Năm Khai Bình thứ ba mươi, tháng chín, hai lối quan đạo dẫn đến U Châu và Thứ Châu đã hoàn thành.
Thượng thư bộ Công Viên Mục và Hữu thị lang Tô Ôn Duẫn hồi kinh, báo cáo lên Thánh thượng. Hoàng đế vui mừng khôn xiết, thưởng lớn cho quần thần. Thật sự thì đường đi Thứ Châu có thể xây xong từ lâu rồi, nhưng sau vụ sập cầu sông Kinh Hà thì không ai có gan bớt xén nữa. Tất cả đều cố gắng làm chu đáo nhất có thể, thành ra đến tận bây giờ mới xong.
Tô Ôn Duẫn về kinh, một mình đảm đương hai chức Hữu thị lang bộ Công và Thiếu khanh Đại lý tự, tiếng tăm nổi như cồn, trở thành nhân vật có sức nóng hàng đầu Thịnh Kinh.
Tô gia ở Bắc Trực Lệ là dòng tộc thịnh vượng nhất nhì Đại Tống, nhưng con cháu Tô gia chủ yếu theo nghiệp võ, đằng quan văn chỉ có Tô Ôn Duẫn đang giữ chức cao nhất.
Tô Ôn Duẫn về kinh là phải đến điện Cần Chính làm việc.
Đường Thận không thể tránh được việc giáp mặt đối phương đôi ba bận. Mỗi tội Tô đại nhân là quý nhân hay quên, thì giờ đâu mà chú ý đến Đường Thận. Hai người không đối đầu nhau lần nào nữa, nên Đường Thận rất chi là vui sướng thảnh thơi.
Thiếu khanh Đại lý tự là người phụ trách xử lí quan viên có tội trên cả nước, chẳng ai dại làm mích lòng Tô Ôn Duẫn cả.
Trên triều đình, Vương Trăn phụ trách ty Ngân Dẫn, quyền hành không hề nhỏ. Nước nổi thuyền lên, Đường Thận là sư đệ của Vương Trăn nên càng được Triệu Phụ coi trọng. Dù vậy, Đường Thận chung quy vẫn là Trung Thư xá nhân dưới quyền Từ Bí.
Hôm ấy, có Thái giám đến điện Cần Chính truyền lời rằng sắp đến ngày mừng thọ hoàng đế, Thái hậu dặn dò bộ Lễ phải chuẩn bị “Tiết Vạn Thọ” năm nay thật chu đáo.
Thượng thư bộ Lễ Mạnh Lãng nhận dụ lệnh, cả triều đình lại bận bù đầu.
Là Trung Thư xá nhân, Đường Thận theo lệnh Từ Bí, bắt tay vào rà soát tấu chương chúc thọ và lễ lạt các địa phương dâng lên. Quà mừng thọ của hoàng đế đâu thể giống quà sinh nhật của thường dân. Dù anh có làm quan ở đâu, phẩm cấp lớn nhỏ ra sao, cũng phải dâng quà mừng thọ tuốt. Chưa kể, lễ vật dâng vua phải chú trọng ba chữ “tinh”, “trân”, “kỳ”. Riêng việc tìm một món quà “tinh túy” đã khiến các quan phải vò đầu bứt tóc rồi, nữa là “quý” và “hiếm”.
Thế là tự dưng, Đường Thận phải tiếp nhận hàng núi tấu chương. Tấu chúc thọ của bá quan thì văn vẻ bay bướm, còn quà cáp thì khỏi nói, món nào món nấy đều xa xỉ vô cùng.
Tả thừa Trần Lăng Hải cũng phụ trách “Tiết Vạn Thọ” năm nay. Đường Thận không tránh được việc tiếp xúc với ông.
Trần Lăng Hải gọi Đường Thận vào gian làm việc của mình, hỏi: “Tình hình quà mừng của quan viên các chốn thế nào rồi?”
Đường Thận bèn giả ngơ hộ các quan: “Bẩm Trần tướng công, các miền Hồ Tây, Giang Nam, Nam Bắc Trực Lệ, Tây Bắc đều đã dâng tấu và quà mừng. Những địa phương khác cũng đã gửi tấu chúc mừng, hiềm nỗi đường xá xa xôi, quà mừng thọ của nhiều địa phương vẫn còn đang trên đường vận chuyển, tạm thời chưa tới ạ.”
“Tiết Vạn Thọ năm nào cũng tổ chức. Mọi năm ra sao, bản quan còn lạ gì nữa.”
Ngụ ý: Quan lại những miền thâm sơn cùng cốc có thể tặng cái gì, chớ mất công lấp liếm, mọi người đều biết tuốt đấy.
Đường Thận nghe thế thì cười gượng: “Hạ quan vẫn đang đôn đốc kiểm tra ạ.”
Trần Lăng Hải: “Thực ra cũng không cần gay gắt quá. Bệ hạ hằng ngày thức khuya dậy sớm, cần mẫn lo việc nước việc dân. Quyết định của bệ hạ có ảnh hưởng trên toàn bờ cõi, nhưng bao giờ cũng có những địa phương chưa kịp hay tin. Quà mừng thọ chỉ cần nhập kho là được. Bệ hạ biết các quan địa phương gian lao vất vả, chưa bao giờ khiển trách nặng nề cả.”
Nghe xong, Đường Thận lập tức hành lễ: “Hạ quan đội ơn tướng công chỉ điểm.”
Trần Lăng Hải nở nụ cười, vuốt chòm râu: “Năm nay là lần đầu ngươi tham gia chuẩn bị Tiết Vạn Thọ, chắc chắn còn nhiều bỡ ngỡ, hướng dẫn một câu cũng không hại gì. Vả lại, lão phu với thầy ngươi là chốn bạn cũ. Thời tiên đế, ta và Phó Hi Như đều thuộc tứ nho thiên hạ. Nay hồi tưởng lại, những năm tháng ấy vẫn còn rõ như in.”
Đường Thận cung kính thưa: “Gia sư cũng từng kể cho hạ quan nghe về Trần tướng công. Tiên sinh nói rằng Trần tướng công am hiểu nhất là vẽ hoa cỏ và chim chóc. Giữa muôn hoa khoe sắc, một chú vàng anh lấp ló giữa bụi hoa, sinh động y như thật, khiến ai ai cũng phải trầm trồ.”
Sau khi rời khỏi phòng Trần Lăng Hải, Đường Thận trở về chỗ mình làm. Trong đầu cậu bộn bề suy nghĩ nhưng mặt mũi thản nhiên như không. Cậu tiếp tục rà soát danh sách quà tặng các địa phương gửi về.
Hơn ba mươi năm về trước, có bốn vị đại nho đức cao vọng trọng, được cả nước tôn xưng là “tứ nho thiên hạ”. Bốn người ấy theo thứ tự là Chung Thái Sinh, Lương Bác Văn, Phó Hi Như và Trần Duy Chỉ.
Trần Lăng Hải, tự Duy Chỉ, lấy từ bài Huyền Điểu trong Kinh Thi.
Bang kỳ thiên lý, duy dân sở chỉ, triệu vực bỉ tứ hải1.
(TQP dịch: Kinh kỳ ngàn dặm rộng thay, là nơi bách tính tụ vầy ở chung, mà lĩnh vực xa cùng bốn biển)Trong bốn người, Chung Thái Sinh thành danh nhờ học vấn đồ sộ khiến ai ai cũng choáng ngợp, được cả thiên hạ kính ngưỡng; Lương Bác Văn có kiến thức uyên thâm, từng được ngợi ca là tủ sách sống của Đại Tống. Phó Hi Như có sở trường thư pháp, Trần Duy Chỉ thạo nhất vẽ tranh. Thời bấy giờ, bốn người này là nhóm quyền thần ưu tú nhất triều đình. Chỉ tiếc Chung Thái Sinh và Lương Bác Văn thuộc đảng Tùng Thanh, sau khi ép vua nhường ngôi thất bại thì bị Triệu Phụ chán ghét. Thế nên hơn mười năm qua, chỉ có Phó Hi Như và Trần Lăng Hải bảo toàn được bản thân.
Đường Thận khá để mắt đến Trần Lăng Hải, chủ yếu là vì trước đây khi soạn di vật của Lương Tụng, Từ Tuệ phát hiện một bức mật thư Trần Lăng Hải gửi cho ông. Trong thư, Trần Lăng Hải khuyên bạn thân đừng cố gắng cứu Chung Nguy ra khỏi thiên lao nữa, vì hoàng đế sẽ không bao giờ thả Chung Nguy. Việc hoàng đế đã không muốn, dù Lương Tụng có viết bao nhiêu bản tấu, cậy nhờ bao nhiêu mối quan hệ đi chăng nữa, cũng không thể thực hiện được.
Sau khi đảng Tùng Thanh bị Triệu Phụ triệt hạ, trong giới quyền thần ở Thịnh Kinh, chỉ còn Phó Vị và Trần Lăng Hải chịu giang tay giúp Lương Tụng.
Đường Thận thở dài.
Quân tử có việc nên làm, có việc không nên làm.
Chẳng lẽ Lương Tụng không hiểu ư?
Biết rõ không thể mà vẫn quả quyết thực hiện, là bởi đối với họ, việc ấy không chỉ là đức tin mà còn là chính đạo nữa!
Tháng mười, viện Hàn Lâm bắt đầu soạn lại
Tống Thần sử, Phó Vị hết sức hào hứng với công trình này, ngày nào cũng đến viện Hàn Lâm, dần dần trở nên bận bịu hơn. Chẳng mấy chốc là đến mùng sáu, Đường Thận đi tay không vào phủ Thượng thư.
Quản gia nhà Vương Trăn thấy Đường Thận không mang quà cáp gì thì lấy làm lạ, ngó nghiêng sau lưng cậu.
Quản gia hỏi: “Đường tiểu công tử đến một mình ạ?” Chẳng thấy xe ngựa đi theo!
Ở phủ Vương Trăn, quản gia và người hầu xưa nay không gọi chủ là “đại nhân” mà gọi là “công tử”.
Đường Thận cười bất đắc dĩ: “Không có xe ngựa đâu.”
Quản gia im thít, dẫn Đường Thận vào phủ.
Vương Trăn thấy Đường Thận chẳng đem theo cái gì, cũng nhíu mày, ngó ra sau lưng cậu.
Đường Thận đằng hắng: “Sư huynh đừng có nhìn nữa, hôm nay đệ không mang theo quà tặng đâu.”
Vương Trăn gọi quản gia: “Mang hoàng lịch năm nay đến đây.”
Quản gia lấy ngay một quyển hoàng lịch cho Vương Trăn. Vương Trăn giở lịch một hồi, chỉ vào hàng chữ “mùng sáu tháng mười”, hỏi Đường Thận: “Chẳng lẽ ta nhớ nhầm nhỉ? Tiểu sư đệ, mùng sáu tháng mười không phải sinh nhật ta à?”
Đường Thận: “… Đúng là sinh nhật sư huynh.”
Vương Trăn: “Thế thì hoàng lịch này sai rồi. Mùng một Tết hàng năm, Khâm Thiên giám đều tính toán kĩ càng rồi mới công bố hoàng lịch năm ấy cho cả thiên hạ. Ai biết đâu Lý đại nhân Khâm Thiên giám lại tính nhầm kiểu này. Ngày mai lên triều gặp ông ta, kiểu gì ta cũng phải phê bình ông ấy mới được.”
Đường Thận: “…”
Vương Tử Phong, cái tài nói bóng gió chỉ để mắng khéo người ta chưa tặng quà cho huynh ghê gớm quá rồi đấy!
Quản gia cầm hoàng lịch lui khỏi phòng, Đường Thận cũng giận lẫy. Cậu quen Vương Tử Phong đã bốn năm nay, vuốt mòn cả mông cọp rồi, còn bài nịnh nào mà chưa hót cho nhau nghe đâu. Đường Thận hứ một tiếng: “Ai bảo ta chưa chuẩn bị quà cho sư huynh?”
Vương Tử Phong cười tươi như hoa: “Thế để ở đâu rồi?”
Đường Thận: “Lấy giấy bút đi, ta vẽ chân dung cho sư huynh!”
Mười sáu tuổi đỗ Thám hoa, về mặt học vấn Đường Thận cực kì tự tin là mình dư sức đỗ tiến sĩ. Riêng khoản cầm kì thi họa, Đường Thận để mọc rêu lên mốc bấy lâu nay, nói trắng ra là không có gì để thể hiện cả. Biết Đường Thận muốn vẽ tranh, Vương Trăn cười tít mắt, lập tức sai thư đồng sắp sẵn giấy mực, chờ xem Đường Thận vẽ chân dung mình thế nào.
Mài mực rồi chấm bút, Đường Thận nhìn Vương Trăn, bắt đầu họa lên giấy.
Ban đầu Đường Thận đánh liều mới quyết định vẽ tranh ngay tại chỗ. Nhưng càng
đi bút, cậu càng nhập tâm hơn.
Sau nửa canh giờ, Đường Thận nhấc nét bút cuối cùng. Vương Trăn bước tới, ngắm nghía một lúc rồi liếc nhìn cậu: “Lén luyện bao lâu hả?”
Đường Thận ngượng nghịu: “Sư huynh phát hiện ra rồi à? Thực sự đệ chẳng biết tặng gì cho huynh vào sinh nhật năm nay cả. Nghĩ mãi nghĩ hoài mới ra ý tưởng vẽ chân dung sư huynh đó. Đệ không giỏi vẽ, mỗi ngày đi làm về đều phải tưởng tượng ra dáng vẻ sư huynh rồi vẽ hai bức, luyện nửa tháng… mới được như hôm nay.”
Vương Trăn cảm động thực sự, môi chàng mấp máy, hiếm hoi lắm mới có lúc lời lẽ trôi tuột đi đâu mất tiêu.
Đường Thận: “Mỗi tội sang năm đệ thực sự không nghĩ ra mình có thể tặng sư huynh quà gì nữa. Nếu đến lúc ấy không được, sư huynh đừng trách đệ nha.”
Niềm sung sướng ngập tràn cõi lòng, Vương Trăn dịu dàng bảo: “Sao ta lại trách đệ được?”
Đường Thận nghĩ thầm: Huynh không trách ta thì tốt, ta cứ phải rào trước từ năm nay, huynh nhớ lời mình nói hôm nay đấy.
Hai người ăn tối với nhau, Vương Trăn bảo: “Kỹ thuật vẽ của đệ có chút thiếu sót, tối nay ở lại đi, ta chỉ điểm cho đệ.”
Đường Thận than thầm trong lòng: “Kìa sư huynh, ba năm trước ta đỗ Thám hoa rồi kia mà, có còn là đệ tử của huynh đâu!”
“Ai bảo đệ là đệ tử của ta?” Vương Trăn thản nhiên, “Đệ là sư đệ của ta cơ mà.”
Đường Thận: “…”
Người khác thì chong đèn tâm sự thâu đêm, cùng khêu ngọn nến sáng ngời song Tây2. Đến lượt Đường Thận thì thành Vương Tử Phong dạy cậu vẽ!
Vương Trăn vẽ giỏi thì có can hệ gì đến Đường Thận chứ! Đường Thận hoàn toàn không thể cảm thụ được sự diệu kì trong hội họa cổ đại. Cậu vẽ được chân dung Vương Trăn đã là nhờ bí mật luyện tập nửa tháng trời. Vương Trăn dạy giỏi đến mấy thì Đường Thận cũng thấy như bị tra tấn. Cuối cùng cậu đành giở bài vờ buồn ngủ: “Sư huynh ơi đệ muốn đi ngủ.”
Vương Trăn phì cười.
Đường Thận nhân cơ hội đấy chạy biến sang phòng cho khách, đóng cửa ngủ tít thò lò.
Vào lễ mừng thọ của Triệu Phụ, cả nước hân hoan ăn mừng, đại xá thiên hạ.
Nhưng chỉ được vài hôm, tin cấp báo từ Tây Bắc vượt tám trăm dặm truyền về, chiến tranh đã nổ ra, người Liêu tấn công thành U Châu, giằng co ròng rã mấy ngày trời.
Bá quan triều đình bàng hoàng sửng sốt.
Trên ngai rồng, Triệu Phụ chậm rãi nheo mắt. Các quan lần lượt bước lên, mắng chửi người Liêu không tuân thủ hòa ước, thỉnh cầu hoàng đế ra quân đánh Liêu. Triệu Phụ giận ngút trời: “Người Liêu láo xược quá thể! Làm sao mà trẫm dung túng được!”
Vì thế, nhà Tống xuất quân, hai nước đánh nhau to.
Cuộc chiến này kéo dài tròn một tháng.
Tác dụng của quan đạo U Châu được bộc lộ triệt để.
Về tiềm lực quân sự, xưa nay Đại Tống vẫn thua Liêu. Hai mươi năm trước, để buộc nhà Liêu kí hòa ước, quân dân Đại Tống đã phải hi sinh đến hòn tên mũi đạn cuối cùng, xả thân giữ nước mới có thể giành chiến thắng trong gang tấc. Trái lại, về mặt kinh tế, Đại Tống bỏ xa cả năm nước Liêu! Có quan đạo U Châu, tốc độ vận lương được tăng chóng mặt, quân Tống dù yếu thế trên mặt trận cũng có thể cầm cự lâu dài.
Quân Liêu công thành U Châu, tưởng là ngon ăn, chỉ nội trong mười ngày là hạ được thành. Nào ngờ đánh suốt cả một tháng trời, quân Tống không thắng, nhưng người Liêu cũng bị cầm chân ở U Châu.
Chiến tranh là cái lò hóa vàng khổng lồ. Nhà Liêu đã bao giờ có ý định thôn tính cả Đại Tống đâu. Mục đích của họ là dùng sức mạnh quân sự để dồn ép Đại Tống phải cống tiền, cắt đất. Hiện giờ, thấy đánh mãi mà không hạ được U Châu, vua Liêu bèn vờ như rộng lượng, ra lệnh ngừng công thành, tạm thu quân về đóng ở cách thành U Châu năm mươi dặm, phái sứ giả đến Thịnh Kinh, đàm phán hòa bình với vua Tống.
Tin tức truyền đến Thịnh Kinh, quần thần tranh luận ầm ĩ.
Thượng thư bộ Lễ Mạnh Lãng tâu: “Người Liêu lòng muông dạ thú, nhất định chúng lại muốn đòi tiền bạc đây!”
Thượng thư bộ Lại Thẩm Vận không tán thành: “Chắc gì. Nghe nói vua Liêu có ý định hòa thân đấy.”
Tin tức này có khác nào đòn sấm sét giáng xuống điện Tử Thần đâu. Chẳng những các quan chết trân, mà hoàng thân quốc thích không có mặt ở đây cũng ngã ngửa.
Hòa thân ư?
Vua Liêu ba mươi tư tuổi, đương độ tráng niên, về lí thì là một tấm chồng tuyệt hảo. Khốn nạn thay, Liêu đế xưa nay nổi tiếng là hung tàn! Trừ Tiêu Hoàng hậu ở ngôi chính cung, hậu cung vua Liêu hàng năm có đến mười mấy phi tần bị đức vua dày vò đến nỗi bỏ mạng. Gả công chúa sang Liêu có khác nào gửi vào chỗ chết? Còn bị ngược đãi đến chết nữa!
Nhưng không gì hãi hùng bằng việc Triệu Phụ chẳng có công chúa nào đến tuổi cập kê mà chưa lấy chồng hết cả!
Không có công chúa thì gả ai bây giờ?
Hàng đầu xin mời con gái vương tôn, hàng hai xin nhường con nhà quan lại.
Tin dữ ập đến, cả thành Thịnh Kinh nước mắt sụt sùi. Ai mà muốn cục vàng cục bạc nhà mình bị đày ải nơi đất khách quê người chứ?
Chuyện này vốn chẳng can hệ gì đến Đường Thận, nhưng các đại thần trong điện Cần Chính mà có con đến tuổi cập kê thì suốt mấy hôm nay chỉ thở vắn than dài, âu sầu thiểu não. Cứ một người thở than là mười người phụ họa, không khí càng thêm ai oán não nề.
Đường Thận phải mang sổ tấu đến phòng Thượng thư bộ Công có việc, vừa đi ra thì gặp Tô Ôn Duẫn.
Hai người đứng ngoài phòng, nghe tiếng Viên Mục thở dài vọng ra.
Viên Mục không có con gái đến tuổi cưới giả, nhưng cháu gái ruột của ông thì vừa khéo!
Tô Ôn Duẫn cười nhạt: “Đoàn sứ giả nước Liêu còn chưa đến nơi, triều đình đã loạn cào cào rồi. Giờ mà họ đến thật thì chẳng biết thành cái gì nữa.”
Đường Thận làm thinh, chỉ thi lễ rồi toan ra về.
Đúng lúc ấy có một người lính mặc quân phục đi thoăn thoắt vào phòng Kỷ Ông Tập. Đường Thận và Tô Ôn Duẫn cùng liếc nhau. Đường Thận thấy áo giáp của người lính đó hơi lạ, trên tay áo có một dấu hiệu màu vàng.
Đường Thận thắc mắc: “Sao chưa bao giờ thấy binh sĩ mặc giáp ấy nhỉ?”
Tô Ôn Duẫn phì cười, giễu cợt cậu: “Lính Tây Bắc đấy, quân Phi Long.”
Đường Thận giật mình.
Quân Phi Long ư?
Liếc Tô Ôn Duẫn một cái, Đường Thận không nói gì thêm, quay gót ra về ngay.
Đến chiều tối tan làm, Đường Thận cuối cùng cũng biết cậu binh sĩ quân Phi Long kia vượt muôn trùng xa xôi từ Tây Bắc về Thịnh Kinh có việc gì. Nói ra thì cũng quá trùng hợp. Trong lúc các quan triều đình đang sốt xình xịch xem liệu đoàn sứ Liêu có định rước công chúa về hòa thân với vua Liêu hay không, thì phu nhân của Chinh Tây nguyên soái Lý Cảnh Đức, người đang trực tiếp chống Liêu ở U Châu, vừa qua đời cách đây ba hôm vì bệnh tật, chỉ để lại đứa con thơ bốn tuổi.
Lý Cảnh Đức chinh chiến trên tiền tuyến, vợ con đều ở lại Thịnh Kinh. Hiện giờ hai bên đình chiến, sứ Liêu vào kinh, Lý Cảnh Đức tranh thủ về chịu tang vợ, mà cũng nhân cơ hội canh chừng nhất cử nhất động của người Liêu ở kinh thành.
Lúc này, Đường Thận mới sực nhớ ra hồi mình làm Khởi Cư lang, đã được nghe người ta nhắc đến ba tâm phúc trong triều đình được Triệu Phụ tin yêu nhất.
Ba người ấy chính là Thượng thư bộ Hộ Vương Trăn, Thiếu khanh Đại lý tự Tô Ôn Duẫn, và Chinh Tây nguyên soái Lý Cảnh Đức!
Thì ra, Lý Cảnh Đức đã thành thân từ lâu, còn có con luôn rồi.
Nhưng Lý tướng quân ba mươi hai tuổi, có vợ con là chuyện quá bình thường.
Nghĩ đến đây, Đường Thận bỗng dưng ngây người, chẳng hiểu sao lại nhớ tới một chuyện…
Ủa, Vương Tử Phong đã hai mươi tám rồi, sao vẫn chưa thành thân nhỉ?