Lần này, sau khi dâng hương xong mấy thị nữ không mau chóng rời đi như lúc trước, mà họ lại cung kính dập đầu với bệ thờ, bẩm: “Thưa Thị Thần, sắp đến sinh nguyệt Thần rồi, gần đây trong thị tộc có chín đứa bé sơ sinh đủ tư cách để được ngài chúc phúc ạ.”
La Ngọc An đang trốn sau lưng Thị Thần gấp hoa giấy không khỏi sững người, sinh nguyệt Thần? Cô chưa từng nghe cụm từ này bao giờ. Còn cả việc chúc phúc cho trẻ con nữa, nó khiến La Ngọc An nhớ tới những chuyện trước kia cô từng được nghe, hình như là một dạng nghi thức nào đó thì phải.
Thị Thần nhã nhặn đáp: “Cứ theo lệ cũ mà làm, ngày thứ hai trong sinh nguyệt Thần hãy dẫn chúng tới đây.”
“Vâng.”
Sau khi hai vị thị nữ rời đi, La Ngọc An mới ló ra ngoài, hướng mắt về phía bầu trời xám xịt như tro. Cô đã tới đây gần một tháng rồi, lúc cô tới khoảng cuối thu mà nay mùa đông đã bắt đầu, tiết trời cứ ngày một lạnh hơn.
Khi La Ngọc An quay đầu lại đã thấy Thị Thần đang nhìn mình chằm chằm như đang chờ cô mở lời hỏi điều gì đó. La Ngọc An vốn không định hỏi gì rốt cuộc vẫn thử mở miệng hỏi dưới ánh mắt chăm chú của ngài: “Sinh nguyệt Thần họ vừa nói là lúc Thị Thần sinh ra ạ? Nhưng sao lại nói là sinh nguyệt Thần chứ không phải là sinh nhật Thần chứ?”
Cô nhớ về những ngày lễ thường thấy, bình thường thì Phật tổ hay thần tiên đều có ngày sinh cả, nhưng nó chỉ kéo dài trong một ngày thôi.
“Bởi vì, mất một tháng mới sinh ra được Thị Thần.” Ngài chậm rãi đáp.
La Ngọc An bỗng nhiên thấy kì quái tới lạ, nhưng cô cũng không biết sao mình lại thấy thế, “Ngài… Thị Thần được sinh ra từ đâu ạ? Từ giữa trời đất ư?”
Thị Thần cười, “Thị Thần được sinh ra từ con người.”
La Ngọc An cũng không hiểu lắm, nhưng cô không phải tuýp người chuyện gì cũng muốn làm cho ra lẽ nên cũng thôi. Theo như cô nhớ thì cứ đến sinh đản của thần tiên cũng là lúc chùa miếu, đạo quán tổ chức lễ hội, vốn La Ngọc An còn tưởng đến sinh nguyệt Thần căn nhà cổ này cũng sẽ rộn ràng hơn bình thường, nhưng mọi việc lại hơi khác so với tưởng tượng của cô.
Đèn lồng đỏ ngoài sân bị đổi hết thành đèn lồng trắng, tất cả những người đi lại bên ngoài sân dù nam hay nữ đều mặc đồ đen, cài hoa trắng, thậm chí là cả những âm thanh cười đùa bí mật ngày xưa thỉnh thoảng lại vang lên thì nay đều đã biến mất, bất kể người tới người đi lũ lượt ra vào khoảng sân này, thì nơi nơi vẫn cứ tràn ngập một bầu không khí thật trang nghiêm, tĩnh mịch.
Rèm che trong điện thờ bị đổi thành màu đen, lúc chúng rủ xuống khiến bàn thờ trông thật u ám. Nhóm thị nữ thắp hương xong bèn đốt vàng mã bên ngoài sân, trên giấy nền vàng là những hoa văn đỏ kì lạ. Họ vừa hóa vàng mã vừa lẩm nhẩm đọc thứ kinh văn nào đó cô không hiểu nổi.
Những hành động như thế rất dễ khiến người khác tưởng rằng họ đang tế bái người chết.
La Ngọc An đi lang thang khắp con đường vắng vẻ bên ngoài sân như một u linh, cô nghe thấy tiếng hai cô gái trẻ bước ra khỏi nhà tắm gần đấy thì thào với nhau.
“Cứ đến “quỷ nguyệt” (*) tôi lại thấy sợ, cứ như tòa nhà này đột nhiên sống lại, rồi lại chết đi vậy.”
“Đừng có nói thế! Với lại thị nữ không cho phép chúng mình nhắc đến “quỷ nguyệt” đâu, phải nói là “sinh nguyệt Thần”, họ mà nghe thấy là cô bị phạt chắc!”
(*) Quỷ nguyệt: Tháng của ma quỷ.
Quỷ nguyệt ư? La Ngọc An biết dân gian thường ám chỉ quỷ nguyệt là vào tháng bảy, bởi vì trong tháng bảy có tết Trung Nguyên, là ngày lễ để cúng bái tổ tiên, siêu độ vong hồn ma quỷ, chẳng qua hiện nay hầu như mọi người đã lờ tập tục này đi lâu rồi. Chẳng lẽ định nghĩa về “quỷ nguyệt” của họ không giống người bình thường ư?
Đang lúc hoàng hôn, khoảng sân chứa điện thờ đóng cửa sớm hơn mọi khi, từ ngoài sân vang lên tiếng nhạc. Tiếng nhạc đó không biết phát ra từ thứ nhạc cụ nào, trong đó còn lẫn cả tiếng chuông nho nhỏ, khiến người nghe cảm thấy xa xăm, yên ả, kèm theo đó là tiếng người lẩm nhẩm gì đó thấp thoáng đâu đây, nghe như một khúc hát ru con.
La Ngọc An ngủ một giấc tỉnh lại thấy bốn phía vẫn tối đen như mực, cô vén rèm lên nhìn ra xa, trời còn chưa hửng sáng, mà tiếng nhạc và tiếng người cô nghe thấy trước khi đi ngủ vẫn chưa ngừng, chẳng qua nghe nó xa xăm hơn, cô chỉ có thể nghe được tiếng động nho nhỏ từ phía xa xôi.
Đột nhiên cô thấy không đúng đâu đó bèn quay đầu nhìn vào phía trong điện thờ.
Thị Thần thường hay ngồi ngay ngắn ở phía trong cùng đã mất tăm, dây đỏ chằng chịt khắp khoảng không gian chật hẹp. La Ngọc An đứng phắt dậy, cô thầm run, lặng lẽ dịch lại gần sát tầng ngoài cùng, khẽ gọi: “Thị Thần?”
“Ngài sao vậy?”
Một chiếc tay áo màu trắng từ từ vươn ra từ bọc dây đỏ, bàn tay trắng xanh ló ra, bất lực vẫy vẫy với cô.
La Ngọc An thận trọng tới gần đó, duỗi hai tay ra nắm lấy bàn tay trắng rủ xuống trước mặt cô, bàn tay đó rất lạnh, khiến cô thấy mình cứ như đang nắm một bàn tay được làm từ gốm vậy.
Đột nhiên.
Bàn tay ấy chợt hóa thành một đám dây đỏ, tuột xuống từ kẽ tay cô.
La Ngọc An giật nảy mình, nhịn không được bèn đứng phắt lên, trong giây lát cô chợt thấy mọi ánh sáng quanh mình bỗng tối lại, cô không biết mình tới nơi quái quỷ như thế này từ lúc nào nữa. Trong đêm đen vô tận, tiếng hít thở và tiếng bước chân của cô vọng lại rất to, như thể đang bị phóng đại lên, ánh sáng duy nhất ở nơi đây phát ra từ một bệ thờ cũ kỹ, mộc mạc, trên bệ thờ là một pho tượng thần được làm từ gốm có kích cỡ bằng với kích cỡ của người bình thường.
Quanh thân tượng thần lít nhít dây đỏ, pho tượng ấy có nụ cười giống với nụ cười của Thị Thần mà La Ngọc An thấy rất quen thuộc, nhưng ở ngay đầu của tượng thần lại có một vết nứt, vết nứt đang từ từ chẻ gương mặt tươi cười ấy ra làm đôi.
Tượng thần cười với cô, nhưng từ trong khe nứt trên gương mặt tươi cười ấy lại vang lên tiếng thở dài câm lặng.
—— Đau quá.
—— Đau quá đi thôi.
*
La Ngọc An đột ngột mở mắt, nắng đã chiếu sáng rực rỡ, tiếng cửa sân bị mở khiến cô bất giác đứng dậy định trốn ra sau lưng Thị Thần, cô chạy tới giữa điện thờ mới đột ngột giật mình, tỉnh táo lại từ cơn hoảng hốt.
Vừa nãy là cô nằm mơ ư?
Tay áo màu trắng y như trong mộng vươn tới trước mặt cô, làm lộ ra bàn tay trắng xanh, chủ nhân của bàn tay ấy vẫn nở với cô một nụ cười chẳng khác gì những lần trước: “Mau tới đây.”
La Ngọc An không nghĩ ngợi thêm gì về giấc mộng lạ lùng kia nữa mà vội vã trốn sau lưng ngài.
Đây là ngày thứ hai của sinh nguyệt Thần, nhóm thị nữ cho chín đứa trẻ vào trong y như đã báo trước. Những đứa trẻ này đều đang say ngủ, chúng được người nhà ôm vào trong điện thờ, họ đặt chúng nằm trên nệm gấm màu trắng, xếp chúng nằm liên tiếp nhau thành một hàng ngang.
Người nhà của những đứa trẻ này hoặc mặc váy liền áo màu đen, hoặc mặc âu phục, ai nấy trông đều có vẻ cao quý, sang trọng, nhưng thật giống nhau, mỗi người trong số họ đều tỏ ra hết sức cung kính và khiêm nhường trước Thị Thần, thậm chí họ còn không dám nói câu nào với ngài, mà ngay sau khi dập đầu bái lạy xong đã lập tức ra khỏi sân theo chân nhóm thị nữ.
Họ sẽ tới đón con vào