Đá Lăng Tử hay còn gọi là đá Bạch Vân, có thành phần chủ yếu là CaMg(CO3)2, là một khoáng thạch phổ biến.
Theo Đường Thận nhớ thì ở thời hiện đại, đá Bạch Vân có trữ lượng lớn và khá dễ tìm, Nhưng ở thời đại này thì rất ít khi thấy nó. Thứ nhất, không ai cần dùng đến khoáng thạch này cả. Thời này, công dụng chủ yếu của khoáng thạch là luyện kim và chế tạo gốm sứ, hoặc chế biến thuốc màu. Đá Bạch Vân không dùng để luyện kim được, cũng không thể làm dụng cụ chế tạo gốm sứ, càng không chế biến thành màu nhuộm.
Không có thị trường và cũng không có nhu cầu.
Thứ hai, tìm được một quặng đá Bạch Vân với độ tinh khiết cao là tương đối khó.
Với kỹ thuật sản xuất của thời đại này, muốn chế tạo thủy tinh từ đá Bạch Vân đòi hỏi độ tinh khiết của nguyên liệu đầu vào rất cao. Kể cả khi độ tinh khiết cao, cũng chưa chắc đã tạo ra được thủy tinh trong suốt hoàn toàn.
Chính thế đó, Đường Thận đang có ý định sản xuất thủy tinh.
Thực ra mà nói, thủy tinh cũng không phải phát minh của thời hiện đại. Từ ba ngàn năm trước Công nguyên, người Ai Cập đã có dụng cụ bằng thủy tinh rồi. Đến thế kỷ thứ V trước Công nguyên, người La Mã đã phát minh ra phương pháp thổi thủy tinh1, dùng ống bằng sứ để thổi ra các dụng cụ bằng thủy tinh. Phương pháp này được phát triển và sử dụng suốt hàng nghìn năm sau; thậm chí trong thời hiện đại, vẫn có những thợ làm thủy tinh thủ công sử dụng phương pháp này để chế tác thủy tinh mỹ nghệ.
Mặc dù vậy, trong lịch sử Trung Quốc, nhất là nước Đại Tống nơi Đường Thận đang ở đây, kỹ thuật luyện chế thủy tinh kém xa so với các nước phương Tây.
Đại Tống cũng có thủy tinh, thường được biết với tên gọi ngọc lưu ly. Được chế tạo từ đá Lưu Ly cực kì đắt đỏ, ngọc lưu ly là một sản phẩm tinh xảo đến phi thường, mỗi chiếc chén ngọc lưu ly đều vô giá, chỉ được sản xuất riêng cho hoàng tộc sử dụng. Đá Lưu Ly phần lớn đều có màu sắc rực rỡ, thế nên những vật dụng làm từ ngọc lưu ly trong hoàng cung cũng pha trộn nhiều màu sắc; loại thủy tinh trong suốt vì thế trở nên cực kì hiếm.
Muốn chế tạo thủy tinh thực ra cũng không khó.
Đường Thận ngẫm nghĩ một hồi, hỏi: “Thế đá Bồ Tát và cát kết thì sao2?”
Quản lí Lục đáp: “Hai cái đó đều dễ tìm, trong khu vực Bắc Trực Lệ có những mỏ quặng phù hợp.”
Đường Thận nói: “Tốt lắm, thế thì quản lí Lục này, hai hôm nữa, chú hãy đánh một xe đá Bạch Vân có độ tinh khiết cao từ Đông Bắc về đây.”
“Được!”
Quản lý Lục hoàn toàn không hiểu được ý đồ của Đường Thận và ông quyết định không nên cố hiểu làm gì, miễn ông biết tiểu đông gia không làm điều xấu, chỉ muốn mua mấy xe đá thôi là được. Thiên hạ thích chơi đá quý, Đường Thận thích chơi đá tảng, ấy là thú vui tốt! Mấy tảng đá vớ vẩn này cũng không khiến họ táng gia bại sản.
Không lâu sau, quản lí Lục đã đánh mấy xe đá Bạch Vân, đá Bồ Tát và cát kết về Thịnh Kinh, chuyển thẳng đến xưởng xà phòng Đường thị ở ngoại thành. Tan làm, Đường Thận qua xưởng ngay, toàn tâm toàn ý nghiên cứu phương pháp chế tạo thủy tinh.
Để tạo ra thủy tinh không quá phức tạp, chỉ cần có nguyên liệu nòng cốt gồm đá Bạch Vân, đá Bồ Tát, cát kết, và xút là được.
Lúc Đường Thận chế tạo xà phòng thì đã điều chế được NaOH. Quen tay hay việc, Đường Thận nhanh chóng điều chế NaOH, đựng cẩn thận trong bình sứ. Đá Bồ Tát và cát kết đều giàu silic, sau khi dùng xút ô-xy hóa đá Bạch Vân, rồi cho phản ứng tạo ra silicat là có thể điều chế ra thủy tinh thô.
Đương nhiên, nói bao giờ cũng dễ hơn làm!
Kiếp trước Đường Thận học ngành Khoa học Vật liệu, nhưng phòng thí nghiệm lúc nào cũng đầy ắp nguyên liệu chứ đâu thiếu thốn thế này. Chế tạo thủy tinh từ những khoáng thạch thô sơ chưa qua xử lí là cả một thách thức.
Đường Thận gọi mấy người thợ thủ công đến nhờ họ mài vụn đá thành dạng bột, mất nguyên nửa ngày. Do nguyên vật liệu có độ tinh khiết chưa đủ cao, cậu vừa phải thí nghiệm, vừa phải điều chỉnh tỉ lệ theo độ tinh khiết của vật liệu nữa.
Tháng Chạp, sắp sửa sang năm mới.
Thịnh Kinh đón trận tuyết đầu mùa, tuyết trắng phau phau, phủ tà áo bạc tinh khôi lên khắp kinh thành. Trên đường sá ngập tuyết in chi chít dấu chân người xe qua lại, đông đến nỗi san phẳng cả tuyết. Để chuẩn bị mừng năm mới, nhà nào cũng giăng đèn kết hoa. Mười hai tháng Chạp, nha môn bắt đầu kì nghỉ lễ kéo dài đến tận sau tết Nguyên tiêu.
Đường Thận trở về nhà từ nha môn, phủi bớt hoa tuyết rơi trên vai. Diêu đại nương bưng bát canh gà nóng hôi hổi đến, Đường Thận húp canh xong là ấm sực cả người. Cậu ngó quanh quất rồi hỏi: “Đường Hoàng đâu rồi ạ?”
Diêu đại nương cười bảo: “A Hoàng và Tam nhi đi sắm đồ Tết rồi.”
Đường Thận gật đầu.
Chạng vạng tối, Đường Hoàng và Diêu Tam mới về nhà.
Phủ Thám hoa là một tòa dinh thự lớn với kiến trúc ba tiến, hai bên trái phải có thêm một viện hai tiến nữa3. Ở tòa phủ rộng lớn như vậy, ban đầu Đường Thận định mua mấy người đầy tớ, thị nữ về lo việc quét tước, nhưng không ngờ Diêu đại nương kiên quyết ngăn cản.
“Chỉ mình tôi là đủ rồi. Hàng ngày tôi ở nhà rỗi rãi không có việc gì, cứ để tôi quét tước dọn dẹp.”
Đường Thận không lay chuyển được bà, đành bỏ ý định mua người hầu. Việc nhà trong phủ Thám hoa được Diêu đại nương và thư đồng Phụng Bút hợp tác lo liệu hết.
Thấy Đường Hoàng về, Đường Thận cố ý tỏ ra sừng sộ: “Anh đã dặn hôm nay ở nhà chờ anh về, tối đi ăn ở lầu Tế Hà cơ mà?”
Đường Hoàng: “Anh hẹn tối cơ mà, anh giai thương mến của em, bây giờ đã đến tối đâu?”
Đường Thận ngán ngẩm lắc đầu: “Lượn đi thay quần áo mau.” Được một chốc, cậu lại bảo Đường Hoàng: “Mặc cái áo khoác lông em mang từ Cô Tô đến đây ý.”
Đường Hoàng lấy làm lạ nhưng cũng gật đầu, ngoan ngoãn đi thay quần áo.
Đông sang, chưa gì trời đã tối sập. Vừa mới qua giờ Thân, mặt trời đã lặn xuống núi nhường chỗ cho màn đêm bao la. Hai huynh muội Đường gia đi dưới bầu trời lấp lánh ánh sao, chẳng mấy chốc đã đến lầu Tế Hà. Thấy tiểu đông gia đến, quản lí Lục lập tức dẫn hai người vào lầu, lên nhã gian trên tầng hai. Vừa vào phòng, Đường Thận liền cảm nhận được hơi ấm ùa tới xua tan giá rét.
Căn phòng bài trí theo phong cách cổ xưa với tông màu trắng thuần khiết, ở chính giữa đặt một lò than bập bùng ánh lửa.
Than trong lò là than chỉ bạc không khói loại tốt nhất, bên cạnh còn đốt thêm đàn hương. Khói trắng lững lờ đem lại cảm giác thanh thỏa khoan khoái.
Trong phòng rất ấm, Đường Thận và Đường Hoàng cởi áo khoác ra treo một góc. Đường Thận mở cửa sổ cho ánh trăng trắng lóa ùa vào phòng. Trăng soi sáng rực cả thành Thịnh Kinh mênh mông tuyết phủ, ánh tuyết quyện trăng xán lạn bội phần.
Đường Hoàng hồi hộp hỏi: “Anh ơi, tối nay mình ăn với ai mà cầu kì thế?”
Đường Thận liếc cô bé: “Em đoán xem?”
Đường Hoàng nghĩ ngợi một hồi: “…Lẽ nào là thầy của anh?”
“Cả sư huynh anh nữa.”
Sau gần nửa canh giờ, Phó Vị và Vương Trăn cũng lần lượt đến lầu Tế Hà.
Phó Vị là người đến trước. Vừa vào phòng, ông đã tia ngay bức tranh trên tường. Mắt Phó Hi Như sáng trưng, ông lập tức đến bên bức tranh. Chiêm ngưỡng kĩ càng hồi lâu, ông hỏi Đường Thận: “Tranh của Ngô Đạo Tử đấy à?”
Đường Thận cười: “Chẳng dám giấu tiên sinh, đúng thế ạ, chính là tranh của Họa thánh.”
“Tranh đẹp lắm. Tuy không phải tranh truyền đời của Ngô Đạo Tử, nhưng chắc cũng tốn kha khá tiền.” Phó Vị ngắm nghía thêm rồi ngợi khen: “Tranh vẽ khéo thật, đúng là khá hơn lão phu tí đỉnh.”
Đến khi Vương Trăn
vào phòng, chàng cũng để ý thấy bức tranh trên tường. Chàng thích thú lia ánh mắt qua bức tranh, đoạn quay đầu nhìn sang cô gái nhỏ thấp tha thấp thỏm đứng cạnh Đường Thận.
Công bằng mà nói, Đường Thận và Đường Hoàng không giống nhau mấy.
Vóc dáng Đường Thận cao ráo, tuấn tú nho nhã. Đôi mắt cậu sáng ngời và trong veo, đúng mắt cười trời sinh, hễ cười lên là lấp lánh như hai vì tinh tú, cong vút như mảnh trăng lưỡi liềm. Những lúc không cười, Đường Thận mang vẻ khôi ngô tươi trẻ của một chàng thiếu niên thanh cao như dòng suối trong ngần, hiên ngang như trúc mọc trên đá. Mà trên thực tế, năm nay cậu cũng mới mười bảy, vốn đang độ thiếu niên.
So với Đường Thận thì Đường Hoàng càng lớn càng ra dáng anh hào. Nói vậy không phải bảo cô bé giống con trai, mà khác với người anh trai tuấn tú, diện mạo của Đường Hoàng có phần sắc nét hơn, đôi mắt long lanh rất có hồn. Tuy còn sợ sệt khi nhìn Vương Trăn, nhưng sâu trong đáy mắt cô bé là nghị lực không gì lay nổi.
Hẳn là một cô nhóc vừa gan lì vừa rắn rỏi.
Vương Trăn kết luận thế xong, bèn nhẹ nhàng hỏi Đường Thận: “Em gái đệ đấy à?”
Đường Thận giới thiệu: “Vâng, đây là em gái đệ, tên là Hoàng.”
Làm quen xong, bốn người ngồi xuống bàn, bắt đầu thưởng thức bát hà cung.
Không biết tự bao giờ, những bông tuyết lơ thơ đã bay đầy bên khung cửa. Giữa trận tuyết mênh mang trùm lên cả kinh thành, được quây quần bên nồi lẩu nóng hôi hổi mới thật đã đời làm sao.
Cơm nước xong, Đường Thận nháy mắt với quản lí Lục. Quản lí Lục ngầm hiểu, bèn gỡ ngay bức tranh của Ngô Đạo Tử trên tường xuống, gói ghém cẩn thận bằng vải trắng cho Đường Thận đem biếu Phó Vị. Vì đây là tranh của Ngô Đạo Tử nên ngay cả Phó Vị cũng rất kinh ngạc: “Cảnh Tắc, bức họa này mà con cũng tặng vi sư sao?”
Đường Thận: “Con sưu tầm nó cũng vì tiên sinh đấy thôi. Con biết tiên sinh say mê hội họa, lại nghe nói ở phủ Cô Tô có người bán bức tranh này nên đã tranh thủ mua luôn. Tiên sinh nhất định không được từ chối đâu. Con đến Thịnh Kinh tính đến nay cũng hơn ba năm rồi. Ở nơi đất khách quê người, nếu không có tiên sinh dạy dỗ chỉ bảo, con ắt chẳng biết xoay sở ra sao và càng không làm nên trò trống gì. Cảm ơn tiên sinh đã dìu dắt con, ơn nghĩa ấy con xin ghi lòng tạc dạ, không bao giờ dám quên!”
Mặt dày cỡ Phó Vị mà cũng phải thẹn thùng, nghĩ thầm: Ta đã dạy mi được chữ nào đâu?
Ông cười ha hả: “Vậy vi sư nhận nhé.”
Cơm no rượu say, Đường Hoàng theo quản lí Lục đi kiểm tra tình hình bán buôn của lầu Tế Hà hôm nay. Phó Vị được bức họa quý thì sướng tê cả lòng, đứng dậy cầm tranh về phủ luôn, bảo là muốn thưởng thức cho kĩ. Thế là trong nhã gian chỉ còn lại Đường Thận và Vương Trăn.
Vương Trăn gạt bớt bọt trà trên chén, nhẹ nhàng nhấp một hớp Bích Loa Xuân.
Cửa sổ mở, trong phòng phảng phất hương đàn. Vương Tử Phong tắm trong ánh trăng thanh, áo trắng lịch thiệp, lặng lẽ thưởng trà ngắm trăng. Không biết trăng đêm nay sáng hơn thường lệ, hay là dưới ánh trăng, khí chất của người đàn ông này càng thêm xuất chúng.
Đường Thận ngắm đến nỗi ngây ngẩn cả người. Mất một lúc cậu mới sực tỉnh, bèn lấy từ trong tay áo ra một hộp gấm nhỏ đưa cho Vương Trăn.
Vương Trăn nhận lấy hộp gấm, cười: “Hối lộ đấy à?”
Đường Thận sửng sốt.
Vương Trăn đâu chỉ nói vu vơ.
Phó Vị là Thừa chỉ viện Hàn Lâm nên không trực tiếp quản lí Đường Thận, Đường Thận tặng quà cho ông không có gì đáng chê trách. Nhưng Vương Trăn là Thượng thư bộ Hộ, nếu chàng thực sự muốn nhúng tay thì chẳng khó để tác động đến vị trí Trung Thư xá nhân của Đường Thận. Huống chi, cả hai còn cùng làm việc ở điện Cần Chính.
Đường Thận bất đắc dĩ bảo: “Sư huynh lại trêu đệ rồi. Phải hay không, chẳng lẽ ngài Thượng thư còn không biết?”
Vương Trăn: “Tiểu sư đệ dạo này to gan gớm nhỉ.”
“Đệ to gan chỗ nào?”
Vương Trăn nhại giọng Đường Thận: “To gan chỗ nào, chẳng lẽ ngài Trung Thư xá nhân còn không biết hay sao?”
Hai người nhìn nhau cười.
Vương Trăn mở hộp. Khi thấy vật bên trong, dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước, Vương Trăn vẫn bị choáng ngợp và ngay ngẩn mất mấy giây.
Thì ra trong hộp gấm be bé tinh xảo kia là một chiếc bình lưu ly cỡ bằng bàn tay.
Chiếc bình lưu ly trong hộp mới lạ lùng làm sao, toàn thân bình trong suốt, hình dạng vuông vắn, thiết kế sắc sảo, góc cạnh. Miệng bình mạ một vòng kim tuyến rất mảnh, thân bình cẩn một đóa hoa mai. Khen chiếc bình này đẹp không gì sánh, khéo đoạt công trời cũng không ngoa. Chí ít sống hai mươi sáu năm trên đời, Vương Trăn chưa bao giờ thấy bình lưu ly trong suốt, ngay cả trong quốc khố của hoàng cung.
Chiếc bình tinh xảo thật, song tay nghề mạ kim tuyến có phần hơi vụng về. May nhờ bình đựng sẵn chất lỏng vàng kim nên người xem sẽ không mấy để ý đến viền kim tuyến.
Vương Trăn đưa lại gần nghe thử: “Đây là Hoàng Kim Lũ đấy ư?”
“Vâng.”
Vương Trăn ngắm nghía thêm: “Chiếc bình lưu ly này từ đâu mà có thế?”
Phần lớn sản phẩm ngọc lưu ly đều dành riêng cho hoàng tộc, thế nên những món đồ lưu ly ngoài cung khá hiếm. Trong khi đó, độ tinh xảo của chiếc bình này có thể sánh ngang với cống phẩm.
Đường Thận: “Đệ tự tay làm tặng sư huynh đấy.”
Nghe vậy, Vương Trăn chợt ngẩng lên nhìn Đường Thận không chớp mắt.
Đường Thận cười: “Ba năm quen biết sư huynh gặt hái được bao nhiêu điều. Đây là quà Tết năm nay ạ.”
Vương Trăn nhìn Đường Thận rất lâu, rồi khoan thai nói: “Tiểu sư đệ có quà cho ta, thế mà ta chẳng chuẩn bị gì cả. Xem ra ta phải đáp lễ rồi nhỉ.”
Làm gì có chuyện Đường Thận từ chối quà Vương Trăn tặng, có mà ủng hộ hai tay hai chân ấy chứ.
Sướng mà không biết đường hưởng thì rõ đần!
Nhưng đợi suốt hai hôm, Đường Thận vẫn chẳng thấy bóng dáng quà cáp của Vương Tử Phong đâu cả.
“Không ngờ Vương Tử Phong mà cũng nói xạo. Đúng là cóc tin được miệng lưỡi đàn ông!”
Đường Thận than thở một hồi thì đi thu dọn hành lý để về quê ăn Tết với Đường Hoàng.
Không sai, năm nay Đường Thận quyết định về thăm phủ Cô Tô.
Diêu Tam còn bận việc nên sẽ ở lại Thịnh Kinh. Đường Thận dẫn em gái và thư đồng Phụng Bút lên thuyền, xuôi dòng Đại Vận Hà về phương Nam. Mười ngày sau, cậu về đến phủ Cô Tô.
Ba người vừa chân ướt chân ráo xuống thuyền đã có tiếng chiêng trống vang trời dậy đất, pháo giấy nổ tưng bừng.
Đương hết hồn, Đường Thận thấy Đường cử nhân và tộc trưởng họ Đường vồn vã chạy đến hò reo: “Cảnh Tắc, cháu đã về rồi. Chúng ta chờ cháu suốt cả năm trời đấy!”