Quyền Thần Dưỡng Thành

Chương 55


trước sau

Một mùa xuân nữa lại đến.

Mộc Tề Sơn là vùng lân cận kinh thành, một địa danh nổi tiếng với phong cảnh tú mỹ, cũng là vùng địa linh nhân kiệt sinh dưỡng hiền tài. Dãy núi chia vùng bình nguyên thành hai trấn nhỏ. Tây Tề Trấn nổi tiếng với biển trúc rừng đào, đẹp như tiên cảnh, lúc nào cũng có văn nhân mặc khách Đại Hạ đến thăm, để lại rất nhiều tác phẩm thơ văn và hội họa để đời. Cũng có nhiều quan lớn quý nhân học đòi văn vẻ, xây biệt trang trong trấn, muốn chiếm chút tiên khí.

Mà Nam Tề Trấn ở phía bên kia dãy núi lại được cho là vùng đất lành hiếm có theo đánh giá của các thầy phong thuỷ, nhất là góc phía nam Mộc Tề Sơn; đây là khu mộ của Mộ gia--trọng thần khai quốc Đại Hạ.

Nam Tề Trấn có tổng cộng khoảng một nghìn hộ dân, dân phong thuần phác. Mùa xuân hàng năm, một số người đến Mộc Tề Sơn bái tế tổ tiên, nhân tiện vào trấn du ngoạn. Người dân trong trấn cũng đem rượu gạo tự ủ và thịt khô tự làm ra bán, kiếm chút tiền lời.

Rượu gạo nổi danh nhất ở Nam Tề Trấn thuộc về tiệm rượu Mộc Phong. Từ Mộc Tề Sơn đến kinh thành phải đi qua tiệm này. Rượu của tiệm này được cho là ngon nhất trấn, thơm ngọt thuần hậu, mê mà không say.

Gần đây, đề tài bàn tán say sưa của người dân Nam Tề Trấn chính là tiệm rượu Mộc Phong kia. Một tháng trước bỗng có người vung tiền như nước, dùng một cái nhà hoa lệ bên cạnh tiệm rượu để đổi lấy tiệm rượu Mộc Phong chỉ có ba gian nhà trệt. Phong lão bản thiếu chút nữa bị món hời khổng lồ từ trên trời rơi xuống này đập cho hôn mê, vui mừng khôn xiết lập tức đồng ý rồi chuyển ra ngoài.

Dân trong trấn đều nhất trí cho rằng lão bản(*) mới của tiệm Mộc Phong nếu không điên thì chính là ngốc, thế nên mỗi ngày hễ rãnh rỗi là hướng về trước cửa tiệm nhìn quanh, xem xem tên ngốc đó rốt cuộc có bộ dáng gì.

(*) lão bản: chủ tiệm rượu

Gần nửa tháng sau lão bản mới lề mề xuất hiện, không phải là một thương nhân ngồi mát ăn bát vàng, cũng không phải một tiểu thiếu gia không hiểu sự đời, mà chỉ là một nữ tử tầm thường cùng với hai tiểu nhị.

Ngoại hình bà chủ tiệm rượu chỉ có thể xem như thanh tú, ước chừng hai mươi tư hai mươi lăm tuổi, sắc mặt trắng bệch, thoạt nhìn như con ma ốm, duy chỉ có đôi mắt cực kỳ trong trẻo, đen láy phảng phất một vũng hồ sâu.

Tiệm rượu ngay cả chiêu bài cũng chưa đổi, vẫn chỉ bán rượu và vài món ăn. Bà chủ tiệm và hai tiểu nhị đều lười đến chết người, mỗi ngày chỉ bán cơm trưa với hai món điểm tâm, mặt trời lên cao chót vót mới mở cửa, vừa qua giờ Dậu liền bắt đầu đóng cửa, làm ông chủ tiệm rượu đối diện trời chưa sáng đã phải lò mò dậy mở cửa buôn bán nhìn đến đỏ con mắt.

Trấn nhỏ bình yên không có chuyện gì lớn, lòng hiếu kỳ có thể giết chết mèo. Tiệm rượu vừa mới khai trương, thả hai dây pháo liền có người thò đầu vào cửa dáo dác nhìn. Không quá vài ngày, toàn bộ trấn nhỏ đều kháo nhau rằng: bà chủ tiệm rượu mở hắc điếm, một bình rượu những năm lượng bạc, đây là ăn cướp đó!

Hai ngày sau nữa, trấn nhỏ lại truyền ra: đồ nhắm và điểm tâm của hắc điếm này thật đúng là quá ngon, nhất là món đậu phộng trộn giấm và củ cải muối giòn, hễ ăn một lần là không dừng lại được!

Lại qua hai ngày nữa, toàn trấn nhỏ mọi người đều biết, hễ đến tiệm này uống rượu, thời điểm tính tiền, bà chủ nhất định sẽ hỏi một câu: rượu này thế nào?

Nếu ngươi đáp "Tạm được", một bình rượu năm lượng bạc tính đủ không bớt một xu.

Nếu ngươi đáp "Rất ngon", bữa ăn này tiền cơm số lẻ đến tám phần là được miễn.

Nếu ngươi thành thành khẩn khẩn đem rượu này khen thành một đóa hoa, bà chủ nhất định sẽ lướt mắt qua ngươi, thản nhiên phân phó một câu: miễn tiền rượu.

"Chư vị không biết có phải cũng như tiểu sinh, có loại cảm giác kỳ quái này?" Lúc này, trong đám người tán gẫu, có một thư sinh thản nhiên hỏi.

"Điền tú tài, cảm giác gì? Ngươi là người đọc sách, chúng ta là người thô kệch, không cảm thấy gì kỳ quái cả." Mọi người dụ dỗ nở nụ cười, ý bảo hắn nói tiếp.

"Đôi mắt kia thoáng nhìn qua, như băng tuyết mới tan(*), như bình ngọc chợt vỡ(**), hoàn hảo như hàn mai chớm nở giữa ngày đông... Thật là câu hồn đoạt phách, tâm thần đều say!" Điền tú tài rung đùi đắc ý nói xong, đôi mắt lim dim như người say.

(*) nguyên văn: băng tuyết sơ dung, nghĩa là băng tuyết vừa tan, ý chỉ nụ cười trên mặt người ít cười

(**) nguyên văn: ngân bình sạ phá, ý nói khí thế mạnh mẽ bất ngờ, làm lòng người rung độn. Trong bài thơ "Tỳ bà hành" của Bạch Cư Dị có câu "Ngân bình sạ phá thủy tương bính, Thiết kỵ đột xuất đao thương minh" (Bình ngọc chợt vỡ nước tung tóe, Thiết kỵ xông lên cùng giao tranh). Nguồn: https://trucnhatphi.wordpress.com/2014/06/25/tho-dich/

Mọi người cười càng vang dội: "Điền tú tài, là vì mùa xuân của ngươi đến rồi chăng?."

"Điền tú tài tư xuân(*), bất quá lời ngươi nói chúng ta nghe không hiểu, có bản lĩnh đến trước mặt bà chủ tiệm rượu mà nói đi."

(*) tư xuân: sinh lòng mến mộ, yêu thích một người nào đó

...

Bỗng một người do dự lên tiếng: "Đừng nói là ngươi, ta cũng cảm thấy... kỳ thật ánh mắt của bà chủ ấy... thật sự là... quá đặc biệt, làm cho người ta gặp rồi còn muốn nhìn lại."

"Ta cũng gặp qua," một người khác nhô đầu ra, "Nàng lườm ta một cái liền đi, nhưng ta thật cầu mong nàng lại nhìn ta vài lần."

Điền tú tài càng thêm đắc ý, chắp tay nói: "Anh hùng trọng anh hùng(*), tư vị này, tục nhân các ngươi đều không hiểu đâu."

(*) nguyên văn bản convert: "anh hùng chứng kiến lược đồng", seach trên google thấy nhiều truyện sử dụng câu này, thường là trong trường hợp hai người cùng cảnh ngộ, cùng cảm nhận, cùng suy nghĩ hay nhân sinh quan... nên rất hợp ý nhau

Có người lại dụ dỗ: "Tú tài, đã vậy không bằng ngươi cưới nàng ấy về, ngày ngày có thể thấy, lúc nào cũng có thể nhìn, đỡ phải mỗi ngày tốn bạc đi uống rượu."

"Đúng vậy, lão bà của ngươi mất cũng đã lâu, chỉ bằng ngươi là một tú tài, lại còn là tiên sinh dạy học, nàng ấy nhất định mừng rỡ cười đến miệng không khép lại được."

"Phi!" Điền tú tài phản bác, nhưng cũng không để bụng, có thể thấy là người tốt tính, "Với chủ ý của các ngươi? Bị các ngươi nói một hồi, chuyện tình tốt đẹp dường nào cũng đều trở nên tục tằng."

Nói xong, hắn lắc lắc chiếc quạt trong tay, tách đám người ra, đi về phía tiệm rượu Mộc Phong.

Đương lúc tháng ba, hương hoa thơm ngát lan tỏa trong không khí, trên con đường nhỏ thỉnh thoảng có vài người lạ cưỡi ngựa, ngồi kiệu đi qua. Thời gian này là lúc bái tế tổ tiên, cũng là thời điểm náo nhiệt nhất trong năm ở Nam Tề Trấn.

Điền tú tài khấp khởi đi đến tiệm rượu, như mọi ngày gọi một món nhắm, một bình rượu, ngồi ở chiếc bàn gần sát quầy tính tiền, chỉ thấy bà chủ tiệm lười biếng úp mặt lên bàn trong quầy, chỉ lộ ra mái tóc.

Điền tú tài cố lấy dũng khí, bắt đầu bắt chuyện với nàng ấy.

"Này, sao cho tới bây giờ vẫn chưa gặp qua lão bản nhà ngươi(*)?"

(*) ý nói chồng của bà chủ tiệm rượu

Tiểu nhị đang ngồi một bên, cũng một bộ dáng lười biếng úp mặt lên bàn mà ngủ, bỗng "phốc" một tiếng bật cười.

Bà chủ tiệm ngay cả đầu cũng không thèm nâng, hờ hững đáp: "Không có."

Mặt Điền tú tài đỏ lên, trong lòng mừng rỡ: "Này, phu nhân đây là tối qua không được ngon giấc sao?"

Bà chủ tiệm lạnh lùng hỏi: "Ta thực già lắm sao?"

Mặt Điền tú tài càng đỏ hơn: "Là tiểu sinh đường đột, cô nương, cô nương thoạt nhìn tinh thần không được tốt, tiểu sinh có một bằng hữu tốt là đại phu, có cần bắt mạch giúp không?"

"Không cần."

Mặt Điền tú tài đã đỏ rần như máu: "Tiểu sinh họ Điền, là tiên sinh dạy học, cô nương có rảnh không ngại đến thăm."

"Tiên sinh?" Bà chủ tiệm rốt cuộc cũng ngẩng đầu lên nhìn hắn, cao thấp đánh giá một phen.

Điền tú tài mừng rỡ, khẽ ưỡn ngực. Dáng người hắn ở cái trấn nhỏ này được cho là số một số hai, lại là người đọc sách, khí chất cũng coi như nho nhã, tuổi cũng chưa quá hai mươi lăm, từ sau khi thê tử qua đời, người trong trấn đến cửa
làm mai có thể xếp thành một bó to.

Bà chủ tiệm bỗng dừng ánh nhìn trên mặt hắn một lúc. Vẻ mặt Điền tú tài vốn đang tươi cười bỗng nhiên cứng lại: ánh mắt kia mất đi vẻ thanh tú thường gặp, thay vào đó là vài phần sát khí sắc bén.

"Bùm" một tiếng, nàng lại một lần nữa úp mặt lên bàn.

Điền tú tài lúc này mới dám thở phào một hơi nhẹ nhõm, có chút buồn bực nhìn mái tóc nàng, vừa định không ngừng cố gắng tiếp cận, chợt thấy cửa mành run lên, có hai người bước vào.

Người đi đầu thân hình cao lớn, một thân cẩm bào màu đen, mày kiếm dài thẳng nhập vào tóc mai, đôi mắt lăng nhiên, môi mỏng khẽ nhếch. Sự uy nghiêm và lạnh lùng lấn át hết vẻ tuấn lãng của hắn, làm cho người ta vừa nhìn thấy liền ớn lạnh.

Người đi phía sau, hiển nhiên là tùy tùng của hắn, bước nhanh đến cạnh một cái bàn, phất phất tay áo lau bàn ghế, xong xuôi mới mời chủ nhân của hắn ngồi xuống.

"Vương gia muốn dùng gì?" Tùy tùng nọ thấp giọng hỏi.

Người nọ trầm mặc, sau một lúc lâu mới nói: "Nghe nói... Hắn thích uống rượu gạo tiệm này..."

Tùy tùng muốn nói lại thôi, thở dài một tiếng, hướng về phía quầy nói: "Tiểu nhị, một bình rượu gạo, hai món nhắm."

Trong quầy, bà chủ tiệm không biết từ lúc nào đã biến mất tăm. Tiểu nhị đang úp mặt trên bàn ngước đầu lên nhìn quanh, lát sau lười biếng đứng lên: "Ai nha khách quan, tiệm ta không bán rượu gạo, bất quá rượu của tiệm ta là do thiên hạ nhất đẳng danh sư ủ cất, năm lượng bạc một bình, ngươi có muốn hay không?"

Người nọ chợt nhìn qua: "Không bán rượu gạo?"

Tiểu nhị bị nhìn đến trong lòng phát lạnh, chợt không phục trừng mắt nhìn lại: "Muốn uống rượu gạo trước kia, phiền khách quan ra cửa rẽ trái, đi thong thả không tiễn."

Người nọ vẻ mặt buồn bã, thấp giọng nói: "Thì ra là thế, đổi lão bản rồi, xem ra chung quy là ta không có duyên phận. Cũng được, đem rượu nhà ngươi ra đây."

Tiểu nhị miễn cưỡng đáp một tiếng, vừa mới chuẩn bị vào trong bưng rượu ra, một tiểu nhị khác đã đi tới, khóe miệng nặn ra một nụ cười ái ngại: "Ngại quá, khách quan, hôm nay rượu đã bán hết rồi."

Người nọ sửng sốt, thần tình lạnh lùng nhìn bọn họ.

Tùy tùng ở một bên tức giận đứng lên, chỉ chỉ thực khách trong phòng nói: "Bọn họ đều có, sao chúng ta vừa mới đến liền bán hết? Mới giữa trưa mà các ngươi đã không bán rượu, làm ăn buôn bán như thế sao?"

Tiểu nhị gãi gãi đầu, khó xử nói: "Mở cửa buôn bán, nếu có sao ta lại không bán cho ngươi? Không bằng như vầy đi, ta cùng ngươi đến tiệm đối diện xem một chút? Nếu không chê, ta giúp ngươi mua hai bình rượu gạo, xem như chu toàn đi?"

Điền tú tài ở một bên có chút hốt hoảng. Theo hắn thấy, hai người kia không phú cũng quý, không phải là nhân vật dễ đối phó. Hắn vội vàng đứng lên hoà giải: "Vị nhân huynh này họ gì? Nếu không chê, nơi này ta còn một bình, không bằng cùng nhau..."

Tùy tùng kia trầm mặt, nhận bình rượu từ trong tay hắn, tùy tay lấy ra một khối bạc vụn ném lên bàn hắn: "Đa tạ."

Tiểu nhị kia nhìn chằm chằm bình rượu trong tay tên tùy tùng, cơ hồ như muốn lao ra đoạt lại, chỉ là tùy tùng kia hai tay vững vàng, hơi thở dư thừa, vừa thấy đã biết là cao thủ nên hắn không dám lỗ mãng, đành phải phẫn nộ về lại quầy.

