Tình yêu là gì?
Là viên kẹo mà định mệnh sắp đặt.
Vậy viên kẹo đó có vị gì?
Ngọt như đường, chua như quất, đắng như thuốc, và cay xé lòng.
Tất cả những dư vị đó, từ 4 năm trước, Hải Uyên đều đã trải qua rồi.
***
4 năm trước.
“Uyên! Có phải con bỏ ngoài tai lời ba nói đúng không?” Người đàn ông lớn tiếng mắng con gái, hai bàn tay dứt khoát xé nát tờ giấy nguyện vọng của con.
Tờ giấy không tình nguyện bị hủy hoại, nhưng nó không có sức phản kháng, đơn giản chỉ vì nó là một tờ giấy vô tri vô giác, nhưng mang theo niềm kiêu hãnh về một ước mơ đẹp đẽ của tuổi trẻ.
Nó lưu luyến với không khí, rồi nuối tiếc ngã nhoài xuống sàn nhà lạnh lẽo, trở thành những mảnh vụn.
Đây không phải là lần đầu tiên người trong xóm nghe thấy gia đình kia lộn xộn vì cô con gái, nhưng cũng không phải thường xuyên nghe thấy, mà là chỉ vài ba lần khi các đợt thi sắp diễn ra.
Nguyễn Hải Uyên là cô con gái duy nhất của gia đình đó, nên toàn bộ yêu thương đều dành cho cô, bao gồm cả sự kì vọng.
Cô con gái lên lớp 12, đồng nghĩa với thời điểm mà sự kì vọng được đẩy lên cao trào.
Hải Uyên học không quá xuất sắc, nhưng các môn học đều có số điểm thuộc loại khá giỏi, ngoại trừ tiếng Anh.
Cô rất ghét tiếng Anh, nhưng ba mẹ muốn cô học chuyên ngành ngôn ngữ này, vì nó có triển vọng cho tương lai.
Hải Uyên si mê hội họa, nhưng ba mẹ xem đó là đam mê, không phải nghề có thể nuôi sống bản thân.
Họ không biết rằng tài năng của Hải Uyên là quả ngọt trời ban, cũng không biết con gái họ chấp nhận dùng cả đời để gieo hạt chăm cây, dù thành quả có chua hay ngọt cũng đều chấp nhận.
Hải Uyên biết ba mẹ lo cho tương lai của cô, nhưng cô không muốn đi theo lối mòn họ vạch sẵn.
Hải Uyên nắm chặt tay, hàng mi rũ xuống, nhẹ nhàng nói: “Cho dù ba có xé một lần, một trăm lần, một nghìn lần, con cũng sẽ viết lại.”
Người đàn ông lớn tuổi ôm gương mặt mình trong sự bất lực.
Mất một lúc để giữ bình tĩnh, ông nuốt cơn giận vào lòng, thấp giọng hơn: “Uyên, nghe lời ba, vẽ là đam mê, là ước mơ của con, nhưng nó không nuôi sống bản thân con.
Uyên à, ba mẹ chỉ có mình con, ba mẹ không thể theo con, nuôi con, nuôi cả ước mơ của con cả đời được.”
“Vậy ước mơ của ba mẹ thì có thể nuôi được ạ?”
Ông Tú tận tay nuôi Uyên lớn, đương nhiên nhìn rõ được hàm ý đằng sau câu hỏi ngây dại đó của con gái, “Được, tiếng Anh sẽ giúp con dễ dàng hái ra tiền.
Đến lúc đó, con muốn chạy theo đam mê nào, ba mẹ đều ủng hộ.”
Lời nói của ba rất có lý, nhưng cũng chính cái lý đó hóa thành mũi dao đục vỡ sự kiên nhẫn của Hải Uyên, cô rơm rớm nước mắt: “Con nói rồi, con sẽ vào đại học Mỹ thuật Thương Kinh, ba mẹ không cản được con đâu.”
“Uyên! Con có xem ba là ba của con không?” Ông Tú quát lớn.
Hải Uyên nức nở gào lên: “Có người ba nào nhẫn tâm đạp đổ ước mơ của con bằng ước mơ của mình không?”
Lời nói vừa dứt, bàn tay lớn và chai sần của ông Tú giáng xuống gương mặt Hải Uyên.
Chát!
Sững sờ sau hành động vì nóng giận mà bộc phát, ông Tú nhìn bàn tay run run của mình, lại nhìn đến bên má đỏ ửng của Hải Uyên.
Hải Uyên đang bần thần, giống ông, giống bà Liên.
Đó là lần đầu tiên ông Tú đánh con gái, đánh trong cơn nóng giận, và sự hối hận muộn màng theo sau.
Ông Tú lại gần một bước, muốn xoa dịu má Uyên, và cũng muốn xin lỗi Uyên vì hành động đáng ghét vừa rồi của mình.
Nhưng Hải Uyên né tránh ông, lùi lại phía sau.
Không phải vì sợ hãi, mà là vì sự thất vọng và tội lỗi bủa vây cô.
Hải Uyên cúi thấp đầu, lời nói mang theo giọng mũi: “Con xin lỗi ba mẹ vì đã vô lễ, con xin phép về phòng trước.”
Vừa bước qua người ông Tú, nước mắt Hải Uyên đã vương đầy khóe mắt.
Và sau tiếng đóng cửa, Hải Uyên úp mặt vào gối, trùm chăn kín người.
Theo tiếng nấc, nước mắt tuôn trào như suối.
Hải Uyên là họa sĩ mạng, không tính là nổi bật, nhưng cũng xem như có chút tiếng tăm.
Cô dùng cái tên Nàng Quýt để thỏa mãn đam mê, tranh của Nàng Quýt được rất nhiều người thích.
Có một