Thẩm Thanh ngồi bó gối trên giường, đầu nghiêng qua nghiêng lại nhìn Đồ Tử bận rộn. Quần áo của Nhan Nghiêm được gấp gọn gàng, đặt trong rương gỗ. Bộ tách trà hắn thường dùng cũng đóng vào hộp. Thêm mấy cuốn sách và bút lông. Chiếc áo choàng da hổ bị lôi ra khỏi tủ, xếp sẵn trên bàn. Áo này nghe nói là hoàng thượng ban thưởng cho Thái tử, Thái tử lại tặng Nhan Nghiêm. Kì trân dị bảo trong cung xưa nay chẳng hiếm lạ nhưng bất cứ ai trông thấy tấm áo này cũng phải xuýt xoa một hơi. Người có hiểu biết sẽ nói được tên gọi của nó: Áng Nguyệt.
Ở Hậu Yến không có giống hổ trắng, chỉ có cánh rừng Đại Ngàn thuộc Mạc Sở mới xuất hiện loài này. Bạch hổ được xưng tụng là vua trong các chúa tể sơn lâm, bản tính cuồng bạo, trí tuệ thông minh, không phải tay thợ săn nào cũng đối phó được. Để làm ra Áng Nguyệt, ít nhất con vật này cũng vạm vỡ đến mấy trăm cân. Lớp lông hoàn mỹ không lẫn chút tạp màu, những vằn đen sắc nét, hung như mực. Nhất định tổ tông nhà nó là giống thuần chủng, chưa từng giao phối với loài hổ khác. Thủ pháp gia công trên chiếc áo cũng rất đáng chú ý. Chỉ có con tằm ăn lá dâu mọc ở độ cao hai nghìn thước mới nhả ra thứ tơ bền chắc nhất. Tơ se thành chỉ, được các nhà giả kim tráng lên lớp bạc mỏng đặc biệt, khiến sợi chỉ dù mảnh cũng có thể treo được hai quả tạ. Cuối cùng họ dùng phương pháp bí truyền của tộc người Dị Hủ phương Bắc, đó là may ẩn đường chỉ, ngoài ánh trăng thì không có cách nào khiến bạc phát sáng, cái tên Áng Nguyệt cũng từ đó mà ra.
Vì sao Áng Nguyệt nằm trong tay Nhan gia, cái này phải kể tới hoàng đế Nhan Dực đời thứ ba. Tương truyền ông đã đem đại công chúa gả đi Mạc Sở, sính lễ chỉ đòi một chiếc áo. Bởi vậy Hậu Yến mới lưu truyền bài thơ:
“Sướng làm công chúa đương triều
Cái giá chẳng đáng bao nhiêu
Em trai bán chị hai đồng thiếu
Nữ nhân như áo chứ chẳng nhiều!”
Có lẽ đây là vụ hòa thân ô nhục nhất lịch sử Hậu Yến. Vị công chúa kia chẳng biết đã đắc tội gì với vua mà bị đối đãi như vậy, không chỉ gả cho Mạc đế già xấu mà còn ở thân phận tiểu thiếp thấp kém.
Nhiều thế hệ nối tiếp, cuối cùng Áng Nguyệt vô tình rơi vào tay Nhan Nghiêm. Bản thân hắn cảm thấy áo da hổ hay da chó đều như nhau cả, mặc vào vẫn làm người là tốt rồi! Cái áo có lai lịch oanh oanh liệt liệt nhưng chịu ấm ức vùi trong tủ rất nhiều năm. May là Đồ Tử không có tí kiến thức thuận tay lôi nó ra, chuyến này để điện hạ đem theo tránh gió!
Thẩm Thanh vẫn ôm chân nhìn nhìn. Nàng phát hiện đồ vật tư trang của Nhan Nghiêm bị dọn đi hết, không nén được tò mò hỏi Đồ Tử:
-Chúng ta sắp chuyển nhà à?
-Không, sáng mai điện hạ phải đi Tri Châu cùng Thái tử, nô tài chuẩn bị hành lý cho ngài!
Thẩm Thanh nghiêng đầu suy nghĩ. Nàng nhảy xuống giường, tìm được một cái túi vải, bỏ Đậu Đậu vào trong, đeo túi lên vai.
Hành lý = Đậu Đậu
Thanh nhi + Đậu Đậu = Thanh nhi + Hành lý = sẵn sàng lên đường!
-Ơ… tôn tức đại nhân, ngài làm gì vậy?
-Ta chuẩn bị xong rồi, xuất phát thôi!
Nhan Nghiêm bước vào phòng, vừa khéo nghe được đoạn đối thoại này. Hắn tóm được cô nhóc ở ngay cửa, ôm nàng trở về giường.
-Thanh nhi muốn đi đâu?
-Muội đi với Tiểu Nghiêm, muội đã chuẩn bị xong cả rồi!
Nàng cứ như sợ người khác tranh công, mở cái túi đựng Đậu Đậu cho hắn xem. Nhan Nghiêm nén cười hỏi:
-Chỉ có ngần này thôi? Những thứ quan trọng khác đâu?
Thẩm Thanh cắn căn môi, đáng thương bảo:
-Tiểu Nghiêm to quá, muội không nhét vào túi được!
Đáy lòng ai đó mềm nhũn như băng tan nhưng hắn vẫn cố trêu nàng:
-Thì ra địa vị của ta chỉ bằng với Đậu Đậu!
Thẩm Thanh vô cùng khó xử, giống như giữa nghĩa và tình không biết chọn bên nào. Nhan Nghiêm dịu