Cứ tới giờ thể dục, lớp Thẩm Quyền được chia cho một khoảng sân riêng. Giáo viên thể dục hay giáo viên quốc phòng nào cũng vậy, có một khoảng sân riêng và chỉ tập luyện trong khoảng sân đó trừ khi chạy bộ. Một khoảng có thể có 2 giáo viên nhưng được sắp xếp để dạy vào 2 thời điểm khác nhau. Sang tới lớp Taekwondo vào buổi tối, phần sân không bị giới hạn mà thích tập ở đâu thì tập.
Phan Minh Khuê ra hiệu cho lớp mình chia làm 4 hàng ngang theo thứ tự đã sắp xếp từ mấy buổi đầu. Vẫn như các buổi trước, Thẩm Quyền cho các học sinh không mặc đúng đồng phục, sai quy định về giày dép lên đứng phạt. Mặc dù Thẩm Quyền rất dễ tính, không ghi tên ai vào sổ ghi đầu bài bao giờ nhưng hình phạt thì oái oăm. Không chạy quanh sân thì có thể chống đẩy, không chống đẩy thì đi ôm gốc cây 10 phút, chạy từ tầng 4 xuống tầng 1 ba vòng, đi bê nước không công cho các lớp khác.
Ít nhất đó là cách hiệu quả để phạt học sinh, tất nhiên là không phải lớp nào cũng không có người không vi phạm.
Hắn còn chưa kịp hỏi, Lưu Trường An đã đứng dậy, rất ngoan ngoãn mà bước lên phía trước, khuôn mặt rạng rỡ như vừa trúng xổ số.
Tự tin có thừa nhưng mặc sai đồng phục.
Thẩm Quyền gật đầu, hỏi:
"Còn anh chị nào không mặc đúng đồng phục thì tự giác bước lên phía trước, tôi sẽ không ghi vào sổ ghi đầu bài."
Phía dưới bỗng im ắng đến lạ.
"Tôi nhắc lại, còn ai không mặc đúng đồng phục thì tự giác đứng lên, để tôi phát hiện ra thì không hay đâu. Nếu không còn ai thì tôi sẽ bắt đầu tiết học..."
Lưu Trường An túm tay Nguyễn Anh Tú lôi lên.
"Diêng ơi, mày không trốn được đâu."
Nguyễn Anh Tú: "..."
Lúc cậu ta đi lên, Thẩm Quyền để ý thấy cậu đang đi dép chứ không phải đi giày thể thao bèn bắt đứng trước lớp, bên cạnh Lưu Trường An.
"Còn anh chị nào nữa không?"
Thẩm Quyền đi kiểm tra một vòng, thấy không còn học sinh nào mặc sai nữa mới trở về chỗ của mình, bắt đầu bài tra hỏi như mọi ngày. Lưu Trường An rất tự giác mà khởi động trước, uốn tay uốn chân chuẩn bị chịu phạt trong khi Nguyễn Anh Tú đang xẹp lép như bánh đa nhúng nước mà ngồi dưới gốc cây.
"Anh Tú, tại sao cậu không mặc đúng đồng phục?"
"Con chó nhà em cắn rách giầy em rồi."
Thẩm Quyền gật gật, chẳng biết là có để câu của cậu vào đầu hay không.
"Con chó nhà cậu vẫn chưa mua rọ mõm à?"
"Con chó nhà em cắn thật mà." Nguyễn Anh Tú dùng dằng, rút điện thoại từ trong túi ra đưa cho hắn. Trong tấm ảnh, một con chó Pitbull màu nâu to hơn nửa người Nguyễn Anh Tú đang ngậm dây giày của cậu ta, trên mặt không có một tí sự hối lỗi nào.
Thẩm Quyền: "..."
Thẩm Quyền: "Cậu bị phạt vì giữ điện thoại trong giờ."
Nguyễn Anh Tú: "..."
Nói kiểu gì thì vẫn bị phạt thôi.
Thẩm Quyền thu điện thoại của cậu chàng để cuối giờ trả cho Tạ Hưng. Vì Nguyễn Anh Tú không đi giày thể thao nên Thẩm Quyền để cậu ta khởi động xong thì chống đẩy 30 cái chứ không bắt chạy như những người khác.
"Còn cậu, tại sao cậu không mặc đúng đồng phục?"
"Chỗ phơi quần áo nhà em không đón nắng, quần áo không khô kịp ạ."
"Cậu giặt từ bao giờ."
"Từ cuối tuần nhưng lúc phơi thì nó bị trượt khỏi móc treo nên dính đầy bùn, em mang đi giặt lại nên chưa khô ạ."
Thẩm Quyền định nói "cậu có thể mua thêm một bộ nữa để phòng trừ" thì dừng lại. Nếu hắn nhớ không nhầm, Lưu Trường An có tên trong danh sách hộ nghèo, được nhà trường giúp đỡ hằng năm. Đồng phục là để xoá bỏ sự phân biệt giàu nghèo trong trường học, nếu không có tên trong danh sách, hắn cũng không biết vì Lưu Trường An thoạt nhìn không khác gì đám bạn cùng trang lứa, một chiếc sơ mi trắng sạch sẽ, quần phẳng phiu gọn gàng, giày thể thao đã cũ nhưng không hề bẩn.
Thẩm Quyền không ghi tên cả 2 học sinh vào sổ đầu bài mà ghi sang sổ riêng, để Lưu Trường An chạy 3 vòng cầu thang.
Phạt học sinh xong, hắn không dạy học ngay mà đi về phía sảnh ở góc trái. Ước chừng 3 phút sau, Thẩm Quyền lôi ra một chồng sổ cao ngang mũi, phát cho học sinh.
Chống đẩy xong, Nguyễn Anh Tú thở muốn lòi cả phổi ra ngoài. Tập Taekwondo khiến cậu khỏe hơn nhưng không khiến lúc tập chống đẩy hết mệt, hơn nữa cậu mới tập được gần 2 tháng. Thẩm Quyền vui vẻ phát sổ cho cậu, nói:
"Hôm nay không học thể dục mà là ngày kiểm tra sức khỏe định kì nên mặc đúng đồng phục hay không cũng không quan trọng đâu."
Nguyễn Anh Tú: "???"
"Nhưng điều đó không có nghĩa là các anh được phép mặc sai đồng phục. Kiểm tra sức khỏe không bao giờ báo trước, nhỡ hôm nay không kiểm tra thì sao, anh làm mặt ngơ ngác thế làm gì."
Cứ 10 học sinh rời khỏi lớp để đi đo chiều cao cân nặng một lần. Sau khi đo xong thì không cần quay lại lớp nữa mà có thể lên lớp ngồi chơi. Thẩm Quyền viết xong sổ ghi đầu bài thì đưa cho lớp phó rồi để 10 học sinh đầu tiên xếp hàng trước cửa phòng y tế. Gần như đồng thời, Tạ Hưng xuất hiện.
"Thầy Hưng-"
"Lê Văn Long đâu rồi?" Tạ Hưng hỏi, sắc mặt không được tốt cho lắm. Cậu chạy từ trên tầng 5 xuống, thở hồng hộc. Thẩm Quyền để cậu ngồi xuống.
Hắn nhớ mấy buổi đầu, trong đám học sinh không mặc đồng phục có một nam sinh tên Lê Văn Long, da ngăm ngăm đen, hai má phúng phính, tóc mái dài tới lông mày.
"Học sinh của cậu vừa vào phòng y tế khám sức khỏe định kì xong."
Tạ Hưng gật đầu, có ý định đứng dậy đi luôn.
"Cảm ơn anh."
"Sao thế?"
"Có một vài chuyện liên quan tới điểm thi giữa kì của lớp em, em cần phải giải quyết."
Điểm hạnh kiểm của lớp cậu chủ nhiệm không cao lắm, gần như bét khối vì nhiều học sinh còn đi học muộn vào các tiết giáo dục quốc phòng buổi sáng nhưng tổng điểm học tập thì không hề tệ, đặc biệt là một địa lý. Hầu hết học sinh đều đạt từ 8,75 trở lên, một con số rất đáng mừng.
Không chỉ giáo viên chủ nhiệm môn Địa của lớp nở mày nở mặt, ngay cả Tạ Hưng cũng rất vui.
Đó là trước khi có một học sinh báo với hắn chuyện cả lớp dùng phao tập thể, còn mua đáp án từ một lớp đã kiểm tra trước đó mà người mua chính
Một người dùng chưa đủ mà còn mang cho cả lớp dùng. Cậu bạn mách với giáo viên này nếu để cả lớp biết thì thể nào cũng bị bạo lực học đường, Tạ Hưng không tiện nói tên. Cậu nam sinh ấy hơi lập dị, không được lòng mọi người còn không biết cách nói chuyện thành ra có nhiều người trong lớp không thích cậu chàng cho lắm, tuy là vẫn chưa tới mức bắt nạt, đòi tiền.
Bởi vì ít người chơi với cậu này nên lúc Lê Văn Long mua được đáp án và chia cho mọi người, không ai thân với cậu tới mức chia sẻ cho cậu chàng. Thi xong, cậu ta mới phát hiện ra cả lớp đều dùng mình mình không có nên đã đi báo với Tạ Hưng.
Kiểm tra giữa kì không phải thi tập trung, cứ có tiết nào tiện thì giáo viên phụ trách bộ môn sẽ cho kiểm tra vào hôm đó. Cô Hạnh dạy Địa cũng tự cảm thấy mình sơ suất vì không làm 25 mã đề khác nhau mà cho kiểm tra chung.
Từ thầy cô tới học sinh đều bị gọi lên kiểm điểm, Tạ Hưng không trông tiết hôm đó những là giáo viên chủ nhiệm nên cũng phải chịu trách nhiệm cho lỗi lầm của học sinh mình. Hiện tại, Lê Văn Long vừa bị lôi lên phòng hội đồng viết bản kiểm điểm và sự việc này cũng bắt đầu lan tới tai các thầy cô khác trong trường.
Thẩm Quyền nhìn Tạ Hưng, thấy cậu không có vẻ gì là sốt sắng lắm.
"Cậu không bực sao?"
"Cũng hơi hơi." Tạ Hưng đáp: "Em không biết là do em dễ tính hay là em đang dạy hư nhưng học sinh mà, ai cũng muốn được điểm cao, có phao trước mặt tội gì không bám vào."
Hầu hết giáo viên trong trường đều nghĩ vậy nhưng kỉ luật là kỉ luật, nếu không phạt để làm gương cho các học sinh khác thì chẳng khác nào bao che, tiếp tay cho hàng loạt các học sinh khác sử dụng đáp án trong giờ thi. Một lần thì cậu có thể chấp nhận nhưng nếu còn dùng phao thêm lần thứ hai theo quy mô tập thể thế này, Tạ Hưng sẽ không nhân nhượng như trước.
Cuối cùng, buổi kiểm tra sức khỏe định kì phải hoãn lại để cậu lên giải quyết những học sinh tham gia mua bán đáp án. Thẩm Quyền tự dưng lại được miễn một tiết bèn cắp mông lên phòng hội đồng hóng hớt.
Cô Hạnh dạy địa đã ngồi sẵn ở đó, vừa đọc văn bản trên máy tính vừa uống trà. Thấy hai người họ, cô ngẩng đầu lên, gật gật mấy cái rồi lại cúi xuống làm việc tiếp. Người phụ nữ này cũng là chủ nhiệm của Lê Ngọc Linh, là người phụ trách trại Pháp trong ngày hội ngôn ngữ. Cô để tóc mái che lấp vầng trán cao, khuôn mặt phúc hậu cùng làn da vàng đặc trưng của người Châu Á. Cô không đeo kính, mắt híp lại như sợi chỉ, quần áo lúc nào cũng đơn giản, chỉ một cái váy dài quá đầu gối và khoác áo khoác lông cừu bên ngoài. Mái tóc thẳng điểm bạc đã được nhuộm lại thành màu nâu, buộc gọn gàng sau đầu, cô ngồi ở bàn 2 tính từ sân khấu, đối diện với cửa phụ của phòng hội đồng.
Ngày thường, nơi này vắng tanh không một bóng người, tới bây giờ, không khí yên tĩnh ấy vẫn vậy. Ảnh Bác được treo ở giữa phòng, rèm đỏ hai bên được kéo ra để tránh chắn mất sân khấu, buộc gọn gàng bên cánh gà. Phía cánh phải để 3-4 cái tủ đồ làm bằng sắt. Tạ Hưng nhỏ khoảng hơn 7 năm trước, cậu từng lên cất chăn gối trên này để chuẩn bị nghỉ hè.
Từ bàn học thông thường tới bàn của giáo viên trong phòng hội đồng đều là loại bàn tách rời, chỉ còn 2-3 lớp dùng loại bàn liền như hồi cấp 2. Bàn giáo viên cao hơn, vững chãi hơn và tối màu, toàn bộ đều làm từ gỗ chứ không như bàn học sinh còn có các thanh đỡ làm từ sắt.
Ngồi đối diện Trương Thị Hạnh là hai học sinh, một nam một nữ. Lê Văn Long chính là cậu năm sinh ấy.