Sính Kiêu

Chuyện thường ngày của người một nhà (1)


trước sau

- …Lúc trời tối đen xuống, chủ thuyền cùng người chèo thuyền mệt mỏi cả một ngày, muốn tranh thủ thời gian băng qua hẻm núi phía trước sau đó dừng lại nghỉ ngơi một đêm. Bỗng nhiên, sâu trong hẻm núi vang lên những thanh âm cổ quái. Thanh âm là như này này…Uu……u..u…..

Bà người làm lộ vẻ thần bí, dướn họng, kéo cổ họng, âm điệu lúc cao lúc thấp, làm động tác miêu tả với cậu bé tầm bốn năm tuổi đang ngửa mặt lên nhìn mình.

– Tiểu thiếu gia cậu nghe rõ chưa, là loại âm thanh này đó. Không phải là tiếng gió, là từ dưới đáy nước chui lên. Người nào cũng hoảng sợ. Có mấy thanh niên trẻ tuổi trên thuyền chưa từng gặp phải chuyện này đều sợ quá, hai chân run rẩy. Tiểu thiếu gia biết đó là âm thanh gì không?

Không chờ cậu bé trả lời, bà ta cúi xuống gần cậu, hai mắt trợn to, tay vồ vào không trung.

– Là ma nước.

Cậu bé chớp mắt một cái, hàng mi dài và dày khẽ động. Cô người hầu đứng bên cạnh không biết là bị bà người làm kể chuyện làm cho sợ hãi hay là bản thân cô ấy tự hù dọa mình, hét lên một tiếng. Bà kia dùng khóe mắt liếc xéo đầy khinh thường đối với vẻ nhát gan của cô người làm, tiếp tục múa may chân tay.

– Con đường sông này từ xa xưa có ba nước tranh bá, bình thường tiếp nước xuống nước, trăm ngàn năm nay đã chìm không biết bao nhiêu con thuyền rồi, chết đuối biết bao nhiêu người rồi, cuối cùng tất cả đều hóa thành ma nước, bị trấn tại dưới đáy nước. Bọn họ không cam tâm, nhân tháng này đêm tối gió mạnh, tất cả đều xông ra, gây sóng gió, tìm những kẻ dương khí yếu, tướng đoản mệnh, chỉ cần kéo người sống xuống nước là mình có thể đầu thai…

– Bà Lý, chuyện ma quỷ mà bà cũng dám nói lung tung trước mặt tiểu thiếu gia à?

Đang lúc bà người làm kể chuyện hăng say nước bọt bắn tung tóe, chợt có tiếng quát lớn. Bà ta nghiêng đầu sang, thấy là Hồng Liên tới thì vội đứng thẳng lên, ngậm miệng lại, nhưng vẫn cảm thấy không cam chịu, thế là hạ thấp giọng thì thầm:

– Tiểu thiếu gia bảo tôi kể mà…

– Còn cứng miệng! Tiểu thiếu gia bảo bà kể chuyện xưa, thế mà bà lại kể chuyện ma quỷ à? Cậu ấy mới bao lớn chứ? Nếu hại cậu ấy hoảng sợ mất ngủ cả đêm, tôi không tha cho bà đâu.

Bà Lý cúi gằm xuống không lên tiếng. Hồng Liên bỏ lại bà ta, chân nhỏ xoắn lên, bế cậu bé lên ôm vào lòng.

– Bảo bối của bà, cháu có bị sợ không?

Cậu bé lắc đầu.

– Cháu không sợ. Tam công nói với cháu rồi, trong nước không có ma nước đâu ạ. Âm thanh dưới nước kia được gọi là tiếng còi nước, là động tĩnh lớn do xoáy nước dưới đáy phát ra. Tam công còn nói, vào lúc đêm khuya vắng người, trong khoảng cách xa chừng mười dặm, người chèo thuyền kinh nghiệm phong phú dày dặn trong Thủy hội đều có thể nghe được, giống như là cảnh cáo nhắc nhở họ cẩn thận đi ngang qua.

