“Nhập thất ngưỡng chí cực, bả tửu đông song cúc. Có câu nào bảo ngươi tới thưởng cúc à?”
Đường Thận hỏi ngược lại: “Lẽ nào tiên sinh không có ý đó?”
Lương Tụng nhìn thẳng vào mắt Đường Thận. Lát sau, ông nở nụ cười: “Đúng. Ngu Chi, mang bức ‘Đông song cúc1‘ ra đây cho chúng ta thưởng thức.”
[1] Hoa cúc dưới cửa sổ phía Đông.Đằng xa, chàng trai áo xanh đã từng tháp tùng Lương đại nho đến thôn Triệu gia lần trước cung kính gật đầu, đi đến thư phòng lấy một quyển tranh. Anh ta đứng ở bên ao sen đã tàn, cẩn thận mở quyển tranh ra.
Cuộn tranh bằng giấy Tuyên Thành trắng ngà, nét mực uyển chuyển họa nên một khóm cúc đương bung hoa, trong tĩnh có động. Từng đường bút trong bức tranh đều vô cùng điêu luyện. Bông cúc thành hình từ những nét mực loang trên giấy, có chỗ nhạt như nhành liễu phớt qua mặt hồ, có chỗ lại đậm như rêu phong điểm trên đá. Bố cục bức tranh đặt điểm nhấn vào khóm cúc đặt dưới bệ cửa sổ, toàn bộ phần trên của khung tranh để trắng, phía góc trái đề một bài thơ ngắn.
Hoa nở chẳng cùng trăm giống khác,
Rào thưa riêng đứng, thú dường bao.
Đầu cành thà chịu ôm hương chết,
Chẳng rụng vào trong gió bắc nào!2
Thơ viết theo lối trâm hoa tiểu Khải, nét chữ rất mảnh và tinh tế, Đường Thận bất giác ngắm nghía đến nhập thần. Bút pháp của người này có khí khái mà không kém phần lả lướt, tuy dùng kiểu chữ Khải nhỏ rất mực tao nhã đấy, nhưng từng con chữ ẩn chứa bút lực sung mãn phi thường.
Đường Thận đưa mắt tới phần lạc khoản của bức họa.
Trên bức tranh in dấu lạc khoản đỏ thẫm của tận hai người. Lạc khoản của người thứ nhất đề “Điêu Trùng trai chủ”, lạc khoản của người thứ hai đề “Vương Tử Phong.”
Ánh mắt Đường Thận tần ngần ở cái tên “Vương Tử Phong” mãi.
Đường Thận trở về thời đại cũ ngót nghét nửa năm, phần lớn thời gian đều ngụ ở thôn Triệu gia, cơ hội được tiếp xúc với thư họa chẳng có, càng không có chuyện được luận đàm về những tác phẩm thư họa của danh gia. May mắn thay, kiếp trước lúc học tiến sĩ, cố vấn của cậu là một người vô cùng đam mê thư họa. Chuyên ngành khoa học kĩ thuật không hề khiến thú vui sưu tầm thư họa văn nhân của ông giảm sút, thành thử Đường Thận cũng được mở mang tầm mắt chút đỉnh.
Bình thường trên con dấu của văn nhân đều khắc tên hiệu của mình, ví dụ như Lý Bạch thì khắc “Thanh Liên cư sĩ”, Tô Thức thì khắc “Đông Pha cư sĩ”. Người nào để tên thật thì hoặc là tuổi còn nhỏ, hoặc là mới chập chững vào nghề, tư lịch không sâu nên chưa đáng đặt biệt hiệu. Hoặc, đó có thể là người tiếng tăm lẫy lừng, thế nhân ai cũng biết tới.
Chẳng có lẽ, tác giả của tác phẩm này chỉ là một tay nghiệp dư?
Đường Thận nghĩ Tần nghĩ Sở một hồi, nhưng tuyệt nhiên không đem thắc mắc trong lòng nói ra. Cậu thưa với Lương đại nho: “Tiên sinh, tiểu tử ngu dốt, mong ngài thứ cho tội ăn nói huênh hoang hồi nãy. Con tự thấy mình chưa đủ hiểu biết để thưởng thức bức tranh này ạ.”
Lương Tụng cười: “Ngươi cũng thật thà đấy.”
Đường Thận xuất thân bần hàn, tuổi lại nhỏ, nếu cố tình bảo mình hiểu thì người khác sẽ biết là nói dối.
Đường Thận khéo léo đổi trọng tâm đề tài: “Song, học trò trộm nghĩ, bức tranh này vẽ đẹp lắm, bài thơ này rất hay, chữ viết cũng đẹp nữa ạ.”
Lương Tụng buồn cười: “Tranh đẹp, chữ đẹp sao? Ngươi khen cũng đơn giản nhỉ. Vậy thử nói ta nghe xem, phần tranh đẹp hơn, hay phần chữ đẹp hơn?”
Đường Thận sửng sốt, thì ra tranh vẽ và chữ viết không phải do một người thực hiện?
Tuy bất ngờ này không làm cậu lúng túng, nhưng trong lòng Đường Thận đã suy xét tới lui. Thực sự cậu cũng không đến mức xem tranh mà không thể bình luận được đôi ba câu, dẫu sao kiếp trước cũng đã nhiều lần chém gió cùng giáo sư cố vấn. Ngặt nỗi, Đường Thận đến từ Triệu gia thôn không thể biết nhiều như vậy được, dù cậu đoán bức họa này hẳn là do bằng hữu của Lương đại nho thực hiện.
Mím môi một lát, Đường Thận cẩn thận nói rằng: “Cả hai đều rất tuyệt ạ, dù là tranh hay chữ thì tiểu tử cũng không học theo nổi.”
Cậu tự hạ thấp mình chắc là qua cửa ha?
Lương Tụng cười phá lên: “Chữ trên tranh này là do Tử Phong viết. Thằng nhóc này từ bé đã thông tuệ, thiên phú không người nào bì nổi. Ai ai cũng biết nó thi họa song tuyệt, ngươi muốn vượt qua nó thì khó lắm. Nhưng tranh thì chưa chắc đâu. Bức tranh này vốn do Vu lão đầu vẽ. Họa kỹ của lão chán không thể tả, bao nhiêu năm rồi không tiến bộ, có khi ngươi bắt kịp được lão cũng nên!”
Đường Thận nghe câu trước thì gật đầu dạ vâng, nghe câu sau thì lắc đầu quầy quậy: “Tiên sinh lại chế giễu tiểu tử rồi.”
Đối đáp một chặp, bầu không khí trong đình cũng cởi mở hơn nhiều.
Hai người uống rượu với đồ nhắm. Đường Thận cư xử rất phải phép, không hèn mọn, chẳng kênh kiệu, cũng không xun xoe bợ đỡ hay dè dặt thấp thỏm trước người trên, khiến Lương đại nho hết sức đẹp lòng. Sang ấm trà thứ hai, Lương Tụng bỗng đặt chung trà lên bàn. Sau cái tiếng “cạch” khe khẽ đó, ông mỉm cười: “Ba tháng trước, ngươi có hỏi ta, kẻ sĩ vì sao mà phải đọc sách đúng không?”
Đường Thận vừa nghe liền biết đã vào chủ đề chính, lập tức buông đũa.
“Vâng, tiểu tử bất tài, lúc đó quả đúng là đã cả gan hỏi tiên sinh câu này.”
Lương Tụng nói: “Thoạt tiên ngươi nói, người học trò đọc sách là để tri thư đạt lý. Phải không?”
“Dạ phải.”
“Ngươi nói cũng không sai. Đọc sách để tri thư đạt lý, để làm sáng tỏ cái đúng, phản bác cái sai. Lúc trước ta chưa nói cho ngươi đáp án, hôm nay chúng ta lại gặp gỡ, Đường Thận, ta hỏi ngươi, đáp án của ngươi có còn như cũ chăng?”
Đường Thận hơi do dự, cậu không biết Lương đại nho có ý gì, đành đáp: “Thưa, vẫn vậy ạ.”
Lương Tụng khẽ cười, thở dài nói: “Ly bất tuất kỳ vĩ, nhi ưu tông chu chi vẫn, vi tương kỳ yên3.”
Đường Thận ngẩng đầu, buột miệng: “Dạ?”
Lương đại nho nhìn thiếu niên xinh xẻo như tạc trước mặt mình, ánh mắt thâm thúy có ý tán thưởng, song lại ẩn giấu chút nuối tiếc vì chưa thể khai quật được tài năng.
“Đây là đáp án của ta cho ngươi.”
Mãi đến lúc rời khỏi Lương phủ, Đường Thận cũng không hiểu ý câu nói kia của Lương đại nho. Thậm chí, cậu còn chẳng biết lời này có nghĩa gì.
Đường Thận vốn định trả thiệp mời lại cho quản gia Lương phủ vì theo lệ, sau khi ghé thăm, khách phải trả thiệp mời cho chủ nhân. Ấy thế mà quản gia lại nói: “Đường tiểu công tử, thiệp mời này cậu hãy giữ lấy.”
Đường Thận kinh ngạc: “Sao lại thế ạ?”
“Đích thân đại nhân dặn dò vậy.”
…Lương đại nho dặn dò như vậy ư?
Đây là lần đầu tiên Đường Thận gặp phải một vấn đề hóc búa như vậy, cậu cứ nghĩ ngợi mãi đến tận lúc về nhà.
(Bản edit chỉ được up tại makyo0117.wordpress.com; hãy vào đúng trang để có trải nghiệm đọc truyện tốt nhất hoặc theo dõi trên ứng dụng WordPress.)
Về tới nhà, bốn người Đường gia bắt đầu ngày tết thưởng cúc. Nhà ít người, chỉ có đúng bốn nhân khẩu, nhưng phong tục tết Trùng Cửu không vì thế mà bỏ qua. Trong phủ thành Cô Tô không có núi, nhưng ngoài thành có một con dốc nhỏ, đi xa hơn chút nữa còn có núi Thiên Bình, núi Tây, núi Đông.
Đường Thận không quá câu nệ, cậu chỉ leo lên một mỏm đất trên con dốc ngoài thành, cắm một cành thù du theo đúng phong tục là xong.
Đêm xuống, Đường Hoàng hồ hởi bê một chậu hoa cúc vào trong sân để một nhà bốn người vừa ngắm hoa vừa ăn tối.
Đường Thận trêu: “Tiểu cô nương này tuổi nhỏ mà bệnh hình thức nặng ghê!”
Đường Hoàng thắc mắc: “Bệnh hình thức là gì cơ?”
Đường Thận: “Anh có nói em cũng không hiểu đâu.”
Đường Hoàng: “Còn lâu, rõ ràng em có hiểu nhé. Anh toàn nói nhăng nói cuội thôi.”
Đường Thận cười phá lên.
Thấm thoắt đã bốn, năm ngày trôi qua, Đường Thận vẫn thường xuyên lấy tấm thiếp mời của Lương đại nho ra để suy ngẫm.
Ngày Trùng Cửu, cậu hiểu Lương đại nho đưa thiếp mời cho mình là có ẩn ý.
Thoạt tiên Đường Thận suy đoán Lương đại nho hẹn mình tới dùng bữa, bởi trên thiệp mời Lương đại nho có ý mời mình tới ngắm hoa cúc. Sở dĩ cậu đoán là buổi trưa chứ không phải buổi tối vì Lương đại nho là phủ doãn Cô Tô, buổi tối hẳn sẽ phải chủ trì buổi yến mừng tết Trùng Cửu, chiêu đãi thế gia đại tộc, phú hào hương thân ở Cô Tô chứ không rảnh rỗi.
Diễn biến sau đó đã chứng minh cậu đoán đúng, nhưng…
“Rốt cuộc còn cái gì mình chưa phát hiện ra nhỉ?”
Không chỉ suy ngẫm, Đường Thận còn xem hết lại một lượt Tứ thư, Ngũ kinh. Đáng tiếc, trong Tứ thư và Ngũ kinh đều không có câu “Ly bất tuất kì vĩ” mà Lương đại nho nói. Đường Thận đành bỏ qua, chờ có dịp sẽ tra cứu thêm các sách khác.
Cửa hàng bánh chiên càng ngày càng đắt khách, giúp Đường Hoàng âm thầm gom góp được một gia tài nhỏ. Sang thu, tiết trời lạnh dần, còn gì khoan khoái bằng xơi một chiếc bánh chiên nóng hổi vào buổi sáng. Người mua bánh chiên vì thế cũng đông lên nhiều.
Vốn Đường Thận định mỗi ngày chỉ bán hai trăm bánh, nhưng Diêu Tam và Diêu đại nương một mực không chịu.
Diêu Tam khuyên: “Tiểu đông gia, cậu đừng bận tâm nữa. Cậu còn phải lo việc đèn sách,
sáng tôi sẽ dậy sớm hơn, hàng ngày làm thêm bao nhiêu được thì làm bấy nhiêu.”
Bây giờ quầy bánh chiên ngũ cốc của Đường Thận ở Toái Cẩm nhai đã có tiếng tăm, không cần duy trì chiến lược “đói hàng” nữa mà vẫn có rất đông khách nghe danh mà đến. Diêu Tam thấy Đường Thận mấy bữa nay cứ loanh quanh với Tứ thư, Ngũ kinh lại ngỡ cậu muốn đi học tiếp mà vướng bận chuyện cửa hàng bánh chiên.
Đường Thận cũng không cản Diêu Tam cáng đáng thêm việc, cậu chưa đi học lại, nhưng quả thật có việc khác định làm.
“Diêu đại ca này, anh đi mua giúp tôi một ít vôi sống và men nở đi.”
Men nở thường được dùng để làm nở, làm phồng thực phẩm, thành phần khá giống với baking soda của thời hiện đại. Để làm ra bánh chiên thì không cần men, nhưng bánh bao và bánh màn thầu thì cần. Diêu Tam tưởng Đường Thận muốn bán bánh bao, bèn hỏi: “Tiểu Đông gia, chúng ta định bán cả bánh bao ư?”
Đường Thận biết Diêu Tam hiểu lầm, nhưng cậu không tiện giải thích, chỉ nói: “Anh cứ mua về đi đã.”
Qua một chốc, Diêu Tam đã vác về hai cái bao to.
Đường gia có hai chiếc chảo sắt lớn. Chảo sắt thời cổ và chảo sắt ở nông thôn thời hiện đại không khác gì nhau. Ngoài các tửu lâu ra, hầu hết các nhà đều gắn chảo lớn cố định với lò bếp. Đường gia có hai chảo, bình thường Diêu đại nương vẫn nấu cơm, xào rau bằng hai chiếc chảo này.
Đường Thận ngắm nghía hai cái chảo một hồi, nói: “Diêu đại ca, anh đi mua thêm một cái chảo nữa đi.”
Diêu Tam mua chảo mới về, Đường Thận bèn đổ vôi sống vào, rồi rót thêm ít nước.
Vôi sống dính nước một cái là sôi xèo xèo lên ngay.
Đường Hoàng và Diêu đại nương nghe tiếng động lạ thì tò mò sang xem. Đường Hoàng không giấu nổi ngạc nhiên: “Anh, anh đang làm gì thế?”
Đường Thận vẫn chăm chú vào chiếc chảo: “Chế tạo một thứ cực kì hay ho.”
Vôi sống phản ứng mãnh liệt với nước, trong chốc lát giữa chảo đã xuất hiện dung dịch đùng đục màu trắng sữa. Đường Thận bỏ men nở vào rồi khuấy bằng que sắt, tập trung quan sát phản ứng trong chảo.
Ba “quan sát viên” lại ù ù cạc cạc nhìn Đường Thận thực hiện thí nghiệm mà có lẽ mọi học sinh cấp ba của thời hiện đại đều nhận ra.
Đúng thế, cậu đang tạo ra NaOH, còn có tên thông dụng là xút.
Trong quá trình vôi tôi phản ứng với men bánh thì xuất hiện chất rắn màu trắng kết tủa và lắng xuống đáy chảo, còn phía trên là chất lỏng không màu. Đường Thận kiên nhẫn đợi dung dịch trong chảo phản ứng hết. Sau đó, cậu cẩn thận nắm quai chảo, từ từ đổ chất lỏng vào một chiếc vại sứ.
Điều kiện có hạn, Đường Thận chẳng có cách nào điều chế ra NaOH có độ tinh khiết cao, đành có gì xài nấy.
Sau đó cậu lấy bình dầu hạt cải ở trong bếp ra, đổ vào chiếc chảo lúc này đã được rửa sạch và lau khô. Đến khi mức dầu cao chừng một ngón tay và phần đáy chảo ngập dầu hoàn toàn, cậu bắc chảo lên bếp than, châm lửa đun. Chảo dầu dần nóng lên, khi đạt đến độ âm ấm, Đường Thận bèn từ từ đổ chất lỏng kì lạ trong vại sứ vào chảo dầu.
Diêu Tam hỏi thầm: “Tiểu đông gia đang làm gì thế?”
Câu này đương nhiên hai bà cháu Diêu đại nương và Đường Hoàng chẳng thế nào trả lời, đâm ra ba người cứ có cảm giác ngờ ngợ là Đường Thận bị ma nhập. Họ đều không hiểu thứ nước kì lạ trong vại sứ là gì mà khi vào chảo lại sinh ra một chất lỏng lạ lùng khác. Tò mò là thế, nhưng ba người đều một lòng tin tưởng Đường Thận, chỉ chăm chú quan sát chứ không quấy rầy cậu.
Đường Thận đổ được nửa vại sứ thì đặt xuống đất, dặn dò: “Bất kể có việc gì cũng không được đụng vào cái vại này nhé!”
Diêu Tam gật đầu: “Tôi nhất định sẽ không động vào đâu.”
Dặn xong, Đường Thận bắt đầu khuấy chảo dầu trộn với NaOH một cách từ tốn. Cậu vừa chú ý canh lửa giữ nóng chảo, vừa khuấy dung dịch đều đặn. Khoảng mười lăm phút sau, cậu ngừng khuấy, bây giờ là lúc đợi thí nghiệm hoàn thành.
Trong lúc đợi, Đường Thận hỏi Diêu Tam: “Diêu đại ca, nếu tôi muốn chế tạo một cái bình sắt thì phải kiếm ai ở Cô Tô nhỉ?”
Diêu Tam nói: “Tiểu đông gia muốn bình sắt kiểu gì, cậu vẽ cho tôi xem, tôi ra đầu phố hỏi thợ rèn Vương.”
“Anh chờ chút.”
Đường Thận về phòng lấy giấy bút. Cậu ngẫm nghĩ đôi chút, rồi đặt bút vẽ.
Diêu Tam cầm bức tranh lên hình.
Bản vẽ của thứ đồ này mới kì lạ làm sao, trông dáng vẻ như một chiếc bình, bên trong có vẻ rỗng ruột, lại còn có những đường cong kì lạ. Diêu Tam ngắm nghía một hồi, hỏi: “Tiểu đông gia, cậu vẽ thứ gì đây, tôi không nhận ra được.”
Đường Thận: “Ừ nhỉ, đây là bản vẽ phối cảnh, anh không hiểu được, mà thợ rèn Vương chắc cũng không hiểu. Thôi bỏ đi, chờ tôi chế tạo xong cái này, tôi sẽ cùng anh đến nhà bác ta hỏi chuyện vậy.”
“Vâng.”
Đường Hoàng rất tò mò, ông anh trai nhà mình đang nấu cái gì thế nhỉ? Cô nhóc hỏi: “Đường Thận, anh đang nấu món gì đấy, ăn có ngon không thế? Sao em thấy anh cho cả men bánh cả dầu ăn vào mà chẳng có mùi thơm gì cả. Món mới này ăn có ngon như bánh chiên ngũ cốc không?”
Đường Thận nghe thế liền bảo: “Ăn có ngon không á? Cái này không ăn được.”
“Hả, không ăn được á? Nếu thế sao anh lại nấu trong chảo?”
“Cái này không ăn được, nhưng nhờ nó em sẽ mua được rất rất nhiều bánh chiên ngũ cốc đấy!”
Lúc này, dung dịch trong chảo đặc dần. Dầu ăn màu vàng đậm từ thể lỏng đã đông lại thành thể rắn. Mắt sáng ngời, Đường Thận nhanh tay nạy chất rắn mới hình thành này ra khỏi chảo.
Cậu cho hết chất rắn màu vàng vào một chiếc hũ, gọi Diêu Tam ra: “Diêu đại ca, anh thử nhúng tay vào dầu ăn đi.”
Diêu Tam ngơ ngác: “Dạ?”
“Anh cứ nhúng vào đi xem nào.”
Diêu Tam ù ù cạc cạc làm theo, lúc rút tay ra khỏi hũ dầu, hai bàn tay dính dầu láng bóng.
Đường Thận móc một cục màu vàng từ trong hũ ra: “Bây giờ anh rửa tay với cái này.”
Diêu Tam bán tín bán nghi cầm cái cục màu vàng kia rửa tay, nghĩ bụng thứ này làm từ dầu ăn thì hẳn là càng rửa sẽ càng nhờn. Nào ngờ, hai bàn tay dính nhờn được rửa sạch bong, chẳng còn sót lại tí dầu ăn nào cả.
Diêu Tam ngạc nhiên: “Ôi, cái này là cái gì thế, rửa sạch hơn cả di tử4 luôn!”
[4] Chất tẩy rửa làm từ tụy lợn trộn với bột đậu nành. “Di tử” nghĩa là “tụy”.Đường Thận cười khì: “Cái này ấy hả? Xà phòng đấy! Hữu dụng lắm!”
Đường Hoàng và hai mẹ con họ Diêu rất đỗi kinh ngạc, thi nhau thử nhúng tay vào dầu rồi lấy xà phòng rửa. Một mình Đường Thận đi ra khỏi căn bếp, ngước lên trời, thở dài.
“Không ngờ rằng Đường Thận này xuyên thời gian nửa năm, cuối cùng vẫn phải đi vào lối mòn!”
Xà phòng – vật phẩm không thể thiếu của người xuyên thời gian, ngày hôm nay đã được chế tạo thành công bởi Đường Thận.
Cậu phì cười, dù không phải vật phẩm thiết yếu của người xuyên thời gian, cậu cũng muốn chế tạo!
“Được rồi Diêu đại ca, đừng rửa tay nữa. Cả nhà ra ngoài nào, khóa nhà bếp lại. Hai bà cháu nhớ lời dặn của tôi, trước khi tôi về thì đừng vào bếp, cũng đừng động vào thứ gì trong bếp cả, nhất là cái vại sứ đấy!” Đường Thận dặn dò kĩ càng rồi nói: “Diêu đại ca, anh em ta đi gặp thợ rèn Vương nào.”
“Được!”