Cuối tháng Giêng, trời bất ngờ trở rét.
Thời tiết phương Nam hiếm khi lạnh thế này. Gió rét quần thảo khắp nơi, mang theo cái lạnh cắt da cắt thịt. Không khí lạnh khiến bầu trời âm u xám xịt như mặt người chết. Vài hôm sau thì trời đổ tuyết. Tuyết lất phất rơi trên nền đường, thoắt cái đã tan đi dưới bước chân người qua lại.
Đường Thận và Diêu Tam mới ra khỏi cổng thì tuyết rơi. Diêu đại nương lấy ô cho hai người.
Diêu Tam: “Tiểu đông gia, tôi nghe nói người tị nạn đổ dồn về khu Tây chắn hết cổng thành. Có lẽ chúng ta nên đi từ cổng Bắc thì hơn.”
Đường Thận nói: “Ừ, vừa hay thầy cũng về từ hướng Bắc.”
Đúng vậy, hôm nay Đường Thận ra khỏi thành để đón Lương Tụng.
Đã tròn một tháng kể từ khi Lương Bác Văn rời khỏi Cô Tô vào tháng Chạp. Lương Bác Văn không về nhà lần nào, ngay cả dịp năm mới ông cũng đón Tết ở phương xa. Mãi đến hôm qua, quản gia Lương phủ mới báo cho Đường Thận rằng tiên sinh sẽ về vào hôm nay. Đường Thận đã lâu không gặp ông, trùng hợp sao hôm nay trời quá lạnh, học viện Tử Dương cho nghỉ, cậu bèn chủ động đi đón thầy.
Đường Thận khoác hai lớp áo bông dày, cầm ô đứng đợi trong giá rét, người ngợm tê cóng.
Đợi nửa canh giờ mới thấy bóng xe ngựa của Lương Tụng từ đằng xa. Đường Thận và Diêu Tam đi tới gần, Lương Tụng kéo mành xe lên, hết sức ngạc nhiên: “Sao con lại ra đây?”
Đường Thận đáp: “Con tới đón tiên sinh. Tiên sinh đi suốt một tháng mới về, học trò dĩ nhiên phải nghênh đón rồi.”
Lương Tụng giục: “Vào trong mau.”
Đường Thận khom người chui vào xe. Bên trong xe ấm sực, Lương Tụng dúi lò sưởi cầm tay cho cậu. Đường Thận ấp tay vào lò hồi lâu mới hết cóng. “Sao lần này tiên sinh đi lâu thế, suốt cả tháng trời không về phủ.”
Lương Tụng đáp: “Có việc riêng cần bàn bạc. Sao hôm nay con không đến học viện?”
“Thời tiết xấu quá, học viện nghỉ ạ.”
Lương Tụng trầm tư: “Thầy trở về cũng vì lí do này.” Nói đoạn, ông vén mành xe: “Đến cổng Tây xem tình hình ra sao.”
Xe ngựa không vào phủ thành nữa mà chuyển hướng đi sang cổng Tây.
Cổng thành còn chưa thấy đâu mà Đường Thận đã bắt gặp dân tị nạn suốt cả dọc đường. Họ đi trên con đường chính dẫn vào thành, nhưng tuyết phủ khắp nơi đã khiến mặt đường trở nên lầy lội. Bình thường dưới thời tiết khắc nghiệt thế này sẽ không có ai đi lại qua đây, nhưng dân tị nạn ở đây đông vô kể. Họ mặc những bộ quần áo rách rưới, chằng đụp, da dẻ nứt nẻ và bầm tím vì bệnh cước, lếch thếch lê bước trên con đường dẫn về cổng Tây thành Cô Tô.
Đường Thận hé mành cửa sổ xe nhìn một lát, rồi không đành lòng mà hạ mành xuống.
Lương Tụng vẫn lẳng lặng quan sát người dân chạy nạn, ông nói: “Nghe nói những người này đều di tản từ Trừ châu và Vụ châu. Năm nay tuyết khủng khiếp quá, bốn tỉnh miền Nam đều báo nguy khẩn cấp. Triều đình đã phát tiền cứu trợ thiên tai rồi, nhưng chẳng khác nào muối bỏ bể.”
Xe ngựa đi thêm một lúc thì đến các trạm phát cháo từ thiện.
Lương Tụng không ở Cô Tô nhưng mọi việc trong phủ vẫn có người điều hành. Ba ngày trước quan phủ đã dựng trạm phát cháo ở ngoài thành để tiếp tế cho nạn dân hằng ngày. Ngoài ra, các gia đình phú thương đều hào hiệp mở hầu bao, dựng trạm phát chẩn của riêng họ. Trong số đó có cả trạm của Đường phu nhân.
Nhưng ngần ấy sự hỗ trợ vẫn là chưa đủ.
Trời rét đậm mà người dân tị nạn chẳng có manh áo che thân. Quỹ cháo cho các trạm từ thiện mỗi ngày một vơi mà người tị nạn từ bốn phương tám hướng đổ về Cô Tô càng lúc càng nhiều.
Đường Thận hỏi: “Tiên sinh đã có biện pháp gì chưa ạ?”
Lương Tụng: “Biện pháp gì bây giờ hả con? Phủ Cô Tô tuy sung túc nhưng không thể cứu tế nổi nhiều nạn dân như thế. Giá rét cũng không kéo dài lâu thêm, chỉ còn một tháng nữa là sang xuân, tình hình sẽ khả quan hơn nhiều. Ráng cầm cự được hết tháng này sẽ ổn. Có câu tuyết rơi là điềm báo mùa màng bội thu, tiếc rằng tuyết lớn quá, tàn phá cả đất đai. Điều đáng lo là kể cả khi những nạn dân này hồi hương, vụ mùa năm sau chưa chắc đã thuận lợi. Nếu cứ thế, triều đình sẽ nợ đầm đìa, ngân quỹ thâm hụt càng nghiêm trọng.”
Đường Thận: “Phải cầm cự những một tháng ư? Tiên sinh, con sợ họ sẽ chết trong giá lạnh ngoài thành mất.”
Lương Tụng sao lại không biết, sau một tháng nữa, chỉ cần một nửa số nạn dân còn sống sót là tốt lắm rồi. Họ không chết vì đói mà sẽ chết vì rét. Dẫu cho quan phủ có dựng thêm lều bạt, cho họ chỗ sưởi ấm, thì nhân lực và vật lực của phủ Cô Tô cũng không thể đáp ứng nổi số người tị nạn ùn ùn kéo đến. Chỉ e sống qua mùa đông này trở về quê cũ, sang năm lại phải đối mặt với nạn đói mà thôi.
Lương Tụng thờ dài nặng nhọc.
“Thiên tai tàn nhẫn hơn nhân họa. Đi thôi, xuống xe xem thế nào.”
Hai thầy trò cùng nhau xuống xe.
Con số nạn dân khổng lồ hơn nhiều so với ước lượng của Đường Thận. Họ nép sát vào chân thành, cố gắng dùng mọi phương tiện để che chắn cơ thể, không phải vì sợ hở hang mà để giữ mạng. Thế nên dù có là rễ cỏ, vỏ cây hay bùn đất, họ cũng vơ bằng hết mà đắp lên người.
Tuy thời tiết lạnh khiến nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất thấp, nhưng bản thân cái lạnh đã là vấn đề nan giải rồi.
Một người hôm trước đến lĩnh cháo từ thiện, hôm sau chưa chắc còn sống sót, thành ra việc phát chẩn vẫn chỉ trị ngọn chứ không trị tận gốc vấn đề.
Theo sau Lương Tụng, chứng kiến cảnh tượng thê lương tang tóc, Đường Thận thấy trái tim như bị bóp nghẹt.