Cậu bé này biết nói muộn, khi sắp được ba tuổi vẫn không nói lời nào, làm cho bố mẹ cậu nhóc rất lo lắng và sốt ruột, đã buông bỏ hết công việc, nghĩ đến đủ các biện pháp, giày vò đi giày vò lại, luôn lo lắng cậu sẽ bị câm. Về sau cuối cùng cũng mở miệng nói, mẹ cậu bấy giờ mới thở phào nhẹ nhõm, nhưng bình thường cậu nhóc cũng không thích nói chuyện mấy, thế là mẹ cậu lại u sầu lo lắng, sợ chỉ số thông minh của con mình sẽ không hoạt động. Không ngờ hiện tại cậu lại đột nhiên nói một câu dài và khó như thế, dù chỉ là một cậu nhóc còn chưa dứt sữa mẹ nhưng lại nhớ rất tỉ mỉ, nói rất rõ ràng, tức thì làm mọi người bên cạnh đều ngỡ ngàng.

– Ôi bảo bối cưng của bà. Nghe đi, nghe cho kỹ vào đi. Ai nói cháu của bà không biết nói chuyện chứ! Rõ ràng là nói tốt quá luôn. Chỉ là bình thường chúng ta không để ý tới cháu thôi. Ôi trời ơi, mẹ cháu giờ đi vắng, không được nghe. Còn bố cháu nữa, chờ lát bố cháu về, bà sẽ nói cho bố cháu biết.

Hồng Liên đúng là mừng như điên, ôm lấy đứa cháu bảo bối khen ngợi rối rít.

Tam công mà cậu bé vừa nhắc đến hiện tại chính là Đương gia Thủy hội Vương Nê Thu, bởi vì ông đứng hàng thứ ba, lại là anh em kết nghĩa của Trịnh Long Vương, cho  nên cậu bé từ lúc có trí nhớ thì gọi ông là Tam công. Về phần Hồng Liên, lúc trước bà không ở nơi này, là đầu năm mới tới, chủ yếu là để chăm sóc cậu bé. Bà người làm tuy biết Hồng Liên có quan hệ thân thiết sâu sắc với gia đình cậu chủ, nhưng ỷ vào mình làm việc ở đây nhiều năm, tiểu thiếu gia vừa sinh ra không lâu thì mình đã đến đây làm việc, bị Hồng Liên quát cho, trong lòng rất không vui, hiện giờ cũng mừng như điên, khen ngợi:

– Vẫn là tiểu thiếu gia thông minh! Đây gọi là chân nhân bất lộ tướng đó. Nhìn thì không thích nói chuyện, nhưng thực ra là biết biết tất cả mọi chuyện.

Đứa bé ra sức giãy ra khỏi lòng Hồng Liên, thò đầu nhỏ ra, – Bà Lý ơi, bà kể tiếp đi ạ.

Bà người làm liếc Hồng Liên, ngại ngùng nói:

– Chẳng phải cậu vừa nói đó là tiếng còi nước à?

– Bà kể rất hay, cháu còn muốn nghe.

Bà người làm phấn khởi hẳn lên, bày ra vẻ mặt vô tội không liên quan đến tôi với Hồng Liên, tiếp tục kể chuyện:

– …Nói thì chậm mà xảy ra thì nhanh, đang lúc mọi người hoảng hốt chân run rẩy đứng không vững, chủ thuyền không chút hoang mang đi đến đầu thuyền. Ông ấy móc ra một tấm biển gỗ, giơ lên cao, hô to về phía đầu kia, Long Vương ở đây, ma nước mau rút đi. Vừa dứt lời, trên tấm biển phát ra luồng ánh sáng vàng rực rỡ, chiếu sáng nửa bên mặt sông, trong chớp mắt, những yêu ma đó, ma chết đuối, u binh quỷ gì đó và bao gồm cả những thủy thủ nghĩ quẩn nhảy sông lại hốn hận vừa rồi còn gây đủ chuyện nơi đáy nước ở phía trước tất cả đều chạy mất! Chủ thuyền thấy mọi thứ yên ắng bình yên, cất tấm biển đi, một lần nữa giăng buồm lên cao, cứ thế, thuận lợi băng qua hẻm núi.

– Cháu biết! Cái này cháu biết! – Cô người hầu kia cũng chen miệng vào.

– Long Vương này không phải Long Vương trong nước, ông ấy là Trịnh Long Vương Thủy hội! Tất cả mọi người đều nói mấy năm trước ông ấy đắc đạo thành tiên, trở thành Long Vương thật, mãi mãi phù hồ thuyền bè trên sông. Tấm biển gỗ kia là lệnh bài của lão nhân gia.

Câu nói sau cùng của bà Lý muốn nói đã bị cô hầu nhỏ cướp mất, bụng mắng thầm, cậu bé trong mắt lại lộ vẻ hoang mang, miệng nhỏ hơi há ra, như là muốn nói gì đó nhưng lại nhịn được.

– Được rồi, được rồi.

Hồng Liên bế cậu lên, đi vào trong – Chúng ta đi thay quần áo đi, lát bố cháu về rồi đó.

– Bà ơi, Long Vương có phải là ông ngoại cháu không ạ?

Cậu nhóc ghé vào tai Hồng Liên, hỏi nhỏ.

– Ông ngoại rõ ràng còn sống mà. Mẹ nói, ông với bà đang đi du ngoạn thăm thú cảnh đẹp đất nước, một ngày nào đó sẽ về thăm cháu. Vì sao họ lại nói ông biến thành tiên nhân rồi ạ?

– Ông canh giữ thủy đạo  nhiều năm, ông mệt rồi,
giờ giao lại cho Tam công cháu, mọi người không được nhìn thấy ông cháu nữa, nhưng vẫn luôn nhớ ông ấy, cho nên đều nói như vậy cháu ạ.

Cậu nhóc có cái hiểu có cái không, nhưng không tiếp tục hỏi nữa.

– Mẹ cháu, còn có cô út và cậu cháu nữa, họ sắp về chúc mừng sinh nhật cháu rồi, cháu có vui không?

Cậu bé này họ Hạ, tên Minh Ân, chính là con trai của Hạ Hán Chử và Tô Tuyết Chí. Mấy ngày nữa là sinh nhật tròn 5 tuổi của cậu, nhưng không khéo là mẹ cậu hiện tại lại đi công tác xa. Về phần đi công tác tận đâu thì nói ra rất dài dòng.

Năm ngoái, vì những đóng góp xuất sắc của cô trong việc phát triển thuốc kháng sinh, trong tình huống cô không biết rõ tình hình, cô đã được trao tặng giải thưởng lớn về y học thế giới. Lúc đó tin tức gửi đến, cả nước sôi trào, nhưng cuối cùng cô cũng không nhận giải thưởng này, thay vào đó mà gửi một bức hàm thư. Trong thư, cô cho biết, việc đạt được thành tích này không phải đóng góp của cá nhân cô, vì một số lý do công khai không thuận tiện, cho nên, cô không thể nào tiếp nhận vinh dự này được. Lẽ ra vinh dự nên trao tặng này phải là các nhà y học trên thế giới, bao gồm cả quá khứ, hiện tại và tương lai, những người đang chống chọi không mệt mỏi với bệnh tật. Sau khi cân nhắc, ủy ban quyết định tôn trọng nguyện vọng của cô, đồng thời thông qua phương thức bỏ phiếu nhất trí, bỏ trống giải thưởng y học năm nay để bày tỏ sự khẳng định và sự tôn kính lớn nhất của ban giám khảo đối với thành quả y học này.

Mặc dù lúc ấy cô không đi nhận giải thưởng, nhưng không lâu sau đó, một hội nghị y học quốc tế lại được tổ chức. Cô trở thành khách quý đặc biệt, với mục đích chia sẻ và giao lưu về y học, lần này cô không từ chối, trùng hợp nữa là, em gái Hạ Lan Tuyết sau mấy năm học hành, cuối cùng đã nhận được học vị bác sĩ y học, sắp trở về nước. Vì tham dự hội nghị, cũng là vì tham gia buổi lễ tốt nghiệp của Hạ Lan Tuyết, chứng kiến thời khắc mang ý nghĩ kỷ niệm quan trong trong đời cô ấy, Tô Tuyết Chí lập tức lên kế hoạch xuất ngoại.

Chuyến đi này vừa đi vừa về mất chí ít hơn nửa năm, con trai còn nhỏ, không thể đi cùng, Hạ Hán Chử thì quá bận việc không thể buông bỏ được để đi theo cô, cho nên tuy rất không nỡ nhưng cuối cùng đầu năm nay, Tô Tuyết Chí vẫn cùng đoàn Hiệu trưởng Hòa xuất phát tham gia hội nghị y học, lên thuyền đi Châu Âu. Hai tháng trước, Hạ Hán Chử nhận được hành trình xác nhận cô trở về, xem lịch trình của chuyến đi, cô hẳn sẽ về nhà trước sinh nhật 5 tuổi của con trai.

Một năm này, mẹ thì đi công tác nước ngoài, bố thì bận rộn công việc, cũng không thể bầu bạn bên con trai, cho nên Hồng Liên đã tới Hạ gia phụ trách chăm sóc cậu nhóc Minh Ân.

Thời gian mẹ về sẽ là cuối tuần này, Hạ Minh Ân đã ghi nhớ trong lòng rồi, giờ nghe Hồng Liên hỏi mình thì gật đầu, gương mặt nhỏ nhắn nở nụ cười rạng rỡ:

– Vui ạ! Cháu cũng muốn gặp cô và cậu nữa.

– Còn nữa, mẹ về rồi, sẽ tổ chức sinh nhật cho cháu với bố đó.

Cậu suy nghĩ một chút, lại dùng giọng điệu trịnh trọng bổ sung thêm. Nhắc tới cũng khéo, sinh nhật của tiểu Minh Ân cùng ngày cùng tháng với Hạ Hán Chử.

Lần tổ chức sinh nhật đầu tiên của cậu, người bố Hạ Hán Chử ở nhà, nhưng lúc đó cậu còn nhỏ, dĩ nhiên là không thể nhớ được. Sinh nhật hai tuổi, ba tuổi, còn cả sinh nhật năm ngoái tròn bốn tuổi nữa, cậu có ký ức, nhưng mỗi một lần sinh nhật bố cậu đều bởi vì đủ nguyên nhân mà đi công tác xa nhà, không thể nào về kịp lúc, cho nên, chuyện có thể đón sinh nhật cùng với người bố của mình, Hạ Minh Ân rất là chờ mong.

– Đúng đúng. Mẹ cháu về sẽ tổ chức sinh nhật cho cháu và bố cháu.

Hồng Liên cười mắt tít lại thành đường kẻ, – Đi nào, chắc bố cháu sắp về rồi đó, bà thay quần áo cho cháu, lát cả nhà còn ăn cơm.

Văn phòng tỉnh phủ, khách tới thăm vừa đi, thư ký đã đi vào, nói rằng nhóm người tiếp theo đã xin hẹn gặp đã tới, đang chờ ở phòng chờ, có đưa vào hay không.

– Có phải là nhóm di lão trong thư thỉnh nguyệt có tên Vạn Dân Thủ Ấn không?

– Phải ạ. Họ cho rằng việc cho phép các trường học bình thường và các trường cao đẳng, đại học tuyển sinh nữ sinh một cách độc lập cùng một lúc là đáng phê phán, cần khôi phục chế độ cũ, chỉ chiêu học sinh nam, về phần học sinh nữ tự đến trường nữ mà học. Còn nói, ngay cả ở nước ngoài còn có những trường học riêng cho nam và nữ, phòng tuyến giữ nghiêm…

Nhóm những người được gọi là hiền nhân này đã hơn một lần đến gây phiền phức cho mình. Hạ Hán Chử lúc trước vẫn luôn không gặp, về sau thấy phiền quá, vốn định hôm nay gọi đến gặp để nói chuyện một chút. Nhưng bây giờ anh xem thời gian, thực tế không còn tâm tình đâu mà ngồi với đám người kia nữa, nói:

– Hủy đi, tạm thời có việc, không gặp. Cậu đi nói chuyện với họ thay tôi đi, dựa theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ giáo dục, chỉ riêng mười một huyện thành thuộc tỉnh phủ số lượng gia đình có con gái xin đi học đã lên tới con số năm ngàn hộ rồi, càng không cần nói đến những địa phương của các tỉnh còn lại. Không thi hành chính sách mới, lấy đâu ra nhiều trường nữ để dạy đây? Họ phản đối, bảo họ tìm cách xuất tiền, xây nhiều trường nữ vào, lúc nào giúp tôi giải quyết được vấn đề này thì tôi sẽ nghe theo họ.

Hiện giờ chẳng những trong tỉnh phủ, mà ngay cả trong huyện thành có rất nhiều người cha người mẹ cũng cần phải đổi mới tư tưởng, bắt đầu cho con gái đi học. Sở dĩ có sự thay đổi này, là nhờ vào việc tuyên truyền mà Tô Tuyết Chí đã thực hiện trong những năm qua và hình mẫu của cô đã đóng một vai trò lớn.

Thư ký ngây ra, sau đó nhịn cười, gật đầu:

– Hiểu ạ. Tôi sẽ trả lời họ như thế!

Hạ Hán Chử cầm lấy áo khoác ra khỏi văn phòng, đi thẳng về nhà.

Hết chương 211

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện