Sơn Hà Bất Dạ Thiên

Chương 40


trước sau

Đường Thận tới Thịnh Kinh chưa đầy một năm, nhưng đã nghe tiếng tăm của Tiêu Dao vương gia Triệu Ngao.

Triệu Ngao là em trai của đương kim hoàng đế, phong hào là Cảnh, về lí thì nên gọi là Cảnh vương, nhưng mọi người ai cũng gọi ngài là Tiêu Dao vương. Triệu Ngao đã ngót nghét năm mươi tuổi, nhưng tính tình khác hẳn những Vương gia, hoàng tử khác. Vị Vương gia này đam mê ngọc quý và các loại châu báu; nhưng hơn thế, ngài cực kì thích kết giao với sĩ tử trong thiên hạ!

Phàm là sĩ tử hàn môn có tài, chỉ cần đưa danh thiếp đến Cảnh vương phủ là có thể được chiêu đãi một bữa cơm. Cứ ba năm một lần thi Hội, Giải Nguyên khắp chốn đến Thịnh Kinh còn có cơ hội tham dự Giải Nguyên yến do đích thân Triệu Ngao chủ trì. Tuy gọi là Giải Nguyên yến, nhưng khách khứa không nhất thiết phải đỗ Giải Nguyên. Tháng trước Mai Thắng Trạch đã nói chuyện với Đường Thận về việc này: “Nếu đệ gửi danh thiếp thì cũng được tham gia Giải Nguyên yến vào tháng Chạp đấy.”

Tiêu Dao vương gia Triệu Ngao không có thực quyền, nhưng vẫn đường đường là một Vương gia.

Không ngờ lầu Thiên Lý lại là tửu lầu của ông ta.

Đường Thận suy tư chốc lát: “Chỉ có mỗi lầu Thiên Lý thôi ư?”

Quản lý Lục nghe thế, bật ngón cái: “Tiểu đông gia cao minh, đương nhiên không chỉ có mỗi lầu Thiên Lý rồi. Cảnh vương thích mỹ ngọc châu bảo, ở Thịnh Kinh việc này ai ai cũng biết. Ngoại trừ lầu Thiên Lý ra, cửa hàng châu báu Họa Đường Thu lớn nhất Thịnh Kinh cũng do quản lí Hình thay mặt vương gia Triệu Ngao điều hành đó.”

Đường Thận: “Ngọc lô hương, hồng chá lệ, thiên chiếu họa đường thu tư. Cảnh vương quả thực là một văn nhân phong nhã.”

(Câu thơ mô tả nỗi sầu muộn, cô đơn của người thiếu phụ)

Thoạt tiên Đường Thận nhờ quản lý Lục đi thăm dò lầu Thiên Lý vốn là để tìm hiểu tình hình kinh doanh tửu lầu ở Thịnh Kinh, biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. Ông chủ ngầm của lầu Thiên Lý là Cảnh vương, mà vị Cảnh vương này còn sở hữu cửa hàng châu báu lớn nhất Thịnh Kinh nữa.

Đường Thận trầm ngâm một lát rồi bảo quản lý Lục: “Đã thế, chúng ta cứ tạm gác chuyện này lại đã.”

Quản lý Lục sửng sốt: “Ý tiểu đông gia là sao?”

“Ba tháng nữa ta thi Hội rồi, vốn ta không có ý định tham dự Giải Nguyên yến, nhưng ngày mai ta sẽ gửi bái thiếp, đặng có cơ hội gặp mặt Cảnh vương. Việc của chú là tiếp tục kết nối quan hệ với quản lý Hình. Chúng ta vẫn sẽ kinh doanh bát hà cung, nhưng tạm thời không vội được. Từ đầu ta vẫn lo các tửu lầu khác không vừa mắt việc chúng ta bán bát hà cung, vốn ở Cô Tô đã lôi kéo lắm kẻ ghen ghét rồi, ở Thịnh Kinh đương nhiên càng dễ có đối thủ.”

Quản lý Lục biết Đường Thận đang nhắc lại vụ quản lí Vương lầu Như Ý cố tình mua chuộc người vu khống lầu Tế Hà.

Đường Thận: “Việc này phải bàn bạc kỹ hơn. bắt đầu từ mai, chú, Diêu Tam và kế toán Lâm hãy đi khảo sát khu vực ngoài thành Thịnh Kinh, ta nhớ rằng phần lớn các nhà xưởng ở Thịnh Kinh tập trung ở phía Đông thành. Kiếm một nhà xưởng phù hợp rồi mua lại. Sẽ có lúc dùng đến.”

Quản lý Lục đầu óc rất nhanh nhẹn, ông hiểu ngay ý Đường Thận: “Tiểu đông gia muốn bán xà phòng trước ư?”

Đường Thận cười: “Đúng rồi! Đợt này rét suốt, vất vả cho mọi người quá.”

“Không vất vả đâu, tôi hiểu ý tiểu đông gia rồi, xin cậu cứ yên tâm.”

Quản lý Lục đi rồi, Đường Thận vẫn cứ tư lự mãi. Cậu lấy một tờ giấy Tuyên Thành, cẩn thận viết một phong bái thiếp.

Sáng sớm hôm sau, cậu tự mình tới phủ Cảnh vương. Đường Thận xưng là Á Nguyên kì thi Hương vừa qua, liền được đón tiếp niềm nở bởi gác cổng Cảnh vương phủ. Đường Thận đưa danh thiếp và bái thiếp xong, hai hôm sau, người của phủ Cảnh vương liền tới tận nhà gửi thiệp mời cho cậu. Bữa tiệc Giải Nguyên ở phủ Cảnh vương được ấn định vào ngày mười chín tháng Chạp.

Ngày mười chín tháng Chạp, Đường Thận thay Nho phục tinh tươm, ghé thăm Cảnh vương phủ.

Khách khứa đã đến chật phủ Cảnh vương từ sớm.

Tháng hai năm sau sẽ thi Hội, cử nhân các nơi đều đổ về Thịnh Kinh từ sớm để chuẩn bị thi. Thi Hương ba năm một khoa, thi Hội cũng vậy. Tuy thế, không phải Giải Nguyên nào đỗ cử nhân xong cũng thi Hội ngay. Đôi khi họ cảm thấy bản thân chưa đủ giỏi, không đỗ tiến sĩ được, đôi khi họ bị trì hoãn bởi việc khác.

Đường Thận được tôi tớ trong phủ Cảnh vương tiếp đón nồng nhiệt, dẫn tới phòng thết tiệc. Vừa tới cậu đã gặp ngay Lưu Phóng và Mai Thắng Trạch.

Ba người đều là cử nhân Quốc Tử Giám chuẩn bị ứng thi năm sau, lại từng diện thánh cùng nhau, bèn ngồi chung thành một nhóm. Mai Thắng Trạch nói: “Chẳng thấy đệ bảo là định đi, hóa ra vẫn phải đến hử? Cảnh Tắc, đệ đến đây làm gì?”

Lưu Phóng và Đường Thận không thân nhau, chào hỏi xong thì chỉ ngồi đó, không tham gia vào câu chuyện giữa hai người.

Đường Thận hỏi vặn lại: “Thế Thắng Trạch huynh tới đây làm gì?”

Hai người nhìn nhau cười.

Mai Thắng Trạch trỏ vào một người đàn ông trung niên phía đối diện: “Người kia tên là Tiêu Cung, nhân sĩ vùng nam Thiểm Tây, nghe nói anh ta  nổi tiếng sau một đêm, văn chương lần thi Hương này được quan chủ khảo ca ngợi hết lời, thậm chí còn tự nhận bản thân không đủ trình độ để bình phẩm nữa cơ.”

Đường Thận chỉ vào một thanh niên nom khá giản dị bên cạnh Tiêu Cung, nói: “Vậy huynh có biết người kia là ai không?”

Mai Thắng Trạch sửng sốt: “Không biết.”

Đường Thận: “Anh ta là Lưu Trạch, chính là vị Giải Nguyên năm nay, tài giỏi hơn cả đệ đấy!”

Hai người cười phá lên.

Trên thực tế phần đông những cử nhân tham dự Giải Nguyên yến đều giống Mai Thắng Trạch, có mục đích là gặp gỡ, học hỏi các đối thủ năm sau của mình. Đường Thận vừa uống trà vừa ngấm ngầm lia mắt về ghế chủ trong phòng thết tiệc. Vị trí đó vẫn trống, Tiêu Dao vương gia Triệu Ngao chưa có mặt.

Khoảng chừng một khắc đồng hồ, có tiếng bước chân ngoài phòng thết tiệc.

Các cử nhân vội đứng cả lên, nhưng người vào phòng không phải là Triệu Ngao mà là một thanh niên cao gầy.

Đây là con cả của vương gia, thế tử Cảnh vương Triệu Quỳnh.

Triệu Quỳnh lên ghế chủ vị, vái chào các cử nhân có mặt trong phòng. Đoàn cử nhân vội đáp lễ. Triệu Quỳnh áy náy nói: “Phụ thân rất mong có thể đến tận nơi thù tiếp các vị, nhưng Thánh thượng vừa khéo lại muốn dùng một viên tiên đan mới có được, nên đã cho vời phụ thân vào cung bầu bạn cùng thánh giá. Giải Nguyên yến lần này đành phải để ta chủ trì vậy.”

Đoàn cử nhân đồng thanh: “Xin nghe thế tử.”

Triệu Quỳnh nâng chén rượu: “Kính mời chư vị sĩ tử.”

Đoàn cử nhân đáp lễ: “Kính mời thế tử.”

Đường Thận cười khổ, nâng chén uống một hớp rượu.

Đến tận đây rồi còn không gặp được Triệu Ngao!

Uống rượu xong, Triệu Quỳnh bắt đầu kể những chuyện lí thú về kì thi Hương ở các nơi năm nay, bầu không khí của buổi yến dần nóng lên. Qua ba tuần rượu, Triệu Quỳnh đích thân tiễn các cử nhân ra về. Là thế tử Cảnh vương, hoàng thân quốc thích mà anh ta lại ra ngoài sảnh tiệc chào tạm biệt từng cử nhân, thành thử ai nấy đều cảm động vô cùng.

Đường Thận tới trước mặt Triệu Quỳnh, đang định chắp tay thi lễ thì Triệu Quỳnh nói: “Trông vị sĩ tử này mới độ mười lăm mười sáu tuổi thôi nhỉ.”

Đường Thận: “Tại hạ năm nay mười lăm ạ.”

Triệu Quỳnh cười: “Tới dự Giải Nguyên yến toàn là những người đỗ ba hạng đầu kì thi Hương các vùng miền. Xin hỏi, phải chăng cậu đây là Đường Thận – Đường Á nguyên?”

Đường Thận có chút ngạc nhiên: “Chính là tại hạ.”

Triệu Quỳnh tiễn cậu ra cổng, nói: “Phụ thân từng nhắc tới Đường Á nguyên, có liên quan đến Vương đại nhân.”

Đường Thận: “…”

Đường Thận có dự cảm chẳng lành, nhưng vẫn lịch sự hỏi thăm: “Có liên quan đến Tử Phong sư huynh của ta ấy ạ?”

“Phụ thân nói, Vương đại nhân là bậc kì tài vô cùng thông tuệ bác học, lại rất mực cao nhã, thấu tình đạt lý. Sư đệ của ngài ấy hẳn cũng là nhân tài. Hôm nay có dịp gặp gỡ, Đường Á nguyên quả là giống hệt Vương đại nhân, là đấng quân tử như ngọc quý đã qua giũa mài.”

“…”

Đường Thận cười đáp: “Đa tạ thế tử đã khích lệ.”

Đường Thận về tới nhà, quản lý Lục đã đợi cậu suốt từ tối.

Đường Thận thở dài: “Có biến rồi, Cảnh vương không đến, chỉ có thế tử là Triệu Quỳnh. Song cũng không khác với phỏng đoán của chúng ta, thế tử Cảnh vương là người có khí phách, hiểu lễ nghĩa. Dạy dỗ được một thế tử như vậy, Cảnh vương hẳn là thật lòng mến yêu sĩ tử trong thiên hạ. Công việc tiếp theo, xin cậy nhờ quản lý Lục sát sao hộ.”

Quản lý Lục nói: “Xin tiểu đông gia chớ bận lòng.”

Hôm sau, quản lý Lục bèn đem một cây san hô đỏ cực phẩm được tuyển lựa từ vùng Giang Nam tới Họa Đường Thu. Cây san hô đỏ quý giá cỡ ấy, quản lí Họa Đường Thu không dám tự tiện nhập kho, vội mời quản lí Hình từ lầu Thiên Lý sang giám sát. Quản lí Hình vừa vào tiệm, thấy quản lí Lục thì giật mình: “Sao lại là đệ?”

Quản lý Lục cũng tỏ vẻ hết sức ngạc nhiên: “Hình lão ca, chẳng phải huynh quản lí lầu Thiên Lý ư? Sao lại tới đây?”

Quản lí Hình chắp tay cười: “Không dám giấu giếm, Họa Đường Thu với lầu Thiên Lý là cùng một nhà. Vi huynh là tổng quản lí, trông coi cả hai bên. Nghe nói Lục lão đệ có một cây san hô đỏ cực phẩm, thật vậy sao?”

“Mời Hình lão ca xem…”

Sắp đến Tết, Thịnh Kinh lại đổ một trận tuyết lớn.

Một ngày trước hôm Giao thừa, quản lý Lục đội tuyết đến tìm Đường Thận. Ông phủi tuyết bám trên áo khoác, nói: “Tiểu đông gia, ngày mai quản lí Hình hẹn tôi đến nhà ông ta ăn bữa cơm tất niên. Ông ấy biết tôi từ Giang Nam lên, không có người thân ở Thịnh Kinh nên mới rủ.”

Đường Thận suy nghĩ một lát: “Vậy chú đã nghĩ xem phải tặng quà gì chưa?”

Quản lý Lục nói: “Xà phòng, xà phòng thơm và Hoàng Kim Lũ đều đã xuất hiện ở Thịnh Kinh từ lâu nhờ các thương nhân từ Giang Nam lên đây rồi, không phải của hiếm. Quản lí Hình đã có hết những thứ ấy.”

Đường Thận cười: “Ngày mai chú hãy tặng một hộp Hoàng Kim Lũ đi.”

Quản lý Lục sửng sốt: “Tiểu đông gia, tôi vừa nói quản lí Hình đã biết đến Hoàng Kim Lũ rồi, nhà ông ấy hẳn đã có thứ đó.”

“Lúc tặng thì đừng dùng hộp của Trân Bảo các phủ Cô Tô, cũng đừng dùng hộp của Cẩm Tú Các phủ Kim Lăng. Chú hãy đến Họa Đường Thu mua một món trang sức, lấy cái hộp của Họa Đường Thu đựng Hoàng Kim Lũ mà đem tặng.”

Quản lý Lục nghe thế thì hiểu ý ngay, ông chắp tay thưa: “Tiểu đông gia mới mười lăm tuổi mà khiến người sống hơn ba mươi năm trên đời như tôi phải hổ thẹn, thua xa cậu về bản lĩnh kinh thương.”

Đường Thận cười ha hả: “Còn nói nữa là nghỉ chơi nhé.”

Ngụ ý, vỗ tới mông thôi, chớ vỗ tới chân kẻo ngựa đá hậu đấy.

Quản lý Lục gãi gãi đầu giả bộ không hiểu, trông đến là vô tội.

Việc buôn bán xà phòng và bát hà cung tạm gác lại. Mừng năm mới xong, Đường Thận dồn hết tâm trí vào đèn sách, chuẩn bị cho kì thi Hội.

Nhắc đến chuyện này lại thấy kì lạ, bởi gần thi rồi, Vương Trăn bỗng yêu cầu Đường Thận mỗi ngày viết một bài văn bát cổ.

Hôm nay Đường Thận đến phủ Thượng thư để Vương Trăn xem tiến độ luyện chữ hai ngày nay. Vương Trăn kiểm tra một lượt rồi đặt giấy viết sang bên, hỏi Đường Thận: “Mấy hôm nay đệ có đi phóng sinh không thế?”

Càng ngày càng nhiều cử nhân đổ về Thịnh Kinh. Ngày thi cận kề, thành thử lắm thí sinh ngày thường nén hương chẳng mất, lúc gấp ôm Phật mà kêu.

Mà ôm chân Phật thì cũng lắm chiêu nhiều trò. Nào là cột tóc lên xà nhà, đâm mũi dùi vào chân để đọc sách. Nào là ra chợ cây, chợ chim mua thú vật để phóng sinh ở chùa Quan Âm, chùa Tướng Quốc. Càng sát kì thi, các thể loại cầu đảo khấn vái xin đỗ đạt của các ông cử càng kì quặc. Phóng sinh còn bình thường chán, lúc Đường Thận đến phủ Thượng thư hôm nay, còn thấy có hai chàng trai trẻ đứng ngoài cổng phủ vái lấy vái để.

“Nghe đồn đây là phủ của Vương đại nhân – Vương Tử Phong. Vương đại nhân là Trạng Nguyên vô song được Thánh thượng khen tặng, vái ngài ấy kiểu gì cũng linh!”

Đường Thận: “…”

Cứ theo lẽ ấy mà nói, cậu với Vương Tử Phong sớm chiều gặp gỡ, nhắm mắt cũng phải đỗ Tiến sĩ, không thì chẳng khác nào bôi tro trát trấu vào tên tuổi sư huynh!

Sau một hồi làm thinh, Đường Thận đáp: “Không ngờ Tử Phong sư huynh cũng tin chuyện phóng sinh cơ đấy.”

Vương Trăn: “Đệ không tin à?”

Đường Thận nghĩ thầm, người ta là mầm non đỏ* tiếp nối truyền thống xã hội chủ nghĩa, là tín đồ nhiệt thành của chủ nghĩa duy vật, ai thèm tin mấy chuyện mê tín dị đoan?

(*) 根正苗红 – thuật ngữ thời Cách mạng Văn Hóa chỉ người có xuất thân trong sạch như công nhân, nông dân, liệt sĩ

Vương Trăn thở dài: “Có thờ có thiêng chứ.”

Đường Thận: “Sư huynh?” Không hiểu sao cậu thấy hôm nay Vương Tử Phong cứ là lạ thế nào.

“Sáng sớm huynh đã sai quản gia mua mấy loài vật cho đệ phóng sinh ấy mà.”

Đường Thận ngơ ngơ ngác ngác đi theo Vương Trăn vào hậu viện phủ Thượng thư. Quản gia đã xách theo một con cá, một con thỏ và một con gà chờ sẵn.

Lại còn chuẩn bị đến mức này nữa!

Vương Trăn: “Xách cá lên nào.”

Đường Thận: “…” Ừ thì xách.

“Thả nó đi.”

Đường Thận xách cá đến bên hồ nước, nhẹ nhàng thả xuống hồ. Nhưng cậu vừa thả cá xong, ông quản gia đứng bên hồ đã vãi mồi ngay. Chú cá kia cũng rõ ngố, bị loài người bắt lên bờ, vừa được phóng sinh, thấy mồi đã lại nhào tới. Quản gia tóm ngay lấy con cá, lôi lên bờ.

Vương Trăn nghiêm túc nói: “Xem ra chú cá này có duyên với huynh đệ mình, không nỡ ra đi.”

Đường Thận: “…”

Huynh bị ấm đầu à Vương Tử Phong!!!

Tiếp theo Vương Trăn lại nói: “Lấy con thỏ đi kìa.”

Đường Thận lại xách con thỏ lên, nghe lời Vương Trăn lẳng ra giữa vườn hoa. Chẳng bao lâu, quả nhiên quản gia và hai tên đầy tớ đã túm con thỏ bị kẹp vào bẫy về. Đường Thận phóng sinh nốt con gà, quản gia cũng bắt về nốt.

Vương Trăn ngửa mặt lên trời than: ” Nào cá
nào thỏ nào gà, chúng ta không thể phụ tấm lòng son của bọn chúng. Quản gia, nướng hết lên đi.”

Đường Thận đã biết tỏng ý đồ của Vương Trăn, bèn nói chen vào: “Đệ thích ăn sốt cay.”

Vương Trăn sững lại, gương mặt tuấn nhã thoáng vẻ kinh ngạc. Chàng nhìn Đường Thận chăm chú hồi lâu, đôi mắt sáng ngời và sâu thẳm dễ gợi cho người ta nhiều suy ngẫm. Lát sau, Vương Trăn mới bảo quản gia: “Nghe lời Cảnh Tắc, ướp sốt Ma lạt hết.”

Quản gia: “Vâng.”

Sau nửa canh giờ, hai người cùng nhau ăn uống, thành phần bữa ăn chính là lũ cá, thỏ và gà mà Đường Thận tự tay phóng sinh.

Cơm nước xong xuôi, Đường Thận cáo từ. Thật là một dịp hiếm hoi, Vương Trăn tiễn cậu ra tận cửa.

Dưới ánh trăng vằng vặc, Vương Trăn mặc áo bào gấm trắng tuyền, tựa như thần tiên trên cung Quảng. Đường Thận chuẩn bị đi tới nơi rồi còn ngập ngừng, quay đầu lại hỏi: “Tử Phong sư huynh, hôm nay huynh làm thế, phải chăng là để dặn đệ, muốn đỗ cao thì phải dựa vào sức mình, chớ nên cầu cạnh những điều hư vô?”

Vương Trăn ngạc nhiên, quay ra hỏi quản gia: “Hôm nay ta có nói thế ư?”

Quản gia trung thực lắc đầu: “Công tử không hề nói vậy ạ.”

Vương Trăn gật gù tỏ vẻ mình đãng trí, rồi mới bảo với Đường Thận: “Đệ thấy đấy, ta có nói vậy đâu.”

Đường Thận dở khóc dở cười: “Thế Cảnh Tắc xin cáo từ, sư huynh không cần tiễn.”

Tới Thịnh Kinh một năm, Đường Thận cũng quen Vương Tử Phong được một năm rồi.

Như phán đoán ban đầu của cậu khi mới gặp Vương Tử Phong, người đàn ông này như vực sâu không đáy, Đường Thận đến giờ vẫn không nhìn thấu được anh ta. Thế nhưng dần dần, Đường Thận bắt đầu hiểu, sư huynh nhà mình khoái nhất và thạo nhất là trò nói bóng gió. Tỷ như hôm nay, rõ ràng không muốn cậu học theo đám cử nhân nước đến trôn mới nhảy, phóng sinh để cầu đỗ đạt, nhưng cố tình không chịu nói thẳng mà cứ giả bộ để cậu phóng sinh, ngầm thể hiện rằng mình không ưa cách làm này.

Kiểu hành vi này thời hiện đại cũng có một cái tên, Đường Thận nghĩ thầm: “Không nói tiếng người!”

Nhưng, có khi “tiếng quan” nó vậy.

Làm quan là thế đấy mà!

Trên đường về nhà, Đường Thận ngắm vầng trăng sáng chói trên bầu trời, lẳng lặng cảm thán.

Mùng chín tháng hai, kì thi Hội bắt đầu.

Chưa đến tảng sáng các thí sinh đã tề tựu ở cổng trường thi Thịnh Kinh. Phụng Bút xách giỏ quai dài, Diêu Tam khoác thêm áo lông cho Đường Thận. Mới giờ Sửu, họ không ngờ lại gặp quản gia phủ Thượng thư chờ sẵn ở cổng trường thi. Giống lần trước Đường Thận thi Hương, quản gia cũng xách theo một chiếc giỏ tai dài.

Xuất thân từ Lang Gia Vương thị, Vương Trăn có lắm thứ mà Đường Thận dẫu có tiền cũng chẳng thể mua, tỷ như nến chỉ bạc không khói. Gộp đồ trong hai chiếc giỏ lại với nhau, Đường Thận nói với quản gia mấy câu, cánh cổng chính sừng sững của trường thi Thịnh Kinh đã mở rộng. Hai hàng sai nha đi từ bên trong ra, dõng dạc hô: “Thí sinh vào trường!”

Cứ mỗi sai nha hô xong là có một sai nha khác hô theo.

Họ gọi thí sinh liên tiếp mười hai lần liền, vang động một góc trời, đảm bảo từng thí sinh ngoài cổng trường đều nghe thấy.

Đường Thận xách giỏ quai dài, nói: “Ta vào thi đây.”

Quản gia: “Đường tiểu công tử, còn có một việc.”

Đường Thận dừng bước: “Chuyện gì thế?”

Quản gia thưa: “Trước khi đi, công tử nhà tôi dặn phải nhắn Đường tiểu công tử một câu – Trạng Nguyên ai cũng nhớ, mấy ai nhớ Hội Nguyên. Tháng sau thi Đình, công tử đã chuẩn bị kỹ chưa?”

Đường Thận giật thót. Mãi đến khi cậu vào trường thi, tìm được phòng thi, Đường Thận mới nhìn cây nến chỉ bạc trong giỏ quai dài trầm ngâm hồi lâu, đoạn than: “Vương Tử Phong ơi là Vương Tử Phong, huynh muốn nói gì sao không nói thẳng chứ? Cứ vòng vo Tam Quốc hoài, chẳng biết cái thói xấu ấy học từ ai nữa!”

Trạng Nguyên vang danh thiên hạ, mấy ai nhớ mặt Hội Nguyên.

Đây là lời Vương Trăn an ủi cậu, dẫu không đỗ Hội Nguyên cũng chớ nên phiền muộn; ngoài ra nói như vậy cũng là vì chàng lo cậu quá mong mỏi đạt thành tích cao trong kì thi Hội mà hao tâm tổn sức, chẳng may phản tác dụng rồi mắc lỗi thì đến tiến sĩ cũng không đỗ nổi!

Tuy thế, lời nhắc nhở của Vương Trăn không hề thừa chút nào.

Đường Thận mắt sáng rực như đuốc: “Mười Hội Nguyên chẳng bằng một Trạng nguyên! Lần này thi Hội nhân tài đông như kiến cỏ, mình khó lòng đỗ trong ba hạng đầu. Đích đến của mình là đỗ tiến sĩ cập đệ, được Thánh thượng khâm điểm trên điện ngọc! Thi Đình không có bát cổ chế nghệ, không có thơ thí thiếp, chỉ hỏi sách vấn thời sự mà thôi. Đến lúc đó luận điểm là chính, câu chữ là phụ, chẳng phải cơ hội của mình đấy thì gì!”

Ngày mùng chín tháng hai vào trường thi, đến giờ Tý ngày mùng mười bắt đầu công bố đề mục.

Đường Thận ngủ từ sớm, chưa tới giờ Tý cậu đã tỉnh, ngồi ngay ngắn chờ sai nha phát đề mục. Hàng ngàn, hàng vạn thí sinh khác cũng đang hồi hộp như cậu. Đây là kì thi Hội, là kì thi quan trọng nhất trong cuộc đời họ. Không phải cứ hễ thi Đình là đỗ tam khôi, nhưng khi thi Đình không ai bị đánh trượt cả, chỉ xếp thứ tự cao thấp mà thôi.

Thi Hội mới chính là cơ hội cuối cùng để họ dốc cạn vốn liếng đèn sách bao năm.

Trên lầu Minh Viễn, chủ khảo khoa thi Hội năm Khai Bình thứ hai mươi bảy – Lý Đại học sĩ gõ trống vang dồn, tuyên bố kì thi chính thức bắt đầu.

Đường Thận nhận quyển đề, hít sâu một hơi, mở ra đọc.

Đề thứ nhất là bát cổ chế nghệ, đề mục là: “Nghi phong nhân thỉnh kiến.”

Trong đêm đông, trận gió rét thổi ào qua, chúng sĩ tử đọc đề xong đều giật nảy, cả người lạnh toát.

Ngay cả Đường Thận đọc đề cũng phải ngẩng đầu nhìn về phía lầu Minh Viễn, dẫu không thấy rõ mặt Lý Đại học sĩ và các quan phó khảo, cậu cũng muốn chửi đổng một câu.

“Rõ là vô liêm sỉ!!!” Cử nhân ở phòng thi kế bên đã chửi thay cậu rồi.

“Nghi phong nhân thỉnh kiến”, xuất xứ từ thiên Bát Dật trong Luận Ngữ, nguyên văn là: “Nghi phong nhân thỉnh kiến, viết: ‘Quân tử chi chí ư tư dã, ngô vị thường bất đắc kiến dã.’ Tùng giả kiến chi. Xuất viết: Nhị tam tử hà hoạn ư táng hồ? Thiên hạ chi vô đạo dã cửu hĩ. Thiên tương dĩ Phu tử vi mộc đạc.”

Ý rằng có một viên quan ở ấp Nghi nghe nói Khổng Tử tới, bèn xin được gặp Khổng Tử. Ông ta nói: “Những người quân tử đi ngang qua đây, chưa có ai là tôi chưa từng gặp.” Các tùy tùng của Khổng Tử dẫn ông ta tới chỗ Khổng Tử. Sau khi gặp gỡ xong, ông ta bèn nói với đoàn tùy tùng của Khổng Tử rằng: “Vì cớ gì mà các ông phải lo thiên hạ đang hỗn loạn chứ? Thiên hạ đã hỗn loạn từ lâu rồi, nhưng trời cao sẽ cho Thầy của các ông đi giáo hóa muôn dân, khôi phục trật tự thiên hạ.”

Những câu là lời ca tụng của người đời dành cho phẩm đức ưu tú của Khổng Tử, tán dương những hành động của ngài.

Oái oăm ở chỗ, Lý đại học sĩ lại ra đề vào phần “Nghi phong nhân thỉnh kiến”!

Nếu liên hệ với cả câu văn thì vẫn phá đề được. Nhưng dù phá đề thế nào thì cả bài văn vẫn phải xoay quanh năm chữ “Nghi phong nhân thỉnh kiến.”

Một viên quan* muốn cầu kiến Khổng Tử.

(*) Phong nhân là quan trông coi bờ cõi

Chỉ dùng ý này mà viết thành cả bài văn đâu phải chuyện đùa!

Trong trường thi Thịnh Kinh, các cử nhân sầu như trái bầu, nhìn đề thi mà chẳng biết đáp thế nào cho phải. Lý Đại học sĩ đỗ tiến sĩ khươm mươi niên rồi, là Đại học sĩ vang danh thiên hạ, nhưng các cử nhân trong trường thi nào đã thoát nghiệp đèn sách! Ông ta ra đề hiểm thế này là tự đánh đố bản thân chứ có phải để kiểm tra thí sinh đâu, thành thử đám cử nhân mắng cho là “Vô liêm sỉ!” cũng có lí lắm.

Nhưng rủa xả thì rủa xả, bài thi vẫn phải viết.

Đường Thận nháp nháp lên giấy mấy hướng phá đề, song hướng nào cũng không thấy vừa ý. Đề kiểu này rất dễ viết lạc, mà một khi đã lạc đề thì rất dễ viết thành phạm thượng, tự cấm cửa mình khỏi trường thi Hội luôn.

Vương Trăn dặn, làm đâu chắc đấy, không cần ráng giành ngôi đầu bảng, chỉ cần đủ tiêu chuẩn thi Đình là được. Vòng này thi vừa đủ đỗ thôi, vòng sau mới bung hết sức tranh thứ hạng.

Đường Thận nhăn nhó, lẽ nào Vương Tử Phong biết trước Lý Đại học sĩ sẽ ra đề hóc búa, dễ khiến học sinh viết lạc đề?

Song cậu gạt đi ngay, hẳn là không đến mức đấy đâu. Vì cậu đi thi, để tránh hiềm nghi, Vương Trăn đã từ chối việc làm khảo quan thi Hội ngay từ đầu.

Thi Hội khác với các kì thi khác. Quan chủ khảo kì thi Hội phải là quan lớn trong Trung Thư Tỉnh, cả ba phó khảo cũng phải có chức quyền trong Trung Thư Tỉnh. Vương Trăn mười bảy tuổi đỗ Trạng Nguyên, nhưng hai lần thi Hội trước chàng chưa đủ thâm niên làm quan nên mới chỉ làm phó khảo chứ chưa được làm chủ khảo. Vốn mọi người đã đồn năm nay rất có khả năng Vương Trăn sẽ lên chủ khảo, nhưng vì sư đệ là Đường Thận dự thi, chàng tuyệt nhiên không dính dáng gì đến quá trình tổ chức thi cả, thậm chí ghế phó khảo cũng vắng bóng chàng.

Được làm chủ khảo thi Hội là một cột mốc cực kì quan trọng trong sự nghiệp cả đời của mỗi vị quan. 

Tuy vậy đến khóa thi tới, với tư lịch của Vương Trăn, khả năng chàng làm chủ khảo khoa thi Hội ba năm sau còn cao hơn lần này nữa.

Suy nghĩ vẩn vơ một hồi, Đường Thận thở dài, quay lại nghĩ cách giải đề mục.

Một vị quan cầu kiến Khổng Tử, sau khi nói chuyện với Khổng Tử xong thì hết lòng ngợi ca Khổng Tử. Trước khi bái kiến Khổng Tử, ông ta đã khen Khổng Tử là bậc quân tử rồi. Như thế, “Nghi phong nhân thỉnh kiến,” thỉnh kiến…Ồ hai chữ “thỉnh kiến” này hay đấy! Ngay chữ “thỉnh” đã thể hiện lòng tôn kính của vị quan này với Khổng Tử rồi, cũng ám chỉ rằng khi ông ta cầu kiến Khổng Tử tức là đang xin được gặp bậc Thánh nhân quân tử vậy.

Tóm lại, khi vị quan này chưa gặp Khổng Tử, ông ta đã đem lòng kính ngưỡng rồi, đến khi gặp Khổng Tử, ông ta lại càng tán dương đức độ và hành động cao đẹp của ngài.

Vị quan đất Nghi muốn gặp Khổng Tử, thiên hạ có ai không muốn gặp ngài chứ?

Cho dù là ngàn năm sau, hơn một vạn cử nhân cặm cụi viết bài trong phòng thi đây cũng muốn được gặp Đức thánh!

Tuy không hợp hoàn cảnh lắm, nhưng Đường Thận chợt nhớ tới một câu thơ: “Chàng sinh thiếp chửa ra đời, thiếp sinh chàng đã già rồi còn đâu1.”

Đúng là sinh mà không gặp thời!

Cảm hứng dạt dào, Đường Thận nhấc bút viết thoăn thoắt lên nháp: “Vị quan trông coi bờ cõi mong được thấy mặt Thánh nhân mà nói câu “thỉnh”, gặp Thánh nhân rồi thì khen ngợi không tiếc lời. Kẻ sĩ phu sinh vào thời chẳng gặp được Phu tử, lại cứ năm lần bảy lượt xin được nghe lời răn của Thánh, chẳng hóa là đã thấy Đức thánh mà không biết đường ngộ ra hay sao2…”

Phá đề xong, Đường Thận vừa ngẫm nghĩ vừa sửa sang từng câu chữ, cuối cùng cũng viết xong bài văn sau hai canh giờ.

Cậu thở phào nhẹ nhõm.

Đề số một khó quá, cậu không mong sáng tác ra cái gì hay ho, chỉ cần không sai là được. Đường Thận tự nhận mình viết văn chẳng giống ai, may mà có Lương Tụng và Vương Trăn nghiêm khắc uốn nắn dạy dỗ, bài chế nghệ của cậu luôn đảm bảo kết cấu chặt chẽ, diễn đạt rành mạch, chỉ cần không giải đề sai thì sẽ không mắc lỗi.

Nghỉ ngơi cho hồi sức, chép lại bài văn lên giấy thi, Đường Thận mở đề thứ hai ra xem tiếp.

Vừa đọc xong đầu đề, mắt Đường Thận trợn ngược, mồm phì khói, ánh mắt tóe ra lửa chọc thẳng về phía lầu Minh Viễn: “Rặt phường vô liêm sỉ!!!”

Năm Khai Bình thứ hai mươi bảy, khoa thi Hội đặt tại Thịnh Kinh, đề thứ hai…

“Bỏ họ Mặc tất về họ Dương3!”

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện