Sau Khi Mẹ Kế Tỉnh Lại

Chương 22


trước sau



--- SAU KHI MẸ KẾ TỈNH LẠI - THƯ THƯ THƯ ---












????????????????????











CHƯƠNG 21.











Người Dịch: Lan Thảo Hương.













Ninh Hương không dành nhiều thời gian để luyện tập tách chỉ. Một là, cô chỉ nhận thêu thùa thông thường của xã về làm nên không cần tới sợi tơ mảnh như vậy. Cô có thể tách ra ba mươi hai sợi đã hoàn toàn đủ dùng rồi. Hai là, chẳng có thợ thêu nào lại nhàm chán đi so tách chỉ cả, thời gian đó còn không bằng thêu nhiều thêm hai mũi kiếm nhiều thêm chút tiền còn hơn.


Bản thân Ninh Hương là thợ thêu tốt nhất của đội Thủy Điềm, là người tách sợi nhiều nhất. Phía sau cô là một cô gái nữa có sản phẩm thêu cũng tương đối tốt, nhưng cô ấy cũng chỉ tách được hơn hai mươi sợi tơ thôi. Còn giống như mấy người Hồng Đào, họ thường xuyên phải làm việc nặng nên tách được nhiều nhất là mười mấy sợi.


Ninh Hương hoàn toàn bị chinh phục bởi tài nghệ chói mắt của Vương Lệ Trân, như thể sợ bà bỏ chạy, cô vội nắm lấy bàn tay bà và nói: "Bà, chúng ta đã nói rồi đấy nhé. Bà dạy cháu thêu, còn cháu sẽ nấu cơm cho bà ăn mỗi ngày".


Vương Lệ Trân mỉm cười từ ái, để mặc Ninh Hương nắm chặt tay mình. Lòng bàn tay của cô gái nhỏ phủ lên mu bàn tay bà, đó là một loại tiếp xúc tứ chi mà bà đã lâu không có lại trải qua, có một loại ấm áp diệu kỳ.


Cười một hồi, bà nói: "Không cần cháu nấu cơm cho bà ăn, có thể cùng bà nói chuyện là đã rất tuyệt rồi".


Trò chuyện là có thể học được bí kỹ cung đình của người ta? Vậy dĩ nhiên là quá xấu hổ rồi. Thấy Vương Lệ Trân đồng ý, Ninh Hương hoàn toàn không khách sáo với bà, cô đứng dậy đi vào bếp lấy gạo ra thổi cơm.


Hiện tại Vương Lệ Trân bị đau thắt lưng nên hành động không tiện, dù có muốn ngăn cũng ngăn không được nên chỉ đành chiều theo ý cô. Vậy là, bà nằm ở trên giường thầm nghĩ, bà sẽ dạy hết tất cả tay nghề mình biết cho cô gái nhỏ này, vì bà thấy cô dường như thực sự thích thêu thùa.


Kế tiếp, Ninh Hương vừa ở trong bếp nấu cơm vừa cùng Vương Lệ Trân nói chuyện phiếm. Họ trò chuyện về chủ đề mà người lớn tuổi thích nói, cũng có khi nói về chủ đề thêu thùa, tóm lại là hai người rất hợp ý nhau.


Vương Lệ Trân nhìn Ninh Hương và bà đã triệt để quen thuộc thì cũng từ từ mở rộng cửa lòng, buông xuống cảnh giác và thận trọng, ngập ngừng hỏi Ninh Hương: "Cháu gái.....sao đang yên đang lành cháu lại ly hôn?".


Trên người có chủ đề lớn như vậy, muốn người ta không hỏi là không thể nào. Ninh Hương bị hỏi cũng không tránh né, cô ngồi sau bếp lửa hồng, thẳng thắn nói: "Bà, vì cháu không thể sống tiếp ở nhà đó được nữa. Cháu kết hôn hơn nửa năm rồi, nhưng chồng cháu cơ bản chưa từng trở về một lần, như vậy đâu giống cuộc sống kết hôn? Cháu có mà đi làm nha hoàn cho người ta thì đúng hơn. Trên có mẹ chồng khó hầu hạ, dưới có hai con riêng, một kế nữ ở cái tuổi ngại mèo ghét chó không dễ chăm. Hơn nữa, chúng đều có ác ý rất lớn với người mẹ kế này. Cả một gia đình đó đều hợp lại bắt nạt một mình cháu. Người ta luôn nói chồng cũ cháu có công ăn việc làm tốt, gả qua đó chắc chắn sẽ có cuộc sống tốt không phải lo ăn không phải lo mặc. Nhưng chỉ có người trải qua rồi mới biết, đó là cuộc sống khổ sở nhất, lại còn không được người ta xem là người".


Vương Lệ Trân nghe xong liền thở dài, bà nhìn đỉnh đầu Ninh Hương lộ ra sau bếp lò: "Nhưng cháu có bao giờ nghĩ tới, rằng một người phụ nữ ly hôn cũng sẽ rất khổ không? Cháu cứ nhìn bà là biết. Lúc trước khi chưa có bị định thành phần, cô nhi quả mẫu nhà bà cũng bị mọi người xem thường đủ điều, bị bắt nạt mọi thứ. Người ta thấy cháu không có đàn ông chống lưng, thấy không ai làm chỗ dựa cho cháu thì ắt sẽ bắt nạt và ăn hiếp cháu".


Ninh Hương liếc nhìn Vương Lệ Trân: "Bà, cháu biết cảm nhận và ý của bà. Cháu đã suy nghĩ kỹ rồi mới quyết định ly hôn, chứ không phải do nhất thời xúc động. Coi như cuộc sống tương lai có gian nan thì cháu cũng hoàn toàn không sợ. Cháu muốn chứng minh cho những người đó thấy rằng, những gì chủ tịch Mao nói là đúng, phụ nữ có thể gánh một nửa bầu trời".


Vương Lệ Trân thấy Ninh Hương nói đến kiên định liền không nói tiếp mấy lời ủ rũ nữa. Nghe cô nói, nội tâm bà đột nhiên rất tin tưởng đứa nhỏ này và cảm thấy cô là người có chính kiến, chứ không phải là một cô gái nhỏ hồ đồ.


Dừng lại đề tài bóc vết sẹo, cả hai chuyển sang chủ đề khác. Trong khi trò chuyện, mùi cơm thơm từ từ bay ra khỏi nồi và bếp. Đúng lúc này, một con mèo mướp không biết từ đâu chạy ra, nó đứng ở ngoài cửa kêu meo meo hai tiếng rồi đột nhiên gập người bỏ chạy.


Ninh Hương hấp cơm và xào một đĩa rau cần, sau đó bưng bát cơm đưa đến tận tay Vương Lệ Trân. Tiếp đó, cô ngồi xuống cạnh chiếc bàn nhỏ vừa ăn cơm vừa nói chuyện đông tây nam bắc với Vương Lệ Trân. Cơm nước xong xuôi, Ninh Hương thu dọn bát đũa rồi dìu Vương Lệ Trân đi vệ sinh. Xong việc, cô đổ nước ấm ra chậu để bà rửa mặt rôi thu dọn đồ thêu quay về thuyền.


Lúc đi, cô không cầm theo gạo và rau của nhà Vương Lệ Trân, vì cô quyết định mấy ngày kế tiếp sẽ sang đây nấu cơm. Không những không lấy gạo và rau mà cô còn tự mình mang một ít tới.


Thời điểm Ninh Hương ôm giỏ trúc rời khỏi nhà Vương Lệ Trân, cô tình cờ đụng phải mấy cô bác cùng thôn. Nhìn thấy cô, họ sửng sốt một lúc rồi quay sang xì xào với nhau.


Còn nói gì được chứ. Ninh Hương không cần nghe cũng biết chắc chắn họ nói ngưu tầm ngưu, mã tầm mã.


Ninh Hương không quan tâm những người đó dùng ánh mắt gì nhìn mình, vì cô tốt số nhặt được một người thầy giỏi nên trong lòng cô hiện giờ đang rất vui vẻ. Ôm rổ quay về thuyền, sau khi rửa mặt, Ninh Hương nghiêm túc ngồi dưới ngọn đèn dầu luyện tập tách chỉ.


Luyện tập một lúc lại đổi sang xem sách, đến khi trời đã khuya mới thổi tắt đèn, đóng cửa sổ rồi lên giường ngủ.


***


Mấy ngày kế tiếp, Ninh Hương đúng giờ đi tới nhà Vương Lệ Trân, khi đi còn tự mình cầm theo gạo và đồ ăn tới. Cô không hề coi mình là người ngoài mà ở nhà Vương Lệ Trân nấu cơm, cùng ăn cơm, cùng nói chuyện phiếm, cùng làm đồ thêu.


Vương Lệ Trân không nuốt lời, từ ngày thứ hai sau khi đồng ý dạy Ninh Hương thêu thùa, bà rất chân thành dạy Ninh Hương các loại mũi thêu tinh diệu. Sau khi tay cầm tay dạy cô, bà còn tự mình thêu mẫu cho cô nhìn rồi để cô từ từ tập luyện. Điều khiến Vương Lệ Trân cực kỳ vui mừng đó là năng lực học tập của Ninh Hương rất mạnh, có thể nói là khả năng hiểu bài khá cao. Có một số mũi thêu cô chỉ nhìn vào bức tranh thêu mèo vồ bướm là có thể tự mình suy đoán ra.


Ninh Hương học nhanh và vui vẻ, Vương Lệ Trân dạy cũng rất vui vẻ.


Có lẽ vì tâm trạng tốt đã giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi, thắt lưng của Vương Lệ Trân sau mấy ngày nằm trên giường đã tốt hơn nhiều. Giờ bà đã có thể tự nhiên đi lại và làm ít việc nhỏ, chỉ cần chú ý không đụng tới eo là sẽ không đau nữa. Sau khi có thể tự do hoạt động, Vương Lệ Trân không muốn Ninh Hương nấu cơm hầu hạ mình nữa. Hai người cùng nhau góp gạo, rau xanh, đồ muối và cùng làm cơm. Cơm thổi xong thì dọn lên bàn, sau đó cả hai cùng nhau ăn cơm.


Ngày tháng u ám đã nhiều năm, khoảng thời gian này có Ninh Hương bầu bạn chính là khoảng thời gian Vương Lệ Trân sống vui vẻ nhất. Mỗi ngày có người nói chuyện với bà, ăn cơm cùng bà, chăm sóc bà khi bà không tiện di chuyển và hỏi han bà một cách ăn cần. Đừng nói là những kỹ thuật thêu thùa kia, bà gần như muốn móc tim đưa cho Ninh Hương luôn rồi.


Một cô gái tốt như vậy biết tìm ở đâu hả, dù có đốt đèn lồng cũng khó mà tìm được. Vậy mà ba mẹ cô lại sẵn lòng đuổi cô đi như vậy.


Nếu bà mà có con gái hoặc cháu gái, vậy để bà giữ mãi ở bên người suốt cuộc đời bà cũng thấy vui vẻ.

Ninh Hương tới bên này không chỉ vì muốn học thêu từ Vương Lệ Trân, mà từ đáy lòng cô cảm thấy rất thoải mái khi ở chung với bà. Vương Lệ Trân có tính cách và mọi phương diện đều tốt, vừa hay hai người đều có người bầu bạn nên cô sẵn lòng đến nhà bà mỗi ngày. Thế là, hai người phụ nữ số khổ và cô đơn cứ thế kết thành bạn, rảnh rỗi lại ngồi cùng nhau thêu thùa, cùng nhau nấu cơm và ăn cơm, cùng nhau ra khu đất riêng nhìn xem rau xanh trồng trong đất. Nhưng thỉnh thoảng khi Vương Lệ Trân lên chợ bán rau, Ninh Hương không đi được.


Cô đương nhiên cũng có việc riêng của mình. Ví dụ sau khi hoàn thành đồ thêu, cô phải mang lên trạm thêu trên xã để trả hàng và nhận hàng mới về làm. Hạ xuống từng mũi kim từng mũi thêu, kiếm từng xu từng đồng để tích lũy thu nhập.


Bởi vì Vương Lệ Trân dạy mà không giữ lại bất kỳ điều gì khiến kỹ năng thêu của Ninh Hương được cải thiện rất nhiều trong khoảng thời gian này. Điều quan trọng nhất là cô đã học được thêm nhiều phương pháp thêu khác nhau, từ lúc bắt đầu chỉ biết mười loại giờ đã biết hơn hai mươi loại kỹ năng.


Thời tiết mỗi ngày một lạnh hơn, nhưng Ninh Hương càng sống càng tràn ngập năng lượng, càng sống trong lòng càng trở nên ấm áp hơn.


***



Hơn một tháng lặng lẽ trôi qua.


Hôm nay là một ngày nhiều mây, thời tiết ở huyện Vu ẩm và lạnh. Không khí lạnh lẽo dính vào da thịt, đi sâu vào lỗ chân lông của mỗi người. Lúc Ninh Hương ra cửa, cô mặc một chiếc áo len dày do chính mình đan và khoác thêm một chiếc áo khoác dày.


Như thường lệ, cô khóa cửa và đeo túi xách đi lên bờ. Đầu tiên, cô đi tới nhà Vương Lệ Trân trước. Nhưng hôm nay cô không tới để ăn cơm cùng Vương Lệ Trân, mà là chào bà một tiếng rồi ra cửa.


Trước khi đi, cô nói với Vương Lệ Trân: "Bà ơi, mấy ngày tới cháu sẽ không qua bên này. Ở trên xã có thầy dạy thêu xuống đây dạy công nhân kỹ thuật thêu đai lưng kimono, khả năng cháu sẽ đi sớm về trễ nên bà nhớ tự chăm sóc mình đấy".


Sống một mình đã nhiều năm, Vương Lệ Trân giỏi nhất chính là tự chăm sóc mình, bà cười nói với Ninh Hương: "Cháu cứ yên tâm đi mà làm việc đi, bà có

thể tự lo được".


Mặc dù tuổi của Vương Lệ Trân đã lớn, nhưng xương bà còn rất chắc. Ninh Hương cũng không phải quá không yên lòng về bà, vì vậy sau khi chào hỏi xong, cô đi bộ lên xã với chiếc túi xách màu vàng đeo trên vai.


Trên đường gió rét, Ninh Hương đút hai tay vào túi, giấu nửa khuôn mặt dưới cổ áo len. Đang đi, cô bỗng nhiên nghe thấy tiếng chuông xe đạp sau lưng. Tưởng rằng mình đã cản đường người ta, Ninh Hương liền lùi một chút sang lề đường mà không ngoảnh đầu lại nhìn. Thế nhưng, mới đi được mấy bước, người đi xe đạp trực tiếp đi đến bên cạnh cô và nhấn thêm vài hồi chuông nữa.


Ninh Hương nghiêng đầu nhìn sang, thấy là Lâm Kiến Đông.


Gặp mời quen, Ninh Hương kéo quần áo len xuống, tươi cười chào hỏi: "Là anh à?".


Lâm Kiến Đông bóp phanh, chống xe bằng một chân và nhìn cô nói: "Là anh, thư ký Hứa bảo anh lên xã làm ít việc nên đi xe của đội. Em đi đâu thế? Có tiện đường không, lên đây anh chở một đoạn".


Xe đạp là sản phẩm cao cấp ở thời đại này, một chiếc không chỉ cần đến hơn một trăm tệ, mà còn phải có phiếu xe đạp thì mới mua được. Trong tài sản tập thể của đội sản xuất không có thứ này, nhưng ở lữ đoàn thì có một chiếc.


Nghe nói Lâm Kiến Đông muốn lên xã, Ninh Hương lại cười: "Thật trùng hợp, em cũng muốn lên xã, em đến trạm thêu".


Lâm Kiến Đông vẫy tay nói: "Vậy lên đây đi".


Ninh Hương không khách sáo với anh, cô trèo lên yên sau của xe đạp, kéo cổ áo len lên thật cao để tránh bớt gió lạnh đang ập đến. Đỉnh đầu là một bầu trời mây xám, và gió lạnh hơn khi ngồi trên xe đạp.


Lâm Kiến Đông phi xe về phía trước, cao giọng nói chuyện với cô trong gió lạnh: "Từ khi em dọn lên thuyền ở thì chẳng mấy khi gặp được em. Nghe nói bây giờ ngày nào em cũng đến nhà bà Lệ Trân hả?".


Ninh Hương ngồi ở phía sau tránh gió lạnh, đáp lời: "Vâng, trước kia em không biết bà ấy thêu giỏi như vậy. Giờ bà đang là thầy của em, mỗi ngày em đều tới nhà bà học thêu và nâng cao tay nghề của mình".


Lâm Kiến Đông giẫm lên bàn đạp: "Anh rất bội phục em đấy".


Ninh Hương không cảm thấy chính mình có cái gì đáng để người ta bội phục: "Em có cái gì mà phải bội phục, em chỉ là người bình thường thôi".


Lâm Kiến Đông mỉm cười: "Em không tầm thường chút nào".


Thời đại này, có người phụ nữ bình thường nào dám ly hôn, dám đi lại gần với Vương Lệ Trân như thế chứ. Cô đã làm tất cả những điều không tầm thường, nên hai chữ tầm thường này không thể nào rơi đến trên người cô được.


Sau khi nói về Vương Lệ Trân, Lâm Kiến Đông lại cao giọng hỏi Ninh Hương: "Gần đây em sao rồi? Mọi chuyện vẫn tốt chứ?".


"Tất cả đều rất tốt, sao không tốt được chứ ạ?".


Đang nói thì chợt nghĩ đến cái gì đó, Ninh Hương lại cao giọng: "Đúng rồi, em đã xem hết sách giáo khoa tiểu học rồi. Tối nay về em sẽ mang qua phòng chăn nuôi cho anh, anh cho em mượn sách trung học cơ sở với phổ thông nhé".


Lâm Kiến Đông nghe vậy hơi nghiêng đầu sang bên: "Không cần phiền thế đâu, tối nay anh mang qua cho em, nhân tiện cầm sách về. Mấy hôm trước anh có lên thư viện huyện mượn được mấy quyển sách, cũng cho em mượn đọc đấy".


Ninh Hương kéo cổ áo len xuống một chút, dắt cuống họng nói: "Vậy thì cảm ơn anh nhé!".


Lâm Kiến Đông cũng hơi cao giọng: "Không cần cám ơn, anh chờ em mời anh đến thành phố Tô nghe bình đàn. Lớn như vậy mà anh cũng chưa từng đến lâm viên lần nào. Nghe nói Chuyết Chính viên* rất rộng lớn, có phong cảnh núi hồ bao quanh và đình đài lầu các rất đẹp".


Ninh Hương cười nói: "Nó rất lớn, cũng rất đẹp!".


Lâm Kiến Đông vô thức tò mò, anh nghiêng đầu nhìn cô và hỏi: "Em từng đến đó rồi à?".


Đời này, Ninh Hương chưa từng rời khỏi huyện Vu nên tất nhiên cô chưa từng đến đó bao giờ. Nhưng ở kiếp trước, sau khi đã có tuổi thì cô thường hay ghé thăm các lâm viên. Mấy nơi như Chuyết Chính Viên, Thương Lãng Đình và Sư Tử Lâm Viên, v.v...... cô đều đã đi qua hết rồi. Cũng bởi vì cô hay tới lâm viên nên Giang Kiến Hải còn nói móc cô là một chữ to không biết thì có thể xem hiểu vườn cổ sao. Nếu như cô đầu thai ở cổ đại, số cô chỉ xứng đi bưng nước rửa chân cho người ta.


Nghĩ đến đây, cô không khỏi thấy lồng ngực hơi nghẹn lại và hối hận tại sao lúc đó không giáng cho anh ta vài cái bạt tai nhỉ. Chỉ là đây đều là chuyện của kiếp trước rồi, hiện giờ cô đã đá bay Giang Kiến Hải nên không tất yếu phải khiến mình thấy ngột ngạt.


Ninh Hương quét sạch những ký ức trong đầu, quay sang nói với Lâm Kiến Đông: "Em đoán".


Lâm Kiến Đông và Ninh Hương trò chuyện về lâm viên và một vài chuyện khác suốt dọc đường và những điều thú vị liên quan, đến khi xe đạp dừng lại thì đã đến trước cửa trạm thêu.



Nhìn Ninh Hương xuống xe, Lâm Kiến Đông hỏi cô: "Mấy giờ em về, có muốn anh chở em về không?".


Ninh Hương lắc đầu: "Em tới đây để huấn luyện, chắc phải chạng vạng mới về được".


Lâm Kiến Đông lên xã làm việc đúng là không cần đến cả một ngày để xử lý, cho nên không tiện để đưa Ninh Hương về. Sau khi chào Ninh Hương, anh đạp xe đi xử lý chuyện của mình. Ninh Hương không đứng lâu ở trong gió lạnh, cô xoay người bước vào trạm thêu và dựa theo vị trí trạm trưởng Trần nói, tìm đến chỗ huấn luyện chuẩn bị nghe bài. Nghe nói thầy dạy thêu ở thành phố Tô này rất giỏi, có được cơ hội xem và học trực tiếp nên cô đương nhiên phải chăm chỉ học tập.


Tìm một góc ngồi xuống, Ninh Hương chăm chú lắng nghe bài giảng của thầy không rời mắt, sau đó nhìn thầy giáo tự mình cầm nguyên liệu trình diễn cách thêu đai lưng. Thêu đai lưng kimono tất nhiên không phải là thứ trong nước cần, mà là hàng trong nước xuất khẩu ra nước ngoài nên từ cách thêu, độ mịn và sợi thêu đều yêu cầu rất cao.


Ninh Hương và các công nhân kỹ thuật khác học cực kỳ nghiêm túc, thậm chí còn cầm nguyên liệu lên tự thực hành. Do cô đã học được rất nhiều thứ có độ khó cao từ vương Lệ Trân, nên việc học thêu đai lưng kimono với cô rất dễ dàng. Tuy rằng học rất dễ, nhưng Ninh Hương vẫn học nó một cách nghiêm túc, mà khi chúng ta nghiêm túc cho việc gì đó thì thời gian luôn trôi đi rất nhanh.


Khóa đào tạo một ngày rất nhanh kết thúc.


Ninh Hương đeo túi xách rời khỏi trạm thêu, một mình đi bộ trở về đội Thủy Điềm. Kết quả, lúc tới cô tình cờ gặp Lâm Kiến Đông và khi về lại đụng phải Ninh Lan tan học từ trường trung học Mộc Hồ về nhà.


Hai chị em bất ngờ gặp nhau, dù ở trong thôn hay ở bên ngoài, họ cùng lắm chỉ liếc nhìn nhau và chẳng ai chào hỏi đối phương, cứ như hai người xa lạ thân quen.


Trước lúc gặp mặt, Ninh Lan đang đi chung với các bạn học cười cười nói nói, họ đang thảo luận về chuyện tặng quà cho nhau vào ngày liên hoan tốt nghiệp. Ai mà nghĩ đến, cô lại nhìn thấy Ninh Hương, nụ cười trên khóe miệng lập tức lạnh đi. Mà Ninh Hương bên kia cũng hoàn toàn coi như không nhìn thấy đối phương, cô đeo túi xách bước đi trong im lặng.

Đến khi Ninh Lan chia tay với các bạn học, cô và Ninh Hương giữ với nhau một khoảng cách nhất định, không gần không xa suốt cả chặng đường. Dọc đường đi không ai nói với ai câu nào, và đường ai nấy đi sau khi họ đi tới đội Thủy Điềm.


Buổi tối trời đầy mây lạnh hơn, Ninh Hương kéo cao cổ áo len, trong lòng thầm nghĩ---- Hơn một tháng nữa là Ninh Lan tốt nghiệp rồi, không có người chị gái này, không biết số phận của con bé ở kiếp này sẽ ra sao nhỉ.


Kiếp trước, nhờ dựa vào mối quan hệ của Giang Kiến Hải, Ninh Lan thành công trở thành giáo viên ở trường tiểu học của huyện sau khi tốt nghiệp. Ở thời đại này, đây là một công việc khiến nhiều người ngưỡng mộ, không chỉ có lương bổng ổn định, mà đi đâu cũng được người ta tôn trọng.


Kiếp này, liệu rằng con bé còn có thể sáng mặt mũi như vậy nữa không?


Còn có mặt mũi để tỏ vẻ cao hơn người một bậc ở trước mặt người chị gái này nữa không?











(*) 拙政园 - Chuyết Chính viên: là một khu vườn cổ điển nằm ở Tô Châu, Trung Quốc. Nó là một phần của Di sản thế giới Tô Châu Viên Lâm, đồng thời là một trong số những vườn nổi Tô Châu nổi tiếng nhất. Nó nằm tại số 178 phố Đông Bắc, quận Cô Tô. Với diện tích 78 mẫu (5,2 hecta; 13 mẫu Anh), là khu vườn lớn nhất Tô Châu và được một số người coi là khu vườn đẹp nhất miền Nam Trung Quốc.
















--- HẾT CHƯƠNG 21 ---















trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện