Tổ trạch Đường gia nằm cách khu vực Quảng trường Trung Tâm vài con phố, nhưng không gian ở đây lại tuyệt đối yên tĩnh, không ồn ào xô bồ như phố thị bên ngoài.
Một tòa tứ hợp viện được bao quanh bởi vườn cây, hồ nước, thảm cỏ, bên hồ còn có một đình viện nho nhỏ để nghỉ ngơi ngắm cảnh. Diện tích rộng lớn, lại được bố cục vô cùng hài hòa, khiến cho bất kỳ ai đứng trong khuôn viên này đều cảm thấy thư thái, dễ chịu.
Trừ những người già sống rất lâu năm ở Thủ Đô, hoặc là những người giàu sang quyền quý, còn thì ít ai có thể biết được ở phía sau những bức tường cũ kỹ như một di tích lịch sử kia lại là nơi sinh ra một trong những gia tộc lâu đời, có sức ảnh hưởng bậc nhất đất nước.
Tòa tổ trạch này gắn liền với sự phát tích của Đường gia, cho nên cũng có thể coi nó là một phần nhỏ trong lịch sử dài dằng dặc của vùng đất kinh kỳ này.
Mấy trăm năm trước, thời kỳ đất nước còn đang tồn tại chế độ phong kiến quân chủ, thủ đô ngày nay khi đó cũng chính là kinh đô của triều đại này.
Ông tổ của Đường gia xuất thân hàn môn, là con cả trong một gia đình nhà nho nghèo ở Phủ Thuận Thiên - ngày nay là thành phố Tân Cảng tỉnh Hồng Hải.
Năm hai mươi tuổi ông vào kinh ứng thí, thành công giành được ngôi vị Bảng Nhãn, không chỉ đề danh bảng vàng mà còn được giữ lại làm quan trong triều.
Cũng bắt đầu từ đây, Đường gia bước trên con đường trở thành một thế gia ở Kinh Đô, sản sinh ra không ít nhân tài, đạt quan hiển quý. Có những người họ Đường đã từng làm quan tới nhất nhị phẩm, trở thành trụ cột của quốc gia.
Nhưng có thịnh ắt có suy, những năm đầu thế kỷ XIX, người phương Tây lần đầu tiên đặt chân tới vùng đất này.
Thoạt đầu, họ mang theo một cuốn sách mà đối với cả thường dân lẫn quan lại khi ấy đều cảm thấy rất xa lạ, nhưng ở một miền đất xa phía bên kia đại dương nó lại tượng trưng cho một thứ tín ngưỡng tối cao - Kinh Thánh.
Những nhà truyền giáo phương Tây ban đầu không gặp trở ngại gì, bọn họ được phép thu tín đồ, truyền thụ tôn giáo, thậm chí xây nhà thờ. Nhưng trải qua một thời gian dài, triều đình nhận thấy bọn họ có thể là mối nguy tới trị an đất nước, cho nên liền tiến hành ngăn cấm, thậm chí sát hại những giáo sĩ kia.
Giống như Mahatma Gandhi - anh hùng dân tộc, người lãnh đạo cuộc kháng chiến chống ách thống trị của Đế quốc Anh ở Ấn Độ - đã từng nói: Những kẻ nói rằng tôn giáo và chính trị không hề liên quan gì tới nhau, thì không hiểu tôn giáo là gì.
Những nhà truyền giáo, những giáo sĩ Tây phương phần bị giết, phần chạy trốn theo đường biển trở về nước. Thiên Chúa giáo, vào thời điểm đó bị coi như một tôn giáo không chính thống, cũng được tạm dẹp yên.
Thế nhưng chẳng bao lâu sau, người phương Tây đã trở lại, cùng với súng trường, thiết hạm, pháo thần công...
Đây cũng chính là bước ngoặt đánh dấu cho sự bắt đầu của thời kỳ đất nước bị đô hộ kéo dài hơn năm mươi năm.
Mà Đường gia khi ấy, vốn dĩ xuất thân từ những nhà nho yêu nước, đương nhiên không phục vụ cho những kẻ xâm lược kia. Bọn họ chọn đường lối bảo hoàng, cố gắng giữ gìn hoàng quyền và triều đình phong kiến.
Thế rồi chiến tranh vệ quốc nổ ra, khắp cả nước đều bùng lên ngọn lửa chiến đấu chống ngoại xâm. Người đứng đầu Đường gia lúc này chính là Ông cụ Đường, đã chọn con đường đi theo tiếng gọi cách mạng, dùng cả tuổi thanh xuân để cống hiến cho độc lập dân tộc.
Tổ trạch Đường gia khi ấy cũng từng nhiều lần trở thành nơi hội họp kín đáo của ban lãnh đạo lâm thời, thậm chí nhiều văn kiện quan trọng trong thời kỳ kháng chiến cũng được soạn thảo ở đây.
Ba mươi năm kháng chiến ròng rã, trả bằng biết bao mồ hôi xương máu, cuối cùng đất nước lại sạch bóng quân thù.
Mà Đường gia xuyên suốt cả dòng chảy lịch sử này, vẫn như một cây đại thụ không ngừng phát triển, không ngừng đào sâu cắm rễ, vươn cành lá rợp trời.
Thẳng cho tới hôm nay, Đường gia đã trở thành một trong năm đại gia tộc lớn nhất Thủ Đô, cũng là lớn nhất cả đất nước.
...
Trong tứ hợp viện lúc này đông đúc dị thường, trái với vẻ vắng lặng thường ngày.
Vốn dĩ nơi đây rất ít khi tập trung nhiều người, mà thường chỉ có Ông cụ Đường cùng một vài nhân viên tạp vụ và bảo an mà thôi.
Đường lão gia tử - cũng chính là ông nội của Đường Yên, cùng với Nhị lão gia tử rất ít khi có mặt ở đây, bởi vì cả hai người đều sống trong khu cán bộ cấp cao Thủ Đô để tiện bề công tác.
Hơn nữa Đường lão gia tử và Ông cụ Đường thực sự không quá hòa hợp, thậm chí có thể nói là tư tưởng đối nghịch lẫn nhau cũng không quá. Điều này xuất phát từ góc nhìn chính trị khác nhau, cũng như sự khác biệt về thế hệ và tam quan.
Tuy nhiên hôm nay cả hai vị lão gia tử lại cùng xuất hiện ở Tổ trạch Đường gia, việc này quả thực là hiếm thấy.
Đương nhiên không chỉ có hai người bọn họ, mà cả những nhân vật nòng cốt của thế hệ thứ ba của Đường gia như Đường Viễn, Đường Minh, hay như con trai cả của Nhị lão gia tử - Đường Tất Vũ... Tất cả đều có mặt đầy đủ trong phòng khách.
Nhưng mặc cho người trong phòng đã tới đông tới mức hơi có cảm giác chật chội, thì bầu không khí vẫn phi thường im lặng, một sự im lặng tới mức khiến cho người ta cảm thấy ngột ngạt.
Ông cụ Đường ngồi ở vị trí chủ vị, trong tay nắm chặt thanh quải trượng mà ông vẫn thường dùng mỗi khi đi lại.
Cho dù sức khỏe của ông cụ vẫn còn khá tốt, thế nhưng ở độ tuổi đã ngoài một trăm, việc đi lại của ông cụ cơ bản đều cần có gậy chống.
Thời gian vô cùng công bằng nhưng cũng vô cùng tàn khốc, không khoan nhượng hay thương xót bất kỳ ai. Mặc cho kẻ đó có quyền khuynh thiên hạ, hay giàu có phú khả địch quốc, hoặc là đại thiện nhân công đức vô lượng đi chăng nữa, thì tới khi thời gian đã hết, cũng đều giống nhau phải trở về với cát bụi.
Ánh mắt của Ông cụ Đường vô cùng sắc bén, một cái nhìn liếc ngang qua căn phòng đủ khiến những người trước mặt cảm nhận được một luồng áp lực vô hình.
Nhìn thấy con cháu đã tới đông đủ, ông cụ hắng giọng, chậm rãi lên tiếng:
"Chuyện ngày hôm nay, về lý do tại sao ta gọi mọi người tới đây, có lẽ không ai không rõ, ta cũng sẽ không trình bày dài dòng nữa..."
Sau đó ánh mắt ông cụ nhìn thẳng vào cha của Đường Yên - Đường Viễn, lạnh lùng hỏi:
"Tiểu Viễn, ngươi nói trước đi, muốn giải quyết như thế nào?"
Mặc dù đã qua rất nhiều năm, kinh qua không biết bao nhiêu sóng gió cuộc đời, nhưng Ông cụ Đường vẫn còn giữ nguyên vẹn tác phong thời còn trẻ.
Lớn lên trong gia đình quan lại thế gia, bị ảnh hưởng rất nhiều bởi văn hóa Nho học, cho nên cách đối nhân xử thế cũng như lời