Tan triều, trời cũng vừa tảng sáng.
Khai Bình Hoàng Đế Triệu Phụ được bầy hoạn quan tiền hô hậu ủng rời khỏi điện Thùy Củng, lên đài Thỉnh Thần tu luyện. Những ngọn đèn trường minh đặt thẳng tắp trên giá, mấy thái giám trẻ hết sức cẩn thận châm thêm dầu vào đèn, không dám để tắt. Bên trong đài Thỉnh Thần giăng màn trướng trắng tuyền, ngập tràn hơi thở cõi tiên.
Thiền một canh giờ, Triệu Phụ nhẹ nhàng hỏi: “Giờ nào rồi?”
Quý Phúc lập tức đi vào trong điện hầu Hoàng đế thay y phục; ngài đã hỏi vậy tức là muốn đến điện Cần Chính phê duyệt tấu chương. Lão ta thưa: “Bẩm, đã sang giờ Thìn rồi thưa quan gia.”
Triệu Phụ “Ờ” một tiếng, bầy thái giám lại cung cúc tận tụy hộ tống bệ hạ tới điện Cần Chính.
Nước Đại Tống quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Suốt những năm đầu thời kì Triệu Phụ ở ngôi, ông ta hết sức siêng năng cần cù, việc gì cũng đích thân làm hết. Không may, vào một đêm mười hai năm trước, Triệu Phụ thức khuya phê duyệt tấu chương thì đột nhiên ngất xỉu. Sau khi tỉnh lại, ông ta bắt đầu tôn sùng việc tu tiên, những mong được trường sinh bất lão. Việc triều chính đương nhiên chẳng thiết tha nữa. Chuyện nhỏ thì Lục bộ tự động giải quyết, chuyện lớn đã có Trung Thư tỉnh với Xu Mật viện lo toan.
Số tấu chương được gửi lên cho Triệu Phụ mỗi ngày, giỏi lắm chẳng đến một trăm bản tấu.
Triệu Phụ cầm bút son trên tay, phê sổ: “Đã duyệt, cho phép.”
Mới xem được năm mươi cuốn sổ, Triệu Phụ đã lim dim mắt ngả lưng ra giường La Hán. Quý Phúc phối hợp nhịp nhàng, đấm bóp cho bệ hạ thư giãn. Chủ tớ hai người đã gắn bó hơn bốn mươi năm. Quý Phúc cất giọng nói lanh lảnh đặc trưng của hoạn quan, khe khẽ thưa: “Quan gia còn nhớ tiểu Giám sinh ở Quốc Tử Giám hôm qua không ạ?”
Có tia sáng thoảng qua đôi mắt lim dim của Triệu Phụ, song ông ta chỉ lười biếng đáp “ừ” thôi.
Quý Phúc nói tiếp: “Nô tài được biết, Giám sinh ấy tên là Đường Thận, quê ở Cô Tô. Hiện cậu ta là tài tử nổi danh Quốc Tử Giám, vừa rồi đứng hạng nhất kì quán khóa.”
Triệu Phụ chẳng buồn đếm xỉa, không nói không rằng.
Quý Phúc rủa thầm trong lòng, song đôi tay đấm bóp cho hoàng đế và biểu hiện tận tâm vẫn y nguyên.
Quân tâm khó dò, đêm qua hoàng đế còn hỏi chuyện Đường Thận, đến sáng nay ngài đã hết hứng thú rồi. Quý Phúc chẳng tiếc cho Đường Thận, loại học trò chưa đỗ cử nhân làm sao đã đủ tuổi lọt vào mắt xanh của lão? Lão tiếc là tiếc cái công nhờ vả Lâm Tế tửu mà chẳng được việc, không dưng mắc nợ người ta!
Triệu Phụ đứng dậy, Quý Phúc rót nước hầu vua.
Rốt cuộc lão thái giám già vẫn ráng gỡ gạc, bèn tâu: “Nô tài nghe nói, nguyên lai Đường Thận là học trò của Phó Vị đại nhân đấy ạ.”
Triệu Phụ giờ mới để ý hơn, nhấp một ngụm trà, ngước mắt nhìn kẻ đầy tớ già: “Còn có việc này hử?”
Quý Phúc thưa: “Đúng ạ.”
“Phó Hi Như mà lại nhận đồ đệ? Trước đây ông ta bảo trẫm suốt, cả đời này chỉ nhận mình Vương Tử Phong là đủ. Mấy năm rồi còn than chóng già, đòi từ quan, hồi hương cơ mà.”
Quý Phúc cười xòa: “Phó đại nhân chắc là tiếc người tài đây. Nô tài còn nghe nói đến một bài thơ do Đường Thận sáng tác. Tuy không biết chữ, nhưng nô tài thấy bài thơ ấy tuyệt hay, mong được ngâm lên cho quan gia nghe thử.”
Triệu Phụ cười, biết tỏng ý đồ lão ta: “Nếu đã chuẩn bị đến thế rồi thì đọc mau lên.”
“Vâng.”
Quý Phúc đọc bài thơ thí thiếp của Đường Thận xong, biểu cảm của Triệu Phụ im lìm một cách bí ẩn. Quý Phúc lúng tung vô cùng, tuy lão theo Triệu Phụ bao năm nay, nhưng theo tuổi tác, lão càng ngày càng không dò nổi tâm tư Hoàng đế. Mãi hồi lâu, Triệu Phụ mới đặt chung trà xuống, vuốt chòm râu trắng dài mượt: “Chỉ e kinh động đến người thiên cung? Cậu Đường Thận này cũng khéo đấy.” Nói xong, một nụ cười thoáng qua môi hoàng đế.
Quý Phúc bấy giờ mới thở phào nhẹ nhõm, xem ra bệ hạ khá đẹp lòng rồi.
Sự việc Thiên tử lâm Ung truyền đi khắp thiên hạ, trở thành câu chuyện được mọi nhà ca tụng.
Suốt một tháng sau, ba mươi hai học trò được nghe hoàng đế giảng bài vẫn có cảm giác lâng lâng như vừa choàng tỉnh từ giấc mộng thành tiên. Đường Thận thì không vì thế mà thỏa mãn với việc học của bản thân, còn Mai Thắng Trạch cứ lo mãi chuyện cậu phê bình “quân tử chi giao,” sợ cậu bị Hoàng đế trách phạt. Nào ngờ đã một tháng kể từ ngày Thiên tử lâm Ung, thánh thượng chẳng có động thái gì, như thể đã quên béng chuyện gặp ba người học trò hôm ấy rồi.
Mai Thắng Trạch lấy đó làm mừng, song cũng tiếc nuối: “Cảnh Tắc à, chúng ta chưa tận dụng tốt cuộc kỳ ngộ này rồi.”
Đường Thận nói: “Với tài học và tích lũy của Thắng Trạch huynh, kỳ thi mùa Xuân năm sau, nhất định sẽ đăng khoa bảng vàng. Đến lúc thi Đình, được diện thánh lần thứ hai, nếu Thánh thượng đã từng tán thưởng huynh là rường cột nước nhà, dễ là ngài còn nhớ mặt huynh đấy.”
Mai Thắng Trạch cười: “Xin cảm ơn lời chúc của đệ. Thi Hương cuối tháng này, đệ chuẩn bị đến đâu rồi?”
Đường Thận mặt mếu xệu: “Thắng Trạch huynh tha cho đệ đi, chúng ta chẳng phải anh em cột chèo sao?”
“Ha ha ha, đệ điêu lắm, đừng hòng ta tin!”
Đường Thận lại trưng vẻ ngây thơ.
Trời thu se lạnh, chẳng mấy chốc mà đến kì thi Hương ba năm một lần.
Trung tuần tháng Bảy, Đường Thận đến Quốc Tử Giám đăng kí dự thi Hương. Phần lớn học trò Quốc Tử Giám đã là cử nhân, chỉ có vài tú tài. Kì thi bắt đầu từ ngày mùng tám tháng Tám; mùng bốn Đường Thận xin nghỉ để ôn thi tại nhà. Ra khỏi Quốc Tử Giám, cậu không về nhà ngay mà chạy sang Phó phủ.
Tiểu đồng Ôn Thư dẫn Đường Thận đến thư phòng của Phó Vị. Chú tiểu đồng vừa đi vừa hỏi Đường Thận: “Đường tiểu công tử vẫn còn phải thi Hương à?”
Đường Thận bất đắc dĩ đáp: “Phải.”
Ôn Thư đồng tử bèn nói: “Xin chúc công tử đăng khoa bảng vàng!”
Đường Thận: “Xin nhận cát ngôn của cậu.”
Tới thư phòng, Đường Thận vừa vào cửa đã thấy Phó Vị đứng ở bàn sách rộng rãi bằng gỗ tử đàn, hăng hái múa bút. Chợt Đường Thận phát hiện có cả Vương Trăn,
bước chân ngập ngừng, cậu gọi: “Tử Phong sư huynh.” Vương Trăn gật đầu, cậu mới thưa với Phó Vị: “Tiên sinh.”
Phó Vị ngẩng lên: “Cảnh Tắc lại đây mau, xem bức họa vi sư vẽ cho con này.”
Đường Thận đi tới ngắm.
Phó Vị vẽ một bức núi non chầu mặt trời, có núi xanh điệp trùng, tùng mọc san sát. Vầng mặt trời đỏ au nhú lên sau rặng núi, tỏa ánh vàng chói lọi. Kiếp trước, những bức tranh Đường Thận từng xem chỉ gói gọn trong bộ sưu tập tranh của thầy hướng dẫn lúc học tiến sĩ, sau đó thì thêm những tranh Lương Tụng sưu tầm. Vì lẽ đó, vào ngày Trùng Cửu hai năm trước, cậu còn cho rằng bức
Đông song cúc của Phó Vị vẽ khá đẹp, trong khi Lương Tụng chê kĩ thuật vẽ của Phó Vị “quá tầm thường.”
Nhưng Đường Thận nay đã khác xưa rồi. Ngày nào cũng đến nhà Vương Trăn, cậu được chiêm ngưỡng biết bao nhiêu tranh quý Vương Trăn sưu tập, cũng nhiều lần mài mực cho sư huynh vẽ tranh.
Đường Thận lại ngắm nghía bức họa của Phó Vị…
Phó Vị háo hức lấy con dấu ra đóng lạc khoản “Điêu Trùng trai chủ” vào góc tranh. Ông hỏi: “Cảnh Tắc, bức họa này của vi sư thế nào?”
Đường Thận thật thà: “Khí thế hào hùng, quả là giai tác!”
Phó Vị cảm khái: “Bao lâu rồi không đụng đến giấy bút, hôm nay vẽ một hơi đã hoàn thành, sảng khoái thật! Nào, Tử Phong, đến phiên con nhận xét.” Vừa nói xong, ông lại đổi ý: “Thôi thôi, khỏi bình phẩm, nhiệm vụ của con là sáng tác thơ cho vi sư, rồi đề vào tranh ấy!”
Vương Trăn cười rất duyên: “Tiên sinh đã sai bảo, con nào dám chối từ.”
Vương Trăn kéo ống tay áo, lựa một chiếc bút lông dê từ giá bút. Đường Thận theo thói quen lấy thỏi mực để mài mực cho chàng. Vương Trăn ngẩng đầu nhìn Đường Thận, Đường Thận không thấy có gì lạ, bình thường ở phủ Thượng thư cậu vẫn làm vậy mà?
Ánh mắt Vương Trăn đầy ắp ý cười, nhẹ giọng: “Đa tạ tiểu sư đệ.”
Sau đó chàng chấm mực trong nghiên, đặt bút đề thơ lên góc trái bức núi non chầu mặt trời.
Phó Vị đọc:
“Ngũ Nhạc vươn mình giữa hỗn mang,
Chim Ô hạ cánh ngọn đồng tang
Khi xưa núi Lạn Kha người lạc,
Tựa gốc mộc tê hỏi chuyện Thang.”
Đoạn khen: “Thơ hay lắm, chữ cũng tuyệt đẹp, tạm xứng với bức núi non chầu mặt trời của ta.”
Đường Thận: “…”
Vương Trăn hạ bút, mỉm cười: “Tiên sinh nói chí phải.”
Phó Vị được nịnh mà chẳng ái ngại gì, ra chiều “trò nói chuẩn đó,” chẳng thèm phủ nhận. Chờ mực khô, ông sai Ôn Thư đồng tử cuộn bức tranh lại trao cho Đường Thận, nói: “Mấy hôm nữa con vào trường thi rồi. Vi sư đem bức tranh mặt trời này tặng con, chúc con như vầng dương ló rạng phương Đông, vinh danh bảng vàng.”
Vương Trăn cũng nhìn Đường Thận: “Bảng quế đề tên nhé.”
Sự chu đáo của cả hai khiến Đường Thận vừa cảm động vừa lo âu. Vốn không căng thẳng lắm với thi cử, giờ cậu lại thấy áp lực như núi đè.
Cậu đem bức họa về nhà, treo lên tường, hằng ngày ngắm tranh mà thúc đẩy bản thân ôn luyện thật chăm chỉ.
Hôm sau, Diêu Tam lên miền Bắc.
Diêu Tam: “Tiểu đông gia thi Hương, làm sao tôi vắng mặt cho được! Phải chăm sóc tiểu đông gia chứ!”
Ngày mùng tám tháng Tám, sáng sớm.
Phụng Bút chuẩn bị đầy đủ đồ vào giỏ quai dài cho Đường Thận, theo Diêu Tam tiễn Đường Thận đến trường thi. Tới nơi, Đường Thận rất ngạc nhiên khi phát hiện quản gia phủ Thượng thư đã đợi sẵn. Người quản gia lớn tuổi cũng chuẩn bị một chiếc giỏ quai dài. Ông thấy Đường Thận thì bước tới bảo: “Công tử phải vào triều sớm nên dặn lão tới đây. Đường tiểu công tử thi Hương lần đầu, có một số thứ không biết để mà chuẩn bị, lão đã sắp sẵn ít đồ cho cậu rồi.”
Phụng Bút nhận chiếc giỏ, Đường Thận xem đồ bên trong.
Trong giỏ để sẵn bút nghiên, giấy mực loại thượng đẳng, cùng với lương khô vừa dễ ăn vừa no lâu, còn có sẵn cả huân hương nữa.
Đường Thận nói: “Đa tạ Tử Phong sư huynh.”
Quản gia nói: “Đường tiểu công tử đừng khách sáo. Công tử chuyển lời, chúc tiểu công tử đề tên bảng quế.”
Lần thứ hai nghe được chữ “bảng quế”, Đường Thận nảy ra một suy nghĩ, bừng tỉnh: “Chắc chắn rồi!”
Thi Hương luôn được tổ chức vào tháng Tám nên được gọi là kì thi mùa Thu. Lúc yết bảng cũng là lúc hoa quế nở ngát hương, vậy nên còn có tên là bảng quế. Mà hoa quế chính là hoa mộc tê. Vậy nên Vương Trăn viết “Tựa gốc mộc tê hỏi chuyện Thang,” dĩ nhiên là chúc cậu ghi tên mình vào bảng quế rồi!
Áp lực đè nặng lên vai, Đường Thận xách giỏ, hít sâu một hơi, bước vào trường thi.
Diêu Tam và Phụng Bút đứng ngóng theo ngoài đường, cả hai đều sốt sắng, Đường Thận vừa vào được một khắc, hai người đã nghển cổ ngóng trông.
Quản gia Vương phủ nói: “Hai vị đừng sốt ruột, mấy ngày nữa là Đường tiểu công tử được rời trường thi, chúng ta kiên nhẫn chờ là được.”
Trời còn nhá nhem, thinh không lấm tấm những vì sao.
Ngoài trường thi, sai nha gõ cồng, hô lớn: “Đóng cổng trường thi!”
Cánh cổng lớn kĩu kịt khép lại.
Năm Khai Bình thứ hai mươi sáu, kì thi Hương chính thức bắt đầu.