Gian phòng yên tĩnh trở lại. Người nọ ngồi ngay ngắn trên ghế, chậm rãi tự châm tự uống. Rượu ngon dường như có thể xua tan một phần lạnh lùng trong hắn, vẻ mặt dần dần buồn bã thê lương, làm người ta không đành lòng nhìn.

"Tử Duyệt... Ngươi rốt cuộc ở nơi nào..." Người nọ khẽ nói, giọng bi thương.

"Ta chờ ngươi lâu như vậy, ngươi, tim ngươi chẳng lẽ là sắt đá..."

"Ngay cả ngày giỗ người nhà mà ngươi cũng không về sao? Ta ở trong núi đợi ngươi hai ngày hai đêm..."

"Cùng trời cuối đất? Chẳng lẽ ngươi thật sự muốn ta đến đó tìm ngươi? Ta chỉ sợ, sợ cho dù có đi đến đó vẫn không tìm thấy ngươi..."

Chợt hắn ngửa cổ trút bình rượu vào miệng sùng sục uống, không đến một lát, rượu trong bình đã bị hắn uống hết sạch. "Đông" một tiếng thật lớn, hắn vỗ bình lên bàn, cười ha ha mấy tiếng, nhưng chưa đến một lát tiếng cười đã im bặt, chỉ có lệ quang óng ánh trong đôi mắt. Hắn cao giọng xướng:

"Lục hề y hề, lục y hoàng lý. Tâm chi ưu hĩ, hạt duy kỳ dĩ? (*)

Lục hề y hề, lục y hoàng thường. Tâm chi ưu hĩ, hạt duy kỳ vong?" (**)

(*) Đây là bốn câu trong bài thơ "Lục y 1", dịch nghĩa như sau:

"Màu lục thì may làm áo,

Áo màu lục mà lót màu vàng.

Lòng ta sầu đau là vì thế,

Lúc nào mối sầu đau ấy mới dứt?"

Theo Chú giải của Chu Hy, lục (màu xanh lá cây) là màu xanh dương trộn màu vàng, là màu pha lộn; hoàng (màu vàng) là màu chính, màu đất, màu trung ương. Màu lục, màu pha lộn là màu hèn, lại được may làm áo. Còn màu vàng, màu chính, thì bị may lót ở trong, ý nói màu sắc sang hèn dùng không đúng chỗ; dĩ: dừng, thôi. Trang Công bị mê hoặc vì người thiếp yêu dấu. Phu nhân, vợ chính là Trang Khương hiền thục mà bị mất địa vị chính thất, mới làm bài thơ này. Nói rằng: áo màu lục mà lót màu vàng là so sánh việc người hầu thiếp hèn hạ mà được cao sang vinh hiển, còn người vợ chính đích thê thì bị quên bỏ, phải âm thầm hèn hạ, vì thế, cứ buồn mãi không thôi.

(**) Đây là bốn câu trong bài thơ "Lục y 2", dịch nghĩa như sau:

"Màu lục thì may làm áo,

Áo màu lục, quần màu vàng.

Lòng ta sầu đau là vì thế,

Lúc nào mối sầu đau ấy mới quên đi?"

Theo chú giải của Chu Hy, "y" là áo mặc ở trên, "thường" là quần mặc ở dưới, "vong": quên. Sách Lễ Ký chép rằng: áo mặc ở trên phải may với màu chính, quần mặc ở dưới phải may với màu pha lộn. Nay áo thì may với màu lục (màu pha xanh với vàng), còn màu vàng (màu chính) thì bị lót vào trong và chuyển ra may làm quần. Việc dùng không đúng chỗ càng quá tệ; (Nguồn: https://www.thivien.net).

Tùy tùng kia không thể kiềm được, nghẹn ngào khuyên nhủ: "Vương gia! Vương gia! Người đừng tra tấn mình như vậy! Nghiễm An vương dưới cửu tuyền cũng không nhẫn tâm thấy người như vầy đâu!"

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện