Quy Tự Dao

Chương 15


trước sau


Vốn là cải trang vi hành, cho nên các nghi thức rườm rà đều giản lược hết thảy, bên cạnh Hoàng đế cũng chỉ có hai đội Cấm quân tinh nhuệ và gần chục nô tài mà thôi.
Tay dắt cương ngựa, Lý An nhanh chân chạy tới, quỳ thụp xuống đất.
Thuần Hữu đế rũ mắt liếc qua rồi nhận lấy dây cương từ trong tay Lý An, dứt khoát trèo lên lưng ngựa.

Hắn ngồi vững vàng, vung tay quất một roi lên lưng người đang còn quỳ phía dưới, ra tay mà lạnh lùng như không.

Lý An chịu đau, nổi cả gân xanh bên thái dương vẫn cắn răng không phát ra tiếng kêu.

Tưởng như đã qua đại nạn rồi, khi ấy chợt nghe Thuần Hữu đế cười lạnh: "Cũng biết nhẫn nhịn lắm, sau khi trở về ngươi hãy tới Thượng Thiện giám, coi như cũng không để ngươi thiệt thòi."
Dù là hiện tại y trang đều đã nhăn nhúm lấm lem đất cát, lại vừa bị Hoàng đế lấy làm cái bia xả giận, nhưng Lý An nghe vậy đã xúc động muốn rơi nước mắt.

Hoàng đế không những tha cho hắn một mạng, mà Thượng Thiện giám cũng là một nơi làm việc không tồi đấy, dù sao cũng không phải là việc khổ sai nặng nhọc, hơn nữa tới đó nhậm chức vụ gì Hoàng đế cũng chưa nói rõ.

Ân huệ này cũng là nhờ Lý Thuận Đức của hắn một phần, khiến cho phút này hắn thực tâm mà cảm thấy biết ơn, liền dập đầu sát đất.
Chợt nghe có tiếng vó ngựa từ xa vọng lại, Thuần Hữu đế nheo mắt nhìn về phía trước, thấy giữa trời chiều có bóng dáng một người ngồi trên lưng ngựa.

Ngựa phi nước kiệu chạy tới đây.

Tà dương đã buông, ánh nắng cũng nhạt nhòa đi hẳn, còn chưa kịp nhìn thấy dung mạo đã thấy người kia đã nhanh nhẹn nhảy xuống, thong dong đến trước ngựa của Thuần Hữu đế, hành lễ: "Tham kiến chủ thượng." Thấy Hoàng đế mặc thường phục, người kia cũng tinh tế lựa lời.
Lý An chật vật bò dậy tới khom lưng đứng bên ngựa, cẩn thận quan sát người vừa tới, qua một hồi mới nhận ra người kia không ai khác, chính là người thầy mình vẫn hay nhắc đến.

Hắn vẫn nghe Lý Thuận Đức nói rằng Hoàng đế đối với người này bằng mặt nhưng không bằng lòng.

Hắn âm thầm đưa mắt nhìn lên, thấy sắc mặt Hoàng đế không có thay đổi gì lớn mới an tâm.
Thuần Hữu đế gật đầu, lại chỉ roi ngựa vào thần tử Hàn Lâm viện đang đứng trước mặt mình, hỏi rằng: "Có chuyện mà lại gấp gáp đến mức mặc quan phục tới nơi hẻo lánh thế này?"
Đường Từ mỉm cười: "Bẩm, chuyện nói lớn thì không lớn, nhưng nói nhỏ cũng không phải là nhỏ.


Hôm nay thần nhận được thư nhà gửi tới nói gia mẫu bệnh nặng, lo lắng sốt ruột lại không dám tùy tiện xuất thành về quê thăm nom.

Khi còn ở Vân Châu có nghe trưởng bối trong nhà nói Phật Tổ ở Bích Vân tự ngoài thành Ký Châu vô cùng linh nghiệm, vậy nên đành xin Hoàng đại nhân cho vắng một buổi, lập tức tới Bích Vân tự dâng hương khấn phật cho tròn hiếu đạo."
"Phật Tổ ở Bích Vân tự linh nghiệm?" Thuần Hữu đế cười thành tiếng, kéo dây cương cho ngựa quay đầu, lại nói: "Nghe nói khanh thường đến hậu viện trong chùa thăm Tĩnh Từ sư phụ, có chuyện đó hay không?"
Trên đường xuống núi, nhìn quang cảnh dọc đường vắng vẻ mà lại có người đứng ở các trạm ngựa, Đường Từ đã sớm đoán ra vấn đề.

Lúc này lại nghe lời kia, nàng cũng cười lên hai tiếng, ngữ điệu thực tự nhiên: "Gia mẫu thần một lòng theo Phật, có cả Phật hiệu, chỉ tiếc rằng trong nhà không có ai có duyên với thanh đăng cổ Phật để giúp người giải sầu.

Chuyện rằng ba năm trước thần vào kinh ứng thí, sau khi thi trượt tới Bích Vân tự dâng hương mới có duyên kết giao với Tĩnh Từ sư phụ.

Nghe phương trượng nói sư phụ thông thạo kinh Phật, rất có tuệ căn, xem ra kết giao được cũng là một may mắn, cũng mong sau này vinh quy bái tổ có thể đưa sư phụ về gặp gia mẫu, luận bàn Phật đạo."
Thuần Hữu đế không đáp, ngưng thần nhìn xuống, từ trong ánh mắt đánh giá toát ra tia cố kỵ.
Bốn bề vắng vẻ, chỉ có tiếng vó ngựa thi thoảng lại nện lên nền đất.
"Hiếu đạo thật đáng khâm phục.

Chi bằng đưa mẫu thân khanh vào kinh an dưỡng, tiện tới Bích Vân tự dâng hương tạ lễ, cũng có thể đàm luận Phật đạo với Tĩnh Từ sư phụ.

Khanh thấy sao?" Một hồi sau Thuần Hữu đế mới lên tiếng, biểu tình lại trở nên ấm áp chân thành, khiến cho Lý An sinh nỗi hoang mang, không hiểu.
Đường Từ lập tức cúi đầu kính cẩn: "Thần vốn cũng có ý này, chỉ tiếc gia mẫu xưa nay mắc chứng bệnh không tiện đi lại, lặn lội đường xa như thế thật không ổn."
Thuần Hữu đế cho ngựa quay đầu, cũng thản nhiên: "Nếu đã như thế thì tuỳ ý khanh tự quyết định thôi." Rồi hắn lấy ra từ trong ngực áo một túi hương, ném cho nàng: "Khanh hay lui lại Bích Vân tự như thế, vậy lựa lúc mà đưa vật này cho Tĩnh Từ.

Chỉ cần nói túi hương này là do mẫu thân khanh điều chế gửi tới, dùng để an thần rất tốt.

Như vậy là được."
Đường Từ cúi đầu chắp quyền vâng dạ, rồi cung tiễn Hoàng đế đi, cho đến khi khuất bóng nàng mới buộc ngựa vào cọc gỗ, đi vào trà lâu.
Túi gấm thêu hình uyên ương bằng chỉ bạc, tay nghề thêu thùa tinh tế như thế, nhưng lật xem hai mặt đều không thấy ấn ký của phường thêu trong cung.

"Chao, túi gấm lấy từ chỗ Tô Nhị tỷ trong thành đây mà?" Tiểu nhị tới châm trà nhìn thấy túi gấm trên mặt bàn, cầm lên xem một hồi, thuận miệng cảm thán một câu.
Đường Từ nghe thấy, hỏi lại: "Ngươi nhận ra được?" Nàng đứng lên, "Vậy còn mùi hương? Ngươi có nhận ra là phương thuốc gì không?"
Chỉ thấy hương này dịu nhẹ khiến cho đầu óc thư thái, an ổn.

Tiểu nhị lắc đầu cười: "Chuyện này thì đại nhân làm khó ta rồi, ngài vẫn nên đi hỏi lang trung, đại phu thì hơn, bọn họ tiếp xúc với thảo dược cả ngày, chắc chắn sẽ biết."
Đường Từ cũng cho là phải, chỉ cần không phải là đồ có nguồn gốc từ trong cung thì dù thành phần dược liệu có quý hiếm đi chăng nữa cũng sẽ tra ra.

Nàng cất túi gấm, lại lấy ra mấy đồng bạc vụn đưa cho tiểu nhị.

Trà vừa châm đây cũng không kịp uống, lập tức gấp rút lên đường trở về.
Ngựa chạy nước kiệu về thẳng thành Ký Châu.

Vừa vào tới cổng thành, Đường Từ đã hỏi thăm đường tới nơi của Tô nhị tỷ trong lời tiểu nhị trà lâu nói, rồi cho ngựa chạy tới đó.

Y quán này có quy tắc thật đặc biệt, sau khi đưa túi gấm tới cho người tên Tô nhị tỷ kiểm tra, Đường Từ phải để lại một khoản tiền lớn gấp đôi, rồi theo hẹn định ngày hôm sau tới lấy.
Ngựa vẫn chạy không chùng vó về hướng phía thành Bắc, nơi có bãi trồng thảo mộc, bãi này là bãi dược liệu lớn nhất thành Ký Châu.

Nàng tới mua một lượng những loại dược liệu có tác dụng an thần, lúc này mới an tâm cho ngựa trở về ngõ Điềm Thủy.
"Mang chậu than tới đây!" Đường Từ sải bước đi vào nhà, vừa tới cửa đã phân phó.
Người đang vừa ngồi giặt quần áo vừa ngân nga hát kia nghe thế sửng sốt đến mức trừng mắt, ngẩn ra, cũng không kịp hỏi tại sao chủ nhân về muộn như thế.

Ngư Đồng nhướn mày, cao giọng hỏi lại: "Chậu than? Trời nóng như thế lại muốn chậu than, không phải công tử lại phát bệnh lạnh rồi đấy chứ?"
"Nói năng hồ đồ! Ta nói ngươi lấy ngươi cứ theo thế mà làm, đâu cần phải nhiều lời?" Đường Từ cho hắn một cái liếc mắt, thấp giọng trách mắng.
Ngư Đồng cũng không nề hà, hắn lau lau tay vào vạt áo rồi vào bếp lấy chậu than ra, mang tới trước mặt Đường Từ.
Đường Từ nheo mắt nhìn, dùng ngữ điệu chậm rãi nói những lời mỉa mai: "Ngư Đồng này, lấy một chậu than mà không châm lửa thì chậu than này còn có cái ích lợi gì vậy?"
Ngư Đồng bĩu môi,

lẩm bẩm lầm bầm xuống bếp lấy tới một thanh củi vừa rút ra từ lò, lửa hồng rừng rực âm ỉ.


Quạt gió một lát lửa liền bùng lên, than trong chậu đỏ rực như sắt nung.
Đường Từ ném túi hương vào chậu than, nghe được một tràng những tiếng nổ tí tách, thoáng chốc đã cảm nhận được luồng hương thảo dược bốc lên theo làn khói.
Ngư Đồng đứng bên nhìn một hồi, cũng tự suy nghĩ chủ nhân hắn hôm nay trở về từ Bích Vân tự vì lí gì mà đột nhiên lại làm những việc kì lạ này.

Hắn nghĩ không thông, bực tức than một tiếng: "Công tử, nếu không phải công tử phát bệnh, thì có khi nào là do say nắng đến mức đầu óc hồ đồ rồi không? Vừa về đã đòi chậu than, còn làm ta tưởng hôm nay có thịt nướng chứ? Cái túi thơm này công tử cứ xuống kia ném vào bếp là xong, lại còn...!chậu than."
Đường Từ cười, ánh mắt đăm chiêu nhìn xuyên qua ngọn lửa: "Ném vào bếp, dầu từ hương liệu chảy ra sẽ ngấm vào củi.

Họa như dược liệu trong túi thơm này không tốt lành gì, ngày mai ngươi có nuốt nổi cơm không?"
Ngư Đồng lại bĩu môi, "Người đang doạ trẻ ba tuổi đấy à?"
"Không hề, đây là ngươi nói, không phải ta nhé." Đường Từ không muốn dây dưa tranh cãi thêm gì nữa, vừa tùy tiện nói một câu vừa quay lưng đi vào phòng.
Ngư Đồng múc một gáo nước dập đi ngọn lửa, rồi vỗ vỗ đầu như thể vừa nhớ ra điều gì, nói vọng vào phòng: "Công tử, lúc trời chạng vạng Trần quản gia có tới, ta cứ tưởng ông ấy tới mời người vào phủ bàn chuyện, sau không thấy người ở nhà cho nên để lại một câu."
"Câu gì?"
Ngư Đồng cười xấu: "Cũng không phải là chuyện gì quan trọng, đêm nay khắp đường lớn ngõ nhỏ sẽ lan truyền đấy."
Đường Từ nghe thế, biết có chuyện rồi.

Ngư Đồng thì không nhìn thấy được phản ứng của chủ nhân, cho nên cứ tiếp tục phần mình mình nói: "Chính là vị đại nhân trong án Thất Phượng lâu kia, còn đang yên đang lành ở trong đại lao như thế mà đột nhiên lăn ra chết rồi! Chắc chắn là sợ lên đến đoạn đầu đài thì thi thể sẽ không nguyên vẹn, khó mà siêu thoát, cho nên đã tự vẫn."
Hình Khang Bình nhận án tử, đợi tới mùa Thu này sẽ hành hình, đã qua mấy tháng sống an ổn, mà hiện tại tới khi sắp kết thúc lại tự sát? Đại lao Hình bộ là một nơi người quỷ sống chung, người đã chết ở đây không ít, oan hồn hẳn là cũng không ít.

Không chịu được nhục hình, không chịu nổi khổ sở, không rửa được án oan, lí do dẫn đến cái chết là muôn hình vạn trạng, cũng không có gì đáng ngạc nhiên.

Nhưng Đường Từ nghĩ, nếu Tần Diên vì việc này mà cho người tới gọi mình đến nghị sự, thì chắc hẳn bên trong còn có uẩn khúc khác.
Cũng lại vừa khéo, nàng vừa thăm dò từ Hàn Lâm viện được một manh mối, đợi ngày mai tới phủ Thượng Thư sẽ bàn tính một thể.
- --
Vân Châu, Mộng Bạch đường.
Sau một hồi im lặng nghe thân tín đọc bức thư dài ba trang giấy, Cúc Mộc Bạch lắc đầu cười một tiếng, trách móc một cách bất đắc dĩ: "Lục Hòa vẫn luôn như thế, chuyện có thể gói trong mấy câu cũng có thể kéo dài thành mấy trang giấy."
Tay cầm bút lên, đầu bút khẽ chạm mực trong nghiên.
Người đọc thư là Đại bá, người đã tận mắt nhìn Cúc Mộng Bạch lớn lên, tận mắt nhìn thiếu nữ lanh lợi năm xưa sau bị hủy đi đôi mắt sáng, rồi tận mắt nhìn thiếu nữ ấy sau khi thành tàn phế vẫn lẻ loi một mình từ khi ấy đến nay.

Đại bá vốn không đành lòng, gương mặt hắn trầm xuống hẳn: "Mộng Bạch này, cứ giấu giếm như thế cũng không phải là biện pháp lâu dài.


Lục Hòa nay đã đề tên trên bảng vàng, kinh thành lại là nơi tàng long ngoạ hổ, không thiếu người tài, chắc chắn sẽ có đại phu giỏi có thể chữa mắt cho muội.

Không bằng, muội viết thư nói cho con bé biết đi."
Bàn tay gầy yếu có hơi chững lại, đôi mắt tĩnh lặng nhưng mơ hồ không tiêu điểm: "Tính tình đứa trẻ kia giống ta, rõ ràng một hai, nhưng chuyện này không để nó biết vẫn tốt hơn.

Huynh yên tâm, ta sẽ tự biết sắp xếp, sẽ không làm khổ bản thân mình." Nếu nói cho Lục Hòa biết mắt mình nay đã gần như không còn nhìn thấy gì, chắc chắn đứa trẻ này sẽ chẳng thể bình tâm mà ở lại Đế kinh lo đại sự.
Đột nhiên cửa bị đẩy ra, một nam tử trung niên bước vào.

Bước chân hắn đi mà như chạy, vừa vào đã hô: "Không xong rồi, không xong rồi!"
Ngũ quan hắn nhăn nhó, biểu tình rõ là hoảng hốt.

Tuy Cúc Mộng Bạch không nhìn thấy, nhưng dựa vào giọng nói vẫn nhận ra người vừa xông tới là ai.

Vỗ vỗ tấm nệm cạnh bàn, nói: "Lục thúc tới rồi.

Đừng gấp, ngồi xuống từ từ nói."
Trong trấn nhỏ này, nơi duy nhất thông hiểu chữ nghĩa là Mộng Bạch đường nơi đây.

Đường chủ Cúc Mộng Bạch còn trẻ mà có tài có đức, trong mười năm trở lại đây đã là ân sư của sáu Tú tài, ba bốn Cử nhân, ngay cả Lục Hòa đậu Bảng nhãn năm nay cũng xuất thân từ Mộng Bạch đường.

Vì thế, đường chủ đã sớm nổi danh là tài nữ Vân Châu.

Người được gọi Lục thúc kia được trấn an, lúc này mới bình tĩnh ngồi xuống, uống một chén trà rồi từ tốn kể lại chân tướng sự tình.
Cúc Mộng Bạch nghe xong, lại hỏi người tới có đông hay không, cử chỉ lời nói có chuẩn chỉnh lễ nghi hay không, xe ngựa đánh tới rộng rãi đẹp đẽ hay nhỏ hẹp tồi tàn, đủ thứ tiểu tiết.
"Nếu như vậy, Lục thúc và Lục phu nhân cứ yên tâm lên đường đi."
Lục Thập Bát nghe thế càng hoảng, vầng trán nhễ nhại mồ hôi: "Đường chủ, nhưng đám này người trong kinh thành đấy! Ta và phu nhân...!đường chủ cũng biết, xưa nay miệng lưỡi không nhanh nhẹn, nếu như có lỡ làm lộ ra..."
"Lộ ra cái gì?" Cúc Mộng Bạch lập tức ngắt lời, nhưng ngữ khí vẫn nhẹ nhàng nhàn nhạt: "Lục Hòa là độc đinh của Lục gia, cả trấn ai không biết chuyện này? Hai người vào kinh chuyến bày chỉ cần an dưỡng tuổi già, hưởng đời sống thanh nhàn mà bậc phụ mẫu nên có.

Chỉ như thế thôi, hà cớ gì phải lo lắng?"
—— Hết chương 15 ——.


trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện