Chu Thái sư đã vào cung Phúc Ninh thì những người khác không được vào nữa. Ngay cả Quý Phúc cũng đứng cạnh Đường Thận chờ ở ngoài cả khắc đồng hồ, cửa cung Phúc Ninh mới được đẩy ra.
Quý Phúc vội vàng bước tới, cười khúm núm: “Thái sư, quan gia đã tỉnh chưa ạ?”
“Chưa hề.”
Chuyện ấy rõ như ban ngày. Chu Thái sư là người chứ đâu phải thần, Triệu Phụ hôn mê bao nhiêu ngày nay, làm sao tỉnh lại ngay khi ông vừa về được? Cũng không biết tại sao Quý Phúc lại hỏi thế, chỉ thấy lão tỏ vẻ lo âu sầu khổ: “Quan gia đã mê man liên tục hơn hai mươi ngày. Thái sư, cứ thế này thì không hay chút nào. Nô tỳ chỉ là thái giám, chẳng có diệu kế gì, song nô tỳ luôn tâm niệm rằng quan gia là con của rồng, được ông trời phù hộ, thể nào cũng bình an.”
Chu Thái sư nhìn Quý Phúc, giọng ông vang rền: “Tất nhiên là thế.”
Quý Phúc cứ phải giữ nụ cười đến mỗi mặt mũi sắp sửa cứng đờ cả ra. Mãi sau Chu Thái sư mới thôi nhìn lão, lia mắt về phía Đường Thận.
Đường Thận đã chuẩn bị sẵn sàng từ lâu, cậu chắp tay hành lễ, cung kính thưa: “Hạ quan là Hữu thị lang bộ Công Đường Thận, xin bái kiến Thái sư đại nhân.” Không cần Chu Thái sư chủ động hỏi, Đường Thận thẳng thắn trình bày rõ nguyên nhân mình có mặt ở đây: “Lâu nay bệ hạ hôn mê nên mỗi ngày điện Cần Chính lại cử một viên quan trực ngoài cung Phúc Ninh. Hôm nay đến lượt hạ quan.”
Chu Thái sư vịn trường kiếm bên hông, dáng vóc uy vũ hiên ngang, ông nói: “Lão phu từng nghe Cảnh Đức nhắc đến ngươi.”
Đường Thận: “Hạ quan và Lý tướng quân đã có duyên gặp mặt mấy lần.”
Chu Thái sư dặn dò thêm Đường Thận đôi câu, hệt như cách người già hỏi han người trẻ, tuyệt nhiên không tỏ ra thiên vị. Và rồi đột ngột như khi nãy ông đến, vị Thiên hạ binh mã Đại nguyên soái cất bước đi vào tuyết, ủng in lên nền tuyết những vết chân thật sâu.
Tuyết trắng phủ kín áo choàng của ông, gió lớn lùa vào phần phật.
Quý Phúc vỗ vỗ ngực, hẵng còn hãi sợ lắm. Lão bông đùa dăm câu với Đường Thận rồi lại vào cung Phúc Ninh ngay.
Một bông tuyết nhẹ nhàng rơi xuống từ ngoài mái hiên, Đường Thận đưa tay hứng lấy. Vì lòng bàn tay ấm nóng nên chỉ chớp mắt tuyết đã tan. Khi Đường Thận ngẩng lên, bóng Chu Thái sư đã biến mất sau màn tuyết mịt mùng, không còn trông thấy nữa.
Chu Thái sư đột ngột về kinh không phải chuyện nhỏ, nhất thời kéo theo nhiều sự chú ý.
Đường Thận cũng rất tò mò, nhưng giờ Vương Trăn ở tít dưới Kim Lăng chưa về nên cậu chẳng có chỗ nào mà hỏi. Đến ngày hai mươi bảy tháng chạp, ngày mừng thọ của phu nhân Vương Thuyên, Vương Thuyên sai người mời Đường Thận qua phủ ăn cơm. Ăn cơm xong, ông gọi cả mấy người tâm phúc vào thư phòng.
Hầu hết những người trung kiên với Vương đảng đều có mặt trong thư phòng nho nhỏ này.
Riêng Đường Thận thì không được tính vào bởi cậu không thuộc Vương đảng. Vương Thuyên gọi cậu đến chẳng qua vì vị thế đặc biệt của cậu thôi.
Sau khi mọi người đã tề tựu đông đủ, Vương Thuyên nhấp ngụm trà nóng, mở lời: “Chu Thái sư về kinh, chư vị thấy thế nào?”
Mọi người ào ào nêu ý kiến.
“Thái sư đã đồng hành với bệ hạ nhiều năm nay. Trước kia khi còn là hoàng tử, bệ hạ vốn là học trò của Văn uyên các Đại học sĩ Lý Mạc Hợp. Song vì Lý đại học sĩ bị ốm rồi mất từ ba mươi năm trước, cho nên đối với bệ hạ, chính Thái sư mới là thầy giỏi bạn hiền. Lần này bệnh đau đầu của bệ hạ rất nguy kịch, e đã tới lúc ngàn cân treo sợi tóc, nên Thái sư mới tức tốc về kinh.”
“Hạ quan cũng thấy thế, lần này e là Thánh thượng…”
Chỉ nói lấp lửng thôi nhưng ai cũng rõ mười mươi trong dạ.
Vương Thuyên nhìn Đường Thận: “Nghe nói hôm Chu Thái sư về kinh thì ngươi đang trực trong cung phải không Cảnh Tắc?”
Mọi người đồng loạt quay ra nhìn Đường Thận.
Đường Thận đứng lên, chắp tay khẽ nghiêng mình: “Vâng. Hôm đó đến phiên hạ quan trực ngoài cung Phúc Ninh nên đã tình cờ gặp Thái sư.”
“Đường đại nhân có để ý thấy điều gì khác thường không?”
Đường Thận: “Cũng không có gì lạ thường. Thái sư vào cung Phúc Ninh chỉ một khắc là ra ngoài.”
Có viên quan thở dài: “Ấy là lẽ dĩ nhiên. Bệ hạ hôn mê bất tỉnh, Thái sư vào nhìn xong cũng làm được gì đâu? Chẳng nhẽ ngồi cạnh giường chầu đến héo khô à?”
Đường Thận: “Nhưng Thái sư cũng không tỏ vẻ đau buồn quá mức.”
Mắt Vương Thuyên bừng sáng: “Vì sao lại nói thế?”
Đường Thận suy ngẫm cẩn thận sự tình hôm đó, rồi cậu đưa ra phỏng đoán: “Thái sư về kinh rõ ràng không chỉ để gặp bệ hạ. Hằng năm Thái sư chinh chiến ở ngoài xa, ngài và bệ hạ luôn có sự thấu hiểu lẫn nhau giữa vua tôi, chưa từng xảy ra hiềm khích. Nếu sức khỏe bệ hạ y như lời các vị đại nhân nói, thuốc thang châm cứu vô dụng, cùng đường hết cách, vậy chắc hẳn Thái sư sẽ phiền muộn lắm. Thế nhưng xét cử chỉ và lời nói của Thái sư…có vẻ như vẫn có cơ hội xoay chuyển.”
Vương Thuyên: “Cơ hội thế nào?”
Đường Thận tịt mít, điều này quả thật cậu không đoán được!
May mắn thay, Chu Thái sư không để họ phải chờ lâu. Ngay hôm sau, một vị thần y nổi tiếng lẫy lừng trong dân gian được triệu vào cung để bắt mạch chạy chữa cho Triệu Phụ.
Trước kia Đường Thận cũng cho rằng bậc ẩn sĩ lớn ở ẩn nơi thị thành1. Tiểu thuyết, tivi toàn nói các thần y thánh thủ đều quy ẩn núi rừng, đến khi hoàng đế ốm nặng, bọn họ mới thình lình giáng xuống, giải quyết ngon ơ một vấn đề nan giải mà các thái y phải bó tay đầu hàng. Giờ đây tầm mắt cậu đã mở mang, sau khi được sống trong chính hoàn cảnh ấy, cậu mới phát hiện ra rằng ở thời đại này, quyền lực của nhà vua bao trùm lên hết thảy!
Hoàng đế đã muốn thì kiểu gì cũng đạt được.
Một “thần y” ở đẩu ở đâu mà đòi vượt mặt thái y ư? Đó chỉ là chuyện ngàn lẻ một đêm mà thôi. Ra ngoài đời, bất cứ thái y nào trong viện Thái y cũng đáng tôn làm thần y.
Nhưng vị thần y lần này lại được Chu Thái sư gọi tới.
Bá quan đâm ngờ vực: Chẳng nhẽ vị thần y này thật sự là ngọc sót ngoài khơi1, có thể chữa nổi bệnh của hoàng đế?
[1] Ý chỉ tài năng không được phát hiện, bị mai mộtTất cả cùng đợi chờ trong thầm lặng. Chẳng mấy chốc, một mùa Tết lại trôi qua, Triệu Phụ vẫn không
tỉnh. Ba vị hoàng tử ở lại kinh thành như ngồi trên đống lửa, tim họ cháy đùng lên. Có biết bao nhiêu điều họ đã tơ tưởng đến, nhưng rồi chính những điều họ không dám nghĩ tới lại lúc nhúc bò vào tâm trí họ như lũ giòi trong xương. Họ gắng hết sức để tránh nghĩ tới mà không tài nào quên nổi.
Sang năm mới, ba vị hoàng tử thay phiên nhau vào cung hầu bệnh.
Thấy hoàng đế không còn cơ may tỉnh lại nữa, trong khi đất nước không thể vắng vua một ngày, dần dà trăm quan trên triều đều có tính toán riêng.
Năm Khai Bình thứ ba mươi lăm, mùng hai tháng hai, tiết Xuân Long.
Đường Thận mặc bộ quan bào mới tinh, đón trận mưa xuân lạnh như băng, đi tới điện Cần Chính. Bao giờ mưa xuân cũng nhẹ hạt và êm ru, Đường Thận che ô không ăn thua gì, cơn mưa li ti vẫn làm ướt vạt áo cậu. Cậu phủi áo qua loa một hồi, thì người cùng phòng là Tả thị lang bộ Hộ Từ Lệnh Hậu đi vào ngay sau đó.
Từ Lệnh Hậu thấy vạt áo Đường Thận bị ẩm bèn cười bảo: “Dù sao hôm nay cũng chả bận gì, hay là Đường đại nhân về bộ Công một chuyến đi đã.”
Nói “về bộ Công” thực chất là bảo Đường Thận về thẳng nhà luôn.
Hồi xưa, Vương Trăn rất hay lấy cớ “về bộ Hộ” để lặn mất tăm giữa giờ làm. Tỷ như hồi chàng và Đường Thận mới gặp nhau, đúng ra Thượng thư bộ Hộ Vương Trăn đang phải làm việc ở bộ Hộ, nhưng chàng lại xuất hiện ở phủ Phó Vị.
Từ Lệnh Hậu là tâm phúc của Vương Trăn, anh ta hiểu Vương Trăn còn hơn Tần Tự. Đường Thận trêu: “Quan bộ Hộ thạo cái trò này ghê nhỉ!”
Ai ngờ, Từ Lệnh Hậu trố mắt ngạc nhiên: “Chẳng nhẽ còn ai cũng hay đến bộ Công nữa?”
Đường Thận: “Thượng thư đại nhân nhà anh chứ ai.”
Từ Lệnh Hậu cười nói: “Lẽ nào không phải người bên gối của Đường đại nhân đấy à?”
Đường Thận: “…”
Quả nhiên mặt cậu không thể dày bằng cái đám bộ Hộ này!
Nhưng mà có một câu Từ Lệnh Hậu nói nhầm rồi. Vương Trăn nào phải người bên gối Đường Thận cơ chứ? Chớ kể chuyện chung chăn sẻ gối, gần nửa năm nay họ đã thấy mặt nhau đâu! Vương Trăn xuống Kim Lăng một chuyến là không dứt ra được, chàng đã ở dưới đó ngót nghét ba tháng rồi.
Hai người nói thêm dăm câu ba điều, chợt có người nha dịch hớt hải chạy vào phòng.
Từ Lệnh Hậu: “Có việc gì mà hốt hoảng thế?”
Người nha dịch thưa: “Bẩm đại nhân, bệ hạ đã tỉnh! Từ tướng công ra lệnh cho chúng tiểu nhân đến phòng từng đại nhân báo tin, mời các ngài khẩn trương đến cung Phúc Ninh.”
Đường Thận và Từ Lệnh Hậu hé môi, cả hai đều vô cùng ngỡ ngàng.
Chẳng ai ngờ Triệu Phụ vẫn dậy được sau hai tháng ròng rã hôn mê!
Điện Cần Chính vốn được xây trong cung, bây giờ khi hoàng đế vừa tỉnh lại, các quan trong điện không tốn nhiều thì giờ để có mặt ngoài cung Phúc Ninh. Tuy thế, không ai được phép bước vào vì Chu Thái sư còn đang nói chuyện với hoàng đế trong điện. Chờ mấy khắc, đại thái giám Quý Phúc ra ngoài thông báo: “Bệ hạ triệu bốn ngài Từ tướng công, Vương tướng công, Trần tướng công và Cảnh tướng công vào điện.”
Bốn người Từ Bí lập tức vào điện, lần này thì phải non nửa canh giờ bọn họ mới ra ngoài.
Trông nét mặt cả bốn rất bí ẩn. Từ Bí ngẩng đầu phóng tầm mắt nhìn hai mươi viên đại thần chầu ngoài cung Phúc Ninh, trong đó có cả học trò tâm đắc của ông là Dư Triều Sinh, phất tay nói: “Hôm nay mọi người cứ về đi. Bệ hạ vừa mới tỉnh lại, long thể không thoải mái. Từ mai, mỗi ngày điện Cần Chính cử hai quan sang hầu ở cung Phúc Ninh.”
Tất cả đồng thanh hô: “Vâng.”
Trăm quan về hết, còn Chu Thái sư vẫn ở trong cung Phúc Ninh.
Tuy đã tỉnh nhưng Triệu Phụ vẫn phải nằm một chỗ chứ chưa đi lại được, cần điều dưỡng thêm một thời gian. Ấy thế mà ngay ngày kế thánh chỉ đã gửi xuống Giang Nam: Triệu Phụ cho đòi Vương Trăn về kinh.
Bốn ngày sau, Thượng thư Tả bộc xạ Vương Tử Phong – Vương đại nhân lặn lội về đến Thịnh Kinh.
Vương Trăn vừa về Thịnh Kinh buổi sáng thì chiều hôm đó Đường Thận nhận thánh chỉ vào cung gặp đức vua.
Có ngờ đâu thềm cung Phúc Ninh lại là nơi họ tái ngộ. Đường Thận ngắm nhìn người sư huynh đã nửa năm không gặp, lòng mừng mừng tủi tủi. Ý tình tương tư nào phải cứ viết thư là gửi gắm được? Hai người nhìn nhau đắm đuối. Vương Trăn đưa tay đặt ngón trỏ lên môi, khẽ giọng bảo: “Suỵt.”
Đường Thận nhoẻn cười: “Đi nào, Vương đại nhân.”
Họ nhìn nhau cười, rồi cùng sánh bước vào cung Phúc Ninh.
Vừa vào điện, Đường Thận đã ngửi thấy mùi thuốc nồng nặc phả ra. Chu Thái sư không có trong điện, Quý Phúc dẫn Vương Trăn và Đường Thận vào tẩm điện, có một cụ già tóc muối tiêu đang trông cạnh giường rồng.
“Thần Vương Trăn/ Đường Thận, bái kiến bệ hạ.”
Triệu Phụ cũng không suy nhược như người ta tưởng. Lúc này ông đang nằm trên giường, lưng kê gối dựa, cúi đầu đọc tấu chương, nghe tiếng nói mới ngẩng đầu lên. Thấy gương mặt ông, lòng Đường Thận sững sờ: Hoàng đế đã gầy thế này ư!
Triệu Phụ chưa bao giờ hốc hác đến thế. Đôi má ông hõm vào, nếp nhăn trên mặt càng nhiều hơn, song ánh nhìn của ông vẫn sáng trong, đôi mắt lấp lánh có thần. Thấy Đường Thận và Vương Trăn, ông để tấu chương xuống, vẫy tay gọi họ: “Lại gần đây một tí, hôm nay trẫm không có sức nói to với các ngươi đâu.”