Hiện tại Giang Nhược Kiều đã không cho rằng đó chỉ đơn giản là giấc mơ nữa rồi.
Thậm chí cô còn cảm thấy những thứ cô mơ thấy chính là những chuyện đã từng xảy ra hay từng diễn ra trong nguyên tác.
Sau khi thức dậy, cô cũng không vội vàng đi ra ngoài, mà là lấy một tờ giấy và một cây viết, cố gắng nối liền những tình tiết trong mơ của mình thành một tuyến thời gian hoàn chỉnh.
Đúng vậy.
Tuyến thời gian.
Chuyện bà ngoại mắc bệnh rồi qua đời diễn ra sau thời điểm tài khoản của cô bị vô hiệu hóa.
Trong giấc mơ lần này, Lâm Khả Tinh nói rất rõ trong điện thoại rằng “Anh ấy vẫn luôn theo dõi chị ấy, đang xem vlog của chị ấy”, câu nói này rất quan trọng. Không còn gì để nghi ngờ, người có thể khiến cho Lâm Khả Tinh đau khổ như vậy cũng chỉ có mình Tưởng Diên mà thôi, mà người Tưởng Diên quan tâm ắt hẳn là cô. Câu sau của Lâm Khả Tinh nói “Chị ấy chê anh ấy không có tiền nên vứt bỏ anh ấy” có thể chứng minh được điều này. Như vậy, có thể hiểu là như thế này, tuyến thời gian của giấc mơ này diễn ra vào trước khi tài khoản của cô bị người ta hack rồi vô hiệu hóa đúng không?
Chắc là như vậy.
Như vậy thì có vấn đề rồi đây, rốt cuộc Lâm Khả Tinh đang gọi điện thoại cho ai?
Người này có phải là kẻ tiếp tay khiến tài khoản của cô bị vô hiệu hóa rồi bị hack hay không?
Trước đó Giang Nhược Kiều đã ghi chép hết lại tất cả những nội dung quan trọng, còn cả nhân vật trong nguyên tác, cô chỉ sợ một ngày nào đó mình sẽ quên mất.
“Sủng em thành hôn” vốn là một miếng bánh ngọt nhỏ kể về chuyện yêu đơn phương đến khi thành đôi, nội dung câu chuyện cũng không quá phức tạp, vì vậy những nhân vật xuất hiện cũng không nhiều. Cho dù có nhân vật phản diện thì cũng là kiểu nhanh chóng bị đánh bại sau đó bay màu.
Trực giác nói với Giang Nhược Kiều, người trực tiếp gây tổn thương nữ phụ, chính là người đang nói chuyện điện thoại với Lâm Khả Tinh.
Sẽ là ai đây?
Mẹ Tưởng à? Ban đầu Giang Nhược Kiều gạch một nét trên mặt của nhân vật này. Trên thực tế, mẹ Tưởng còn là người đầu tiên bị loại trừ.
Mẹ Tưởng lợi dụng một sự sai lệch thông tin để nữ phụ chia tay với nam chính, đồng thời để nam chính hiểu lầm nữ phụ.
Vì vậy, chắc chắn mẹ Tưởng rất lo lắng chuyện của nữ phụ lại xảy ra biến số gì đó.
Mẹ Tưởng hoàn toàn cũng không cần phải bôi nhọ nữ phụ, chẳng lẽ bà ấy không sợ nữ phụ bị chơi xỏ đến thê thảm, trong lúc nóng giận sẽ đi tìm nam chính, sơ ý nói lộ những chi tiết nhỏ lúc trước hay sao?
Quan trọng hơn là mẹ Tưởng không có năng lực này.
Có thể vô hiệu hóa một tài khoản Weibo có số lượng người theo dõi không nhỏ, nếu như mẹ Tưởng làm như vậy, tất nhiên sẽ làm một số người chú ý, ví dụ như bà Lâm, ví dụ như Tưởng Diên. Bất kể là ai biết được đi chăng nữa thì chuyện này cũng sẽ để lại tì vết lớn trong thiết lập nhân vật chú trọng đạo đức như bà ấy. Dù gì đi nữa, nào có một người mẹ thật sự trong sạch thánh thiện lại dùng mưu mẹo như vậy để chỉnh bạn gái cũ của con trai mình cơ chứ? Như vậy rất bất hợp lý, xác suất thất bại có thể nói là một trăm phần trăm.
Có khi nào là bà Lâm không? Giang Nhược Kiều lắc đầu, chần chừ vẽ một gạch đằng sau nhân vật này.
Tuy rằng cô chỉ từng gặp bà Lâm có một lần, nhưng cô luôn cảm thấy, bà Lâm không thể nào làm ra chuyện như vậy cho lắm. Hơn nữa trên tuyến thời gian này thì Lâm Khả Tinh và Tưởng Diên vẫn chưa ở bên nhau, bà Lâm còn chưa biết suy nghĩ của con gái. Vì vậy, người nói chuyện với Lâm Khả Tinh ở đầu dây bên kia điện thoại cũng không thể là bà Lâm được.
Rốt cuộc là nhân vật đã từng xuất hiện trong nguyên tác, hay là nhân vật chưa xuất hiện?
Giang Nhược Kiều đột nhiên nghĩ đến một người.
Người này vừa có năng lực vừa có lý do.
Đó chính là nam phụ Trần Uyên.
Ở trong sách, Trần Uyên là bạn thuở nhỏ của Lâm Khả Tinh, sau đó anh ta được người lớn trong nhà dẫn ra nước ngoài định cư, rất nhiều năm sau, Lâm Khả Tinh và Trần Uyên gặp lại nhau. Trần Uyên lịch sự nhã nhặn, tuổi trẻ tài cao, quãng thời gian từ khi còn bé cho đến lúc anh ta gặp lại Lâm Khả Tinh, anh ta luôn quan tâm săn sóc cô ta. Trong cốt truyện, anh ta là kiểu nam phụ điển hình, yêu nữ chính sâu đậm da diết, chỉ tiếc nữ chính đã có người yêu khác. Anh ta chỉ đành làm bạn bè, im lặng đối xử tốt với cô ta mà thôi.
Trong truyện, lần duy nhất nam chính ghen tuông cũng chính là vì người này.
Bởi vì Trần Uyên tặng Lâm Khả Tinh một cây đèn thủy tinh, tên là thần đèn Aladdin.
Tác giả cũng không tốn quá nhiều bút mực để miêu tả nhân vật này, Trần Uyên chính là kiểu nam phụ điển hình trong truyện. Thậm chí có thể nói, trong nguyên tác anh ta chính là một công cụ hình người. Giống như tác giả viết được giữa chừng thì đột nhiên phát hiện, trong một quyển tiểu thuyết đã có nam chính, nữ chính, còn có nữ phụ... Thế thì phải cho thêm một nam phụ vậy.
Giang Nhược Kiều nghĩ ngợi một chút, Trần Uyên có năng lực làm như vậy, dù sao có thể làm bạn thân thuở nhỏ với cô chủ của Lâm Thị, cũng đồng nghĩa với việc gia cảnh của anh ta không hề tầm thường.
Trần Uyên cũng có lý do hoặc có thể nói là động cơ.
Thần đèn Aladdin.
Tại sao nhất định phải là thần đèn Aladdin.
Thần đèn Aladdin có khả năng thực hiện ước nguyện cho người khác.
Giang Nhược Kiều vẽ một gạch đỏ thật đậm dưới cái tên Trần Uyên này.
Kể ra cũng khéo, vào cái đêm Giang Nhược Kiều mơ thấy giấc mơ đó.
Bà Lâm muốn di dời sư chú ý của Lâm Khả Tinh nên khoảng thời gian này thường xuyên dẫn cô ta đến đủ mọi chỗ xã giao. Lúc trước Lâm Khả Tinh vô cùng kháng cự mấy buổi xã giao và tụ tập kiểu này, cô ta cảm thấy rất buồn chán, hơn nữa những người trong các buổi tiệc đó đều quá mức dối trá. Lúc đó bà Lâm cũng không ép Lâm Khả Tinh tiếp nhận những chuyện này, nhưng mà khi đó con gái vẫn còn nhỏ, bây giờ bà ta không muốn nuông chiều cô ta nữa.
Ý định ban đầu của bà Lâm là muốn để cho Lâm Khả Tinh nhìn thấy các quý bà và quý cô nhà giàu kia xã giao như thế nào.
Làm thế nào để tỏ vẻ hào phóng tự nhiên, hay bắt chuyện làm thân một cách bình thản nhẹ nhàng trong lúc nói cười vui vẻ.
Đáng tiếc tâm tư của Lâm Khả Tinh không ở nơi này.
Thậm chí cô ta còn định bỏ trốn, nhân lúc mẹ mình không chú ý tới, cô ta nhanh chóng chạy ra ngoài, đi tới vườn hoa của chủ nhân ngôi nhà này. Vốn dĩ cô ta chỉ muốn giải sầu, ai ngờ lại đụng phải “người đồng đạo” trong khu vườn này, thế mà cũng có người ghét những buổi xã giao kia, lén chạy ra đây.
Hai người nhìn nhau nở nụ cười, Lâm Khả Tinh phát hiện gương mặt của người đó hơi quen quen, bèn chần chừ nói: “Hình như em gặp anh ở đâu rồi.”
Người kia nở nụ cười bất đắc dĩ: “Đồ không có lương tâm, em quên anh rồi à?”
Anh ta hắng giọng: “Thần đèn Aladin.”
Ký ức của Lâm Khả Tinh chợt ùa về, thoạt đầu cô ta còn hơi mờ mịt, sau đó cuối cùng cũng nhớ ra được khoảng thời gian đó từ trong trí nhớ phủ đầy bụi kia, cô ta vô cùng vui vẻ nói: “Là anh sao?”
Thật ra, nếu nói hai người là bạn thân thì cũng hơi phóng đại.
Dù sao năm đó khi quen biết nhau, Trần Uyên tám tuổi, Lâm Khả Tinh sáu tuổi, hai người vẫn là trẻ con.
Lúc Trần Uyên tám tuổi, mẹ anh ta bị bệnh rồi qua đời, nằm triền miên một thời gian dài trên giường bệnh. Một tháng sau khi mẹ của Trần Uyên mất, ba của Trần Uyên lập tức đón vợ bé ở ngoài về nhà, vợ bé của ba Trần cũng là người tình đầu tiên của ông ta. Năm xưa hai người chia tay, sau đó ba Trần quen với người vợ chính thức của mình, cũng chính là mẹ của Trần Uyên, hai người cùng nhau đồng cam cộng khổ, cuối cùng cũng có được tài sản và sự nghiệp của bản thân. Cũng vì năm đó làm việc quá vất vả nên mẹ của Trần Uyên mới mắc bệnh trong người, lúc sinh con suýt bước chân vào Quỷ Môn