Ở thời hiện đại, tuy không thuộc tầng lớp khá giả nhưng gia đình cậu không thiếu thốn gì, từ bé đã đủ ăn đủ mặc. Trong đời cậu chưa bao giờ nghe thấy nhiều tiếng khóc than ai oán đến vậy, cũng chưa từng tận mắt thấy nhiều người gầy guộc, xác xơ như ở đây. Dù vượt thời gian, nơi cậu đặt chân cũng là phủ Cô Tô đông đúc, giàu có, làm gì có cảnh tượng địa ngục trần gian thế này.
Và dẫu có lắm tiền nhiều của đến mấy, phủ Cô Tô cũng chẳng thể nuôi không hàng ngàn, hàng vạn người. Kể cả khi các thương nhân dốc hết của nả ra cứu giúp, đến một lúc nào đó họ cũng phải bó tay.
Lương Tụng nói: “Ta đi thôi con.” Được một lúc, ông chợt phát hiện người học trò của mình không hề nhúc nhích. “Đường Thận?”
Cậu thiếu niên tuấn tú quay sang nhìn ông với vẻ đăm chiêu. Giây lát sau, Đường Thận nói: “Tiên sinh, con có một ý tưởng, không biết có thể thành công không. Tuy nhiên, con nghĩ cách này có thể cứu được rất nhiều người tị nạn, với điều kiện là tiên sinh hỗ trợ con.”
Lương Tụng: “Con cứ nói.”
Đường Thận nghiêm túc nói: “Con định thuê họ làm nhân công!”
(Bản edit phi lợi nhuận chỉ được up tại makyo0117.wordpress.com; hãy mua chương cho tác giả trên Tấn Giang nếu có thể)
Ở Trân Bảo Các của Đường gia, xà phòng thơm và tinh dầu đều là các mặt hàng bán chạy, dù chưa mở bán xà phòng, nhưng Đường Thận đã giắt túi được kha khá hoa hồng. Vừa qua, cậu đã dành mấy ngày để khảo sát các phố buôn sầm uất nhất ở phủ Cô Tô, nhưng chưa tìm ra được mặt hàng thích hợp để kinh doanh.
Ở thời kì này, hai ngành đem lại nhiều lợi nhuận nhất là muối và rượu đều bị triều đình quản lí nghiêm ngặt. Vậy cậu nên làm gì đây?
Đường Thận nói: “Hậu cần!”
Diêu Tam tròn mắt, hỏi: “Tiểu đông gia, hậu cần là gì? Nghe lạ quá.”
Đường Thận: “Diêu đại ca, tôi hỏi anh, tửu lâu số một phủ Cô Tô là nhà nào?”
“Đương nhiên là lầu Thiên Thu ở Toái Cẩm Nhai rồi.”
“Đúng. Lầu Thiên
Thu là tửu lâu đệ nhất phủ Cô Tô. Anh nên biết rằng người ta có thể đặt lầu Thiên Thu nấu nướng ngay tại nhà. Tháng trước, nhà Tôn Nhạc, bạn cùng trường của tôi, đã mời bếp trưởng lầu Thiên Thu đến tận nhà họ làm một bữa thịnh soạn nhân buổi dạ yến mừng năm mới.”
Diêu Tam: “Lại còn có chuyện đấy cơ à?”
Đường Thận: “Đương nhiên là có chứ. Người dân Cô Tô rất dư dả, anh nghĩ xem tại sao Cô Tô sung túc hơn cả Kim Lăng? Người giàu nhất Giang Nam với người giàu nhất Kim Lăng không khác nhau, nhưng Cô Tô sung túc hơn Kim Lăng là vì ở đây, ai ai cũng có cuộc sống đầy đủ! Tài sản ở Cô Tô không dồn cả vào một cá nhân hay một vài cá nhân. Mặc dù phú thương ở Cô Tô có thể không nhiều như ở Kim Lăng, không giàu có như phú thương Kim Lăng, nhưng phần lớn người dân Cô Tô đều có cuộc sống yên bình, ấm no, dư dật. Cho nên với dân Cô Tô mà nói…”
Diêu Tam: “Với dân Cô Tô nói thì sao ạ?”
Đường Thận mỉm cười: “Đối với họ mà nói, mời bếp trưởng lầu Thiên Thu đến nhà họ nấu ăn thì quá đắt đỏ, bọn họ không có ngần ấy tiền. Nhưng để thuê người để chạy việc vặt, chuyển thư, chuyển hàng gấp, thì khoản tiền nhỏ đấy, người Cô Tô ai cũng bỏ ra được!”
Đúng vậy, Đường Thận muốn trở thành người tiên phong trong lĩnh vực này ở phủ Cô Tô!
Từ ban đầu suy nghĩ của cậu đã bị bó buộc vào lối mòn: Phủ Cô Tô không gì không có! Nhờ có kênh đào khổng lồ Đại Vận Hà1, thương nhân từ bốn phương tám hướng tụ họp cả về đây. Ngọc ngà châu báu, gấm vóc lụa là, trân tu mĩ thực… Những gì con người có thể nghĩ ra được đều có thể trở thành hiện thực ở Cô Tô. So với việc phải bon chen trong những ngành nghề có sẵn, tại sao ta không làm việc đơn giản hơn là phục vụ các ngành đó?
Đường Thận: “Diêu đại ca, anh đến khu Tây mua một ngôi nhà, không cần phải khang trang, nhưng càng to càng tốt, ít nhất là có sức chứa khoảng một trăm người. Sau đó, anh ra ngoài thành chọn lấy năm mươi người dân tị nạn, anh cứ tự quyết, trông đàng hoàng, trung thực là được, nam nữ không quan trọng.”
Diêu Tam tin tưởng Đường Thận vô điều kiện: “Có ngay!”
Đường Thận mau chóng đi sang Lương phủ.
Cậu đã chia sẻ ý tưởng phát triển hậu cần cho Lương Tụng từ trước. Lương Tụng suy đi tính lại đã lâu, thấy Đường Thận đến gặp, bèn đi thẳng vào vấn đề: “Con hẳn đã tính được là việc làm này không mang lại lợi nhuận gì, công sức phải bỏ ra là vô cùng lớn, cơ hội thu hồi vốn gần như bằng không.”
Đường Thận cười nói: “Tiên sinh, thầy đâu phải không biết xà phòng thơm và Hoàng Kim Lũ, hai mặt hàng đình đám nhất phủ Cô Tô, đang được độc quyền bởi Đường gia. Dù kế hoạch này lỗ vốn, tiểu tử cũng không chết đói ngoài đường.” Huống hồ “kép chính” xà phòng hẵng còn chưa lên sân khấu.
Lương Tụng: “Thôi thôi, con đã quyết chí thì cứ làm đi. Giúp người cái cần câu thì hơn là con cá, người dân chạy nạn trở về cũng khó lòng xây dựng lại cuộc sống, nếu chúng ta thu xếp được cho họ ở phủ Cô Tô cũng là điều đáng làm. Con cần gì, cứ nói với quản gia.”
“Không cần phiền thế đâu ạ, tiểu tử chỉ cần mười bộ khoái nhanh trí, và thêm một lời của tiên sinh.”
“Ồ, con cần ta ra lệnh gì?”
“Người dân tị nạn nếu vi phạm pháp luật ở phủ Cô Tô, không cần biết là tội lớn hay tội nhỏ, đều phải bị trục xuất khỏi phủ, nghiêm cấm bất cứ trạm phát chẩn nào cung cấp thức ăn cho các đối tượng đó!”
Diêu Tam đã bố trí được một nhóm dân tị nạn đến ngôi nhà trống rộng rãi vừa mới mua. Những người dân này phần lớn là thanh niên trai tráng nhưng đã bị suy nhược ít nhiều. Diêu Tam không biết Đường Thận có ý đồ gì, nhưng anh nghĩ đông gia đã cần nhân công thì nên chọn người càng khỏe mạnh càng tốt. Vì thế, anh chỉ lựa những người có sức vóc để dẫn về.
Đường Thận đến nhà chào hỏi năm mươi người đó, phát thức ăn, nước nóng và áo quần cho bọn họ.
Những người dân cùng khổ này sững sờ không tin nổi vào mắt mình, đồng loạt tung hô Đường Thận là Bồ Tát sống tái thế. Bọn họ ăn ngốn ngấu, tắm giặt sạch sẽ bằng nước nóng, thay quần áo tinh tươm, bấy giờ trông mới ra hình người. Đường Thận cũng không bắt họ phải làm việc luôn mà bảo Diêu Tam dẫn họ đi làm quen đường lối ở phủ Cô Tô.
Ba ngày sau, nhóm dân tị nạn đã quen thuộc với phố xá trong phủ.
Đường Thận bèn hướng dẫn Diêu Tam dán thông báo ở những khu phố đông người qua lại nhất Cô Tô, còn kế toán Lâm thì đi dán thông báo ở những khu vực tập trung các hộ dân cư trong thành. Chẳng mấy lâu, đã có rất nhiều người thấy thông báo, ai biết chữ thì đọc to lên cho người khác nghe.
“Hậu cần Đường thị…Ể, hậu cần là cái gì thế?”
Người này đọc nhẩm thông báo xong, có người hỏi ngay: “Kìa ông anh, người ta thông báo chi vậy?”
“Thông báo này viết, từ ngày hai tám tháng Giêng, tức là mai, Hậu cần Đường thị sẽ giao hàng miễn phí cả ngày. Những người mặc áo vải ngắn màu đỏ trên đường đều là nhân viên của Hậu cần Đường thị, chỉ cần gọi họ là họ sẽ đến. Mình có thể nhờ họ chuyển giao đồ đạc, mua đồ hộ, ngoài ra còn có thể nhờ đưa thư. Chỉ cần trong phạm vi phủ Cô Tô, họ sẽ làm thay mình tất.”
“Lại còn thế nữa cơ à?”
“Đúng thế, quả là sự lạ.”
Trong nhà Đường Thận, kế toán Lâm ngồi tính các khoản thu chi mấy ngày gần đây, mặt ủ mày chau: “Tiểu đông gia, để nuôi ăn năm mươi người tị nạn, chúng ta đã tốn một đống tiền. Giờ cậu tổ chức hậu cần lại nhận giao hàng miễn phí, vậy thì làm sao thu hồi vốn được?”
Diêu Tam: “Tôi tin tiểu đông gia sẽ làm được.”
Song, Đường Thận nói: “Thực sự tôi cũng không tự tin lắm.”
“Ơ? Chẳng lẽ, ngày mai không có ai giao việc cho nhân viên của chúng ta sao?”
Đường Thận: “Anh nói là mai hả?”
Diêu Tam: “Vâng, ngày mai ấy.”
“Ngày mai khẳng định là không có.”
“…”
Diêu Tam luống cuống: “Tiểu đông gia, thế thì…”
Đường Thận nheo mắt, cười: “Ngay mai chắc chắn không có, nhưng sau này có hay không, phải chờ xem người dân Cô Tô rốt cuộc dư dả đến mức nào, đời sống ổn định ra sao. Đã kinh doanh thì không thể không mạo hiểm, vì chẳng có việc làm ăn nào an toàn tuyệt đối, không thua lỗ cả. Nhưng riêng việc này, đã có mấy vị tiền bối họ Thuận, họ Viên, và họ Thân bật mí với tôi rằng…kiểu gì cũng thành công!” 2