*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.Hôm tôi rời khỏi Liễu thành, nhiệt độ cao tới tận bốn mươi độ. Cách mặt đất một đế giày cứng cũng có thể cảm giác được cái nóng. Hành lý đơn giản đến mức không thể đơn giản hơn. Quần áo đựng trong một chiếc balo cũ. Trong túi áo có ba trăm tám mươi đồng, nhét vào từ bao giờ tôi cũng đã quên mất.
Năm ấy, tàu cao tốc giữa Liễu thành và thủ đô mới vừa được xây dựng. Tôi nhớ mình từng nghe Chu Minh Khải nói, mùa đông ở thủ đô không lạnh như Liễu thành, nên có lẽ nó sẽ là một thành phố rất dễ chịu. Tôi cứ thế tùy ý dùng hai trăm đồng mua vé tàu cao tốc đi thủ đô. Lúc soát vé tôi lòng vòng tại bến tàu rất lâu, cuối cùng qua hỏi nhân viên công tác và còn khiến người ta không kiên nhẫn mà mắng tôi vài câu.
Tôi mặc khá phong phanh, lại không nghĩ rằng nhiệt độ trên tàu khá thấp. Tôi muốn tìm một chiếc áo khoác dày hơn chút từ trong túi, mới phát hiện mình rời đi quá vội vàng, balo chẳng có chiếc áo khoác nào cả. Tôi co lại trong chỗ ngồi của mình. Người phụ nữ đối diện dẫn theo một đứa bé luôn miệng khóc nháo, làm tôi nghe mà phiền lòng bực dọc.
Trong tiếng khóc lóc huyên náo kéo dài suốt năm giờ đồng hồ, tôi đã tới thủ đô.
Thủ đô tuyệt đối là thành phố loại một. Ra khỏi bến tàu, cao ốc chọc trời biểu trưng khiến tôi giật mình. Đương nhiên càng khiến tôi giật mình hơn chính là giá cả nơi đây. Cơ bản là không mua được bánh bao giá dưới năm đồng. Mua một cái bánh mì xong thì tiền trên người tôi đã không cánh mà bay, thế tôi mới biết trộm cắp ở thủ đô cũng rất lợi hại.
Tôi tới nhà hàng làm thuê, kỳ thực tập không lương nhưng có bao ăn ở. Khí trời ở thủ đô nóng hơn Liễu thành nhiều lắm. Vào ngày làm việc thứ ba, tôi đã bị cảm nhiệt, mỗi ngày làm việc đầu óc đều trôi bồng bềnh, đến thuốc cũng uống không nổi. Trước đây tôi bị cảm thường chỉ ngủ một giấc là tốt rồi, bây giờ cảm nhiệt lại kéo dài thành sốt cao.
Không thể không thừa nhận, năm đầu tiên tôi sống ở thủ đô đâu chỉ một chữ “thảm” là có thể khắc họa hết. Cả người đen đúa, cũng gầy đi trông thấy. Buổi tối ở thủ đô khô nóng đến nỗi làm người không thể ngủ được. Lương làm công ở nhà hàng cũng chẳng mua được quần áo, còn sinh bệnh đến không dậy nổi. Lúc này tôi mới nhận ra, thành phố thủ đô rất tốt, nhưng lại không thích hợp Hứa Gia Dương.
Sau đó tôi đổi việc sang làm tiếp thị bất động sản. Không hề có lương cứng mà chỉ xem theo doanh số. Hôm ký đơn hàng đầu tiên, tôi uống hết hai chai rượu trắng rồi nôn thốc nôn tháo trong nhà vệ sinh, dịch vị dạ dày trộn lẫn cùng tơ máu. Lúc xả nước, điện thoại di động rớt vào, khi vớt ra thì đã không mở được máy. Tôi dứt khoát đổi số luôn, rốt cuộc không còn liên hệ với những người cũ trước kia nữa.
Tôi ở thủ đô ba năm mới gặp lại Lục Tư Nặc. Tôi vẫn tiếp thị bất động sản, còn cô đã là sinh viên đại học năm thứ ba. Lục Tư Nặc bảo, hồi trước cô tìm tôi rất lâu, có đi qua nhà tôi nhưng nơi đó đã không ai ở. Cô suýt chút nữa định đạp cửa thì nghe gia đình tầng trên nói, hai cha con nhà này đều đi cả rồi.
Thời điểm gặp được Lục Tư Nặc mới là giai đoạn tôi chật vật nhất ở thủ đô.
Khi đó cuộc sống đã ổn định hơn một chút. Tôi thuê một căn nhà cũ gồm một phòng ngủ và một phòng khách. Hàng ngày tôi đi làm rồi tan tầm, bôn ba vất vả vì cuộc sống. Rõ ràng là đã bắt đầu ổn định, trong mắt người khác cũng chẳng có gì khác thường, nhưng vào đêm khuya tĩnh lặng, tôi lại bị ác mộng tra tấn, đêm đêm mất ngủ. Tôi thường xuyên bật dậy từ trong mơ, sau đó thì không có cách nào để thiếp đi lần nữa.
Giấc mộng của tôi có thể nói là phim kinh dị kinh điển. Tôi nhìn
thấy cảnh mẹ tôi nhảy lầu, nhìn thấy cảnh tay Lâm Thanh Dật đầy máu. Chúng xuất hiện đan xen chồng chất trong giấc mộng của tôi. Tôi cũng thường xuyên mơ tới mẹ tôi ôm Alexander về nhà và chơi đùa ở bếp. Tôi rất muốn đến gần, nhưng lại bị kéo xa dần.
Tôi còn mơ tới cảnh một người phụ nữ xa lạ nhảy lầu, rất giống mẹ tôi lúc ấy nhưng lại cũng không phải. Người phụ nữ đẫm máu ngã trên mặt đất, rồi mặt đất bắt đầu biến thành dòng sông máu, nhấn chìm tôi từng chút từng chút một. Tôi còn có thể thấy cô ta đi về phía tôi, dùng cây kéo rất lớn cắt đứt động mạch trên tay tôi.
Tôi thậm chí từng mơ thấy Chu Minh Khải. Tôi và hắn đang ném tuyết trên nền đất bao phủ bởi tuyết. Hắn đang cười, tôi cũng đang cười. Cảnh tượng ấm áp như vậy, song tôi lại luôn thức tỉnh từ trong mơ, không rõ nguyên nhân. E rằng vào lúc ấy tôi cũng đã dự đoán được tương lai về sau của mình và hắn.
Tôi từng gặp bác sĩ tâm lý. Không biết anh ta lấy ra tờ báo cũ của Liễu thành từ nơi nào, tin tức trang bìa chính là sự kiện giữa tôi và Lâm Thanh Dật năm ấy. Tôi biết chỗ bệnh viện đó nghĩ tôi muốn trị liệu chướng ngại tâm lý sau chấn thương. Nhưng vào buổi tối sau khi trở về từ trung tâm tư vấn, tôi đã thật sự cắt động mạch mình bằng một cây kéo. Tôi tỉnh táo lại cũng nhanh, vừa nhìn thấy máu trên sàn nhà đã lấy tinh thần mà tự chạy tới bệnh viện.
Cuối cùng, tôi muốn hỏi bản thân, sao lại sống thành bộ dạng này cơ chứ.
Lục Tư Nặc tốt nghiệp xong là đi làm ở thủ đô. Cô tốt nghiệp trường danh giá nên tất nhiên khởi điểm cũng cao. Lục Tư Nặc vừa nhận được đợt lương đầu tiên trong đời là la hét đòi mời tôi ăn cơm. Tôi cũng đồng ý. Trong bữa ăn, tôi cảm thấy quá nóng nên xắn tay áo lên, cô nhìn thấy vết thương từ mu bàn tay lan tới cổ tay tôi.
Vết thương kia xuất hiện vào lúc nào ấy nhỉ? Là vào ngày tôi nấu cơm xào rau trong bếp, lúc gọt khoai tây không hiểu sao dao lại đi lệch, rồi tôi dùng lưỡi dao này cứa từ mu bàn tay đến tận cổ tay. Vết thương không sâu, chỉ là nó lít nha lít nhít trông có chút đáng sợ. Sau đó tôi còn đếm đếm chỗ kết vảy, tổng cộng ba mươi tư vết.
Lần đó ở bàn cơm, đôi mắt Lục Tư Nặc vẫn luôn đỏ. Cô nói với tôi: “Hứa Gia Dương, tớ sẽ không lại đau lòng vì cậu nữa.”
Tôi cười cười, không để bụng lắm.
Tôi không biết thương tổn mà một người từng chịu đựng sẽ đi theo người đó suốt đời không, và những ký ức ấy lại có lực sát thương lớn bao nhiêu. Rõ ràng hồi ức quá khứ không ảnh hưởng tới tôi ăn, cũng không ảnh hưởng tới tôi ngủ, càng sẽ không ảnh hưởng tới công việc của tôi, nhưng tôi luôn cảm thấy mình cả đời này cũng sẽ chẳng vui sướng được đến đâu.
Quá khứ, dù có muốn hay không thì cũng đã qua rồi. Rõ ràng có rất nhiều điều tôi muốn quên muốn buông, lại không quên được cũng không buông xuống được. Tựa như một thanh kiếm cắm trong tim, cũng sẽ chết người, chỉ là thời gian sớm hay muộn mà thôi.
Chu Minh Khải vĩnh viễn cũng sẽ không biết, tôi gắng duy trì chút hơi thở cuối cùng để gặp lại hắn, hao tổn tất cả tâm lực để ở bên hắn ba năm.
Cuối cùng, đã tiêu hao hết.
Tác giả có lời muốn nói: Aiz, viết mà tim tôi đau quá.