Gia đình Triêu Thiên Chương mang tư tưởng trọng nam khinh nữ nặng, quan niệm về con nối dõi rất hà khắc. Ông nội cậu có 4 người con, 3 nam 1 nữ. Đứa con gái duy nhất của hai ông bà chính là Triêu Thị Kim. Sau này hai người con trai cả của ông đều sinh được 1 người con trai, bác ba cùng vợ có một cô con gái còn Triêu Thị Kim thì có với chồng một nam một nữ. Ở quê cậu, mỗi nhà đều có một thửa ruộng, nhà càng giàu càng nhiều ruộng đất, gia tộc cậu là nhà giàu nhất cả tỉnh. Sau khi chủ nhà chết, ruộng đất sẽ được chia cho con cháu.
Trước khi ông nội qua đời, toàn bộ gia tài đều rời vào tay bác cả còn quyền phân chia ruộng đất là ở bà nội. Bà phân cho bác cả và bố cậu hai thửa ruộng to nhất, bác cả còn được thêm căn nhà cổ và mảnh đất của tổ tiên. Bác ba và Triêu Thị Kim được phân ít hơn, ngang bằng nhau. Vì sao lại như thế? Bởi vì bà nội nói rằng tuy bác ba là con trai nhưng lại không sinh được cháu trai nên đằng nào cũng tận diệt nên địa vị của bác cũng chỉ ngang bằng một đứa con gái trong gia tộc.
Lúc con gái Triêu Thị Kim đi lấy chồng và sinh một thằng nhóc, mọi người đều bảo đây chỉ là cháu ngoại thôi.
Triêu Thị Kim rất ghét mẹ mình đồng thời cũng chẳng biết phải cư xử thế nào. Tư tưởng ấy như rễ cây cổ thụ cắm sâu vào trong não bà, Triêu Thị Kim không nỡ trách mẹ mình. Ngay sau đó, bà nội cậu cũng qua đời.
Triêu Thị Kim leo lên từng bước một, trở thành người có địa vị trong xã hội nhưng khi về nhà, bà không bao giờ được họ hàng công nhận. Con gái gả đi kiếm được nhiều tiền thì cũng vào hết nhà chồng, có giàu tới mấy thì cũng không đến lượt bọn họ hưởng. Triêu Thị Kim cũng không có ý định giúp đỡ bọn họ.
Lúc đó Triêu Thiên Chương còn rất nhỏ.
Bố cậu là một người đàn ông đầy tham vọng, cả mẹ cậu cũng vậy. Nhà họ Triêu là một gia tộc lâu đời, tiều nhiều không đếm xuể chỉ là người được phép động vào số tiền ấy chỉ có con trai trưởng, những người khác trong tộc giỏi thì tự lập nghiệp, kém thì chết đói. Nếu con trưởng đời ấy hào phóng thì gia tộc sẽ ấm no, đời ấy mà keo kiệt thì cả làng chết đói.
Đây là truyền thống của gia đình cậu.
Bác cả cậu là người keo kiệt như thế đấy.
Tiền mừng thọ, tổ chức lễ Tết, thắp hương cúng tổ tiên, tu sửa lại nhà chính, chăm sóc cho phần mộ tổ tiên đều bị cắt xén. Bác cả cậu chưa học xong cấp 3, vợ bác cũng là một cô bỏ học cùng năm đó vậy mà cả gia tài lại vào tay một ông già ham chơi, dốt đặc cán mai.
Huyết thống là sợi dây liên kết, đồng thời cũng là thứ gì đó rất đáng sợ. Chỉ bởi vì bác ta là con trưởng nên dù bác học có kém tới đâu, nói năng lỗ mãng, tính tình keo kiệt bủn xỉn thì bác vẫn được kế thừa gia tài. Đẻ con trai để lo hương khói cho gia đình, bác cả lại cắt phăng hương khói ấy đi, ôm hết tiền về nhà.
Mọi người trong tộc không làm gì được bèn nói xấu sau lưng, chẳng ai dám đứng lên.
Khi còn nhỏ, Triêu Thiên Chương nấp trong tủ quần áo của gia đình bác cả, chơi trò trốn tìm với các anh chị em trong làng. Xế chiều, bọn trẻ con bị bố mẹ gọi về nhà hết, chẳng buồn đi tìm cậu lấy một lần. Triêu Thiên Chương ngồi trong tủ quần áo, chờ mãi, chờ mãi, cơ thể nhỏ bé cuộn lại, nép mình sau cánh tủ.
Thời đó chưa có lò sưởi như hiện tại, bếp củi cũng chỉ đốt khi cần thiết, nơi ấm áp nhất nó có thể nghĩ ra là trong tủ đựng đồ. Cậu ngồi đó mãi.
Cho tới khi bác cả và bố cậu bước vào phòng.
Ban đầu hai người họ chỉ nói chuyện phiếm vài câu, chẳng biết đụng vào cái gì mà bỗng cãi nhau ầm ĩ. Triêu Thiên Chương định chờ tới lúc bố cậu ra khỏi phòng mới trèo ra thì thấy ông bỗng lấy ra một con dao bếp, đâm một nhát lên người anh trai mình.
Trong khoảnh khắc, cả người Triêu Thiên Chương nhũn ra như thịt thiu.
Bác cả chỉ kịp hét lên một tiếng đã bị bố cậu chém thêm mấy phát nữa vào ngực, càng đâm càng hăng. Tiếng "phập!" "Phập!" phát ra liên hồi. Tới khi nhóm tay bác cả không còn nhích lên nổi, cả người đã cứng đờ như tượng đá, bố cậu mới đứng dậy từ vũng máu. Bộ đồ ông đang mặc là đồ đen từ đầu đến chân, trong bóng tối, Triêu Thiên Chương không còn phân biệt rõ sắc đen ấy là máu hay là do màu vải.
Cậu đưa tay lên bịt miệng mình, ép bản thân không khóc ầm lên, sắc mặt thoáng cái trắng như tờ giấy.
Dưới sàn nhà có tiếng người đang rên rỉ.
"Anh ơi xong chưa?"
"Xong rồi."
Bố cậu đáp chậm rãi, lồng ngực lên xuống phập phồng. Ngay sau đó, cánh cửa phòng bỗng bật mở, ánh sáng cũng theo đó rọi thẳng vào căn phòng tối. Chẳng biết là do ánh chiều tà hay do máu tươi mà căn phòng năm ấy đỏ đến đáng sợ. Bàn tay bố cậu vẫn cầm con dao bếp đầy máu tươi, bác cả không còn thở nữa, khuôn mặt biến dạng, cả người đầy vết chém.
Triêu Thiên Chương mong mẹ cậu sẽ ngăn bố lại, lao ra báo với cảnh sát, mẹ cậu lại điềm nhiên như không, còn bàn với chồng mình nên giấu cái xác ở đâu trước khi công bố là bác cả ngã xuống sông mà chết.
Không được thở mạnh. Không được khóc.
Hai người họ nói chuyện tới 15 phút, mẹ cậu mới xoay người đi ra ngoài. Triêu Thiên Chương thở phào
Tim cậu rớt xuống đất.
Như một con sư tử rình mồi, người đàn ông quay phắt đầu. Trên tay ông ta vẫn cầm theo con dao dính đầy máu, cả người toả ra mùi tanh tưởi hôi thối. Tiếng bước chân như tiếng trống đánh thẳng vào tai Triêu Thiên Chương, khiến mồ hôi trên người tuôn ra như suối, đầu ong lên.
Cậu biết cậu không thoát được.
Người đàn ông ấy vươn tay mở tủ quần áo, gân xanh nổi lên chằng chịt. Trong mắt ông ta toàn là tơ máu, bàn tay bẩn thỉu ngay lập tức vồ lấy cổ áo cậu, lôi thằng nhóc gầy gò ra ngoài.
Cậu hét lên một tiếng, ngã bịch xuống đất.
Triêu Thiên Chương biết bệnh mặt liệt của mình không phải tự nhiên mà có, cậu chưa từng kể với Thẩm Quyền hay Triêu Thị Kim. Ngày ấy, khi ông ta dí dao lên mắt cậu, một chân đè nghiến lên ngực đứa nhóc, cậu đã khóc rất nhiều, cả gào nữa. Gào đến khản cả cổ.
Vạt áo trắng bị nhiễm bẩn bởi máu khô dưới sàn nhà, toả ra mùi khó chịu.
Triêu Thiên Chương còn nhớ cậu đã quỳ rạp xuống, miệng không ngừng nói: "Con sai rồi, lần sau con sẽ không nhìn trộm nữa! Bố ơi bố đừng giết con!", nom thảm thương vô cùng.
Bốp!
"Con sai rồi, bố ơi bố đừng giết con."
Bốp!
Bốp!
"Bố ơi bố đừng giết con. Con cầu xin bố."
Bốp!
Bốp!
Cuối cùng ông ta vẫn tha cho cái mạng nhỏ của thằng con trai mình. Nhưng không giết không có nghĩa là cậu không bị đánh.
Triêu Thiên Chương không thể trông cậy vào mẹ, mẹ cậu là đồng loã với bố.
Mặt cậu sưng vù lên như bị ong đốt, quần áo nhiễm đầy máu tươi, răng còn rụng mất mấy cái. Cậu cảm nhận được vị sắt tanh tưởi trong khoang miệng, không phải máu của bác cả, là máu cậu vừa nôn ra ban nãy.
Bố cậu nói với cậu rằng trong đám tang bác cả, họ hàng có hỏi cái gì cũng phải làm mặt lạnh, không được đáp lại, không được tỏ ra hoảng sợ hay tiếc thương gì hết. Cứ nói là lúc đó cậu tận mắt nhìn thấy bác mình giãy chết nên bị sốc, đến bây giờ vẫn chưa hồi phục. Nếu cậu không nghe lời, ông ta sẽ khâu mồm cậu lại.
Triêu Thiên Chương vừa khóc vừa gật đầu lia lia nhưng cậu vẫn không làm được.
Bởi vậy họ hàng mới thấy trong đám tang của người con cả, một đứa nhóc hỏi gì cũng không đáp, mặt đơ như một bức tượng đá nhưng nước mắt cứ chảy ra ào ào, càng nhìn càng thấy đau lòng. Triêu Thiên Chương rất nghe lời ông ta, họ hàng hỏi thế nào cũng không chịu mở miệng nói chuyện, chỉ có nước mắt là không kìm được.
Biểu cảm ấy khiến con trai trưởng của bác cả bắt đầu nảy sinh nghi ngờ.
Sau đó Triêu Thiên Chương vẫn bị bố mình dùng gậy đánh gãy cả chân. Cậu không ngừng hi vọng có người nào đó sẽ đến cứu mình, mẹ cậu lại mặc kệ cậu bị bố đánh đến thương tích đầy mình. Con cái là thứ bà dùng để níu lại cái gia đình giàu nhất trong tỉnh, chỉ cần bà còn có cậu, còn là đồng loã của chồng mình thì bà sẽ vĩnh viễn là dâu nhà họ Triêu.
Đánh gãy chân rồi, người đàn ông ném Triêu Thiên Chương ra đường. Miệng gào đến mấy giọng, hai chân đau đến phát điên, hai mắt mờ dần đi. Triêu Thiên Chương bò trên con đường làng, từng bước, từng bước một.
Tiết trời chuyển đông, xung quanh không một bóng người.
Kể từ lần đó, sức khỏe cậu không bao giờ trở về như trước kia.
Nếu không có Triêu Thị Kim phát hiện kịp thời, ôm đứa nhóc gầy yếu tới bệnh viện, có khi cậu đã chết từ hơn chục năm trước. Triêu Thị Kim là cô cậu, cũng là ân nhân đã cứu sống Triêu Thiên Chương năm xưa.
Triêu Thị Kim muốn đưa cậu lên thành phố sống cùng mình, bố cậu không cho phép. Suy cho cùng, ông ta giữ cái mạng của thằng con trai mình không phải là không có lí do. Câu nói năm xưa của ông nội trở thành tấm lá chắn cuối cùng của Triêu Thiên Chương, nếu ông ta có bị phát hiện ra, ông ta cũng có thể lấy lí do ông nội vốn đã muốn để lại gia tài cho Triêu Thiên Chương, chẳng qua là do ông qua đời sớm quá, chưa kịp viết di chúc nên tài sản mới nghiễm nhiên trở thành của bác cả.
Suy cho cùng, Triêu Thị Kim cũng chỉ là cô ruột, không phải bố mẹ cậu, muốn đưa cậu đi trong khi bố mẹ ruột còn sống nhăn răng và kiên quyết đòi con về là điều không thể.
—————-
Hậu trường:
Nhà họ Triêu: "Thiên vị con trai không có gì là sai, có con trai mới lo hương khói cho tổ tiên, các cụ trên trời mới vui được!"
Huỳnh Nam Phong: "..."
Huỳnh Nam Phong: "Đừng có nhét chữ vào mồm, tôi vui hồi nào?"