trong một vế đối mười một chữ mà sử dụng trùng lặp tới bốn chữ “quan” và ba chữ “quá”, muốn đối đâu phải dễ. Đây chính là bút tích của người được đánh giá là tài năng ngang ngửa với các bậc đại trí đương thời a!
- Chàng trai trẻ, thế nào? Nếu cảm thấy khó quá ta sẽ đổi cho ngươi một câu khác.
Lưu Phúc cũng là người hiểu lý lẽ, đương nhiên sẽ không chèn ép, khiến Trần Tĩnh Kỳ mất đi cơ hội. Bởi theo hắn thấy, tài thi phú của Trần Tĩnh Kỳ đã đủ tư cách để trở thành một thành viên của Tuý Vân thi quán rồi.
Đinh ninh Trần Tĩnh Kỳ sẽ lựa chọn bỏ qua vế đối hóc búa kia, Lưu Phúc mới cười định đọc một câu khác; song chỉ vừa mở miệng, còn chưa kịp đọc thì nơi đối diện tiếng Trần Tĩnh Kỳ đã cất lên:
- Tiên đối dị, đối đối nan, thỉnh Tiên sinh tiên đối.
(Ra câu đối dễ, đối câu đối khó, xin mời Tiên sinh đối trước)
Advertisement / Quảng cáo
(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});
Rất tự nhiên, như một câu hỏi, như một câu thách thức tế nhị. Trong vế đối này cũng sử dụng bốn chữ “đối” và ba chữ “tiên” trùng lặp. Không những thế, ý cảnh cũng vô cùng phù hợp với vế đối đã đề ra.
Lưu Phúc giật mình, kinh ngạc nhìn Trần Tĩnh Kỳ, mãi một lúc mới phản ứng.
Hắn chắp tay, thái độ trở nên cung kính:
- Túy Vân thi quán hoan nghênh công tử gia nhập!
P/s: Câu đối "Quá quan trì..." này là Tà mượn dùng của tiền nhân.
Chuyện kể có lần Mạc Đĩnh Chi dẫn đầu đoàn sứ bộ nước Đại Việt ta sang nhà Nguyên. Bất ngờ hôm ấy trời lại mưa, đoàn sứ bộ đến cửa ải chậm một ngày so với ngày hẹn trước. Viên quan giữ cửa ải không cho mở cửa để sứ bộ qua, cho dù Mạc Đĩnh Chi đã nói mãi. Liền đó, từ trên cửa ải một vế đối được thả xuống thách đối lại, nếu không đối được sẽ "đứng ngoài mà khóc".
"Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan.
Tiên đối dị, đối đối nan, thỉnh Tiên sinh tiên đối."
Vế đầu của viên quan giữ ải nhà Nguyên, vế sau là của Mạc Đĩnh Chi - vị Lưỡng quốc Trạng nguyên danh tiếng lẫy lừng của Đại Việt ta. Thế mới thấy ông cha ta tài giỏi như thế nào, các sứ thần Đại Việt ta đáng khâm phục ra sao. Chúng ta tuy là nước nhỏ nhưng tài trí thì chưa bao giờ thua kém "nước lớn" phía bên kia.
P/s 2: Về sau có thể Tà sẽ dùng nhiều câu đối, cái tài văn chương thi phú của các bậc tiền nhân, sẽ không chú thích nữa nhưng mọi người cứ hiểu là Tà "mượn" chứ không có sáng tác ra nhé. (Tà tài mọn, sao viết được). Nếu trích dẫn, cắt nghĩa có gì sai sót mong mọi người hãy bỏ quá cho. (Kiến thức của Tà hạn hẹp lắm)