Sau khi vào nhà một mình, cậu thấy những tảng đá hoa cương khổng lồ kì vĩ được bày biện ở khắp nơi.
Đường Thận ngồi đợi ở sảnh chờ ngoài cổng một lát mà không thấy bóng dáng Vương Trăn đâu. Hết cách, cậu đành tiến vào lâm viên.
Bước qua cổng nguyệt môn bên trái, Đường Thận thấy một hồ nước rộng lớn, sóng biếc mênh mông. Hồ bắt đầu từ chỗ giữa cây cầu, rồi mở rộng khắp về mạn Đông. Đường Thận chẳng có chỗ nào để đi, bèn men theo hồ mà tiến bước.
Khu nhà thứ hai có một tấm biển, tên đề ba chữ “Túy nguyệt đường.”
Khỏi cần nói, đây cũng là nét chữ của Vương Tử Phong. Đường Thận ngẩng lên nhìn một lúc: “Túy nguyệt tần trung thánh, mê hoa bất sự quân1?”
[1] Thường cùng với nguyệt say sưa. Cỏ hoa ham thú, việc vua chẳng màng.Một khắc đã trôi qua mà Vương Trăn vẫn biệt tăm biệt tích. Đường Thận đứng trong vườn một lát rồi bắt đầu đi tìm chàng: “Sư huynh ơi, sư huynh ở đâu rồi?”
Tòa dinh thự nhà họ Vương ở phủ Kim Lăng khổng lồ quá, Đường Thận ở chơi một ngày một đêm mà vẫn chưa đi hết. Còn tiểu viện Lưu Kỳ chỉ rộng cỡ một phần tư dinh thự nhà họ Vương thôi. Hồi trước Vương Trăn là quan nhị phẩm, bây giờ là quan lớn nhất phẩm, trạch viện của chàng phải tuân theo quy định mặt tiền ba gian, chiều sâu năm khung2. Tiểu viện Lưu Kỳ đương nhiên không thể vượt quá giới hạn.
Chẳng mấy chốc Đường Thận đã tìm hết một vòng khu nhà mà vẫn không thấy Vương Trăn đâu.
Cậu biết ngay Vương Tử Phong đang chơi trò ú tim với mình rồi, không thì làm gì có chuyện cậu không tìm thấy chàng chứ?
Đường Thận cũng đến cạn lời với chàng, không thèm đi tìm nữa. Cậu kiếm một băng ghế đá trong vườn rồi ngồi xuống.
“Huynh có ra đây không thì bảo?”
“Sư huynh?”
“Vương Tử Phong!”
Bỗng sau lưng có tiếng giày giẫm lên thảm cỏ, Đường Thận vội vã ngoái lại, nhưng vẫn bị chậm một nhịp. Hai tay Vương Trăn bịt kín mắt cậu từ đằng sau.
“Kìa sư huynh…” Đường Thận giật mình thốt lên.
Vương Trăn cúi xuống thầm thì bên tai Đường Thận: “Đáng lẽ ta định đi ra từ sớm cơ, mỗi tội lúc đi tìm ta trông em vừa sốt ruột vừa xinh đẹp quá, ta ngắm muốn mòn con mắt, nên mới trốn thêm một lúc đấy.”
Đường Thận: “…”
Cậu ngọ nguậy cựa mình ra khỏi tay chàng, mặt đanh lại, còn Vương Trăn thì cứ cười hà hà.
Đường Thận vờ như có tâm sự: “Từ hồi ta nói thẳng với sư huynh, sư huynh thay đổi hẳn.”
Vương Trăn không hiểu: “Nói thẳng cái gì cơ?”
“… Thì nói thẳng ý.”
Vương Trăn sực tỉnh: “Nói thẳng là em phải lòng ta ấy hả?”
Đường Thận nghiến răng cành cạch, tự nhận mình không đọ lại Vương Tử Phong, đành ráng nói lảng sang chuyện khác. Cậu ra chiều hờn dỗi: “Trong lòng ta, sư huynh từng sánh với người trời lạc bước nhân gian, ngỡ như chàng tiên trên cung Quảng, chỉ có thể ngước nhìn mà chẳng thể chạm tới. Thế mà giờ đây tác phong của sư huynh chẳng hề đàng hoàng, còn đâu phong thái bay bổng như tiên thuở nào.”
Vương Trăn thở dài: “Hóa ra tiểu sư đệ say mê ta đến thế, thậm chí còn xem ta như thần tiên. Nói vậy, có khi em mới là người thích ta trước ấy nhỉ?” Ngừng một thoáng, Vương Trăn nói như đinh đóng cột: “Tất nhiên phải thế rồi.”
Đường Thận: “…”
Vương Tử Phong kia, bản lĩnh đổi trắng thay đen của huynh luyện ở lò nào thế hả?
Thấy Đường Thận vừa tức tối vừa buồn bực, năm lần bảy lượt không nói lại mình, lòng Vương Trăn phơi phới. Chàng phì cười, vòng tay ôm eo Đường Thận. Đường Thận vỗ lên tay chàng, Vương Trăn ngạc nhiên hỏi: “Sao thế tiểu sư đệ?”
Đường Thận: “Ta còn phải đi.”
Vương Trăn: “Cũng phải hôn trộm người ta nữa nhỉ3?”
Đường Thận: “…”
Đường Thận hết dám nói thêm câu nào. Cậu được Vương Trăn dắt đi dạo chơi khắp mọi ngóc ngách trong tiểu viện Lưu Kỳ. Lúc hai người vừa đến trạch viện thì mặt trời mới ngả về Tây, bầu trời hẵng còn sáng. Đến khi họ dạo chơi xong thì trăng đã lên lưng chừng trời, ánh trăng vời vợi đầy ắp trong không gian, rót lên hồ nước mênh mông giữa tòa viện, phản chiếu thành vầng sáng lấp lánh.
“Lâm viên Giang Nam chú trọng vào sự biến chuyển của cảnh vật theo từng bước đi, tiểu sư đệ là người Cô Tô, hẳn cũng am tường nguyên tắc này.”
Đường Thận là con nhà nghèo, cậu chưa bao giờ ở nhà vườn cả, nhưng Lương Tụng thì có. Thế nên, Đường Thận cũng học hỏi đôi chút về lĩnh vực này. Nhà Vương Trăn không rộng mênh mông, nhưng khắp nơi đều có cảnh. Ở bất cứ điểm nhìn nào trong vườn ta cũng có thể bắt gặp những khung cảnh khác biệt, hiển nhiên đây là thành quả của sự sắp đặt kì công.
Càng giá trị hơn là…
Đường Thận ngẩng đầu, trông về tấm biển trên ngôi đình nhỏ giữa hồ nước.
“Phác Thạch”
Đường Thận: “Áp tùng do vị đắc, phác thạch tạm năng lưu4. Cả tấm biển này cũng do sư huynh đề đấy ư?”
[4] Tả cảnh tuyết nhỏ, không đủ sức nặng để vít cây tùng, chỉ phủ trên đá được trong chốc lát.Khắp tiểu viện Lưu Kỳ, từng khoảnh sân mái đình, biển tên của nơi nào cũng mang nét bút Vương Tử Phong! Sự dụng tâm đến vô cùng của chàng hiện hữu ở khắp chốn.
Đường Thận bỗng hiểu ra ý nghĩa của tiểu viện Lưu Kỳ đối với Vương Trăn. Vương Trăn không nói gì cả, chỉ dắt tay cậu đi vào đình Phác Thạch. Trên chiếc bàn tròn trong đình, cơm rượu thơm ngon đã được bày biện sẵn, toàn là những món yêu thích của Đường Thận.
Yên vị rồi, Vương Trăn mới hỏi: “Nguồn gốc cái tên của ngôi đình này, tiểu sư đệ đã tìm ra được rồi. Thế còn những chỗ khác thì sao?”
Cả hai người đều có tài xem một lần là nhớ, Đường Thận nhắm mắt hồi tưởng, rồi giải thích tuần tự những tên đình, tên viện khác. “Tản Tuyết môn, chắc là lấy từ câu ‘bất kiến nhật nguyệt toàn, đãn kiến tản tuyết câu’5 đúng không? Hương Hàn đường, hẳn từ câu ‘Diễm tĩnh như lung nguyệt, hương hàn vị trục phong’6…”
[5] Hiểu là hết những tháng ngày mưa dầm (trời âm u mịt mù không thấy mặt trời, mặt trăng) thì tuyết đã lại tới. Trích một bài thơ nói về thiên tai dồn dập [6] Tả hoa lê đẹp như trăng giữa mây mù, ngay cả trong gió hương thơm cũng không phai.Đường Thận ung dung phân tích rành rọt, rõ là: trước hoa dưới nguyệt, rượu ngon cùng người. Có cơn gió mát thoảng qua, Vương Trăn chưa uống đã ngà ngà say.
Sau khi Đường Thận nói xong, Vương Trăn mới bảo: “Gần đúng hết rồi đấy.”
Đường Thận hoài nghi: “Có chỗ nào sai ư?”
Vương Trăn: “Không chỗ nào sai đâu, nhưng cái quan trọng nhất thì chưa thấy tiểu sư đệ nhắc đến.”
Đường Thận suy nghĩ mãi, đắn đo hồi lâu mới nhớ ra thứ mình chưa nói. Nhưng ngẫm một lát, cậu bảo: “Tiểu viện Lưu Kỳ, gốc gác hai chữ ‘Lưu Kỳ’ chẳng khó tìm, nhưng… tại sao sư huynh lại chọn cái tên ‘Lưu Kỳ’ cho trạch viện này?”
Bí bỉ tuyền thủy, diệc lưu vu kỳ7.
[7] Sông Tuyền cuồn cuộn chảy đi, lướt xuôi nhập với sông Kỳ xa xa (TQP). Ví người con gái nước Vệ lấy chồng phải theo chồng.Trích từ bài thơ “Tuyền thủy” trong phần Bội phong, Kinh Thi.
Bản thân bài thơ này không phải vấn đề gì to tát, nó là một bài thơ hay về niềm nhớ thương sâu đậm. Vấn đề nằm ở chỗ, bài thơ này viết về nỗi nhớ nhà của người con gái nước Vệ lấy chồng xa quê! Vương Tử Phong đi lấy chồng xa? Vương Tử Phong đau đáu nỗi oán khuê phòng như cô gái nước Vệ?
Đường Thận rùng cả mình.
… Cái quái gì vậy trời!
Vương Trăn nom khá buồn lòng, chừng như muốn nói gì đó mà chẳng thể cất lời, thở dài thườn thượt.
Đường Thận thấy vậy thì hiểu ngay, đằng sau hai chữ “Lưu Kỳ” chắc là cả một câu chuyện đây. Cậu quan tâm hỏi: “Sư huynh sao thế?”
“Thực ra cái tên Lưu Kỳ không phải do ta đặt.”
“Ồ?”
“Em đoán không sai đâu, làm gì có chuyện ta lấy hai chữ ‘Lưu Kỳ’ đặt tên cho tòa trạch viện này chứ. Tác phẩm của tiên sinh đấy.” Vương Trăn khoan thai thở dài, kể: “Mười mấy năm trước, tiên sinh biết ta xây ngôi viện này nên hứng chí đến tham quan, rồi chủ động đặt tên cho nó luôn. Hồi ấy, người lấy câu ‘bí bỉ tuyền thủy, diệc lưu vu kỳ’ để trêu ta, rằng Tử Phong, con ở xa quê, vì nhung nhớ cố thổ nên mới xây trạch viện này. Cảm nỗi nhớ quê chân tình da diết, hãy gọi nó là Lưu Kỳ đi!”
Vương Trăn nhìn Đường Thận: “Người trên ban, chẳng dám chối. Ta lấy đâu ra can đảm mà khước từ đây?”
Đường Thận nghĩ bụng: Huynh mà không muốn thật, chẳng nhẽ Phó tiên
sinh bắt ép huynh được sao?
Nhưng điệu bộ rầu rầu ủ ê của Vương Trăn quả là trăm năm khó gặp, Đường Thận không nỡ dời mắt. Bị sắc đẹp hớp hồn, cậu nhìn chàng mê mẩn rồi lơ mơ gật đầu theo.
Vương Trăn chỉ vào tảng đá Thái Hồ kì vĩ giữa hồ nước: “Vì lẽ đó mà khi tìm được khối đá Quật Lung thượng hạng này, ta tuyệt nhiên không dám để lộ, chỉ sợ tiên sinh trông thấy. Tảng đá này đến giờ vẫn chưa có tên, tiểu sư đệ có bằng lòng đặt tên cho nó không?
Đường Thận hồi thần: “Ta ư?”
Vương Trăn nhoẻn cười, nụ cười của chàng dạt dào niềm hân hoan, cả người cứ lâng lâng vui sướng.
Chàng âu yếm hỏi: “No bụng chưa?”
Đường Thận ngẩn ra, ngẩng lên nhìn chàng. Hồi lâu sau cậu mới đáp: “Đã no rồi.”
Vương Trăn dắt tay cậu, dẫn Đường Thận đi qua hành lang lượn vòng uốn khúc. Họ băng qua mặt hồ dập dềnh sóng biếc, vòng qua tảng Quật Lung thạch để tới một gian nhà bên rìa hồ nước. Một nửa gian nhà vươn ra ngoài mặt hồ, chỉ cần chống cửa sổ lên là có thể hòa mình vào khoảng không gian xanh mênh mông trời nước.
Bên cửa sổ kê chiếc án thư rất dài, mặt bàn bày đủ loại giấy mực bút nghiên.
Vương Trăn nắm tay Đường Thận đến cạnh bàn. Chàng cẩn thận trải phẳng giấy Tuyên rồi bắt đầu mài mực.
“Tiểu sư đệ, đặt tên cho nó nhé?”
Đường Thận nhìn chàng một hồi, rồi ngoảnh mặt trông ra ngoài cửa sổ, ngắm nghía tảng đá Thái Hồ lởm chởm.
Mãi lâu sau, cậu mới đặt bút viết hai chữ.
“Ôn Ngọc”.
Đường Thận được đích thân Vương Tử Phong dạy viết. Mặc dù những con chữ toát lên khí phách thuộc về cậu, nhưng sâu thẳm bên trong, dấu ấn của Vương Tử Phong luôn hiện hữu ở khắp mọi nơi.
Thấy hai chữ này, trái tim Vương Trăn rung động mãnh liệt. Chàng thôi mài mực, ngẩng lên hỏi: “Hai chữ ‘ôn ngọc’ lấy từ đâu thế?”
Đường Thận nhìn chàng, từ tốn đáp: “Chàng ôi! Em nhớ thiết tha. Tính chàng như ngọc ôn hòa dễ thương. Ở nhà ván chàng đương tạm trú… Khiến lòng em sầu khổ rối bời8.”
[8] Bài thơ là lời khen chồng và nỗi nhớ chồng của người chinh phụ nước Tần. Nhà ván là nơi ở của người Nhung (kẻ thù của người Tần), nên cụm từ này ám chỉ cuộc chiến với người Nhung.Vương Trăn sải bước đến bên, vòng tay ôm chầm lấy cậu. Chàng ấp Đường Thận trong lòng, giọng chàng rủ rỉ như làn gió phớt qua thảm cỏ trong đêm xuân: “Tan làm em mới tới đây, sao vẫn còn mặc quan bào thế?”
Đường Thận: “Sư huynh tặng ta một nhành thược dược, hẳn có lời muốn thổ lộ cùng ta.”
Vương Trăn cười dịu dàng: “Quan bào bất tiện đủ đường, ta giúp tiểu sư đệ cởi áo có được không?”
Đường Thận siết chặt nắm tay, lặng thinh không đáp. Vương Trăn cầm tay cậu, dẫn Đường Thận tới bên giường. Chàng tháo thắt lưng của Đường Thận, cởi tấm áo bào đỏ thẫm. Khi chàng chuẩn bị cởi nốt lớp áo trong của Đường Thận, cậu chợt níu lấy tay chàng.
Vương Trăn ngẩng lên nhìn cậu.
“Lòng ta chất chứa muôn vàn tâm sự, vì sư huynh, vì rất nhiều người.”
Vương Trăn dịu dàng hôn cậu: “Còn lòng ta, chỉ chứa mình em thôi.”
Đường Thận ngây người nhìn Vương Trăn, trong vô thức, cậu thôi giữ lấy bàn tay của chàng.
Ngoài song nước chảy miên man, gió len buồng trúc, thổi tung xống áo rải rác trên nền nhà. Màn giường đã được Vương Trăn thả xuống từ lâu, suốt cả đêm tiếng ngâm nga chẳng hề ngơi nghỉ, dâng tới tận cùng hạnh phúc sướng sung.
Hôm sau, khi trời còn chưa sáng, quản gia phủ Thượng thư đã cầm triều phục của Vương Trăn đợi ngoài cửa. Vương Trăn rón rén xuống giường, Đường Thận liền giật mình tỉnh giấc. Cậu muốn đứng dậy nhưng phần eo lưng đau ghê gớm. Đường Thận xuýt xoa, rõ ràng tối qua có đau đâu, sao sáng nay chỗ nào cũng nhức thế nhỉ?
Vương Trăn giữ vai cậu, nhấn Đường Thận nằm xuống giường: “Nghỉ đi đã, hôm nay để ta báo ốm cho em.”
Đường Thận vẫn còn mơ màng ngái ngủ, chỉ nghĩ là đồng nghiệp xin nghỉ hộ nhau bình thường thôi chứ chẳng nghĩ xa xôi, thế là gật đầu rồi ngủ tiếp.
Vương Trăn thay triều phục rồi lên triều ngay.
Lại nói, lúc Vương Tử Phong mới đến điện Sùng Chính cũng không có ai thấy lạ, nhưng đó là trước khi chàng nói với Thống sự thái giám rằng: “Đường đại nhân bị ốm nhẹ, hôm nay không vào triều.”
Chàng vừa dứt câu thì Hữu tướng Vương Thuyên là người đầu tiên trong chính điện quay ra nhìn Vương Trăn. Các quan lớn khác chẳng phản ứng gì, chỉ có Tả tướng Kỷ Ông Tập nghe xong lại suy ngẫm, rồi kinh ngạc lẩm bẩm: “Hóa ra là thế à?” Không lâu sau, Hữu thừa Từ Bí cũng chợt hiểu.
Người thường, ai mà nghĩ ra đủ điều chỉ từ một câu nói như vậy? Chỉ có mấy vị quyền thần cáo già đã ngầm phỏng đoán chuyện Vương Trăn thích nam giới mới nghiền ngẫm ra được thôi.
Việc này như ngọn gió thoảng qua mặt hồ, làm gợn lên một đợt sóng lăn tăn rồi êm ngay. Phần lớn mọi người chẳng hề phát hiện.
Nhưng Khai Bình hoàng đế Triệu Phụ là ai kia chứ? Trong buổi triều, vì Vương Trăn đã lên hàng nhất phẩm nên chỗ đứng của chàng càng sát phía trên hơn, Triệu Phụ có thể thấy rõ từng cử chỉ của chàng. Ông ta ngạc nhiên lắm, tan triều bèn hỏi Đại thái giám Quý Phúc: “Ngươi trông Vương Tử Phong mà xem, hôm nay mặt mày rất tươi tỉnh, khác hẳn bình thường.”
Quý Phúc nhủ thầm: Khác ư? Khác chỗ nào không biết, rõ ràng trông hệt như mọi khi mà.
Nhưng Quý Phúc khôn ngoan có thừa, lão ta bèn đi dò la xem hôm nay Vương Tử Phong đã làm những gì, có gì bất thường không. Kết quả là lão hỏi ra được chuyện chàng xin nghỉ hộ Đường Thận. Quý Phúc làm gì nghĩ sâu xa được, lão bèn nghiêm chỉnh tâu hết lên cho Triệu Phụ. Nghe xong, Triệu Phụ sửng sốt mất một lúc mới nói: “Ngay đến trẫm cũng không nhận ra cơ à?”
Mặt trời lên cao ba sào, Đường Thận mới tỉnh ngủ.
Quần áo sạch được sắp sẵn trong phòng, cơ thể cậu cũng vô cùng khoan khoái. Đường Thận hồi tưởng trong giây lát, bỗng ý thức được rằng tối qua Vương Trăn đã tự tay lau rửa sạch sẽ cho cậu. Mặt đỏ phừng, cậu mặc quần áo xong rồi khẩn trương đến Ngự Sử đài.
Đường Thận vừa tới nơi, một người lính gác quá ngạc nhiên khi thấy cậu đã hỏi: “Đường đại nhân, không phải hôm nay ngài xin nghỉ hay sao?”
Bộ não choáng váng của Đường Thận bấy giờ mới khởi động lại, cậu nhớ đến lời Vương Trăn nói với cậu sáng nay.
Tức thì Đường Thận xây xẩm mặt mày.
… Vương, Tử, Phong!!!