Sống Như Hoa Mùa Hạ

24: Bố Mẹ Cãi Nhau


trước sau


Tác giả: Lạc Nguyệt Thiển
Edit + Beta: Phô Mai Chi
23.

BỐ MẸ CÃI NHAU
Ngay khi sự việc nhà máy chế biến thực phẩm được sắp di dời được lan truyền, những công nhân đang làm việc trong làng lập tức lâm vào cảnh điêu đứng.
Đã từng có vô số người ước ao công việc này, nghĩ đây là công việc ổn định có thể dựa vào nó dưỡng già cả đời và còn có thể lấy lương hưu, nhưng tất cả giờ đây đã tan thành mây khói.

Chủ nhà máy cũng không phải là người tệ bạc, tuy có ý định muốn di dời nhưng có thể ưu tiên giữ công nhân có thâm niên cao lại, điều kiện tiên quyết là phải cùng nhau làm việc ở nhà máy mới, có thể cung cấp chỗ ở.
Tuy nhiên hầu hết người dân trong làng đã định cư ở đây, yêu cầu bọn họ bỏ lại gia đình con cái lại để đi làm là bất khả thi, gần như không một ai đành lòng.

Việc trao đổi thất bại nên đã diễn biến thành công nhân giơ biểu ngữ phản đối ở bên ngoài.

Nhưng giơ biểu ngữ phản đối cũng vô ích, chỉ phí phạm thời gian mà thôi.
Chủ nhà máy thấy mình đã tỏ ra thành tâm rồi, không thể lùi tiếp bất cứ bước nào nữa nên cứ thế mặc kệ.

Hai bên tạm thời trong tình trạng giằng co tiếp diễn.
Quý Thu Viễn không dễ dàng gì mới nhận được công việc này, ông ở đây từ khi còn trẻ, đến nay đã được hai mươi năm, cố lắm cũng lên được vị trí quản lí, chức vụ không cao cũng chẳng thấp, quản lí một nhóm cấp dưới.

Bây giờ sắp mất kế sinh nhai, không chỉ mình ông lo lắng mà Lâm Nguyệt Cầm mới là người thấy lo sốt vó nhất.
Lâm Nguyệt Cầm luôn chi tiêu rất thận trọng, từ việc bà không muốn phí tiền mua đồ chơi cho Quý Nghiễn là hiểu bà là một người phụ nữ tiết kiệm đến mức keo kiệt.

Trước khi lấy chồng, bố mẹ vẫn luôn dặn lấy chồng phải lấy đúng người, thà đánh đổi tình yêu vì đời sống vật chất.

Bà luôn cho rằng lúc ấy kết hôn với Quý Thu Viễn là lựa chọn đúng đắn nên mới chịu đựng tính gia trưởng của ông.

Bà đã sống nửa đời người một cách bình lặng, ngay cả con cái cũng lớn vậy rồi, điều không thể chấp nhận được nhất chính là sự thay đổi lớn.
Lâm Nguyệt Cầm như ngồi trên đống lửa nhưng cũng chỉ có thể liên tục giục Quý Thu Viễn: "Sao giờ? Ông đừng ngồi yên một chỗ mãi thế, sắp mất việc rồi, nghĩ cách đi chứ."
Quý Thu Viễn là trụ cột gia đình, từ trước đến nay Lâm Nguyệt Cầm đều chú ý đến nét mặt ông, mỗi khi bị nghi ngờ như vậy liền không vui chút nào: "Tôi thì có cách gì được hả? Nhà máy cũng có phải tôi mở đâu."
Lâm Nguyệt Cầm vẫn càm ràm liên hồi: "Thế thì ông đến quách nhà máy mới đi, ít ra vẫn kiếm được tiền, nhà máy cũng cấp chỗ ở, chỉ xa nhà có tí thôi, dù gì ngày nghỉ cũng được về, tóm lại vẫn tốt hơn không có tiền..."
Bà làm ầm lên khiến Quý Thu Viễn hơi mất kiên nhẫn: "Muốn thì bà tự mà đi."
Lâm Nguyệt Cầm cũng giận khi bị ông quát vậy: "Ông này cũng không muốn kia cũng không muốn.


Thế ông nói xem phải làm sao, ăn uống phải tiêu tiền, điện nước cũng phải tiêu tiền, làm gì cũng cần dùng tiền, con còn đang đi học --"
"Bà vẫn đang làm thủ công đấy thôi?"
Lâm Nguyệt Cầm lập tức cao giọng: "Quý Thu Viễn! Tôi chỉ làm đỡ chi tiêu trong nhà thôi, ông không thể trông chờ vào tí tiền đấy của tôi được."
"Ầm ĩ cái gì, đã nói là chuyện chưa chắc chắn rồi, có khi còn có chuyển biến đấy, không thấy mọi người đang phản đối à? Đau hết cả đầu vì bà làm ầm lên rồi.

Bà ở đây ngoạc mồm ra cãi thì giải quyết được chuyện chắc?"
Lâm Nguyệt Cầm cũng biết mình lo lắng thái quá, bà chỉ không hiểu: "Sao tự dưng chủ của mấy ông lại di dời nhà máy? Trước giờ làm ăn ngon lành lắm mà? Nhà máy đã mở mấy chục năm rồi..."
"Ai mà biết." Nói đến chuyện này, Quý Thu Viễn cũng tức giận, đổ trách nhiệm lên đầu người khác như lẽ đương nhiên, "Chủ bây giờ là con trai chủ cũ lên thay, chê chỗ chúng ta hẻo lánh quá, phí vận chuyển đắt đỏ, tìm được nhà máy tốt hơn rẻ hơn muốn chuyển sang đó, tiết kiệm được một nửa nhân lực vật lực.

Hoàn toàn không coi công nhân làm lâu năm bọn tôi ra gì, ai mà biết rốt cuộc đám thanh niên cậu ta đang nghĩ gì với làm thế nào, không có bọn tôi thì nhà máy làm ăn suôn sẻ thế được chắc..."
Vì tiền mà hai vợ chồng cãi nhau liên miên.
Lâm Nguyệt Cầm đồng tình để Quý Thu Viễn tới nhà máy mới làm việc nhưng Quý Thu Viễn nhất quyết không chịu.

Thể diện của tư tưởng trọng nam khinh nữ trong xã hội cũ đã khiến ông không chịu cúi đầu chút nào, ông luôn có luồng ý kiến của riêng mình, xa nhà, trong nhà không có đàn ông nghe có lí không? Nếu có chuyện gì xảy ra thì làm thế nào? Ông không thể đột ngột về gấp được.

Nói cho cùng thì ông chỉ không bằng lòng thay đổi hiện trạng mà thôi.
Quý Thu Viễn cũng sinh ra và lớn lên ở đây, hầu như chưa từng rời khỏi nơi này.

Ông là con trai cả, dưới ông còn hai cô em gái, tư tưởng trọng nam khinh nữ thời trước khiến ông được yêu chiều hơn hai người em gái, còn hình thành thói quen xấu cơm bưng tận mồm nước rót tận miệng, không đỡ đần được tí việc nhà nào.

Lớn lên rồi, bố mẹ qua đời, hai cô em gái đi lấy chồng cũng không liên lạc nhiều.

Ông được coi là kiểu người chưa từng trải đã vậy còn thích sĩ diện, để một người như ông ra ngoài bươn chải phấn đấu một mình thì nghĩ kiểu gì cũng là chuyện không thể.
Và cuộc cãi vã của bố mẹ đã hoàn toàn ảnh hưởng đến tâm trạng học hành của Quý Nghiễn.

Dù nói là học sinh cần đặt việc học lên hàng đầu, không cần xen vào cũng như không xen vào nổi nhưng đã là chuyện miếng cơm manh áo của gia đình thì sao cậu không buồn phiền cho được.

Đặc biệt là lần này bố mẹ cãi nhau khác với trước đây, có xu hướng ngày càng gay gắt hơn.

Càng cãi vã về sau, bọn họ gần như không giấu giếm nữa, hoàn toàn không ngại chuyện con cái biết, như thể cãi cọ là có thể giải quyết được vấn đề, trong chuyện này vẫn chỉ nghĩ phải dùng quan điểm của mình để thuyết phục đối phương, chứng minh mình đúng.
Quý Nghiễn một lần nữa cảm nhận được sự ích kỉ của bố mẹ, cả hai đều không ai thông cảm cho ai.


Nhưng có ai đã từng nghĩ cho tâm trạng những đứa con của họ chưa?
Vì không có tiền và bố mẹ cãi nhau nên tạm thời Quý Nghiễn cũng không có lòng dạ nào đi tìm Hướng Dương nữa.

Niềm vui vào cấp ba đã nhanh chóng tan biến, sáng nào cậu cũng phải đi lại mất một tiếng mới đến trường, chưa đến sáu giờ đã đi, phải ra ngoài làng đợi xe buýt trước khi mặt trời mọc, trên đường đi còn phải chuyển tuyến, chen chúc với những học sinh khác cùng đường trên xe rồi cuối cùng mới đến được trường.
Cấp ba lại là một giai đoạn mới, học sinh đều được tuyển chọn thông qua kì thi, có vô vàn người học giỏi hơn Quý Nghiễn.

Chương trình học khác với nền tảng hồi cấp hai và ở một độ khó cao hơn.

Quý Nghiễn chỉ nghe giáo viên giảng bài thôi đã thấy hơi trầy trật, còn chưa kể đến việc học phụ đạo nhà trường bắt buộc sau giờ học, đến khi cậu tan học về nhà thì thường là bảy giờ tối hơn.
Sau khi ăn xong cậu về phòng học bài, làm bài tập và kèm theo đó là tiếng bố mẹ mình cãi nhau không ngớt.

Cậu học đến tối muộn, đôi khi đề bài quá khó thậm chí cậu còn chưa làm xong.
Ngày nào cậu cũng đi học rồi về nhà, cuộc sống ngày qua ngày nhàm chán và tẻ nhạt, gần như là vô cảm.
Cậu còn không biết rốt cuộc mình đã học những gì, nội dung bài đọc chi chít như sách Trời*.
*: Được dùng để ẩn dụ cho những bài văn có phương thức biểu đạt khó hiểu.
Khi có kết quả bài thi giữa kì đầu tiên, cậu thấy bản thân mình đã rất cố gắng nhưng điểm lại thấp nhất lớp.

Đây là lần đầu tiên trong đời cậu được điểm thấp tới vậy, trước giờ chưa từng đạt điểm thấp đến thế.

Cậu vẫn luôn cho rằng mình không quan tâm đến điểm số nhưng sau khi về nhà, cậu vẫn không kìm được nước mắt, trùm kín chăn khóc thật to một trận.
Bố mẹ không phát hiện ra cậu có gì khác thường, thậm chí còn không xem phiếu điểm của cậu, bọn họ vẫn đang cãi nhau vì tiền, vì mai sau rốt cuộc Quý Thu Viễn phải làm công việc gì để kiếm tiền nuôi gia đình.
Năm hết tết

đến, chuyện di dời nhà máy đã được xác định.

Sự việc đã ngã ngũ, có lẽ ai nấy đều hiểu có phản đối thế nào đi nữa cũng là công dã tràng, số người đứng ngoài nhà máy cầm biểu ngữ ngày càng ít đi, cuối cùng dần dần hết hẳn.
Sau khi hết năm nay, Quý Thu Viễn chắc chắn đã thất nghiệp.

Chủ nhà máy chiếu cố những công nhân có thâm niên cao nghỉ việc nên đã thưởng cho họ một khoản tiền thưởng cuối năm và tiền trợ cấp rất hậu hĩnh để họ có một cái tết no đủ.
Có lẽ do ảnh hưởng của việc nhà máy đóng cửa nên không khí tết trong làng năm nay không rộn ràng như mọi năm nữa mà có chút ảm đạm.
Năm nay tạm thời không cần lo chuyện tiền bạc, Lâm Nguyệt Cầm cũng tạm ngưng cãi cọ với Quý Thu Viễn, làm mâm cơm tất niên như mọi năm.

Năm nay không mời hàng xóm mà một nhà ba người yên lặng ăn cơm, món ăn vẫn phong phú như vậy nhưng Quý Nghiễn ăn lại chẳng thấy có mùi vị gì.


Âm thanh náo nhiệt nhất cả nhà là tiếng cười vui phát ra từ tivi...
Sau đêm giao thừa, Quý Nghiễn sẽ mười bảy tuổi.

Cậu đã trải qua rất nhiều chuyện trong năm vừa rồi, từ niềm vui khi đỗ vào cấp ba cho đến bây giờ điểm số tụt dốc không phanh.
Vào kì thi cuối kì một lớp 10, Quý Nghiễn vẫn không thể nào chuyển bại thành thắng, vẫn xếp đội sổ.

Dù đã rất cố gắng muốn bắt kịp tiến độ nhưng dường như tiến hộ học tập của các bạn khác nhanh hơn cậu rất nhiều.

Có lẽ đây là lần đầu tiên cậu cảm nhận sâu sắc được rằng giữa người với người có khoảng cách rất lớn.

Một số người thông minh bẩm sinh có thể đạt điểm cao hết sức dễ dàng nhưng cậu học hành chăm chỉ mới đi lên được, chỉ có thể coi là chỉ số thông minh bình thường, muốn đạt điểm cao thì đương nhiên phải nỗ lực hơn những người khác nhiều.
Nhưng hầu như ngày nào bố mẹ cũng cãi nhau, Quý Nghiễn cũng lực bất tòng tâm.

Giống như một quả bóng xì hơi, cậu mặc kệ điểm số của mình càng ngày càng kém.

Và khi chênh lệch đã đạt đến khoảng cách nhất định sẽ dẫn đến việc con người nảy ra ý nghĩ từ bỏ, ngày nào cậu cũng nhìn điểm bài kiểm tra trắc nghiệm dưới trung bình của mình, vậy mà nhìn dần rồi cũng quen.
Tuy chương trình học cấp ba rất chặt chẽ nhưng kỉ luật lại không quá nghiêm khắc.

Giáo viên sẽ không theo dõi sát sao điểm số như trước, muốn đạt bao điểm là tùy vào mỗi người.
Trường càng xuất sắc thì tính tự chủ của học sinh càng cao.

Muốn phấn đấu hay sa ngã cũng chẳng ai quan tâm.
Quý Nghiễn đã từng nôn nóng và bế tắc nhưng cuối cùng cậu chỉ còn lại cảm giác bất lực sâu sắc.

Cậu chưa từng quên mục đích mình thi lên cấp ba, cũng chưa từng quên ý nghĩ muốn đưa Hướng Dương rời khỏi nơi này.
Chỉ là giờ đây cậu không dám đi gặp Hướng Dương nữa, cậu thấy mình chẳng còn mặt mũi nào đi gặp hắn.
Nhưng cậu vẫn nhớ hắn vô cùng, vẫn cứ nhớ hắn vô cùng tận.
Sau kì nghỉ tết ngắn ngủi, cuộc sống trở lại bình thường, ngoại trừ những công nhân thất nghiệp trong nhà máy ra thì các ngành nghề đã quay trở lại làm việc còn học sinh vẫn đang nghỉ đông.
Quý Thu Viễn ở nhà rảnh rỗi tới mức không có gì làm nên đành phải giúp đỡ việc thủ công trong gia đình.
Hai vợ chồng vốn bất đồng quan điểm, nếu kéo dài thời gian ở nhà cùng nhau thì sẽ khó tránh khỏi nảy sinh xích mích.

Nguyên nhân là do Lâm Nguyệt Cầm lại giục ông đi tìm việc, quen thói càm ràm không dứt.

Quý Thu Viễn nóng nảy ngay tức thì, quát lại: "Mới ngày đầu đi làm mà đã giục giục giục, giục cái gì mà giục.

Bà nghĩ tìm việc dễ thế à?"
"Ai bảo ông muốn từ chức, ai bảo ông không đến nhà máy mới --"

"Bà bắt tôi đến nhà máy mới suốt thế là muốn làm gì? Chỗ đấy xa tít mù tắp, không tiện đi về, có phải bà định làm gì nhân lúc tôi đi vắng không hả?"
"Quý Thu Viễn ông đang nói gì thế hả, ý ông là sao, tôi có định gì đâu? Con đã lớn thế rồi, ông tưởng tôi sẽ đi tìm thằng đàn ông khác à?"
"Tôi chưa nói gì, này chính mồm bà nói đấy."
Khi cãi nhau, chỉ số thông minh của con người sẽ giảm, hai vợ chồng càng cãi càng hăng, lời nói cũng ngày càng thái quá.

Ở nhà Quý Nghiễn hoàn toàn không có lúc nào được yên tĩnh, cậu bực không chịu nổi nữa, ôm sách vở chạy ra ngoài lánh đi chỗ khác.

Nhưng cậu vẫn không có bất cứ nơi nào để đi, giống như hồi nhỏ đã từng bỏ nhà ra đi vậy.

Bây giờ cậu đã lớn, cũng cao hơn, chỗ bức tường thấp hồi nhỏ hay tới từ lâu đã không chứa nổi cơ thể cậu.

Quý Nghiễn không có nơi nào để đi nên đành phải ngồi ở cầu thang trước nhà.
Quý Nghiễn rất cố gắng muốn tập trung vào sách vở nhưng tai lại không chịu kiểm soát cứ lắng nghe tiếng cãi vã bên trong cánh cửa.

Chắc bố mẹ cậu nghĩ đóng cửa lại cãi nhau thì hàng xóm bên cạnh không nghe được nhưng thực ra ngồi ở ngoài cũng nghe thấy hết rõ mồn một.

Cuối cùng Quý Nghiễn cũng biết bố mẹ mình mất thể diện đến thế nào, ngón tay cầm sách của cậu đang run bần bật, không kìm được hai mắt đỏ hoe nhưng lại cứng cỏi không muốn khóc.
Cậu luôn nghĩ rằng mình đã quá thất vọng về bố mẹ thì sẽ không đau lòng nữa nhưng sự thật thì cậu còn cảm thấy khó chịu hơn.

Ngay khi cơn suy sụp tinh thần ập tới, dường như không gì có thể cản lại được, bỗng cậu thấy mình quá vô dụng, học không giỏi, bố mẹ lại thường xuyên to tiếng.

Cậu không làm được bất cứ một việc gì mình muốn làm, từ nhỏ đến lớn dường như cậu chưa bao giờ có được thứ gì mình muốn.
Đột nhiên cánh cửa sắt nặng nề màu đỏ phát ra tiếng leng keng, được mở ra từ bên trong.
Cách bố trí trong các căn chung cư kiểu cũ đều như nhau, hộ nào trong tòa nhà cũng có cửa sắt đỏ giống nhau y chang.

Ban đầu Quý Nghiễn còn tưởng cửa nhà mình bị mở ra nhưng sau đó mới phát hiện là không phải, cậu quay đầu nhìn thì thấy cửa sắt nhà đối diện mở.
Quý Nghiễn cứ nghĩ Lý Lệ Liên sắp ra ngoài nên vội vàng đứng dậy phải đi, không muốn bị bà nhìn thấy bộ dạng nhếch nhác của mình.

Nhưng rõ ràng người mở cửa cao hơn Lý Lệ Liên, gương mặt trẻ trung đẹp trai nhưng lại chẳng phải Hướng Hoằng Tu...
Là Hướng Dương.
Suýt chút nữa Quý Nghiễn quên cả thở, cậu không ngờ sẽ gặp được Hướng Dương vào lúc này, cậu hoàn toàn không kịp phản ứng.

Nhưng vào khoảnh khắc nhìn thấy Hướng Dương, những giọt nước mắt tủi thân xen lẫn cứng cỏi đã không kìm được nữa, lăn dài trên má.
Lời tác giả:
Dương Dương xuất hiện đúng lúc ngược (X) giờ phút an ủi tâm hồn bé nhỏ bị tổn thương của Tiểu Quý tới rồi đây (O)
Thôi xong Tiểu Quý rồi, mau sà vào vòng tay ấm áp của Dương Dương đi thôi (O).


trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện