Bị soát người là bước đầu tiên khi bước chân vào phủ đệ của thái thú, không có ngoại lệ.
Nhưng rất rõ ràng, Lục Quân không thể để người ta kiểm tra được.
Chàng ôm đàn đứng trước cửa, dáng thon chân dài, có một vẻ đẹp lạnh lùng khó nói. Người ngoài nhìn sẽ thấy “nàng” kiêu ngạo thanh cao, không như người thường. Trong mắt đám lính canh, nữ lang tên gọi Trần Tuyết lại xem nhẹ đại đao bên hông bọn họ, cũng hoàn toàn coi thường gương mặt như hung thần ác sát của họ. Cánh môi đỏ mọng của nữ lang nhoẻn cong, giọng êm dịu như bông lướt qua con tim, khiến lòng người rung động: “Uy hiếp ta?”
Cách một con hẻm, các quân sĩ nấp trên cây và trên tường run bắn mình, suýt nữa đã ngã xuống: Không ngờ giọng của tam lang… lại mị hoặc đến thế. Nếu không biết chàng là nam nhi, khéo có khi bọn họ cũng sẽ đỏ mặt mất.
Mà rất rõ ràng, lính canh bên kia đã bị ảnh hưởng bởi đôi mắt đen láy của nữ lang. Hàng mi của nương tử Trần Tuyết cong vút như cánh chim, đôi mắt long lanh, lúc nàng tập trung nhìn người ta, vẻ phong hoa trong đôi mắt đẹp sóng sánh dao động… Cái đẹp trong ánh mắt đủ câu hồn nhiếp phách, nhưng nét nàng mặt vẫn hờ hững lạnh lùng, khí chất mâu thuẫn tập trung lên người khiến phòng tuyến của lính canh thất thủ.
Trần Tuyết nhìn cây đàn trong ngực mình, buồn bã nói: “Thiếp thân này chỉ có tài đánh đàn, bước chân vào phường ca hát để kiếm sống, ai ai cũng gọi thiếp một tiếng ‘đại gia’. Không ngờ rằng rành rành phủ quân mời thiếp đến đánh đàn, nhưng lại bị ngăn bước ở ngoài phủ đệ, bị làm nhục thiếp như vậy. Tuy thiếp chỉ là phận nữ nhi chơi đàn, nhưng cũng không nên bị coi rẻ như thế.”
Sóng mắt lưu chuyển, Lục Quân rơm rớm hai giọt nước mắt để phụ họa. Nhưng chàng không có bản lĩnh nói khóc là khóc thật như Dư Nhi muội muội nhà chàng. Chàng chớp mắt hoài mà vẫn chẳng có giọt nào rơi ra, thế là bèn thôi, Lục tam lang khẽ thở dài. Chàng thất vọng như vậy cũng khiến người nhìn không đành lòng, còn chàng không đợi đối phương lên tiếng đã ngồi ngay xuống đất.
Đánh đàn biểu diễn để kháng cự.
Chẳng mấy chốc, âm thanh vang khắp đất trời, tiếng đàn như thác đổ tấn công đến, vừa lên cao lại hạ xuống, quanh quẩn giữa thiên không. Thật đúng là xứng với câu “nội tâm lắng lại, hòa cùng vạn vật biến hóa trên thế gian.”
Lính canh lóng ngóng: “Nữ lang à, cô như thế, như thế… không hay lắm đâu.”
Ngồi trước cửa phủ thái thú đánh đàn, nhìn như nàng bị phủ quân ức hiếp vậy. Khí phách và tâm tính này rất được thời đại sùng bái. Nhưng trên thực tế, phủ quân không hề ở trong phủ.
Ngón đàn của Trần Tuyết phải gọi là cực kỳ xuất chúng, quân sĩ và người đi ngang qua ít nhiều đều dừng chân, nhìn nữ lang ngồi dưới đất đánh đàn. Nữ lang làn da trắng nõn, tóc xanh ôm lấy hai má, rơi trên áo, nàng cụp mắt, toát lên vẻ đẹp nhã nhặn yên ắng.
Khó mà liên tưởng nàng với kỹ nữ chơi đàn cùng giới được.
Mọi người truyền tai nhau ——
“Nữ lang này là ai mà đánh đàn hay thế? Trước kia chưa thấy bao giờ.”
“Đáng tiếc lại vào phủ thái thú… Đúng là đáng tiếc.”
Lúc này, thái thú vừa từ doanh trại ngoài thành quay về, không ngờ bị chặn đường ngay trước cửa phủ nhà mình. Ông ta sốt ruột, người hầu đến hỏi mới biết đã có chuyện gì xảy ra. Có nữ lang dám diễn trò ngoài phủ đệ mình, thái thú vừa bất ngờ vừa thấy hứng thú. Ông ta xuống xe, chắp tay đi vào giữa đám đông, giả vờ là người bình thường xem là nữ tử nào mà lại to gan đến thế.
Tiếng đàn dừng lại, nữ lang ôm đàn đứng dậy, nhún nhường xoay người, khom lưng vái lạy ông ta, âm thanh khàn khàn có vẻ mị hoặc lòng người: “Thiếp bái kiến phủ quân.”
Thái thú chấn động, nhìn thẳng vào nàng.
Nữ lang thon thả đứng giữa đám đông, cao quý lạnh lùng như hạc, đúng là băng thanh ngọc khiết. Mặt nàng toát lên vẻ kiêu ngạo, cổ thon dài, gió thổi tay áo phất phơ. Tà váy bay lên, kéo dài chiếc bóng cao ngất của nàng. Thoạt nhìn lạnh lùng biết mấy.
Nhưng lại cực kỳ xinh đẹp.
Như đóa anh túc có thể hại chết người, song vẫn dụ dỗ người tìm đến.
Ngay từ cái nhìn đầu tiên, thái thú đã bị khí chất trên người nàng chinh phục, bất giác mở miệng: “Mời Trần nương tử vào phủ, không cần phải soát người.”
Người hầu sau lưng ông ta không đồng ý: “Phủ quân, nếu nữ lang này là gián điệp…”
Thái thú thấp giọng: “Không thể có chuyện đó được. Nam quốc điên hay sao mà để người cao ngạo thế này đến làm do thám? Nữ lang này thần bí, không dễ gì mời… Nếu ta thật sự chết trong tay nàng ta, thì cũng là nàng ta có thủ đoạn cao siêu.”
Ở ngoài hẻm, quân sĩ Nam quốc căng thẳng suốt một canh giờ, nhìn thái thú sau khi về thì mở toang cửa phủ, còn đưa tay định đỡ Lục tam lang đi vào. Song Lục tam lang lại quá thanh cao, chẳng thèm liếc nhìn một cái, tự ôm đàn vào. Mặt thái thú cứng lại, có điều vẫn không để bụng.
Các quân sĩ: “…”
Không phải là Nam quốc muốn phái người cao ngạo như thế làm do thám. Chỉ là Lục tam lang quá giỏi giở trò… Chàng biết nam nhân thích nữ tử thế nào nên có thể lợi dụng điều đấy. Kiểu thần bí cô độc như Trần Tuyết… cực kỳ giống sự thanh cao thường ngày của Lục tam lang. Khiến chàng diễn mà như không diễn.
***
Trần Tuyết chỉ là một kỹ nữ đánh đàn thần bí, trải qua nhiều biến cố trong đời ở Lạc Dương. Nàng nói mình đến từ vực Bắc, chịu nhiều đau khổ và nhìn rõ lòng người dối trá, nên mới luôn có vẻ ưu sầu trầm lặng. Trần Tuyết đẹp như vậy, dù ngồi dựa vào cửa sổ ngắm hồ đến xuất thần, thì vẻ uất ức trên mặt và giữa hai hàng chân mày của nàng cũng khiến người khác đau lòng.
Chỉ hận không thể đem mọi thứ tốt nhất trên thế gian bày ra trước mặt nàng, mặc nàng tự chọn.
Hơn nữa, lòng tự ái của nữ tử này còn rất lớn.
Thái thú háo sắc, nàng lại nói: “… Dễ dàng có được thì lại không vui. Vì sao phủ quân không giữ điều đẹp nhất đến cuối?” Thái thú bị tài ăn nói của nàng thuyết phục, cũng đồng tình với nàng.
Ngày đầu tiên để vào phủ thái thú mà không bị soát người, Trần Tuyết đã ngồi gảy đàn ngay ngoài cửa phủ. Sau khi thái thú biết rõ tính tình của nàng, thì nếu nàng chưa gật đầu thì ông ta cũng chỉ dám dè dặt lấy lòng. Ông ta chảy hết nước miếng, lại sợ sẽ khinh nhờn nàng… Chính thái thú cũng không biết vì sao trên người Trần Tuyết lại có khí chất được bao người theo đuổi như vậy.
Mà ngón đàn của nàng lại quá mức xuất sắc.
Danh tiếng của nàng ở Lạc Dương dần lớn mạnh, mỗi lần thái thú Lạc Dương dẫn vũ nữ ra ngoài dạo chơi thì sẽ mang theo nàng bầu bạn. Sau ba lần bốn lượt, tất cả sĩ tộc giới thượng lưu ở Lạc Dương đều biết đến sắc đẹp mỹ miều và tài đánh đàn xuất chúng của nữ tử này. Giữa các sĩ tộc có thể trao đổi kỹ nữ với nhau, nên đã có người đưa ra thỉnh cầu trao đổi mỹ nhân với
thái thú Lạc Dương. Nhưng đến ông ta còn chưa ăn được mỹ nhân, thì đâu có chuyện đưa mỹ nhân cho kẻ khác?
Dưới sự làm phiền đầy bền bỉ của thái thú, cuối cùng nội tâm cô độc của Trần Tuyết cũng phá băng, nàng đã chịu mỉm cười với ông ta. Tuy tốc độ băng nứt không nhanh tẹo nào, ngẫm cũng phải mất ba ngày. Nhưng thái thú lại rất kiêu căng, cho rằng mình có bản lĩnh.
Vì Trần Tuyết từng bị nhiều người bắt nạt nên không thích nói chuyện với người ngoài. Thái thú cười đùa dẫn dắt nàng nói chuyện, thì nàng mới chịu mở lời đôi câu. Mới đầu ông ta dùng quân cơ Bắc quốc dò xét nàng, thấy nàng uể oải không có hứng thú thì mới yên tâm, tin rằng nàng không phải là do thám. Nhưng khi ông ta bắt đầu say sưa nói chuyện trong quân, đương nhiên không biết Trần Tuyết mà ông ta lấy lòng đang nghe rõ mồn một, ghi tạc trong lòng.
Phủ thái thú chậm rãi náo loạn.
Người hầu trong phủ, quân sĩ ra vào thỉnh thoảng nói chuyện với nữ tử này. Nàng rất hiểu việc kiêng kỵ đụng chạm với người khác, nên mỗi lần trò chuyện cũng cẩn trọng ba phần, trong mắt có vẻ run rẩy, muốn nói lại thôi, sâu kín yếu ớt, tiếc nuối thương xót… Dần dần, phủ thái thú loạn lên, người hầu và quân sĩ âm thầm đánh nhau, chỉ vì muốn biết rốt cuộc nàng thích ai. Nhưng khi đến trước mặt thái thú, bọn họ lại đồng loạt bảo vệ Trần Tuyết.
Chỉ nói chuyện đôi ba lời, chính Trần Tuyết cũng không nhớ mình đã từng nói chuyện với ai. Nhưng người theo đuổi nàng lại xếp cả hàng dài.
Quân sĩ Nam quốc âm thầm quan sát bọn họ, nhìn phủ thái thú bị một mình Trần Tuyết gây rối: … Dù nam hay nữ cũng phải xiêu lòng, không hổ là ngọc lang Kiến Nghiệp.
Có một lần, hai vị quân sĩ đã vung tay đánh nhau vì Trần Tuyết nương tử.
Tới tối khi uống rượu, thái thú nổi giận lật bàn, rút đao hỏi tội Trần Tuyết. Mọi người xung quanh nơm nớp lo sợ nhưng cũng không giúp được gì, nhưng lúc này nữ lang đã chậm rãi đứng lên, rút trâm cài ra, quỳ xuống trước mặt thái thú đang nổi cơn tam bành. Trần Tuyết buồn hiu, nói rằng nàng vô cùng ái mộ thái thú, trong lòng tuyệt đối không có người khác. Lục tam lang có tài văn chương, tuy Trần Tuyết chàng đóng giả chỉ là kỹ nữ chơi đàn, nhưng dưới sự ảnh hưởng của chàng, nữ lang rơi lệ buồn bã, bộc lộ tấm lòng thầm mến với thái thú, khiến thái thú nghe đến ngẩn ngơ, ngỡ rằng đã tìm được tình yêu thật lòng.
Trần Tuyết quỳ dưới đất, ngẩng đầu lên nghẹn ngào: “… Thiếp nguyện bầu bạn với phủ quân trong suốt quãng đời còn lại.”
“Từ nhỏ thiếp có một nguyện vọng lớn, đấy là mang đàn đi khắp thiên hạ để có được danh tiếng. Nhưng từ khi gặp phủ quân, thiếp bỗng hiểu ra điều đó không có nghĩa lý gì. Những thứ vật ngoài thân như vàng bạc, tất cả đều không bằng lang quân ngài.”
Giọng thái thú run run: “Nàng, nàng…”
Ông ta khom lưng, cầm lấy tay nàng: “Nàng nói đúng, nói đúng…”
Trần Tuyết cúi đầu, bẽn lẽn mỉm cười.
Con tim thái thú nhẹ nhõm sung sướng, ông ta lùi về sau hai bước cười to, không hề hay biết lúc Trần Tuyết chậm rãi đứng lên, nàng ghét bỏ dùng khăn tay trong áo lau đi. Khăn tay bị ném đi, lại khiến người ta giành giật.
***
Chỉ chưa tới nửa tháng, Trần Tuyết đã quậy cho phủ thái thú Lạc Dương rơi vào cảnh trời long đất lở, thái thú tuyên bố muốn nạp làm nàng thiếp, còn lần đầu tiên dẫn nàng đi gặp danh sĩ bị nhốt trong phủ.
Thái thú rất xem thường những danh sĩ suốt ngày chơi chữ, viết văn đả kích triều chính, ảnh hưởng dư luận trong thiên hạ, ông ta muốn giày vò bọn họ tới chết. Sau mấy lần Trần Tuyết ấp úng, ông ta lập tức thu xếp cho những danh sĩ này vẽ Sĩ Nữ Đồ cho nàng thiếp mới ông ta yêu thích.
Thái thú cười bảo: “Tuyết Tuyết của ta vào Sĩ Nữ Đồ rồi, mỹ danh sẽ truyền khắp thiên hạ.”
Lục Quân: “…”
Mặt chàng đen lại.
Chàng không hề muốn mỹ danh truyền khắp thiên hạ.
Nhưng vì để gặp mặt các danh sĩ này, Trần Tuyết nữ lang đành phải ra vẻ mừng rỡ cảm kích, cảm tạ ân điển của thái thú.
Đương nhiên các danh sĩ nào muốn vẽ tranh cho một tiểu thiếp, bọn họ tự có phẩm đức của mình, Sĩ Nữ Đồ là chuẩn mực cho các nữ lang khắp thiên hạ, Trần Tuyết là cái thá gì? Không đáng để nhắc đến. Thái thú bị các danh sĩ phỉ nhổ làm nhục, Trần Tuyết lại khuyên nhủ ông ta, bảo mình muốn vào nói chuyện với các danh sĩ một lúc.
Các danh sĩ bị giam giữ đã chịu đủ sự nhục nhã do thái thú Lạc Dương gây nên, dù đang bị nhốt cũng thà chết bất khuất, không chịu nghe thái thú, viết vẽ những bức thư bức tranh mà mình không thích. Thái thú tức giận mắng chửi: “Một lũ heo nái ngu xuẩn! Dám xem thường ta hả, ta có thể giết chúng bất cứ lúc nào!”
Trong căn phòng tối đen như mực, các danh sĩ ưỡn thẳng sống lưng, ngạo nghễ bất khuất. Cửa bị đẩy ra cái *két*, nữ lang xinh đẹp Trần Tuyết bước vào.
Đây là lần đầu tiên Lục Tuyết Thần gặp những danh sĩ này.
Ván đầu tiên đã mở, chàng cũng hỏi luôn chỗ đại sư hỏa dược bị nhốt, nghiên cứu xem nên thay thế người trong phủ thế nào để cứu những người này ra… Tất thảy đều đã có phương hướng.
Không biết Trần Tuyết ở trong phòng nói chuyện với các danh sĩ thế nào, mà hai canh giờ sau khi Trần Tuyết đi ra ngoài, các danh sĩ đã thay đổi ý định, đồng ý vào đêm thái thú nạp thiếp sẽ vẽ tranh, để mỹ danh của nữ lang truyền khắp thiên hạ.
Sau khi hỏi được chỗ nhốt đại sư hỏa dược, Lục Quân không tìm cơ hội gặp người nữa, đỡ khiến kẻ khác nghi ngờ. Chàng đang nghĩ, đêm thái thú Lạc Dương muốn nạp Trần Tuyết làm thiếp chính là cơ hội tốt để ra tay. Thái thú còn chưa kịp đụng đến dù chỉ là một ngón tay, thì mỹ thiếp mới của ông ta đã trở thành lang quân khôi ngô… nhất định thái thú sẽ ngạc nhiên lắm cho xem.