Tâm Tự

Chương 27


trước sau



Hôm nay là Thất Tịch, lão Lưu bê một khay bánh nếp đi Tâm Sương cung. Năm nay thời tiết ôn hòa, mùa màng thuận lợi, Cao Triều ấm no yên ổn. Lão Lưu cũng quá già rồi, nhiều việc không thể tự mình làm, chỉ còn toàn tâm toàn ý săn sóc bệ hạ, cho tới ngày ông chết. Đường đến Tâm Sương cung yên tĩnh, vẫn là cái vắng lặng tịch mịch như mười năm nay.
Mười năm
Là mười mùa xuân
Mười đêm Thất Tịch
Còn bao nhiêu cái “mười” nữa mà lão không thể đếm hết?
Lưu Đại Vệ nhẹ nhàng đẩy cánh cửa. Tâm Sương cung không một bóng người, vẫn sạch sẽ và mới nguyên như ngày xưa. Lão bê khay bánh đi vào từ đường. Vỗn dĩ Tâm Sương không có từ đường, từ khi vị chủ nhân nơi này ra đi, từ đường mới lập nên. Gọi là “từ đường”, chẳng qua là một căn phòng kín treo một bức ảnh. Trong ảnh là mỹ nhân ngồi dưới góc mai mỉm cười. Nàng sống động cứ như chớp mắt là có thể bước khỏi bức tranh, nghiêng đầu mỉm cưới với hắn.
Lão Lưu đặt khay bánh lên bàn, đưa ống tay lau lau ít bụi bám trên khung ảnh, vừa lau vừa thầm thì:
-Nương nương, hôm nay là Thất Tịch đấy! Nô tài đem tới bánh nếp truyền thống của Cao Triều. Người ta nói rằng bánh tròn tượng trưng cho vung đầy và hạnh phúc, con cháu đầy đàn, trong ấm ngoài êm. Nương nương có nhớ không, ngày này mười năm trước bệ hạ lén lút đưa người xuất cung. Chỉ có nô tài và hai thân vệ đi theo. Bệ hạ cùng nương nương chơi pháo hoa bên bờ sông Nguyệt, xung quanh có biết bao đôi trai gái… lúc ấy nô tài nói với hai thân vệ “Lâu lắm rồi ta mới thấy hoàng thượng cười vui như thế, khi còn bé ngài cũng hiếm khi cười!” Nương nương không chịu trở về, buộc hoàng thượng phải dẫn người đi chèo thuyền ngoạn thủy. Cả đời bệ hạ từng cầm binh, từng viết sách, từng chỉ huy đội tàu nhưng mà… ngài chưa chèo thuyền hoa bao giờ. Nương nương thấy chiếc thuyền cứ xoay vòng vòng giữa hồ, mắng bệ hạ ngốc. Chúng thần ở gần đấy sợ toát mồ hôi nhưng mà bệ hạ chỉ cười, ném hai cây chèo đi, còn ôm ngài bảo rằng “Trẫm ngốc, không cần chèo nữa, ở đây ngốc với nàng!”. Đêm ấy Thất Tịch không có mưa, thời tiết mát mẻ dễ chịu. Hoa đăng trôi trên lềnh bềnh, bóng thuyền lăn tăn mặt nước, phong cảnh trữ tình… người ngủ trong lòng bệ hạ… nô tài cảm thấy “lưỡng tình tương duyệt” là đây. Hoàng thượng chỉ nhìn ngắm nương nương, nhìn trọn đêm Thất Tịch…
Lưu Đại Vệ ngừng một lát, rút tiếng thở dài nhẹ nhàng chạm lên góc váy của mỹ nhân
-Nương nương đừng giận bệ hạ tối này không đến. Thần trước khi đi cũng có dò hỏi, ngài im lặng thật lâu rồi mới nghèn nghẹn nói rằng mình không khỏe lắm… Thật ra bệ hạ không mạnh mẽ như người ta vẫn nghĩ. Ngài cũng sợ nỗi đau, muốn đến đây lắm nhưng mỗi lần trở về đều mất ngủ dài dài, sống mơ mơ màng màng. Có lẽ chỉ cố quên đi mới khiến ngài bớt đau chút ít. Nương nương ở trên trời có linh thiêng thì phù hộ cho bệ hạ khỏe mạnh, nếu người rảnh rỗi tối nay hãy về thăm một chút. Tuy hoàng thượng ít nói nhưng ai cũng biết trong lòng ngài da diết nhớ người. Nô tài không dám cầu bệ hạ sống lâu, như vậy quá tàn nhẫn, ta chỉ hy vọng tháng ngày này qua nhẹ một chút, vô tình một chút… có như vậy hoàng thượng mới không âu sầu! Nương nương, đã khuya rồi, nô tài trở về hầu thánh thượng đi nghỉ, bánh nếp này người nhớ thưởng thức, hoàng thượng cũng vừa ăn hai cái, ngài nói nếp dẻo, quế thơm, còn bảo rằng thêm ít cơm dừa cho ngọt hơn. Bệ hạ vẫn nhớ nương nương hảo đồ ngọt!
Lưu Đại Vệ không ở lại lâu, lão khép cửa từ đường, theo lối cũ trở về Thái Kiến cung, giữa đường gặp phải Lý Hàm Mi. Từ khi hoàng hậu rồi Thái hậu qua đời, Hoàng quý phi trở thành người đứng đầu hậu cung. Mười năm không hề ngắn, nàng bước vào thời trung niên cũng như tất cả phi tần khác, tuổi tác in dấu trên khóe mi nhăn mờ. Kẻ trước người sau từ từ ra đi, bây giờ hậu cung cũng không còn mấy người, tranh đấu gì đó từ lâu đã vô nghĩa. Lão Lưu theo quy cu hành lễ với nàng:

-Hoàng quý phi nương nương thiên tuế!
Lý Hàm Mi ảm đạm gật đầu
-Công công vừa đi đâu thế?
-Nô tài đem ít bánh nếp đến từ đường ạ.
Lý Hàm Mi nhìn về phía Tâm Sương cung
-Từ đường…
Nàng muốn nói gì đó rồi lại thôi, lập tức chuyển đề tài:
-Hoàng thượng gần đây rất bận sao?
-Tâu, dạo này quốc sự an nhàn, cũng không phải bận. Chỉ là ngài không thích vị sư phó họ Dương, quyết định tự mình dạy Thái tử học.
-À… nếu hôm nào Thái tử nhàm chán, gọi hắn tới chỗ bổn cung trò chuyện.
-Vâng ạ!
Lý Hàm Mi không nói gì nữa, nàng chậm rãi cất bước rời đi. Lão Lưu nhìn theo bóng lưng từ lâu đã mất đi kiêu ngạo và oai phong, thời gian là liều thuốc cực mạnh, không chỉ tẩy đi thanh xuân mà còn bào mòn tình cảm con người. Vị Hoàng quý phi này thật ra không phải kẻ xấu, ít nhất lão cảm thấy nàng thực có lòng với bệ hạ, tiếc rằng…
Lão Lưu lại thở dài, dài thườn thượt. Khi về tới Thái Kiến cung, lão nhìn thấy Ngự y ôm hòm thuốc bước ra, trong lòng sợ run một cái.
-Bệ hạ làm sao vậy?
Ngự y cúi đầu đáp
-Không có gì, hoàng thượng tự nhiên thấy choáng, gọi chúng ta đến xem một chút.
-Xem thế nào?
-Sức khỏe khá ổn, chỉ là tâm tình hơi nặng nề, cộng với thường mất ngủ nên máu lưu thông lên não không tốt, dễ bị choáng váng! Ta đã kê vài liều an thần, có lẽ sẽ giúp ít một chút.
Lão Lưu an tâm gật đầu, bước vội vào trong điện. Hòa Nghi Cảnh đắp chăn mỏng, nhắm mắt yên tĩnh. Huân hương trong phòng tỏa ra mùi nhài thoang thoảng, giống như mùi hương thường thấy ở Tâm Sương cung. Bên cạnh giường là một thiếu niên tầm mười một mười hai tuổi, cậu bé trông đáng yêu, đôi mắt to tròn chăm chú nhìn hoàng thượng, chốc chốc lại hỏi:
-Phụ hoàng, con rót nước cho người nhé?
Hòa Nghi Cảnh hé mắt, hiền từ gật đầu. Thế là đứa trẻ nhanh nhảu chạy đi.
-Thái tử, khá khuya rồi, nô tài đưa ngài trở về nhé?

Lạc Lạc đưa cốc nước cho cha, sau đó lắc đầu
-Không, ta muốn ở đây chăm phụ hoàng.
Hòa Nghi Cảnh cười cười, ngồi dậy uống hết cốc nước lại vẫy tay gọi nó. Lạc Lạc ngoan ngoãn ngồi trong lòng hắn
-Trẻ con thì phải làm gì?
Ngài cúi đầu hỏi, Lạc Lạc nhanh nhảu đáp
-Phải ăn nhiều rau, phải đọc nhiều sách, phải chăm tập thể dục còn phải… đi ngủ đúng giờ!
Hoàng thượng gật gật đầu
-Vậy Lạc nhi sao còn chưa ngủ?
Cậu bé đảo tròn mắt, lém lĩnh đáp
-Phụ hoàng còn dạy phải biết chữ Hiếu, Lạc Lạc đang hiếu thảo với người mà!
Hòa Nghi Cảnh thở dài, vẫn nhẫn nại vuốt tóc con trai
-Được rồi, trẫm biết con là ngoan nhất nhưng mà tối nay trẫm muốn ở một mình. Lạc Lạc nghe lời, ngủ sớm ngày mai sẽ được cưỡi ngựa!
Hòa Nghi Lạc do dự gật đầu, nó còn hôn bệ hạ một cái rồi mới chịu xuống giường. Lão Lưu tiễn Thái tử ra cửa, lúc trở vào thì thấy bệ hạ đã ngồi trên ghế, trước mặt là cái tráp bạc.
-Người vừa đi gặp nàng?
Lão Lưu biết rõ “nàng” kia là ai, lão cúi đầu trình bày
-Nô tài đem khay bánh nếp tới… chỉ ở một lát sau đó quay về, giữa đường có chào hỏi Hoàng quý phi nương nương.
Hòa Nghi Cảnh hình như không chú tâm nghe, hắn nhẹ nhàng mở khóa tráp gỗ, bên trong có ba vật: cây quạt, lục lạc và một mẫu gỗ. Hắn cầm mẫu gỗ ấy lên, quen thuộc ngắm nghía. Khối gỗ ấy vuông vuông, chẳng biết loại gỗ gì nhưng màu nâu xám rất đẹp, mặt gỗ có nhiều vết lõm sần sùi, giống như bị con gì gặm qua.
Lần đầu lão Lưu nhìn thấy vật này là vào mười năm trước. Sau khi Tú cơ nương nương bị thiêu trên giàn hỏa, hoàng thượng sống lại như có phép màu. Ngài không tin nổi nương nương đã mất rồi, còn chết trong ngọn lửa đau đớn tuyệt vọng. Bệ hạ phát điên, chạy tới Tâm Sương cung lục tung mọi thứ lên, muốn tìm nương nương ở từng góc nhà, từng khe tường, ngay cả gầm giường rồi chậu hoa cũng không bỏ sót. Kết quả vẫn không thấy nương nương nhưng ngài tìm ra một mẫu gỗ bên dưới gối.
Chuyện này là lão Lưu nghe kể, bởi vì lúc đó lão vẫn còn bị nhốt trong nhà củi. Sau khi được thả, lão trở về địa vị như xưa, thế nhưng hoàng thượng đã biến thành một con người khác. Nửa năm “sức khỏe giảm sút” ngài không lo chuyện triều chính, từ khi chết đi sống lại thần kỳ đã thanh tẩy một loạt triều thần, gần như thay da đổi thịt tất

cả hệ thống quan quyền. Từ tội tham ô, hối lộ, giả sổ sách, chia phe phái cho tới tội nịnh nót, dối trá, ngược đãi hạ nhân, tới lui thanh lâu,… dù là tội nhỏ nhặt cũng bị lôi ra xét xử. Người ta nói rằng hoàng thượng cố ý giả bệnh, chờ xem biểu hiện của thần tử để nhìn rõ lòng người.
Những kẻ gán tội mưu sát cho nương nương đều bị vào ngục hoặc đi đày. Thái hậu phê chuẩn lệnh hỏa thiêu cũng bị đưa tới chùa Đức Bính ăn chay niệm Phật… thật ra tất cả những gì ngài làm là để xoa dịu cơn điên cuồng này, nếu không, chẳng biết ngài có hóa thành hôn quân giết sạch cả cung điện này hay không?
Bệ hạ bây giờ hơi đáng sợ, cả Lưu Đại Vệ cũng không dám tùy tiện như xưa. Hắn từng nhìn thấy một con búp bê vải trên áo có thêu ba chữ “Lạc Bà Na”. Hoàng thượng mỗi ngày đều đâm một cây kim, khi tâm tình không tốt thì lấy kéo cắt đi cái tay cái chân, sau đó lại khâu vào… con búp bê bị chấp vá trăm mảnh nham nhở không ra hình hài nữa… Mỗi lần hoàng thượng chơi với nó ánh mắt đều đen thẫm tàn ác, lão không dám đến gần.
Hai năm sau khi Tú cơ mất là khoảng thời gian khó khăn nhất. Hoàng thượng vui giận bất thường, trên dưới nơm nớp lo sợ, kẻ phạm lỗi bị phạt nặng hơn, người có công cũng không dám xin thưởng… Tâm tình của bệ hạ ngày càng kém, mãi cho tới khi gặp được Thái tử. Chuyện con cái từ lâu đã thành vấn đề cấm kị không ai nhắc tới. Hoàng thượng không muốn sinh con với nữ nhân nào khác, gia tộc Hòa Nghi gần như đi tới đường cùng. Không ngờ vào một ngày hội xuân, bệ hạ nhìn thấy Thế tử Tam vương gia. Cậu bé gọi là Hòa Nghi Lạc, đi theo mẫu phi vào cung dự yến. Bệ hạ chỉ cần nhìn một cái rồi không cách nào rời mắt được. Lão Lưu quan sát Lạc Lạc, lập tức hiểu ra nguyên do. Nếu Tú cơ còn sống, lão nhất định nghi ngờ nàng từng vụng trộm sinh cho bệ hạ một tiểu hoàng tử. Lạc Lạc giống Hòa Nghi Cảnh, dù sao họ cũng là chú cháu. Nhưng kì lạ là thằng bé giống cả nương nương, nhất là đôi mắt trong veo không chút tạp niệm, giống, giống thật!

Hòa Nghi Cảnh muốn Lạc Lạc làm con thừa tự, phong Thái tử, di chiếu cũng viết rõ truyền ngôi cho đứa trẻ này. Tam vương gia mừng còn không kịp, lập tức đồng ý. Lão Lưu lo ngại Lạc Lạc đã mười hai tuổi, tuổi này không thích hợp để làm con nuôi nữa, rất khó thích nghi được thân phận mới, càng dễ lưu luyến tình phụ mẫu với cha mẹ ruột. Có lẽ ông trời không phụ lòng người, cảm thấy hoàng thượng cô độc quá đáng thương cho nên đem tới một thiên sứ nhỏ. Lạc Lạc là cậu bé ngoan, nó rất yêu thích bệ hạ, trừ thời gian đầu sợ sệt thì về sau dần dần mở lòng. Lạc Lạc gọi Vương gia là phụ thân, gọi bệ hạ là phụ hoàng. Đứa trẻ này được dạy dỗ tốt, biết rằng hoàng thượng thực sự rất yêu nó cho nên vô cùng hiếu thảo.
Hòa Nghi Cảnh chưa từng đắn đo xuất thân của đứa con này. Ngài mặc định nó là hài tử do nàng ấy sinh ra, có lẽ chỉ như vậy mới khiến ngài có một người níu chân, có một thứ vướng bận mà sống tiếp. Lừa bản thân mình để lờ đi nỗi đau, mười năm nay ngài vẫn luôn làm theo cách đó.
Đêm Thất Tịch này, ngay cả Lạc Lạc bệ hạ cũng đuổi về Đông Cung, có lẽ ngài không muốn ai ở cùng.
-Hoàng thượng, đêm khuya lắm rồi, người nên đi ngủ kẻo ngày mai lại bị đau đầu. Nô tài xin phép lui trước.
Lão Lưu nói cho có lệ, sau đó biết điều nhanh chóng rời đi. Thất Tịch hôm nay trời cũng chẳng mưa, ngoài thành có pháo hoa rất sáng, người có đôi có cặp thì hạnh phúc nồng nàn, kẻ chăn không gối chiếc sẽ làm cách nào vượt qua cô độc này?
Đêm ấy rồi cũng qua, sáng đúng giờ lão Lưu gọi bệ hạ thức dậy đi lên triều sớm, kinh hoàng phát hiện gối chăn lạnh ngắt. Đã rất lâu rồi không xảy ra chuyện mất tích như thế này nữa. Lão Lưu run run nói với đại cung nữ:
-Chuẩn bị y phục, đem kiệu tới Tâm Sương!
Nếu là mười năm trước, nhất định có một hàng cung nữ nơm nớp lo sợ đứng canh ngoài tẩm phòng, rồi lão Lưu dè dặt áp tai vào nghe ngóng, bên trong sẽ có tiếng thầm thì, tiếng cười nhỏ, tiếng nương nương ướt át gọi bệ hạ. Lão Lưu sẽ khó khăn ngắt ngang cảnh ngọt ngào, thông báo với ngài giờ lên triều sắp muộn. Nếu hoàng thượng lưu luyến nhất định sẽ lề mề ra chậm, cuối cùng hết cách sẽ xách cổ Lưu Đại Vệ bay lên nóc nhà. Ngự lâm quân có kinh nghiệm đầy mình chắc là không đuổi theo nữa…
Nhưng mà… đó là chuyện của mười năm, mười năm ấy qua rồi!
Tâm Sương cung vẫn thế, một vườn mai nho nhỏ, một chiếc ghế dài đặt dưới bóng cây. Trên thân sồi già có khắc chữ nguệch ngoạc “Cảnh – Thanh”. Trò này là cái trò cũ rích những đôi nhân tình thích làm, vậy mà qua tay nương nương có thể khiến bệ hạ vui đến điên đảo, còn phát rồ đem ngọc tỷ đóng lên. Từ đó cái cây tầm thường mang giá trị ngang ngửa tờ chiếu chỉ.
Dường như mỗi góc nhà, mỗi đồ vật đều mang theo kỷ niệm, lão Lưu là kẻ ngoài cuộc, nhìn vào còn thấy chua xót, bệ hạ sao có thể chịu nổi? Lão không cho phép cung nhân tiến vào, chỉ một mình đi tới tẩm phòng. Hoàng thượng còn đang ngủ, nhiều đêm trăn trở khiến bây giờ ngài ngủ thật sâu, nửa mặt vùi vào gối, chiếc gối sau mười năm không còn lưu lại chút mùi hương nào nữa. Tóc dài hơi rối, lão Lưu buồn bã nhìn nửa đen nửa trắng tố cáo sự tàn nhẫn của thời gian. Hóa ra hoàng thượng đã già rồi!
Khung cảnh trong phòng thật ấm áp, nắng mờ chiếu qua cửa sổ, dạ vào tấm màn xanh lam. Bệ hạ dù ngủ say nhưng tâm mi còn nhíu lại, ngài gặp mộng. Lão Lưu to gan kề sát, cố nghe rõ những âm thanh khàn khàn tiếng nọ dính tiếng kia
-Thanh nhi… nàng đừng đi… đừng rời bỏ ta… trẫm đau quá…
Lão Lưu không kìm được nước mắt, lặng lẽ ngồi xổm trước giường không dám quấy rầy giây phút họ ở bên nhau. Giấc mộng ấy chắc không có gì đẹp vì bệ hạ thở ngày một nặng, tiếng thở này làm lão Lưu nhớ tới mấy năm trước lúc ngài ngã quỵ giữa buổi chầu, làm quần thần hoảng hốt một phen. Lưu Đại Vệ sợ hãi buộc phải lay ngài tỉnh, hắn không dám chắc bệnh cũ có phải đang tái phát không…
Hòa Nghi Cảnh bị đánh thức, mắt mở ra vẫn còn dấu vết tang thương. Hắn nhìn lão Lưu mà như nhìn xuyên qua, lát sau mới có tiêu cự, khàn giọng nói:
-Ngươi đi ra ngoài, khép cửa lại một lúc…
Lão Lưu thấy bệ hạ không có vẻ đang bệnh mới yên tâm lui ra. Lão đứng ở ngoài cửa, cúi đầu thấy nước mắt của mình nhỏ xuống sàn nhà. Nếu có thể, lão muốn mình khóc thật to, khóc giùm tiếng nức nở kìm nén ở phía sau cánh cửa…



trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện