Cũng không giống kế hoạch, ngày thứ hai kể từ khi Đường Lâm đến Sóc Châu, nàng cùng Thịnh Dục trở lại. Hai người chậm trễ mấy ngày. Mặc dù Đường Lâm hoàn toàn không để ý đến đủ kiểu ân cần của Phó Tử Khanh, Thịnh Dục đã sớm hung ác cắn răng, đợi đến khi các trưởng bối đồng ý liền mang theo Đường Lâm rời đi, về đến Vĩnh Châu đã là mười hai tháng Giêng.
Vốn cho rằng về đến nhà là có thể tạm thời bình an vô sự, lại không nghĩ rằng ngay đêm Đường Lâm về nhà thì đã bị Dục Linh Lung cấm túc trong phòng để suy nghĩ.
Thịnh Dục mãi mới biết thì ra dì Linh Lung không đồng ý cho Đường Lâm chạy đến Sóc Châu tìm cô, cô nàng lại trốn mọi người lén rời khỏi nhà. Nghe được chân tướng, cô bị doạ không nhẹ. Cũng may em ấy một đường bình an vô sự. Nghĩ đến em ấy liều lĩnh vì mình, Thịnh Dục không khỏi sinh lòng áy náy, tự trách không thôi. Dì Linh Lung xưa nay nói nói một là một, nghĩ đến em ấy cuối năm phải chịu hình phạt như vậy, cô nhịn không được mắng mình trăm ngàn lần.
Đương nhiên sự thật cũng không giống như tưởng tượng của cô.
Dục Linh Lung dù cực kỳ tức giận cô con gái bảo bối không chịu nghe lời khuyên của mình, tự ý rời nhà đi, nhưng chung quy bà cũng là người từng trải. Trước mặt chữ tình thì mấy ai có thể tỉnh táo mà kiềm chế chứ. Chỉ là đứa nhỏ xúc động này lại không biết việc mình bỏ đi một mạch mang lại bao nhiêu phiền phức lớn. Đường Quyết thấy con gái không nói lời nào rời nhà đi Sóc Châu rất nghi ngờ, làm bà phí bao nhiêu tâm tư mới có thể bao biện được sự việc này. Phu quân từ trước đến nay thương con gái như mạng, biện pháp tốt nhất chính là đánh đòn phủ đầu cấm túc con gái. Thứ nhất có thể cho con bé một bài học, thứ hai có thể dời lực chú ý của ông. Quả nhiên, khi nghe tin con bị cấm túc, Đường Quyết hoàn toàn quên bất mãn trước đó, một lòng một dạ cầu tình vì con gái.
Cứ như vậy, thẳng đến ngày mười lăm Đường Lâm mới được bỏ cấm túc. Tuy là bị phạt nhưng tâm trạng mấy ngày ấy của nàng vô cùng thoải mái. Mẹ dụng tâm như thế nào nàng đều rất hiểu, nàng rất vui mừng vì sự giúp đỡ của bà. Điều khiến nàng hạnh phúc hơn cả chính là Thịnh Dục vì sợ nàng cô đơn nên mỗi ngày đều thay đổi biện pháp chuồn đến phòng nàng, thậm chí ngủ lại trong đêm.
Tất cả những thứ này không khỏi gợi lại ký ức ngày bé. Dục nhi từ nhỏ đã ngoan ngoãn chững chạc, cực kỳ ít làm việc sai nhưng lại bị phạt không ít. Chị ấy luôn một mực dung túng nàng tuỳ hứng, mỗi lần nàng làm sai, chị ấy liền chịu hết toàn bộ tội lỗi. Chỉ là mẹ làm sao có thể vì chị ấy che chở nàng mà bỏ qua cho nàng chứ. Thật ra hình phạt của mẹ cũng không có đáng sợ như vậy, mặc dù Thịnh Dục bị cấm túc nhưng chị ấy luôn mang theo đồ ăn vặt nàng thích, có khi mang theo một quyển sách sau đó ngồi cạnh nàng, đọc từng tờ từng tờ cho nàng nghe.
Âm thanh của chị ấy cũng giống như con người vậy, luôn vững vàng không nhanh không chậm, ngẫu nhiên thấy chỗ thú vị thì không nhịn được cười ra tiếng, chọc cho nàng hiếu kỳ hỏi. Có khi chị ấy cũng sẽ giở trò xấu thừa nước đục thả câu, cho dù nàng sốt ruột cỡ nào cũng không nói. Khi đó nàng liền tung đòn sát thủ thọt lét chị ấy, chọt cho đến khi chị ấy chủ động cầu xin tha thứ cũng không bỏ qua. Thế là việc bị phạt trở thành niềm vui, thời gian không thú vị hầu như nhanh chóng trôi qua trong tiếng cười đùa vui vẻ.
Đã bao lâu hai người không có thời gian thân mật như vậy? Là bởi vì mình trưởng thành hiểu chuyện không phạm sai lầm nữa? Hay là vì chị ấy bắt đầu bận rộn học tập quản lý công việc trong nhà?
Cần gì phải tự dối gạt bản thân nữa chứ. Hai người không thể trở về thuở ban đầu không cố kỵ gì nữa. Không phải vì phần cấm kỵ giữa hai người, cũng không phải nàng không hiểu sự xoắn xuýt trong lòng chị ấy. Chính là vì hiểu rõ nỗi sợ của chị ấy bắt đầu từ tình yêu dành cho mình, vì vậy nàng không thể buông tay.
Không muốn mất đi người này, cho dù đây là con đường không có lối về thì nàng cũng muốn nắm tay người ấy đi đến cùng.
***
Biển đèn Vĩnh Châu nổi tiếng khắp thiên hạ, đợi khi mặt trời xuống núi, mỗi nhà cho dù sỹ tộc hay bình dân cũng sẽ treo các loại hoa đăng trước cửa ngoài và cửa sổ. Bên trên con sông cũng sẽ thả đầy thuỷ đăng, xa xa nhìn đến tựa như dòng Ngân Hà chốn nhân gian.
Mỹ cảnh tráng lệ những năm qua thuỷ chung không cách nào gợi dậy lòng hào hứng của Đường Lâm.
Tuy thuở nhỏ cùng Dục nhi lớn lên, đã từng tay trong tay cầm theo hoa đăng nhỏ sóng vai đi trên đường cái náo nhiệt kia, nhưng mà ký ức tuổi thơ cũng đã sớm mơ hồ không rõ. Mãi đến khi nàng hiểu được ý nghĩa ngày Nguyên tiêu đối với cặp tình nhân không thua ngày Thất tịch thì hai người cũng đã không còn vượt qua ngày này cùng nhau nữa.
Hằng năm cứ đến lúc này, Thịnh Dục phải đi Sóc Châu chúc Tết các trưởng bối, cùng người nhà đón giao thừa, ít thì hơn mười ngày, lâu thì một tháng, lại tính quãng đường đi lại giữa hai vùng cũng không ngắn nên việc chị ấy về kịp ngày mười lăm để ở cùng nàng tại Vĩnh Châu là bất khả thi.
Vì người theo nàng ngắm đèn không phải người kia nên ngày hội náo nhiệt khiến nàng cảm thấy cô đơn, biển đèn phồn hoa làm nàng chướng mắt.
Nhưng năm nay lại khác. Nghĩ đến đây, nàng không khỏi nhướng mày vui mừng.
Lúc sớm dùng bữa, sau khi được mẫu thân đồng ý, Đường Lâm gấp đến mức không thể chờ được kéo Thịnh Dục ra cửa.
Không khí trên đường cái náo nhiệt vô cùng, khắp nơi tràn ngập bầu khí tiết khánh, tiếng nhạc ca múa không ngừng, thỉnh thoảng có xe hoa đi qua khiến người đi đường dừng chân lại ngắm.
Đường Lâm nhìn trong đám người thỉnh thoảng có những cặp tình nhân, nàng không tự giác nghiên đầu một chút nhìn người bên cạnh. Đột nhiên nàng buông lỏng ngón trỏ đang nắm chặt, trở ngón tay đan vào kẽ hở lòng bàn tay người kia.
Thịnh Dục trong lòng sửng sốt, trong nháy mắt tất cả cảm quan đều tụ tập tại lòng bàn tay, xúc giác cùng nhiệt độ quen thuộc chẳng hiển sao lại khiến cô có chút khẩn trương. Có lẽ vì khẩn trương, tay cô không tự chủ dùng lực nhiều hơn, đầu ngón tay khẽ run, có thể cảm thấy mạch đập đang nhảy lên.
Không dám quay đầu lại, sợ lòng mình bị lộ, ánh mắt Thịnh Dục hướng về đám người, cố giả bộ trấn định. "Nhiều người, em nắm chặt một