01.
Mùng bảy tháng tư, ngày Quất Nặc bị hành hình đã đến rất nhanh.
Phượng Cửu còn nhớ mang máng cô cô Bạch Thiển của nàng đã từng đọc cho nàng nghe một câu thơ của phàm nhân, ý muốn bồi dưỡng khí phách cho nàng. Câu thơ này thể hiện khí phách rất lớn: “Mạc sắc thương mang khán kính tùng, loạn vân phi độ nhưng tòng dung[1]”.
[1] Ý nghĩa của câu thơ: Cây tùng đứng hiên ngang mạnh mẽ giữa đất trời, dù mây mù cuồn cuộn bay tới nó vẫn ung dung đứng thẳng.
Phượng Cửu cảm thấy tiếc vì cô cô không nhìn thấy được khí phách ung dung hiên ngang của mình trên Linh Sơ đài hành hình Quất Nặc. Mặc dù khí phách đó của nàng thực ra là do bị ép buộc mà ra.
Nghe nói cây thánh đao đó rất kén ăn, từ trước đến giờ không uống thứ gì khác ngoài máu tươi, kế sách ném túi máu vào cây thánh đao của nàng xem ra không thể thực hiện được, sự việc đã đến nước này rồi, đành phải cố mà xông lên thôi.
Có điều, nàng bất chấp tất cả để dũng cảm chiến đấu với mãnh hổ và dùng mưu trí đấu với Thượng Quân, mặc dù khi nắm tay vào lưỡi đao, mồ hôi lạnh trên trán nàng đã túa ra như mưa, nhưng may mà không giữa đường đứt gánh, cứu được đôi uyên ương trên đài một cách oai phong, cũng coi như nổi tiếng một lần.
Chỉ có một việc duy nhất đáng tiếc là khi còn ở đầm Thủy Nguyệt, nàng đã quên không nói trước với Tức Trạch.
Tuy nhiên may mà mấy ngày gần đây chắc Thượng Quân cũng không tìm được chàng ta. Hôm đó, khi nàng và Tức Trạch chia tay trước lối rẽ vào đầm Thủy Nguyệt, Tức Trạch nói rằng chàng ta phải đi xa một chuyến, mười ngày sau sẽ trở về Kỳ Nam Thần Cung, nếu có việc gì có thể tới thần cung tìm chàng ta.
Nàng suy nghĩ trong giây lát, cảm thấy trước tiên cần lưu lại một phong thư, đợi khi Tức Trạch quay trở về thân cung lập tức sai Trà Trà mang tới đó, để chuyện nói dối lần này được trót lọt, chuyện này mới chính thức kết thúc được.
Hơn nữa, ngoài việc viết bức thư này cho Tức Trạch, còn phải viết thư cho Trầm Diệp nữa.
Mà không phải chỉ một bức thư, mà là rất nhiều bức thư.
Nàng nhìn bàn tay phải của mình bị bao bọc giống như một chiếc bánh màn thầu nhân thịt, vô cùng đau đầu thở dài một tiếng.
Phượng Cửu đương nhiên hiểu rằng, A Lan Nhược liều mình cứu Trầm Diệp trên Linh Sơ đài tuyệt đối không phải chỉ vì muốn chọc giận phu quân của nàng ấy.
Theo lời của Mạch thiếu gia nói, tính cách của A Lan Nhược rất hay thay đổi, có lúc trầm ngâm yên lặng, có lúc phấn khởi nồng nhiệt, lúc lại tinh nghịch hiếu động, nhưng nếu tìm hiểu sâu một chút, thực ra nàng ấy là một người yêu ghét hết sức rõ ràng. Ví dụ Thượng Quân và Quân Hậu từ nhỏ đã không yêu quý nàng ấy, nàng ấy cũng không quý mến bọn họ. Mạch thiếu gia đối tốt với nàng ấy từ nhỏ, nàng ấy luôn ghi sâu ân tình đó trong lòng. Nhưng tại sao Trầm Diệp từ trước đến giờ đều không thích nàng ấy, nàng ấy lại vẫn gieo gốc tình với chàng ta trên Linh Sơ đài, điều này quả thực rất khó lý giải.
Hoặc giả nói mọi tình cảm dưới gầm trời này đều có nguyên nhân của nó, nhưng riêng tình cảm nam nữ lại nảy sinh không theo bất kỳ một đạo lý nào, khi nó phát tác lại có thể lấy đi cả tính mạng của con người.
Trước đây, sau khi Quất Nặc thụ hình trên Linh Sơ đài, sự việc sau đó rốt cuộc như thế nào?
Theo như lời Tô Mạch Diệp nói, ngày hai mươi tám tháng tư, Trầm Diệp một mình vào trong phủ của A Lan Nhược, được lão quản gia sắp xếp cho nghỉ tại đình viện phụ. A Lan Nhược buổi sáng luyện viết chữ, buổi chiều nghe hát, đêm xuống lại cùng Mạch thiếu gia phân tích mấy câu huyền cơ, không tới gặp chàng ta. Ngày hôm sau thủ trong tay áo mấy cuốn sách, nhàn nhã chơi cả ngày trời ở thuỷ các, cũng không tới gặp chàng ta. Hôm sau nữa trời mưa âm u, thuỷ các không phải là nơi lý tưởng để đến, bèn bày bàn cờ trong hoa sảnh nghiền ngẫm, cũng không tới gặp chàng ta.
Đêm xuống, lão quản gia tới bẩm báo, nói rằng ngày đầu tiên lão đã chuyển lời tới thần quan đại nhân đúng như lời dặn của công chúa rằng ngài ấy là khách quý tới phủ này, nếu đình viện không hợp ý của ngài ấy, trong phủ vẫn còn một vài đình viện có thể dành cho ngài ấy, những lúc rảnh rỗi trừ khuê phòng của công chúa ngài ấy có thể tuỳ ý đi dạo trong phủ để ngắm cảnh cho thư giãn.
Nhưng ba ngày qua, thần quan đại nhân lại không hề rời khỏi đình viện nửa bước, hơn nữa có thể thấy tâm trạng của ngài ấy thực sự không tốt, thường xuyên cau mày.
Hơn nữa lão quản gia mặc dù đã làm theo lời dặn dò của công chúa, tới thần cung thăm dò trước về khẩu vị của thần quan đại nhân, nhưng những món ăn được làm theo khẩu vị đó, ngài ấy cũng ăn rất ít.
Không biết phải xử lý tình thế này như thế nào, lão quản gia đành tới bẩm báo.
Lão quản gia chắp tay trong áo, dỏng tai nghe lời dặn dò của nàng. A Lan Nhược trầm tư giây lát, tiện tay cầm một tập giấy trắng, mài mực cầm bút, viết một bức thư.
Đây là bức thư đầu tiên mà nàng viết cho Trầm Diệp.
A Lan Nhược tổng cộng đã viết cho Trầm Diệp hai mươi bức thư. Khi cắt đứt với Trầm Diệp, những bức thư này bị trả lại cho nàng, sau khi nàng qua đời, chúng lại được chuyển đến tay Tô Mạch Diệp, tuy nhiên, hai mươi trang giấy đó đã bị chàng ta thiêu rụi trước linh vị của A Lan Nhược.
Tình cảm nửa đời người, chỉ như một làn khói mỏng.
Nhưng đến tận bây giờ Mạch thiếu gia vẫn có thể nhắc lại nhiều câu viết trong thư, ví dụ như phần mở đầu của bức thư đầu tiên: “Vừa nghe có khách mới chuyển đến Mạnh Xuân viện, xin gửi thiệp tới bái chào. Trước đây ta đã từng làm khách trong viện suốt ba năm, e rằng không có người tới ở, tiểu cảnh trong viện sẽ héo mòn, nay nghe nói thần quân đến ở, trong lòng ta cảm thấy rất vui mừng”.
Trong thư nàng giả làm một nữ tiên sinh từng làm khách trong phủ công chúa, năm ngoái đã ra khỏi phủ để vào tông học của vương tộc, khi nhàn rỗi thích pha trà, uống rượu, khi còn làm khách trong Mạnh Xuân viện, đã chôn rất nhiều rượu ngon ở đó, đặc biệt là một vò rượu mơ chôn ở dưới Ba Tâm đình. Nàng đã ra khỏi phủ, không có phúc được hưởng, liền tặng lại vò rượu ấy cho chàng, nghĩ tới việc làm khách nhà người luôn khiến người ta cảm thấy đau lòng, mong rằng chàng có thể mượn chút rượu đó để an ủi tinh thần.
Bức thư kết thúc ở đây, câu nào cũng đều rất nhẹ nhàng, cũng không nói thêm gì nữa.
Khi đề tên, nàng viết hai chữ Văn Điềm.
Văn Điềm quả đúng là một tài nữ trong tông học, năm xưa cuộc sống nghèo khó, nhờ tài danh học vấn mới được thu nạp vào cửa phủ của nàng, nàng nhờ Tức Trạch tiến cử mới vào được tông học. Tuy nhiên, Văn Điềm chưa từng ở Mạnh Xuân viện.
Đặt tên là Mạnh Xuân vì mỗi độ đầu xuân, cảnh trí trong điệp viên đẹp nhất. Mỗi mùa xuân đến, A Lan Nhược đều tới đó ở một thời gian, trồng vài cây trà, ủ vài vò rượu mới.
Thư được phong kín, lão quản gia cung kính nhận phong thư, A Lan Nhược chợt nhớ ra điều gì, dặn dò: “Nếu Trầm Diệp hỏi bức thư này từ đâu gửi tới, hãy nói là một vị tiên sinh trong tông học nhờ ngươi mang đến, về phần ta, nửa chữ cũng không được nhắc tới”.
Lão quản gia cúi đầu vâng lời, trong lòng nghi hoặc nhưng không hề thể hiện ra bên ngoài. A Lan Nhược tự rót cho mình một ly trà, nói tiếp: “Nếu biết đó là thư do ta viết, dù nửa chữ chàng cũng không đọc. Bị giam lỏng ở đó, quả thực rất buồn phiền, có một người nói chuyện với chàng, cũng coi như có chút an ủi. Người có thể nói chuyện với chàng, ta đoán cũng không nhiều, chắc cũng chỉ có mấy vị tiên sinh trong tông học thì chàng mới coi trọng một chút”.
Phong thư mạo danh Văn Điềm này quả nhiên đã phát huy tác dụng. Ngày thứ ba sau khi bức thư được gửi đi, theo lời bẩm báo của lão quản gia, trong hai ngày liền, thần quan đại nhân đã ăn được nhiều hơn mấy ngày trước. Tối qua, sau khi dùng bữa, Thần Quan đại nhân còn tới Ba Tâm đình đi dạo một chút, đám người dưới không dám đến quá gần ngài, nhưng thời gian ngài dừng lại ở đó cũng không dài, khi trở về đã viết một bức thư trả lời, lệnh cho lão quản gia đưa tới cho Văn Điềm tiên sinh ở tông học.
A Lan Nhược mở phong thư, cũng là một tờ giấy màu trắng, Trầm Diệp viết chữ rất đẹp, nội dung lại rất đơn giản, chỉ tỏ ý cảm ơn. Nếu là người bình thường, một bức thư đơn giản thế này, phần lớn chỉ là lễ tiết lấy lệ. Nhưng bởi tính cách của Trầm Diệp. Nếu thật sự là muốn làm lấy lệ, không trả lời thư mới là cách hành xử của chàng. Khoé môi của A Lan Nhược khẽ cong lên, một ý cười nở trong ánh mắt. Lão quản gia hiểu ý vội vàng trình giấy bút và nghiên mực, thúc giục chủ nhân cất bút.
Trong bức thư thứ hai, nàng nhắc tới thư phòng trong Mạnh Xuân viện, ý muốn giúp chàng giết thời gian. Sách được lưu giữ trong thư phòng đó thực ra còn phong phú hơn cả thư phòng mà nàng đang sử dụng, tất cả cũng đều do đích thân nàng sắp xếp, hơn nữa, buổi tối trước ngày Trầm Diệp tới, lại được bổ sung thêm một vài quyển sách mới. Trong số sách ở đó, nàng đặc biệt yêu thích mấy quyển sách du ký, ngôn ngữ mạnh mẽ hào hùng như sóng dâng trào, vì vậy lời phê chú trên đầu sách của nàng cũng có hơi khác. Nàng đặt chúng ở ngăn dưới cùng của giá sách, thực ra bình thường không ai chú ý tới.
Nàng đương nhiên cũng không viết rõ về những chuyện đó trong thư, chỉ giới thiệu cho chàng vài cuốn sách cổ quý giá, khi nhận được thư trả lời của chàng, bức thư của chàng dài thêm được hai câu, nói rằng phần phê chú trên mấy quyển sách du ký khá thú vị, nhìn bút tích giống như là bút tích của nàng, lại giới thiệu hai cuốn sách du ký mà chàng yêu thích cho nàng.
Sau đó có một ngày, Tô Mạch Diệp bày một thế cờ có tên gọi là Thiên Thư Hội cho nàng phá giải, nàng nhọc công suy nghĩ nhưng vẫn không ra kết quả, vừa hay lúc đó lão quản gia trình lên bức thư thứ sáu của Trầm Diệp, nàng tiện tay vẽ thế cờ này vào trong thư. Ngay buổi chiều ngày hôm đó liền nhân được bức thư thứ bảy của chàng. Hai trang thư, một trang là thế cờ của Tô Mạch Diệp đã được phá giải, trang kia chàng vẽ một thế cờ khác cho nàng phá giải.
Đến cuối mùa xuân, lời lẽ trong thư của chàng đã ngày một nhiều hơn, mặc dù vẫn lạnh nhạt, nhưng đã có nhiều khác biệt so với sự xa cách ban đầu.
Theo lời bẩm báo của lão quản gia, gần đây mặc dù không đoán biết được biểu hiện trên khuôn mặt của thần quan đại nhân nhưng tâm trạng của ngài ấy đã vui vẻ phấn chấn hơn trước một chút, ngài ấy vẫn chưa ra khỏi cổng Mạnh Xuân viện, nhưng lúc thì nghiền ngẫm phá giải các thế cờ, vẽ kỳ phổ, hoặc mang sách ra Ba Tâm đình ngồi đọc, hoặc đi đi lại lại trong viện. Chỉ riêng hành động cuối cùng - đi đi lại lại trong viện, lão quản gia không đoán biết được thần quan đại nhân đang làm gì.
Nhưng A Lan Nhược lại biết Trầm Diệp đang làm gì, trong một phong thư chàng đã nhắc qua về chuyện này, chàng tìm được một vò rượu mà nàng chôn trước đây, đựng vào trong bốn bình sứ trắng, đêm xuống vừa đánh cờ vừa uống hết nửa bình, đoán rằng nàng đã ủ rượu bằng các loại quả mọng được tắm sương thu, phong kín lại chôn dưới đất suốt ba mùa, lại lấy hạt cải mọc vào mùa thu hong khô, cho vào trong rượu khoảng nửa tháng để lấy hương thơm, sau đó lại phong kín, chôn xuống đất thêm hai năm, hỏi nàng xem có đúng như vậy không?
Đương nhiên, chàng đã đoán không nhầm, đã nói rất đúng. Cùng với phong thư, lão quản gia còn trình lên một bình sứ trắng, nói rằng thần quan đại nhân dặn đưa bình rượu này cho Văn tiên sinh.
Đó là bức thư trả lời thứ hai mươi của Trầm Diệp.
Một đêm không trăng, gió thổi ào ạt, A Lan Nhược tay cầm bình sứ trắng đi tới bên ngoài Mạnh Xuân viện, tung người một cái, nhảy lên cây long não già bên ngoài viện.
Cây long não này vừa hay đối diện với phòng của Trầm Diệp, trong phòng còn một ngọn đèn chưa tắt, soi rõ bóng dáng nghiêng nghiêng của chàng bên cửa sổ. A Lan Nhược chọn một chạc cây vững chắc, nằm xuống, mở nắp bình rượu, vừa uống vừa nhìn về phía ô cửa sổ khép chặt.
Rượu mới uống được một nửa, tình cờ lại gặp Tô Mạch Diệp đi chơi đêm trên cây long não, nhàn tản tọa lạc trên một chạc cây bên cạnh nàng, mở miệng nói một tràng dài: “Vi sư dạy bảo ngươi đã mấy chục năm, những thứ khác ngươi học hành qua quýt cũng có thể bỏ qua, tinh hoa của hai chữ phong lưu lại cũng không học được, chiêu thư từ qua lại, còn có thể chấp nhận được, còn việc nhớ người rầu rĩ một mình uống rượu này quả thực rất hèn nhát”.
A Lan Nhược đang nằm thoải mái, lười không buồn cử động, nói: “Sư phụ nói sai rồi. Việc uống rượu một mình, nếu thiên không thời, địa không lợi, nhân không hòa, khi thực hiện đều có vẻ cố ý. Còn đêm nay, một người bất đắc dĩ như con, ở một nơi bất đắc dĩ như thế này, trong một tâm trạng bất đắc dĩ, làm một việc bất đắc dĩ, lại tự nhiên như mặt trời mọc mặt trăng sẽ lặn, hoa nở rồi hoa sẽ tàn”. Nàng bật cười, giơ bình rượu lên, lắc lắc: “Như vậy là hèn nhát hay là phong lưu? Tất nhiên là phong lưu rồi”.
Hai chữ phong lưu vừa thốt ra khỏi miêng, ô cửa sổ nhỏ phía đối diện chợt mở tung, bóng người màu đen nhanh chóng đi ra. Mi mắt của A Lan Nhược khẽ động đậy. Khi Trầm Diệp đứng trên bức tường phía xa, đối diện với hai người, chiếc bình sứ trắng đã được nàng giấu trong tay áo một cách ổn thỏa.
Vị thần quan áo đen đứng trong gió, còn hai thầy trò nàng, một người nằm, một người ngồi chẳng ra thể thống gì. Trầm Diệp cau mày đưa mắt liếc nhìn hai người, lạnh lùng nói: “Nhị vị đêm khuya tới đây, chắc có điều gì chỉ giáo”. Tô Mạch Diệp đứng dậy trên cành cây: “Chỉ giáo thì không dám, đêm nay cảnh sắc tươi đẹp, mượn quý địa đây để đàm văn luận đạo một chút mà thôi”. Lại nói: “Nghe nói thần quan đại nhân rất tinh thông thiền cơ huyền lý, không biết có ý muốn cùng ngồi luận đạo không?”.
A Lan Nhược phì cười, nói: “Sư phụ muốn thần quan đại nhân ngồi trên tường luận đạo cùng sư phụ sao?”.
Tô Mạch Diệp nghiêm túc nói: “Việc luận đạo, quan trọng là thành tâm, năm xưa nghe nói rằng chim Kim Sí (cánh vàng) bên cạnh Phật Tổ trước khi chưa quy hóa, đã cùng ngộ ra nhân quả ân oán với kẻ thù trên cùng một ngọn cây…”.
Trầm Diệp lại nhìn A Lan Nhược chằm chằm, hỏi một câu không hề liên quan: “Ngươi uống rượu gì vậy?”.
Nàng sững người lại, một lát sau đã lấy lại được thần sắc: “Của một người bạn tặng, tuy nhiên chỉ có một bình nhỏ, ban nãy đã uống hết rồi, đại nhân xuất hiện không đúng lúc rồi”.
Tô Mạch Diệp liếc nhìn hai người, nhướn mày, cười nói: “Người ban tặng rượu này ngày mai sẽ tới phủ chơi, thần quan đại nhân nếu có hứng thú với loại rượu này, ngày mai đích thân tới gặp người bạn đó là sẽ hiểu cả thôi”.
Trầm Diệp nhìn chàng ta: “Người tặng rượu là ai?”.
Chưa đợi Tô Mạch Diệp đáp lời, giọng nói của A Lan Nhược đã bình thản vang lên: “Văn Điềm của tông học, Văn Điềm tiên sinh”.
Khi cái tên đó vừa vang lên, thần sắc lạnh lùng của Trầm Diệp có chút khác thường.
02.
Theo cách nói của Mạch thiếu gia, chuyện lúc đó A Lan Nhược mượn danh Văn Điềm để thư từ qua lại với Trầm Diệp, chàng đã vô tình phát hiện ra. Đêm hôm đó, biết rõ rằng A Lan Nhược đang cố gắng giấu giếm sự việc với Trầm Diệp, vẫn đem chuyện tặng rượu ra nói vài câu, đó là do chàng cố ý làm như vậy.
Lúc đó, chàng không biết mình có tình cảm như thế nào với A Lan Nhược, chỉ cảm thấy rằng nếu nàng muốn có được Trầm Diệp, chàng sẽ giúp nàng toại nguyện. Trong chuyện này, nàng đã suy nghĩ quá nặng nề, một lòng thuận theo Trầm Diệp, quanh co lắt léo đến nỗi khiến chàng không thể trơ mắt ra nhìn. Khi chàng nói ra những lời đó, chỉ nghĩ rằng cần sớm tạo một cơ hội khiến Văn Điềm dứng trước mặt Trầm Diệp, như vậy mới khiến A Lan Nhược sớm đưa ra quyết định.
Hoặc là nàng thừa nhận mình mới là Văn Điềm trong các bức thư ngay trước mặt Trầm Diệp, mọi việc được làm sáng tỏ, mối tình này sẽ như thế nào còn phải chờ xem tạo hóa, nhưng chung quy vẫn còn một cơ hội. Hoặc là nàng tự biến mình thành cây cầu nối giữa Trầm Diệp và Văn Điềm, nhường mối nhân duyên này cho Văn Điềm thật, cắt
đứt hoàn toàn tình cảm của mình với Trầm Diệp. Nhưng cho dù là lựa chọn nào, vẫn còn tốt hơn việc kéo dài tình trạng hiện tại.
Mạch thiếu gia cảm thấy, mượn thân phận của người khác tự đau khổ trong một cuộc tình là một việc mà đồ đệ của chàng không nên làm.
Phượng Cửu thầm nghĩ, nếu là nàng, nàng sẽ chọn cách đầu tiên. Tất cả chỉ vì nàng đã từng được nghe một lời đồn đại, nếu làm mối cho người khác hai lần, bản thân mình sẽ khó lấy chồng. Nàng bấm ngón tay nhẩm tính, mình đã làm mối giúp Đông Hoa và Cơ Hoành một lần rồi, nếu làm thêm một lần nữa thì cả đời này coi như xong.
Nhưng A Lan Nhược, có lẽ thực ra đã được gả đi rồi, không cần phải lo lắng cho chuyện sau này, lại có lẽ chưa từng làm mối bao giờ, muốn thử xem nó như thế nào.
Nói tóm lại, sau một đêm ngồi thẫn thờ, nàng đã lựa chọn cách thứ hai. Khi trời mới tờ mờ sáng đã truyền gọi Văn Điềm vào trong phủ, đặt hai mươi bức thư của Trầm Diệp vào tay nàng ấy trong sự kinh ngạc của Văn Điềm. Nàng dặn dò Văn Điềm rất kỹ lưỡng và chu đáo, duy có tình cảm của nàng đối với Trầm Diệp là được giấu kín, bình thản bịa ra một lời nói dối: “Khi Quất Nặc bị đưa ra khỏi Vương đô đã cầu xin ta chăm sóc cho thần quan đại nhân, ngươi biết là ta cũng khá lương thiện, đương nhiên đã nhận lời. Nhưng là ta và ngài ấy từ trước đến giờ nhìn nhau không thuận mắt, những bức thư thăm hỏi nếu đề tên của ta chắc chắn sẽ khiến ngài ấy tức giận, nên mới lấy tên của tiên sinh. Nhưng gần đây trong phủ có nhiều việc, ta cũng có chút lực bất tòng tâm, nên mới mời tiên sinh tới phủ, không biết tiên sinh có chịu nhận trách nhiệm nặng nề là thay ta viết thư thăm hỏi cho thần quan đại nhân được không? Cũng không phải chuyện gì đặc biệt, chẳng qua chỉ là chút thú vui trong cuộc sống lúc nhàn tản mà thôi”.
Trước đây Văn Điềm đã nhận khá nhiều ân huệ nàng, hơn nữa lại là một người hiểu rõ lễ nghĩa, đương nhiên đã nhận lời giúp đỡ, hoàn toàn không chút nghi ngờ lời nói dối của A Lan Nhược.
Nàng nhìn Văn Điềm lật giở từng bức thư của Trầm Diệp, thi thoảng lại tán thưởng vài câu: “Trước đây không hề để ý, hóa ra thần quan đại nhân cũng là một người thú vị, mấy thế cờ đó, rất hay”.
A Lan Nhược mỉm cười, nói: “Tiên sinh tinh thông kỳ nghệ, trước đây, khi còn ở trong phủ, ta đã rất ít khi thắng được tiên sinh, lần này vừa hay có thể giao lưu học hỏi với thần quan đại nhân”. Dừng lại một chút, lại nói: “Tuy nhiên khi tiên sinh trả lời thư cũng cần mô phỏng theo bút tích của ta, lúc đó chưa kịp nghĩ ngợi nhiều, những bức thư ấy mặc dù đề tên của tiên sinh nhưng bút tích lại là của ta”.
Văn Điềm mím môi, nói: “Chuyện này cũng không khó”.
Trong buổi gặp mặt ngày hôm sau, Trầm Diệp quả nhiên đã xuất hiện.
A Lan Nhược vốn không cầu kỳ, nhưng Mạch thiếu gia lại là người rất cầu kỳ, vì vậy bữa tiệc gặp mặt được bố trí trên một đình hóng mắt ở giữa hồ.
Mái đình này là tác phẩm tâm đắc của Mạch thiếu gia. Chỉ có một con đường nhỏ nối liền đình hóng mát với bờ hồ, đình được dựng ở giữa hồ, xung quanh trồng rất nhiều sen, đứng từ xa nhìn lại, mái đình giống như một búp hoa nở giữa tầng tầng lớp lớp lá sen. Tại sáu mái đình cong cong đều được treo chuông gió, mỗi khi gió thổi tới, chuông gió lại ngân vang, càng có ý thiền. Có thể coi đây là nơi tụ hội những nét phong nhã của thế gian, không có chỗ nào là không chú trọng cầu kỳ.
Nhưng tên gọi của đình do A Lan Nhược đặt lại lấy ba chữ đơn giản nhất, gọi thẳng là Hồ Trung Đình (đình ở giữa hồ). Mạch thiếu gia đắn đo một hồi, cảm thấy tên gọi này cũng được coi là thẳng thắn một cách thú vị, bèn chấp nhận. A Lan Nhược lấy một miếng gỗ tử đàn chưa sơn, dùng bút lông ngòi to chấm loại mực đen nước vào cũng không dễ phai, viết ba chữ “Hồ Trung Đình” lên đó rồi treo lên mái đình coi như đã làm xong biển tên. Mạch thiếu gia giật giật khóe miệng, cảm thấy tấm biển này cũng được coi là rất tự nhiên mộc mạc, cũng chấp nhận.
Khi Trầm Diệp bước vào đình, dừng bước trước cửa đình, ánh mắt dừng lại trên ba chữ như rồng bay phượng múa trên tấm biển gỗ tử đàn. Thiếu nữ mặc xiêm áo màu trắng ngồi bên trong đình đưa mắt liếc nhìn A Lan Nhược, dường như đã hiểu ý, nói vọng ra ngoài: “Ba chữ kia Văn Điềm viết cũng không được đẹp lắm, nhờ ý tốt của công chúa mà đến giờ vẫn được treo trên cửa đình, hôm nay đã khiến cho đại nhân chê cười rồi!”.
Ánh mắt của Trầm Diệp nhìn về phía nàng ấy. Dung mạo của Văn Điềm chỉ có thể nói là thanh tú, nhưng mặc bộ xiêm y trắng đứng bên trong đình, sắc nước phiêu diêu làm nền phía sau lưng, nhìn lại rất thanh tịnh hòa nhã.
Ánh mắt của Trầm Diệp đã dịu dàng hơn, khẽ nói: “Văn Điềm?”.
Thiếu nữ khẽ mỉm cười: “Đúng vậy”.
Sau đó Tô Mạch Diệp đã hỏi A Lan Nhược, khi nhìn thấy cảnh tượng ấy, trong lòng nàng cảm thấy như thế nào? Sau đó này cũng không phải sau lâu lắm. Trầm Diệp vừa vào trong đình được một lát đã được Văn Điềm mời tới bên hồ đấu một ván cờ.
Trong đình chỉ còn lại mình chàng và A Lan Nhược, một người đang ngồi bên bếp lò đun trà, một người lơ đãng bóc quýt, ánh mắt trống trải đến nỗi không biết đang nghĩ gì nữa.
Câu hỏi này của Mạch thiếu gia thực ra có chút cay nghiêt, cay nghiệt đến nỗi như chọc thẳng vào cõi lòng của người khác.
Bên hồ, vị công tử áo đen và thiếu nữ áo trắng trông vô cùng đẹp đôi. A Lan Nhược ném quả quýt đã bóc sẵn cho Mạch thiếu gia, khuôn mặt vẫn nở được một nụ cười, chỉ có điều nụ cười có phần bất đắc dĩ: “Văn Điềm là một cô gái tốt, tài năng và vốn hiểu biết cũng xứng với chàng, gia thế tuy bần hàn một chút nhưng chàng bây giờ cũng đã sa cơ, Văn Điềm kết duyên với chàng vào lúc này, đã thể hiện sự thanh cao không màng vinh hoa phú quý của nàng ấy, hôm nay con đã làm được đến bước này, nếu hai người bọn họ nên duyên, cũng coi như con đã làm được một việc thiện”.
Tô Mạch Diệp cau mày: “Những lời ngươi nói với Quất Nặc trên Linh Sơ đài hôm đó, không giống với việc ngươi làm ngày hôm nay”.
A Lan Nhược nhướng mày: “Mấy lời nói đó à, chẳng qua con chỉ muốn trêu chọc Quất Nặc mà thôi”. Ngước nhìn hai bóng người một đen một trắng đang đánh cờ bên hồ, khẽ nói: “Con người chàng, lạnh lùng kiêu ngạo, lại có ngoại hình ưa nhìn, linh lực tốt, kiếm pháp tốt, viết chữ đep, chơi cờ giỏi, sở thích hay kiến thức cũng đều rất tốt, kiểu lạnh lùng tự kiêu đó lại rất hấp dẫn người khác”.
Lại cười nói: “Sư phụ đã từng nghĩ chưa, chàng ghét con thực ra cũng không phải lỗi của chàng. Mẫu phi sau khi tái giá đã sinh ra con và Thường Đệ, đó là một hành động bất trinh, do đó con và Thường Đệ đều mang trong mình dòng máu nhơ bẩn. Chuyện này thực ra chẳng qua chỉ là một cách nhìn nhận mà thôi. Đối với vạn vật trên thế gian, mỗi người đều có cách nhìn nhận riêng, không thể nói ai sai ai đúng. Chỉ là chàng có suy nghĩ như vậy, con và chàng đương nhiên không có cơ hội gì rồi. Chàng nhìn Văn Điềm như vậy, thực ra con cũng có chút ngưỡng mộ”.
Hồi lâu, nàng nói: “Nhưng con cũng hy vọng chàng sẽ sống tốt”.
Tô Mạch Diệp đưa cho nàng một ly trà: “Chuyện tình cảm, khi vướng vào sẽ chẳng có ích lợi gì cả, may mà ngươi còn chút lý trí trong chuyện này, đã tới bước này, ngươi cũng nên sớm từ bỏ đi”.
A Lan Nhược đón lấy ly trà, cảm ơn chàng vài câu.
Chuyện này bèn được cho qua như thế, không hề được nhắc tới nữa, hai người chỉ nói chuyện phiếm, đợi cặp trai tài gái sắc ở bên kia chơi cờ xong quay trở lại.
Sau buổi gặp gỡ ở Hồ Trung Đình, nghe lão quản gia nói, Trầm Diệp và Văn Điềm đã gửi cho nhau bốn bức thư. Văn tiên sinh còn gửi kèm theo thư hai món quà nhỏ, một là con chim sẻ trắng được tết bằng cỏ, một là dây đeo quạt may mắn thêu tay, Trầm Diệp cũng tặng lại nàng ấy hai quyển sách.
Sách do Trầm Diệp chọn, sai quản gia ra chợ mua, hai quyển du ký của Thương Lãng Tử. A Lan Nhược lúc đó đang cầm trên tay một ly trà ngồi bên hồ sen cho cá ăn, không để ý bị nước trà nóng làm bỏng lưỡi, khi cảm giác bỏng rát đã dịu lại, dặn dò lão quản gia rằng từ nay về sau, chuyện của hai người đó như thế nào, không cần bẩm báo lại, chung quy Trầm Diệp đến phủ của nàng không phải để ngồi tù. Lại nói, hai quyển sách mà Trầm Diệp mua tặng cho Văn Điềm, cũng mua thêm hai quyển về cho nàng đọc.
Xét về một số phương diện nào đó, Phượng Cửu có chút khâm phục A Lan Nhược. Nhớ lại năm xưa khi nàng đau khổ về chuyện tình cảm, thi thoảng còn khóc lóc, uống rượu giải sầu, còn A Lan Nhược lại tặng không người trong mộng của mình vào tay kẻ khác, chưa nói tới chuyện khóc lóc hay uống rượu, ngay cả một tiếng than thở thừa thãi cũng không có, thường ngày cần làm việc gì vẫn làm việc đó. Phượng Cửu cảm thấy, so với nàng ấy, cảnh giới của mình rõ ràng là còn kém hơn, có phần xấu hổ.
Nhưng ý trời, không phải ngươi muốn nó như thế nào thì nó sẽ như thế ấy. Trong lúc sóng yên biển lặng không hiểu sao lại xảy ra chuyện ngoài ý muốn, đó mới là ý trời.
Ba, bốn ngày sau, trong một lần dạo chơi vào ban đêm ở Ba Tâm đình, Trầm Diệp vô tình nhìn thấy hai hàng chữ đề trên một thân cây đậu đỏ ngay bên cạnh đình. Nét chữ đã được viết từ rất lâu, khắc sâu vào thân cây, đúng là họa sắt, móc bạc, nét chữ rất giống với nét chữ trong các bức hoạ được cất trong hộp đựng sách của chàng. Mười sáu chữ xếp thành hai hàng: Nguyệt ánh thiên hà, phong quá mậu lâm, khai hoài sướng ẩm, trần ưu đốn thích[2].
[2] Mười sáu chữ đó có nghĩa là: Ánh trăng phản chiếu bầu trời sao, gió thổi qua rừng cây rậm rạp xanh tươi tốt, thoải mái uống rượu, lập tức quên hết mọi ưu phiền trên thế gian.
Phía dưới hai hàng chữ đó có một dòng lạc khoản. Chàng nhờ ánh trăng để đọc lạc khoản, sắc mặt chợt trở nên trắng bệch. Trong lạc khoản lại không đề ngày tháng, chỉ có một cái tên đứng chơ vơ đơn độc. Tương Lý A Lan Nhược.
Phượng Cửu dỏng tai nóng lòng muốn nghe đoạn tiếp theo, Tô Mạch Diệp lại gõ gõ cây tiêu màu xanh ngọc bích trên tay, cố tình úp úp mở mở: “Lúc này chân tướng sự việc đã được làm rõ, nếu ngươi là Trầm Diệp, khi biết người viết thư cho mình là A Lan Nhược chứ không phải Văn Điềm, ngươi sẽ cảm thấy như thế nào?”.
Phượng Cửu suy nghĩ một lát, thăm dò nói: “Rất... rất vui?”
Mạch thiếu gia cười nói: “Nếu là ta, ta cũng rất vui mừng, có một cô nương đối tốt với mình như vậy, còn là một trang tuyệt sắc, dù thế nào cũng là được hưởng lợi”.
Phượng Cửu như gặp được tri âm, lập tức ngồi sán lại gần thêm một chút: “Chẳng phải đúng thế sao!”.
Tô Mạch Diệp dừng lại một lát, nhưng lại nói: Đáng tiếc là người mà A Lan Nhược gặp phải là Trầm Diệp, mà Trầm Diệp lại không phải là ngươi, cũng không phải là ta”.
A Lan Nhược đón nhận cơn thịnh nộ của Trầm Diệp trong thư phòng.
Lúc đó nàng đang ngả người trên một chiếc sập thấp cắn hạt dưa và đọc quyển du ký mới ra của Thương Lăng Tử, chợt thấy một miếng vỏ cây có khắc chữ rơi xuống ngay trước mặt mình. Nhìn lên theo hướng của vỏ cây, là một chiếc áo bào màu đen và gương mặt tối sầm ẩn chứa sự giận dữ của Trầm Diệp.
Chàng đứng từ trên cao nhìn xuống, ánh mắt lạnh lùng tóe lửa: “Thư là do ngươi viết, rượu là do ngươi ủ, thế cờ cũng là do ngươi giải. Coi ta là một thứ đồ chơi, tùy ý đùa giỡn, có phải rất thú vị không?”.
Chàng tiến lại gần thêm bước nữa, ánh mắt càng nảy lửa: “Thấy ta bị ngươi lừa chóng cả mặt, còn thật lòng viết thư trả lời cho ngươi từng bức từng bức một, nghĩ đến việc sẽ có ngày ta như thế này, có phải trong lòng ngươi vô cùng vui sướng không?”.
A Lan Nhược nhìn từng hàng chữ đen trong sách hồi lâu, bỗng cất giọng nói: “Sư phụ đã nói với ta, hoặc là ta nên tranh giành, hoặc là ta nên từ bỏ. Vốn dĩ ta đã từ bỏ, huynh không nên chạy tới đây”.
Nàng suy nghĩ một lát, nói tiếp: “Có những chuyện dù huynh đã biết được, thực ra huynh cũng nên giả vờ như không biết, hai chúng ta, chẳng phải nên như hai người xa lạ giống như trước đây sao?”.
Trầm Diệp nhìn nàng, giọng nói lạnh lùng: “Trước đây chúng ta lại chỉ là hai người xa lạ ư? Lẽ nào không phải là căm ghét lẫn nhau?”.
Bàn tay đang cầm cuốn sách của A Lan Nhược run rẩy, khẽ nói: “Hoặc giả, huynh chưa từng nghĩ, ta không hề căm ghét huynh như huynh căm ghét ta, có lẽ ta còn rất thích huynh, làm những việc đó thực ra chỉ vì muốn huynh được vui”.
Nàng ngẩng đầu lên: “Huynh xem, trước khi huynh biết rằng thư là do ta viết, chẳng phải đã rất vui vẻ hay sao?”.
Chàng lùi lại một bước: “Ngươi đang đùa giỡn”.
Nàng dường như có chút rối loạn: “Nếu không phải đang đùa giỡn thì sao?”.
Thần sắc chàng cứng đờ, nói: “Giữa hai chúng ta, khả năng gì cũng có, người xa lạ, kẻ thù, kẻ tử thù, hoặc là cái khác, duy nhất chỉ không có khả năng đó”.
A Lan Nhược nhìn chàng hồi lâu, cười nói: “Lời ta nói có thể là thật, có thể là giả, có thể ta thật lòng thích huynh, có thể ta thật lòng muốn đùa giỡn với huynh”.
Nghe nói từ đó về sau, Trầm Diệp và Văn Điềm cũng không trao đổi thư từ qua lại nữa. Văn Điềm có viết thư hỏi A Lan Nhược một lần, A Lan Nhược chỉ nói đơn giản rằng Trầm Diệp đã biết rõ sự thật, cảm thấy không phải vì trước đây đã kéo nàng ấy vướng vào chuyện này. Văn Điềm không nói gì cả, chỉ gửi thư lại an ủi nàng vài câu.
Tô Mạch Diệp kể đến đó, thấy trời đã tối, tạm thời quay về nghỉ ngơi.
Phượng Cửu đã từng rất nhiều lần suy nghĩ xem A Lan Nhược và Trầm Diệp cuối cùng là như thế nào, nhưng không ngờ lại có một khởi đầu đau thương như vậy, khiến nàng cảm thấy có chút nặng nề, cũng cảm khái không nguôi. Do đó trước khi đi ngủ đã ăn thêm một chiếc bánh bao, no quá nên thấy khó ngủ, ra vườn hoa đi dạo một vòng, nhớ lại chuyện mà Tô Mạch Diệp kể lúc ban ngày, thở dài vài tiếng, phơi thêm chút sương đêm rồi mới lên giường đi ngủ.
Truyện convert hay :
Vườn Trường Trọng Sinh: Mạnh Nhất Nữ Đặc Công