Seoul Đến Và Yêu

Quyển 2 - Chương 18: #Area4


trước sau

NHÀ TÙ SEODAEMUN - GYEONGBUKGUNG - QUẢNG TRƯỜNG GWANGHWAMUN - KÊNH CHEONGYECHON

Khu vực này đặc biệt dành cho những người yêu văn hoá, lịch sử và những trải nghiệm mang tính chất học hỏi. Tại #Area4, bạn sẽ lần lượt thăm nhà tù lớn nhất Hàn Quốc: nhà tù Seodaemun, ngay cạnh đó là Cố Cung Gyeongbuk "danh bất hư truyền", quảng trường Gwanghwamun "cái rốn của Seoul", và lá phổi xanh của thành phố, kênh Cheonggyechon. 

1. Nhà tù Seodaemun ( 서대문형무소역사관) 

Quỳnh đến tham quan nhà tù Seodaemun vào một ngày có các sĩ quan quân đội Hàn Quốc tới, nên không khí ở đây trở nên nghiêm trang hơn bình thường rất nhiều. Nhà tù này mang ý nghĩa rất lớn đối với cuộc kháng chiến chống quân Nhật của Hàn Quốc. Khi đi theo chỉ dẫn, bạn sẽ được đọc và hiểu thêm rất nhiều về cuộc chiến tranh này, với những hình ảnh 3D chân thật về cuộc sống của tù nhân. Hình ảnh căn hầm nơi các nhà cách mạng Hàn Quốc bị tra tấn dã man nhưng vẫn một lòng trung thành với tổ quốc chắc chắn sẽ làm bạn vô cùng cảm kích. 

Giờ đây, nơi này vẫn lưu giữ bảy toà giam lớn, xà lim, phòng xử án,... Nhà tù khá rộng, bạn sẽ mất khoảng 1 giờ đồng hồ để xem hết. Giá vé khoảng 3.000 won/người. 

Cách đi: Ga Dongnimmun, cửa ra số 5

2. Gyeongbukgung ( 경복궁) 

Cố cung Gyeongbuk ở gần nhà tù Seodaemun nên bạn có thể chủ động sắp xếp thời gian để tới xem ngay sau khi qua nhà tù. Cảm giác đầu tiên của Quỳnh khi nhìn thấy cố cung Gyeongbuk đó là: "Tại sao các công chúa ngày xưa lại cứ muốn trốn ra khỏi nơi này nhỉ?", bởi vì nó thật sự rất đẹp. Khi mùa xuân sang, cả trời rợp hoa anh đào bay trog gió, đậu lên mái tóc tết của các thiếu nữ mặc Hanbok, bạn sẽ cảm nhận được một không khí cổ kính đầy thơ mộng. Nhìn những tán anh đào rủ trên mặt hồ trong cung, hiếm có người nào không xiêu lòng được.  

Mặc dù ở Seoul vẫn còn lưu giữ đươc rất nhiều Cố cung, nhưng có lẽ Cố cung Gyeongbuk là nổi tiếng nhất cả về mặt mặt lịch sử lẫn địa lý. Bạn có thể thấy Vua Sejong ngồi tại quảng trường Gwanghwamun, cung Gyeongbuk nằm ngay phía sau ngài, đón từng ánh bình minh và từng hạt tuyết đầu mùa, cứ như vẫn mang lại vẻ đẹp Hàn cổ thời Joseon vậy.  

Có một thứ nữa tuyệt đối không thể bỏ qua khi đến thăm Cố cung, đó là nghi lễ đổi gác thường bắt đầu từ 10 giờ sáng hàng ngày, diễn ra trong vòng 15 phút, mỗi tiếng thực hiện một lần. Đây là nghi lễ rất trang nghiêm và đậm nét văn hoá, các bạn nên đứng ở cổng thành gần giờ đó để chiêm ngưỡng. Vé vào cung không quá đắt (khoảng 3.000 won/người) và bạn có thể thoả thích ngắm nhìn cung điện có thiết kế và màu sắc rất khác với các nước Á Đông khác, đọc về lịch sử của các vị vua, hoàng đế và xem ca hát ngay ngoài trời. Cố cung Gyeongbuk rất lớn nên bạn nhớ lấy bản đồ ở cửa ra vào nhé và đừng quên nơi đây đóng cửa bảo trì vào thứ Ba. 

Cách đi: Để tới Cố cung, bạn đến từ ga Gyeongbukgung, cửa ra
số 5 hoặc đi bộ thẳng từ quảng trường Gwanghwamun ra. 

3. Bảo tàng truyền thống ( 국립 민속 박 분관)

Ngay khi đi dạo trong Cố cung Gyeongbuk, sẽ không quá khó để bạn nhìn thấy một toà lâu đài rất cổ kính và cao lớn, đó chính là bảo tàng truyền thống, ghi chép lại lịch sử hình thành, phát triển và lưu giữ những kỷ vật quan trọng qua nhiều triều đại Hàn Quốc. Những bạn ham học hỏi chắc chắn sẽ rất thích nơi này. Nếu bạn đi thẳng từ cung Gyeongbuk ra thì chỉ cần đưa vé vào cửa cung là sẽ được tham quan viện bảo tàng miễn phí đó! Bảo tàng đóng cửa ngày 1/1 hàng năm và vào thứ Ba hàng tuần. 

4. Gwanghwamun ( 광화문) 

Gwanghwamun được coi là quảng trường có vị trí đẹp nhất giữa các cung điện với nhau, và cũng là nơi chứng kiến rất nhiều mấu chốt quan trọng xuyên suốt quá trình lịch sử của Hàn Quốc. Nơi đây có đặt tượng Vua Sejong, mình chắc chắn rằng không một ai học tiếng Hàn Quốc, mà lại không biết đến vị vua này. Ông chính là người đã sáng tạo ra bộ chữ Hàn Quốc (hangeul). Phía trước ngài là tượng Thần tướng Yi Sun-Shin - một vị tướng rất tài giỏi của Hàn Quốc, nổi tiếng bởi sự dũng cảm, linh động và chiếc "thuyền rùa" - chìa khoá đánh bại thuỷ quân Nhật qua rất nhiều trận chiến.

5. Đi dạo kênh Cheonggyechon ( 청계천) 

Thời điểm mình tới Hàn Quốc, kênh Cheonggyechon vẫn còn rất đơn giản, vắng vẻ, cây cối um tùm, trên dòng kênh vẫn còn các đàn cá đen bé xíu bơi tung tăng. Bảy năm ở Hàn, không năm nào là mình không hoà cùng dòng người đi dọc kênh Cheongggyechon vào những lúc có lễ hội hoa đăng cuối hè. Những ngọn đèn hoa đăng lớn, bắt mắt, sáng rực rỡ được đặt trên kênh cực kỳ vui mắt và ấm cúng - đó là khoảnh khắc mình chẳng thể nào quên.  

Giống như những thanh niên Hàn Quốc khác, Cheonggyechon đối với mình không chỉ là con kênh đi dạo đêm hè, hay là lá phổi yên bình của Seoul. Nó đã từng chứng kiến lần hẹn hò đầu tiên, những cái nắm tay đầu tiên, lần đi lạc đường đầu tiên, lần đầu tiên ném nhẫn đôi xuống nước,... của mình. Mình nhớ như in tất cả những điều đó mỗi lần thả bộ dọc kênh. Mình vẫn nói, nếu có một lần đến Hàn Quốc với người thương, thì nhất định phải nắm tay nhau đi dọc con kênh này là vì thế. Không ai khác, chỉ hai người thôi. Chỉ đi, không nói gì hết. Cả thế giới chìm trong tiếng nước róc rách và cây xanh như thể chẳng hề liên quan tới con đường ồn ào, đông nghịt với tỉ tỉ cửa hàng phía bên trên nó. Mình đã từng kiên nhẫn ngồi  xe buýt đi dọc qua cái dãy phố cũ đó và nghĩ "À, hoá ra Hàn Quốc cũng có những góc như vậy!" 

Cách đi: Có rất nhiều cách để đến đường Cheonggyechon vì kênh dài hơn 10km cơ, nhưng nhanh nhất là từ quảng trường Gwanghwamun đi thẳng chút xíu, hoặc ở Dongdaemun là bạn có thể nhìn thấy ngay.

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện